Thứ tư, 17/04/2024 05:57 (GMT+7)

Biển cả không phải là nguồn tài nguyên vô tận

MTĐT -  Thứ ba, 11/06/2019 15:37 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo. Thế nhưng, do sự “bạc đãi” của con người, hiện nay, biển đảo đã và đang bị xâm hại nặng nề

Với trên 3.260km đường bờ biển và trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán rộng hơn 1 triệu km2 Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo. Thế nhưng, do sự “bạc đãi” của con người, hiện nay, biển đảo đã và đang bị xâm hại nặng nề.

Biển cả là nơi làm sạch rẻ tiền và lý tưởng?

Trên vùng biển Việt Nam đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Ngoài ra, còn có khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau. Trong đó, dầu khí là tài nguyên lớn nhất, có tầm chiến lược quan trọng. Nước ta hiện có 28 tỉnh, thành phố ven biển (12 huyện đảo), chiếm 42% diện tích đất liền với khoảng 40 triệu dân sinh sống. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm 2018, sản lượng khai thác thủy sản của cả nước đạt 3,59 triệu tấn, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng nền kinh tế quốc dân.

Theo Trung tướng Ngô Quý Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, từ xa xưa cho đến nay, con người tiếp nhận biển cả như một món quà tặng của thiên nhiên mà không cần phải thực hiện nghĩa vụ nào. Mọi người cho rằng tài nguyên biển cả là mênh mông, là vô hạn. Biển cả là nơi làm sạch rẻ tiền và lý tưởng. Cho đến khi phải gánh chịu những hậu quả do chính con người gây ra, nhận thức đó mới thay đổi. Hiện nay, vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia đang đứng trước nhiều thách thức. Nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển bị ô nhiễm đến mức báo động, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Ninh Thuận giúp ngư dân đưa thuyền vào nơi tránh trú bão. Ảnh: Hồ Phúc.

Nguy cơ từ đất liền và ý thức của con người

Theo Trung tướng Ngô Quý Đức, khối lượng chất ô nhiễm ném vào biển cả tăng từng giờ, từng phút. Và chỉ mới 50 năm gần đây, con người đã ném xuống biển số lượng rác khổng lồ bằng cả 20 thế kỷ trước đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố ô nhiễm môi trường biển như: Do biến đổi khí hậu; có nguồn gốc từ đất liền; do hoạt động của tàu thuyền; do các hoạt động nhấn chìm và hoạt động ở đáy biển..., trong đó, nặng nề nhất là sự ô nhiễm có nguồn gốc từ đất liền và ý thức của con người.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến nay, cả nước có 283 khu công nghiệp đang hoạt động với hơn 550.000m3 nước thải/ngày, đêm. Trong số 615 cụm công nghiệp, chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. Đây là một trong những yếu tố đặc biệt nguy hiểm đối với môi trường... Cùng với đó, rác thải nhựa đang trở thành thảm họa của toàn cầu.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, mỗi năm, con người xả 10 triệu tấn rác ra biển, biến đại dương thành bãi rác khổng lồ. Chỉ riêng trong năm 2010, có đến 275 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở 192 quốc gia ven biển. Theo kết quả đánh giá của Cơ quan Bảo vệ đại dương Mỹ, có hơn một nửa số rác thải nhựa đến từ các quốc gia châu Á, trong đó, dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, tiếp đến là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka.

Môi trường bị tàn phá, trả giá sẽ vô kể

Thạc sỹ Trần Phong, Cục Bảo vệ môi trường miền Nam, Tổng cục Môi trường khẳng định: Tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái biển, ven biển nước ta đã và đang trong tình trạng đối mặt với suy thoái do ô nhiễm môi trường, khai thác hải sản huy diệt, đô thị hóa, sử dụng thiếu quy hoạch bãi triều, nuôi trồng thủy sản ồ ạt, ô xít hóa đại dương... Và theo ông Trần Phong, môi trường bị tàn phá, trả giá sẽ vô kể.

Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, khoảng 39% đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích đồng bằng sông Hồng, 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và 20% diện tích thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập nước. Biến đổi khí hậu đang làm cho môi trường tự nhiên bị tàn phá, nhiệt độ tăng, hạn hán và lụt lội ngày càng trầm trọng, mực nước biển dâng và tăng tần suất bão.

Điều đó đã đe dọa trực tiếp tới an ninh lương thực, sinh kế và cuộc sống của hàng triệu người dân. Không chỉ vậy, ô nhiễm môi trường còn làm ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự, đặc biệt là các đơn vị trực tiếp hoạt động trên biển đảo như Hải quân, Cảnh sát Biển, Biên phòng...

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2018, thiên tai làm 221 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng. Năm 2017, Biển Đông có tới 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới, trong đó, 7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Thiên tai làm 325 người chết, 61 người mất tích. Tổng thiệt hại vật chất xấp xỉ 60.000 tỷ đồng, nhiều nhất trong 5 năm qua.

Con người đang phải trả giá bởi hành động “bạc đãi” thiên nhiên của chính mình. Và việc bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục sự cố môi trường biển, hải đảo đang trở thành vấn đề cấp bách.

Theo báo Biên phòng

Bạn đang đọc bài viết Biển cả không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Quảng Trị sắp đấu giá 10 mỏ khoáng sản
Trong 10 mỏ khoáng sản tỉnh Quảng Trị đưa ra đấu giá lần này, có 9 mỏ đất và 1 mỏ cát, sỏi. Hiện có 17 công ty đủ điều kiện tham gia đấu giá đối với các mỏ khoáng sản trên.

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.