Thứ ba, 19/03/2024 17:30 (GMT+7)

Dự án cầu Dinh (Nghệ An): Lấy đất “bát nháo” thi công công trình?

MTĐT -  Thứ hai, 13/04/2020 09:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự án cầu Dinh thuộc “Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2”, Ban quản lý dự án 6 đã “làm ngơ” để cho nhà thầu sử dụng đất san lấp trôi nổi thực hiện dự án nói trên.

Theo phản ánh của người dân đội 13, xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp), khoảng cuối tháng 3/2020, họ thấy xe cộ, máy xúc kéo đến khu vực đồi đất trồng keo nằm sát QL48E rồi đào đất đem đến đổ san lấp chân mố cầu Dinh thi công cách đó khoảng vài trăm mét.

Sau khi nhóm người này khai thác được vài ngày, người dân đã phản ánh tình trạng khai thác đất trái phép nói trên với Sở TN&MT tỉnh Nghệ An. Ngày 26/3/2020, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An đã ra văn bản số 1373/STNMT-KS về việc kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gửi Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp.

Văn bản chỉ đạo của Sở TN&MT Nghệ An đối với việc khai thác đất trái phép tại xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp)

Nội dung văn bản nêu trên đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan và UBND xã Nghĩa Xuân khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung phản ánh và có biện pháp xử lý, chấm dứt tình trạng khai thác trái phép nêu trên. Kiên quyết xử lý người đứng đầu Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, cá nhân liên quan nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã diễn ra trong thời gian dài, không xử lý dứt điểm.

Hàng vạn mét khối đất tại đội 13, xã Nghĩa Xuân đã bị đào đi san lấp cầu Dinh

Văn bản nêu trên cũng đề nghị UBND huyện Quỳ Hợp phải báo cáo UBND tỉnh Nghệ An, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An kết quả kiểm tra, xử lý trước ngày 31/3/2020. Tuy nhiên, đến ngày 10/4/2020, UBND huyện Quỳ Hợp vẫn chưa tiến hành báo cáo việc xử lý với Sở TN&MT tỉnh Nghệ An lẫn UBND tỉnh này.

Được biết, sau khi có văn bản nêu trên, các đối tượng khai thác đất trái phép tại đội 13, xã Nghĩa Xuân đã ngừng hoạt động. Tuy nhiên, khối lượng đất bị khai thác tại khu vực này đã khá nhiều với diện tích bị đào bới rộng khoảng 500m2, khối lượng ước lên đến hàng chục nghìn mét khối.

Xe tải nườm nượp chở đất từ xóm 11, xã Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Đàn) về san lấp dự án cầu Dinh trưa này 10/4/2020

Cũng theo phản ánh của người dân, sau khi “mất” nguồn đất tại xã Nghĩa Xuân, để có nguồn đất phục vụ công trình san lấp chân mố cầu Dinh thì nhà thầu là Công ty CP cầu 7 Thăng Long lại thuê những người địa phương tại xã Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Đàn) đi khai thác đất trái phép tại xóm 11 của xã này.

Theo đó, liên tiếp các ngày 28/3 và 02, 03/4/2020 nhóm người khai thác đất trái phép để phục vụ san lấp dự án cầu Dinh lại tiếp tục thực hiện việc khai thác tại khu vực đồi đất ở xóm 11, xã Nghĩa Hưng. Trong thời gian này, phòng TN&MT huyện Nghĩa Đàn có tiến hành kiểm tra theo phản ánh của người dân nhưng việc khai thác trái phép nêu trên không hiểu vì sao các cơ quan chức năng ở xã Nghĩa Hưng và huyện Nghĩa Đàn lại không tiến hành bắt giữ, đình chỉ và xử lý theo thẩm quyền.

Việc khai thác đất trái phép cũng không được chính quyền xử lý

Chính việc xử lý không quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền mà đến ngày 10/4/2020 nhóm người khai thác đất trái phép lại tiến hành đưa 1 máy múc và nhiều ô tô vào một khu vực đồi đất khác cũng tại xóm 11, xã Nghĩa Hưng để khai thác rồi vận chuyển đến san lấp tại dự án cầu Dinh.

Khoảng 11h, ngày 10/4, PV có mặt tại công trường này ghi nhận các xe tải mang BKS 37C-09409; 37C-17777… đang chở đất từ khu mỏ về đổ tại chân mố cầu phía Tây cây cầu này. Ghi nhận tại hiện trường khu vực san lấp, do phải đi “trộm” đất từ nhiều địa chỉ khác nhau nên mẫu đất san lấp có đầy đủ chủng loại với màu sắc khác nhau, có xen lẫn cả những hòn đá to tướng nhưng vẫn được nhà thầu để mặc lu lèn. Khối lượng đất san lấp tại hai bên mố cầu phía Đông và phía Tây đã lên đến hàng chục nghìn mét khối.

