Thứ sáu, 29/03/2024 19:47 (GMT+7)

Hưng Yên: Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản và phương án bảo vệ

PHAN NGÂN -  Thứ tư, 15/08/2018 06:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước diễn biến phức tạp của hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-UBND về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản

Hưng Yên là tỉnh có khoáng sản hạn chế về chủng loại. Tiềm năng khoáng sản tỉnh Hưng Yên đang được điều tra, đánh giá và đưa vào Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản để chế biến vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Hưng Yên đến hết năm 2020.

Khoáng sản chủ yếu là nguồn cát trên sông Hồng, sông Luộc với trữ lượng khoảng 83,5 triệu mét khối đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng của tỉnh. Đất sét sản xuất gạch ngói nung phân bố trên diện rộng của tỉnh với trữ lượng khoảng 138 triệu mét khối. Nước khoáng thiên nhiên tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm đang được khai thác sử dụng. Nước nóng tại Tống Trân, huyện Phù Cừ đang được điều tra, đánh giá. Than nâu thuộc bể than Đồng bằng Sông Hồng có trữ lượng lớn, khoảng trên 30 tỷ tấn, đang được điều tra và đánh giá tiềm năng trữ lượng. 

Với tiềm năng khoáng sản như trên, vừa qua, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-UBND về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tính tới thời điểm 01/7/2017, tình hình cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh như sau:

UBND tỉnh đã cấp 23 Giấy phép thăm dò khoáng sản: 11 Giấy phép thăm dò cát và 12 Giấy phép thăm dò đất sét sản xuất gạch ngói. Trong đó chỉ còn 01 khu vực đang còn hiệu lực thăm dò là khu vực thăm dò đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch tynel tại xã Tống Trân, huyện Phù Cừ); có 4 khu vực cấp phép thăm dò, đã phê duyệt trữ lượng đang làm thủ tục cấp phép khai thác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 01 Giấy phép thăm dò khoáng sản (than nâu).

 Quản lý nhà nước về khoáng sản

Trước diễn biến về hoạt động khoáng sản, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên đã có những chủ trương, chính sách và các biện pháp cụ thể chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý về khoáng sản, đặc biệt là cát lòng sông.

UBND tỉnh Hưng Yên đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khoáng sản, giao các Sở, Ngành chức năng liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi trái phép trên địa bàn.

Hằng năm, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tập huấn tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về Luật Khoáng sản cho cán bộ cấp huyện, xã và các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời tổng hợp, công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh; lãnh đạo UBND, trưởng Công an các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường để nhân dân kịp thời phản ánh.

Theo đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cần tiến hành các hoạt động như: Công khai quy hoạch khai thác khoáng sản, vùng cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, buôn bán, sử dụng khoáng sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên khoáng sản…

Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh nhất là đối với khoáng sản đất làm nguyên liệu sản xuất gạch ngói, san lấp, cát làm vật liệu xây dựng...

Tính từ năm 2014 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã xử phạt trên 2.300 trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, phạt tiền trên 4,1 tỷ đồng và bắt giữ 64 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt trên 1,5 tỷ đồng; kiểm tra, xử phạt trên 30 bến bãi vi phạm các quy định về giao thông đường thủy nội địa, phạt tiền trên 110 triệu đồng.

Tính riêng từ năm 2017 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện bắt giữ 26 trường hợp khai thác cát trái phép, xử phạt 924 triệu đồng, tịch thu 11 đầu máy nổ, 6 sên hút và hàng chục mét ống cao su; bàn giao Công an tỉnh Hà Nam 2 trường hợp để xử lý theo quy định; đồng thời đang xác minh, đề xuất xử lý 2 trường hợp.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã kiểm tra tất cả 10 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, xử phạt 02 doanh nghiệp số tiên 200 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép 02 tháng; xử phạt 01 doanh nghiệp khai thác đất số tiền 47,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép 04 tháng.

Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, chủ yếu thực hiện vào ban đêm, giờ cao điểm, hoặc ở những khu vực giáp ranh giữa hai địa phương,...) Bên cạnh đó, chế tài truy cứu trách nhiệm hình sự trong khai thác khoáng sản trái phép còn gặp khó khăn; trong khi các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên điều chỉnh, bổ sung gây ra bất cập trong thực hiện.

UBND tỉnh Hưng Yên tiếp tục đưa ra phương án, giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu văn bản chỉ đạo các ngành chức năng; UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu các sở, ngành và địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Bạn đang đọc bài viết Hưng Yên: Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản và phương án bảo vệ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới