Thứ sáu, 29/03/2024 21:09 (GMT+7)

Khai thác cát, hãy dừng lại trước khi quá muộn! Kỳ 1: Ai bảo kê cho “cát tặc” miền Tây?

MTĐT -  Thứ năm, 10/08/2017 14:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khai thác cát, “cát tặc” đang trở thành nỗi quan ngại lớn nhất của hơn một triệu cư dân ở vựa lúa miền Tây, bởi “hà bá” luôn chực chờ nuốt chửng nhà cửa, đất đai, sinh kế của dân nghèo. Từng tỉnh đua nhau múc cát triệt để, càng nhiều càng tốt, bất chấp hậu quả và phản ứng của cộng đồng.

Việc cấp phép tràn lan, bất cập, kiểm tra, quản lý kém hiệu quả dẫn đến nhiều sai phạm gây bức xúc trong dư luận người dân. Cơ quan chức năng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cố tình lờ đi những cảnh báo khoa học của chuyên gia và xem người dân là “trở ngại”, gây khó khăn cho việc cấp phép khai thác cát.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, có bảo kê và bóng dáng xã hội đen đứng sau “cát tặc”. Bởi thực tế, việc trộm cát, sai phạm trong hoạt động khai thác cát diễn ra nhan nhản giữa ban ngày nhưng cơ quan chức năng luôn kêu khó phát hiện. “Cát tặc” bị bắt, thậm chí hung hãn tấn công người dân khi bị phát hiện thì vẫn được thả, xử phạt “nhẹ hều”, để rồi lại mang ghe đi trộm tiếp. Chủ mỏ cát khi bị dân phản ứng thì mượn oai Bí thư, Chủ tịch tỉnh ra để “khè” dân, không được nữa thì đem cả “xã hội đen” đe dọa tính mạng người dân ngăn chặn khai thác cát.

Vô tâm, tắc trách hay bảo kê?

Từ nhiều tháng nay, hàng trăm hộ dân sống ven hai bên nhánh trái sông Hậu thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh giáp với xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết, tình trạng cấp phép khai thác cát trên nhánh sông này đã gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Nhất là vườn tược, hoa màu, nhà cửa của người dân có thể bị “hà bá” nuốt chửng bất cứ lúc nào.

Theo giấy phép khai thác khoáng sản số 121 do Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang ký ngày 15-1-2016, về việc cho HTX khai thác cát Tân Bình Minh được phép khai thác cát tại khu vực mỏ Mỹ Hòa – Phú Thành trong thời hạn sáu năm, trữ lượng khai thác 600.000m3. Kèm theo quyết định này cũng quy định về số lượng phương tiện khai thác gồm hai xáng cạp và một ghe bơm hút.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế của chúng tôi, nhánh sông này chỉ rộng chừng hơn 200m. Dọc bờ sông thuộc xã Mỹ Hòa, những vườn bưởi Năm Roi đặc sản nằm san sát bờ sông đang bị sạt lở nghiêm trọng. Một căn nhà tường nhỏ nằm sát bờ sông đã bị đổ sụp hoàn toàn. Những cây dừa cũng ngã nằm ngay trên mặt nước. Đáng nói hơn, một biển báo về độ sâu của lòng sông được cắm trên bờ đất cao nay cũng nhảy ùm xuống sông, nghiêng ngả.

Anh Phạm Ngọc Tâm, ngụ xã Mỹ Hòa, có hai công đất trồng bưởi Năm Roi đang cho thu hoạch nằm ven bờ sông Hậu này cho biết, năm nào cũng phải thuê Ko-be (xáng cẩu) gia cố, dùng cọc đóng phía ngoài để hạn chế sạt lở nhưng vẫn không tránh khỏi.

Còn cạnh khu đất của anh Tâm là ao cá rộng 4.000m2 của ông Lê Văn Lời, bỗng dưng bị “sạt” cả đoạn đê bao nên lâm vào phá sản, bế tắc. “Bây giờ bỏ ao luôn rồi, đâu còn nuôi trồng gì được nữa. Mình gia cố, đắp đê thì bên dưới họ lấy cát, hỏng chân thì đất trên bờ sạt lở xuống. Cá nuôi theo “hà bá” ra sông hết”, ông Lời nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long quả quyết rằng khu vực bờ sông nơi cấp phép khai thác cát mỏ Mỹ Hòa – Phú Thành không có sạt lở. “Báo cáo số 28, ngày 8-5-2017, của Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh thì đánh giá là không có sạt lở. Còn người dân thì nói có sạt lở nhưng mà khái niệm về sạt lở họ không nắm rõ. Cái sạt lở bình thường nó khác, còn cái sạt lở do xoáy lở thành hố sâu rồi nó thành vách bờ đứng thì nó gây sạt lở. Thành ra, Đoàn đánh giá là không phải, nếu đánh giá là sạt lở nó phải hư, hẩm, rớt từng mảng xuống. Cái bãi này nó lài, sóng tàu thì nó cũng gây nên sạt lở bình thường(?!)”, ông Đấu giải thích.