Nguồn đất trái phép trôi nổi được nhà thầu lấy khắp nơi đến san lấp cho dự án thi công cầu Dinh

Theo những công nhân có mặt tại khu nhà được dự án thuê để nấu nướng, sinh hoạt hàng ngày thì được biết Chỉ huy trưởng công trình này tên Huy, thế nhưng người đàn ông này đã “trốn” trong nhà không chịu làm việc khi PV liên hệ để tìm hiểu thông tin về các nội dung liên quan đến dự án nêu trên.

Theo khẳng định của Phòng Khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Nghệ An) thì dự án thi công cầu Dinh thuộc QL48E, nối hai xã Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Đàn) và xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp) không hề liên hệ hay gửi văn bản xin khảo sát địa điểm, xin cấp phép khai thác đất san lấp để phục vụ cho dự án nêu trên. Nếu có khai thác đất trên địa bàn để phục vụ san lấp dự án cầu Dinh như phản ánh thì là trái phép, “trôi nổi”.

Theo tìm hiểu của PV, “Dự án tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia giai đoạn II sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản (cụ thể là Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA). Riêng dự án cầu Dinh tại Nghệ An là 1 trong số 81 cầu yếu trên địa bàn 25 tỉnh, thành phố trên cả nước nằm trong giai đoạn 2 của dự án tín dụng này.

Sở TN&MT tỉnh Nghệ An không hề hay biết việc dự án thi công cầu Dinh lấy hàng vạn khối đất thi công dự án nêu trên?

Dự án cầu Dinh do Bộ GTVT làm chủ đầu tư; đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 6; Tư vấn thiết kế là Công ty CP Tư vấn thiết kế và Xây dựng giao thông 4; Tư vấn giám sát là Liên danh KEI – OCG – TEDI; Nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần cầu 7 Thăng Long.

Có thể nói, một dự án với nguồn vốn vay ODA, chủ đầu tư là Bộ GTVT và tư vấn giám sát cũng như nhà thầu thi công đều là những đơn vị lớn nhưng lại dám ngang nhiên “qua mặt” Sở TN&MT, UBND tỉnh Nghệ An để lấy đất lung tung, trôi nổi đã gây bức xúc lớn trong dư luận.

Qua sự việc nêu trên ai dám tin tưởng vào chất lượng của công trình này? Đó là chưa kể đến việc nhà thầu thi công đã có dấu hiệu “trốn” thuế tài nguyên, phí môi trường và các loại thuế, phí khác liên quan đến khoáng sản đất san lấp phục vụ cho dự án nêu trên.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Theo báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Dự án cầu Dinh (Nghệ An): Lấy đất “bát nháo” thi công công trình?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Quảng Nam khai thác và phát huy lợi thế từ đa dạng sinh học
Năm 2021, Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là địa phương đầu tiên thực hiện Đề án Thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Năm 2024, Quảng Nam tiếp tục là địa phương đầu tiên được chọn đăng cai các hoạt động về đa dạng sinh học.
Thẩm định kế hoạch sử dụng đất tỉnh Thái Nguyên
Ngày 14/3, tại trụ sở Bộ TN&MT, Hội đồng thẩm định kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, kế hoạch sử dụng đất an ninh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã tổ chức thẩm định kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 -2025) của tỉnh Thái Nguyên.

Tin mới

Quảng Ninh tăng cường kiểm soát khống chế bệnh dại
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương khẩn trương tập trung nhân lực, vật lực để kiểm soát khống chế bệnh dại trên địa bàn, đặc biệt việc thành lập tổ xử lý chó thả rông, chó chưa tiêm phòng vắc xin, xử lý chủ nuôi nếu cố tình không chấp hành các qu
Nữ lao công 30 năm gắn bó với nghề
30 năm qua, nữ lao công Hà Thị Nga - công nhân Công ty Quản lý công trình đô thị tỉnh Bắc Giang luôn tận tâm, gắn bó với nghề để hoàn thành tốt công việc. Chồng mất sớm, một mình chị tảo tần nuôi con khôn lớn.
Bài thơ: Im lặng để mất nhau
Anh im lặng , em cũng sẽ lặng im////Dù con tim hình bóng anh khuất lấp///Niềm nhớ thương dành cho anh duy nhất///Cũng im lìm chẳng nhắn gọi anh đâu...