Thứ sáu, 29/03/2024 05:26 (GMT+7)

Đi Cồn Cỏ nghe kể chuyện bảo tồn thiên nhiên

Văn Thanh -  Thứ hai, 16/09/2019 08:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các cá nhân, các tổ chức nghiên cứu, đánh giá thì Cồn Cỏ nằm trong khu vực biển có hệ tài nguyên đa dạng và phong phú, hội tụ của các loài hải sản Bắc và Nam Vịnh Bắc Bộ.

Tàu tuần tra, kiểm soát mang số hiệu VN 77472-KN của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ xuất phát từ bến cảng Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đưa chúng tôi xuôi dòng Hiếu Giang trong xanh đến Cửa Việt và từ đây con tàu vượt sóng trực chỉ hướng đảo xanh Cồn Cỏ thân yêu giữa trùng khơi.

Đảo Cồn Cỏ có diện tích 2,3 km2, cách Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) khoảng 17 hải lý. Cồn Cỏ nằm án ngữ cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc bộ nên được ví như "mắt thần" hay "vọng gác tiền tiêu". Ngoài tên Cồn Cỏ, người dân địa phương còn gọi hòn đảo tiền tiêu này bằng nhiều tên khác như: Hòn Cỏ, Con Hổ hay Hòn Mệ. 

Hòa cùng tiếng gió vi vu, tiếng sóng vỗ ào ạt mạn thuyền là những chuyện về việc bảo tồn biển được anh Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ kể rất rôm rả, hào sảng. Từ chuyện con cá cơm, cá mú, ghẹ đỏ, ốc tù và, cá hồng, cá dìa… chúng sinh sản lúc nào, vào mùa khai thác độ tháng mấy. Rồi chuyện hành trình sự sống ngang dọc của rùa biển giữa muôn trùng sóng nước nhưng sau mấy mươi năm những con rùa cái trưởng thành chúng tìm lại bãi cát khi nó sinh ra để đẻ trứng. Những rạn san hô mỗi năm phát triển độ chừng mấy centimet… Những câu chuyện khiến người nghe tưởng chừng như giản đơn, nhưng thực tế nó vô cùng gian khó đối với những người làm công tác bảo tồn trên biển. 

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đang giới thiệu về sự đa dạng các loài cá ở đảo

Theo các cá nhân, các tổ chức nghiên cứu, đánh giá thì Cồn Cỏ nằm trong khu vực biển có hệ tài nguyên đa dạng và phong phú, hội tụ của các loài hải sản Bắc và Nam Vịnh Bắc Bộ. Tại đây đã thống kê được khoảng 224 loài cá biển khơi trong tổng số khoảng 960 loài cá phân bố ở vùng Vịnh Bắc Bộ. Có 49 loài có giá trị kinh tế cao. Trong tổng số loài tại ngư trường Cồn Cỏ, hầu hết thuộc các loài cá nhiệt đới biển nông, một số ít thuộc loài cá xa bờ và không có loài cá nước lợ. 56 loài rong biển, 46 loài động vật đáy, 20 loài giáp xác, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài động vật phù du, và các loài quí hiếm như cá heo, 1 loài vích, 1 loài quản đồng và 1 loài rùa da. Đặc biệt, Cồn Cỏ còn là ngư trường phân bố của một số loài hải sản quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng, có tên trong sách đỏ Việt Nam như loài hải sâm mít, cầu gai đá nhum đỏ, loài cá đuối, cá nàng đào đỏ, cá cháo biển, cá mú sọc trắng, cá mú vân sáng, mực nang vân hổ, tôm hùm đá, ốc đụn...

Ngoài độ phong phú về những loài thủy, hải sản quý thì Cồn Cỏ đã xác định được 113 loài san hô cứng thuộc 44 giống và 15 họ, phân bố xung quanh cả bốn mặt của đảo. Có nhiều loài san hô quý, hiếm như san hô đen, san hô đỏ, san hô sừng, san hô cành, san hô tấm… Riêng loài san hô đỏ ở Cồn Cỏ là loài lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam.

Tất cả các loài rạn san hô có tầm rất quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản được anh Nguyễn Văn Hòa ví rằng: “Chúng giống như những rừng mưa nhiệt đới ở biển. Mỗi năm san hô chỉ dài thêm hai centimet. Một rạn san hô là nhà của hàng trăm loài cá trong một phạm vi rất nhỏ và nơi cung cấp nguồn thực phẩm an toàn của hàng triệu người, nên việc bảo vệ nghiêm ngặt là điều hết sức cần thiết trong và ngoài khu bảo tồn biển”.

Mải miết chuyện nghề, chuyện biển bỗng nhiên anh dừng lại, đôi mắt đăm đắm nhìn sâu thẳm như muốn nhắn gửi một thông điệp rút ruột gì đó về với biển, hẳn nhiên là những điều ước thật tốt đẹp!

Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ được thành lập cho đến nay cũng đã mười năm. Ngần ấy thời gian theo anh Hòa cũng chỉ là phương tiện để đo đếm thôi, chứ đối với những người làm công tác bảo tồn biển thì hiệu quả và đem lại lợi ích cho cuộc sống con người từ nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái điển hình khác mới là điều đáng quí. Anh dẫn chứng hàng loạt công việc của Ban đã làm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong việc khai thác tận diệt của ngư dân và săn bắt những loài thủy hải sản có nguy cơ tuyệt chủng trên vùng biển Cồn Cỏ.

Hàng năm, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo đã tổ chức phối hợp với Phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Thủy sản và Đồn Biên phòng Cồn Cỏ thực hiện hoạt động tuần tra, giám sát và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong Khu bảo tồn với tần suất hai đến ba lần một ngày. Tịch thu nhiều dụng cụ như: ống hơi lặn, súng bắn tên dưới nước tự chế... Ngăn chặn, tuyên truyền và nhắc nhở một số du khách chấm dứt hành vi săn bắt cá bằng súng tự chế trong khu bảo tồn. Ngăn chặn 216 tàu thuyền tiếp cận hoạt động trái phép xung quanh khu bảo tồn biển. Phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện nghiên cứu hải sản Hải Phòng tiến hành lặn kiểm tra rạn san hô, thảm rong, cỏ biển và nền đáy biển. Kết quả lặn kiểm tra, giám sát tại bến Tranh, hiện tượng “tẩy trắng” san hô do đơn vị này phát hiện bởi sự cố môi trường biển phục hồi đến chín mươi phần trăm. Rạn san hô, rong, cỏ biển, các loài hải sản sống ở rạn tại các khu vực còn lại phát triển khỏe mạnh và phong phú. Đặc biệt tại khu vực từ Bến Tranh, Bến Nghè hệ ốc phát triển rất mạnh, trứng ốc và ốc con bám vào hệ rong cỏ biển với khối lượng lớn; khu vực bến Hà Đông có hệ rong nho, rong mơ phát triển mạnh; khu vực bến Đá Đen có các loài san hô mềm phát triển ở độ sâu trên mười mét.

Lớp tập huấn công tác tuyên truyền bảo tồn biển đảo Cồn cỏ và bảo tồn rùa biển Quảng Trị

Được sự hợp tác, tài trợ của tổ chức IUCN tại Việt Nam, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đã phân công cán bộ chuyên trách định kỳ những ngày cuối tuần về các xã bãi ngang ven biển để phối hợp với tình nguyện viên tiến hành khảo sát dấu vết rùa biển lên bãi đẻ, tập huấn cho bà con ngư dân về “Công tác bảo tồn, bảo vệ và cứu hộ rùa biển”... kịp thời cứu hộ và thả năm mươi cá thể rùa bị mắc lưới của ngư dân, rùa vào bờ đẻ trứng, rùa bị săn bắt trái phép về với biển an toàn.

Thu thập, phân loại và xây dựng tủ mẩu vật trưng bày các loài động, thực vật biển quý hiếm, đặc trưng của đảo Cồn Cỏ với 100 bộ mẩu vật tươi như: tôm hùm, cá mú, ghẹ sao, ghẹ đỏ, ốc tù và, cá hồng, cua đồi, cá chim, cá dìa, cua đá… bảo quản bằng hoá chất ngâm trong chậu kính. Các tiêu bản thuộc bộ ốc và hai mảnh vỏ gồm: ốc hương, ốc vú nàng, ốc đụn, ốc mặt trăng, ốc nón, ốc gai, ốc sứ, điệp… và một số loài san hô. Đặc biệt là việc xây dựng mô hình bảo vệ cua đá, một loài hải sản mang thương hiệu riêng có của Cồn Cỏ.

Chuyện con cua đá ở Cồn Cỏ đã được đọc và nghe về chúng nhiều điều rất thú vị. Nhưng hiện nay nguy cơ suy kiệt quả là một hồi chuông đáng báo động với loài đặc sản này. Bởi thời gian trước cua đá được đánh bắt tự do, bừa bãi nên những năm trở lại đây số lượng gần như cạn kiệt. Lượng du khách đến Cồn Cỏ ngày càng tăng và họ kháo với nhau rằng, đi Cồn Cỏ mà chưa ăn cua đá thì xem như chưa đến. Mặc dù hiện nay đã có quy chế cấm săn bắt, mua bán nhưng trong thực tế tình trạng lén lút khai thác của người dân và lực lượng công nhân ra đảo thi công các công trình ngày càng đông đã gây áp lực lớn lên đặc sản này.

Anh Trương Hữu Thư, một thành viên của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo chia sẻ: “Cua đá Cồn Cỏ đang bị suy giảm nghiêm trọng về số lượng và kích thước. Nhìn từ bài học thực tế ở đảo Cù Lao Chàm, từ chỗ đánh bắt tự do, số lượng suy kiệt, giá thành không cao... nhưng giờ đây người dân trên đảo Cù Lao Chàm đã trực tiếp hưởng lợi từ việc khai thác cua đá bền vững. Họ xây dựng lịch khai thác, kích cỡ, số lượng cho mỗi đợt đánh bắt để cua đá có thời gian sinh sản phục hồi, duy trì số lượng và trở thành mặt hàng thương phẩm giá trị cao, lâu dài. Họ giám sát nhau để triệt tiêu ý nghĩ mình không bắt thì người khác bắt mà không cần phải chi trả phí cho cơ quan giám sát nào. Qua đó cho thấy đảo Cồn Cỏ hoàn toàn đủ điều kiện để áp dụng, cải biến mô hình đồng quản lý, khai thác cua đá như Cù Lao Chàm. Song hiện nay khi chưa có một mô hình, quy trình hoàn chỉnh, trước mắt cần lắm sự hợp tác tự nguyện của người dân, công nhân, cán bộ, chiến sỹ công tác ở đảo nếu tình cờ gặp cua đá hãy để cho nó một cơ hội trốn thoát và hiểu rằng không phải để cho người khác bắt mà là để cho công tác khai thác hiệu quả và bền vững”.

Có trực tiếp chứng kiến công việc của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ thì mới thấy hết được sự khó khăn, vất vả. Ba phòng hạng nhà cấp bốn được Ủy ban nhân dân huyện đảo bố trí cho mượn làm việc. Chừng ấy diện tích cũng là nơi ăn, nghỉ và dành một góc cho những bao hóa chất độc hại phục công tác chưng cất, bảo quản các loài động, thực vật biển quý hiếm làm tiêu bản trưng bày. Hiện nay, Ban Quản lý với lực lượng rất mỏng với bảy biên chế. Ngoài những cơ sở vật chất phục vụ cho chuyên môn thì con tàu có công suất 72CV là phương tiện cho tất cả các công việc trên biển nên rất khó khăn trong hoạt động tuần tra vùng biển khi sóng to, gió lớn. Nhiều lần nhận được thông tin vi phạm của tàu ngư dân các tỉnh bạn khai thác trái phép vào ban đêm trong khu bảo tồn nhưng do tàu nhỏ không thể đẩy đuổi, vây bắt được. “Giá như Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ được trang bị con tàu có công suất lớn, cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ hơn thì có lẽ hiệu quả công việc được nhân lên gấp nhiều lần”, anh Hòa tâm sự.

Anh Hòa cũng đã chỉ ra lợi ích trong việc thành lập và quản lý Khu bảo tồn biển bởi nó là “ngôi nhà” cư trú, ẩn nấp và sinh sản cho những loài bị khai thác mạnh, bị đe dọa và có nguy cơ diệt vong. Nơi bảo vệ đa dạng di truyền của những quần thể bị khai thác nhiều, làm tăng hiệu quả sinh sản của các loài và tự phục hồi, tái tạo nguồn hải sản tự nhiên trong phạm vi khu bảo tồn. Khu bảo tồn biển còn là trung tâm phát tán ấu trùng, con non và con trưởng thành của sinh vật biển trong khoảng cách từ 1 - 1.000 km nhờ các dòng hải lưu và bổ sung vào các quần đàn của các vùng biển xung quanh làm cho sản lượng thủy sản ở các khu vực lân cận tăng lên. Duy trì được trữ lượng và ổn định nguồn lợi thủy sản không bị sụt giảm. Bảo vệ các hệ sinh thái và các loài thủy sản tạo ra sự hấp dẫn đối với du khách, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái cho địa phương. Nói cách khác, quản lý hiệu quả khu bảo tồn biển chính là giữ cho ngành du lịch biển và nghề cá địa phương được bền vững.

Trước khi rời đảo, trong bữa cơm tối tại nhà nghỉ theo kiểu homestay do anh Phong, một trong những thanh niên xung phong lứa đầu tiên ra đảo điều hành. Biết chúng tôi lần đầu ra đảo anh hỏi: “Mấy hôm nay ở đảo các anh có thấy khác gì ở đất liền?” Khi chúng tôi chưa kịp phân minh thì anh tiếp lời: “Cách đây vài năm, những nhu cầu thiết yếu cho sinh hoạt hằng ngày của bà con nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo gặp nhiều khó khăn, nhưng bây giờ được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền của tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nên cuộc sống ở đây cũng đã tạm ổn hơn so với trước”.

Thật vậy! Bây giờ trên đảo có nước ngọt, điện, đường, trường, trạm, nhà thi đấu thể thao, nhà văn hóa thanh niên, sân bóng đá… những phương tiện truyền thông, Internet… cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Vòng quanh đảo được gia cố đê kè bê tông chống sóng biển xói lở tạo nên con đường uốn lượn ven bờ đủ để cho du khách tha hồ thả bộ dạo chơi và ngâm mình trong làn nước mát ở các bãi biển còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo. Thưởng thức những món ngon ẩm thực đặc sản và ngụp lặn, đắm mình trong làn nước trong xanh tận đáy biển chiêm ngưỡng những rạn san hô đủ sắc màu riêng có của vùng biển Cồn Cỏ thì thật tuyệt.

Bạn đang đọc bài viết Đi Cồn Cỏ nghe kể chuyện bảo tồn thiên nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.