Trong khi đó, câu chuyện “bảo kê” cho khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp từng xảy ra nhiều năm trước đã khiến nhiều cán bộ trong Ban Thường vụ Huyện ủy Hồng Ngự bị khởi tố, đi tù và mất chức.

Thời gian qua, người dân ở khu vực cồn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, bức xúc hơn khi Công ty CP Xây lắp và VLXD Đồng Tháp (Giấy phép số 1471/GP-UBND ngày 31-12-2015 do UBND tỉnh Đồng Tháp cấp) thuê mướn sáu xáng cạp đến khai thác, hoạt động từ sáng sớm đến chiều tối. “Xáng cạp quăng gào cạp thẳng lên phần đất, cát nổi khỏi mặt nước của cồn, dù cỏ mọc xanh um. Cả cái đuôi cồn dài hơn 300m bị xáng “bứng” hết rồi, giờ họ khoét cả đuôi cồn ăn sâu vô như hàm ếch. Còn những xáng khác cũng hoạt động khai thác gần bờ gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Bà con bức xúc, gặp lãnh đạo xã phản ánh việc khai thác cát như vậy thì chẳng mấy năm, cồn Thường Thới Tiền sẽ biến mất và sạt lở bờ sông, mấy ông xã lắc đầu, lắc tay, nói cái này của “mấy ổng”, xã đâu dám nói gì. Phải chăng có chuyện “bảo kê” cho chủ mỏ mặc tình khai thác theo ý muốn?”, nhiều người dân nêu bức xúc.

Khi chúng tôi đem những hình ảnh, phim đã quay được việc xáng cạp “ăn” cồn làm việc với ông Trịnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hồng Ngự, ông Thảo cho rằng vừa mới cùng đoàn đi kiểm tra hoạt động khai thác cát ở khu vực Cồn Thường Thới Tiền nhưng không hề phát hiện sai phạm gì.

“Khi đi kiểm tra, ông có thấy đuôi cồn Thường Thới Tiền bị khoét vô như hàm ếch khổng lồ không và ông có tìm hiểu nguyên nhân gây sạt lở, hàm ếch đó do đâu mà có không?”, chúng tôi gặng hỏi. “Tôi có thấy hàm ếch đó nhưng không quan tâm, cũng không tìm hiểu nguyên nhân là gì. Cái đó chắc phải hỏi lại chính quyền địa phương mới biết”, ông Thảo trả lời một cách hết sức vô tâm và tắc trách.

Dùng “xã hội đen” đe dọa dân ngăn khai thác cát?

Nỗi lo lắng của người dân sống hai bên bờ sông Hậu ở xã Mỹ Hòa và Phú Thành càng lớn hơn bởi vừa phải chống “cát tặc” vừa phải đấu tranh với việc cấp phép khai thác cát cho HTX khai thác cát Tân Bình Minh ở khu vực này.

Tình trạng “cát tặc” ngang nhiên, lộng hành hút trộm cát như chốn không người. Bởi thế, sau khi xin ý kiến chính quyền địa phương, người dân hai xã Mỹ Hòa và Phú Thành đã tập hợp phương tiện, xuồng máy, vỏ lãi thay phiên nhau túc trực tuần tra, ngăn cặn nạn trộm cát.

Khoảng 23 giờ đêm 2-6, phát hiện có hai ghe bơm hút cát trộm trên sông, nhiều người dân đã dùng xuồng máy, vỏ lãi bao vây. Một trong hai chiếc ghe trộm cát rút ống bỏ chạy, nhưng chiếc còn lại vẫn ngang nhiên hút cát và còn rồ ga máy để ghe chạy vòng quanh, tạo nên sóng lớn nhấn chìm xuồng máy của người dân.

Thấy vậy, hai anh Nguyễn Văn Mẫm và Phạm Ngọc Tâm đã cho xuồng áp sát ghe hút trộm cát và leo lên ghe để yêu cầu họ tắt máy. “Chúng tôi vừa lên ghe thì nghe chủ ghe ra lệnh “đánh chết mẹ tụi nó cho tao”. Dứt tiếng là mấy tên trên ghe tay cầm tuýp sắt, leng, mỏ lết tấn công chúng tôi, vỡ đầu, tay chân, mình mẩy sưng tấy hết, phải nằm viện cả tuần”, anh Phạm Ngọc Tâm kể rõ.

Tuy nhiên, cả phương tiện là ghe máy bơm hút trộm cát và các đối tượng đánh người gây thương tích lại được Công an xã Phú Thành trả tự do ngay sau đó.

Ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, chủ ghe hút trộm cát là Lê Văn Ngon, ngụ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, đã bị xử phạt vi phạm hành chính ba triệu đồng với hành vi trộm cát, còn chuyện xem xét, xử lý hình sự sẽ tính sau.

Tuy nhiên, chỉ mười ngày sau, người dân lại phát hiện Lê Văn Ngon mang ghe đến khu vực xã Phú Thành trộm cát và đã báo cho Công an xã. “Khi công an xã Phú Thành đến nơi yêu cầu Ngon tắt máy, dừng hoạt động trộm cát nhưng ông này vẫn cố tình chống trả. Công an xã phải nổ sung mới khống chế được “cát tặc” hung hãn này. Phải chăng có sự “bảo kê” hay thế lực nào đứng sau mà tên Ngon lại ngang nhiên trộm cát hết lần này đến lần khác mà vẫn không bị xử lý?”, nhiều người dân địa phương bức xúc.

Cũng tại khu vực mỏ cát Mỹ Hòa - Phú Thành này, khi ra mặt ngăn cản hoạt động khai thác cát của HTX khai thác cát Tân Bình Minh để chờ UBND tỉnh Vĩnh Long giải quyết đơn khiếu nại, nhiều người dân đã bị đe dọa tính mạng.

Anh Phạm Ngọc Tâm cho biết, khi HTX khai thác cát Tân Bình Minh đưa xáng cạp vào khai thác, nhiều người dân đã chạy xuồng máy, vỏ lãi ra ngăn cản. Lúc tiếp cận với xáng cạp, bà con “chạm trán” với hơn 40 người đàn ông lạ mặt, mặt mày bậm trợn, xăm trổ. “Những người này dàn ra đứng thành hàng bên ngoài, bên trong cabin còn một số người nữa. Họ điểm mặt từng người trong xóm, nói vanh vách lý lịch, nhà cửa, nhà có bao nhiêu người và tỏ ý đe dọa người dân”, anh Tâm nói.

Còn ông Bùi Văn Triều bị cho là người “đứng đầu” trong chuyện ngăn cản hoạt động khai thác cát của HTX khai thác cát Tân Bình Minh nên được “ưu ái” với cái giá 200 triệu đồng sẽ “mua” đứt tính mạng của ông. “Họ nói, họ nắm rõ về tôi, nhà cửa, con cái vợ con tôi hết rồi. Chỉ cần tốn 100 triệu - 200 triệu đồng là cái mạng tôi không còn”, ông Triều lo lắng.

Mượn “oai” Bí thư, Chủ tịch tỉnh để “khè” dân

Trong những ngày chúng tôi đi điều tra thực tế, thu thập tư liệu về sai phạm trong hoạt động khai thác cát ở đồng bằng sông Cửu Long, đã ghi nhận rất nhiều phản ánh của người dân. Trong đó, việc các chủ mỏ cát khi bị người dân phản ứng đều mượn “oai” Bí Thư, Chủ tịch tỉnh ra để “khè” dân.

Ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thừa nhận, tình trạng này có thật. “Tôi mới chỉ đạo Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh mời doanh nghiệp lên làm việc, chấn chỉnh. Ông chủ mỏ này đi rêu rao khắp nơi là quen thân với Chủ tịch tỉnh, làm cho người dân nghĩ rằng tôi ưu ái ông ta rồi làm bậy. Nói thật, tôi còn chưa biết mặt ông này là ai nữa mà lại đi phát ngôn kiểu đó”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thẳng thắn.


Theo Báo Nhân dân

Kỳ 2: Đua nhau “tận diệt” cát sông

Bạn đang đọc bài viết Khai thác cát, hãy dừng lại trước khi quá muộn! Kỳ 1: Ai bảo kê cho “cát tặc” miền Tây?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới