Thứ bảy, 20/04/2024 18:48 (GMT+7)

Tin tức trong ngày dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 23/3/2020

MTĐT -  Thứ hai, 23/03/2020 21:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/3/2020, cập nhật tin tức nóng nhất, mới nhất dịch Covid-19 ngày 23/3 do Môi trường và Đô thị Việt Nam tổng hợp.

Cập nhật lúc 21h00 ngày 23-03-2020:

Thế giới 341.632 người mắc, 14.749 người tử vong, trong đó:

- Italy: 59.138 người mắc; 5.476 người tử vong.

- Hoa Kỳ: 35.070 người mắc; 458 người tử vong.

- 191 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc: 260.539 người mắc; 11.479 người tử vong.

Việt Nam: 123 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

01 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Bác sĩ đầu tiên bị lây nhiễm chéo tại Việt Nam

Một bác sĩ ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương được xác định dương tính nCoV, là nhân viên y tế đầu tiên ở Việt Nam bị lây nhiễm chéo.

Bác sĩ này là một trong 3 ca dương tính được Bộ Y tế xác nhận sáng nay, đưa số bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam lên 116.

Bác sĩ được ghi nhận "bệnh nhân 116", nam, 29 tuổi, làm việc tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 ở Đông Anh, Hà Nội. Bác sĩ tham gia chống dịch từ ngày 31/1 với các công việc: Khám sàng lọc các bệnh nhân nghi nhiễm đến bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và cấp cứu một số bệnh nhân nặng.

Trong quá trình làm việc, bác sĩ được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Sau giờ làm việc, bác sĩ nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện.

Ngày 19/3, nam bác sĩ xuất hiện triệu chứng đau rát họng. Ngày 20/3, anh có thêm triệu chứng ho, đau mỏi cơ, sốt. Hôm sau, bác sĩ tự cách ly tại khu vực đệm của khoa Cấp cứu, kết quả xét nghiệm tại bệnh viện dương tính với nCoV, mẫu bệnh phẩm gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Các nhân viên y tế cùng làm việc với nam bác sĩ đã được đưa vào diện giám sát sức khỏe. Xét nghiệm lần đầu ngày 21/3, tất cả nhân viên này âm tính với nCoV. Hiện tại bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, tình trạng sức khỏe ổn định.

Cập nhật dịch Covid-19: Số người tử vong toàn cầu tăng lên 14.611

Theo trang thống kê dữ liệu Worldometers, trong 24 giờ qua, số người tử vong do Covid-19 trên toàn cầu tăng lên 14.611 ca và hơn 335.511 ca mắc.

Hầu hết các ca tử vong trên thế giới tập trung ở châu Âu. Italy là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới lên tới 5.476 ca. Hiện đã có 192 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc Covid-19.

Italy: Số người chết giảm nhẹ

Cơ quan Phòng vệ Dân sự Italy hôm 22/3 cho biết nước này xuất hiện 5.560 ca nhiễm Covid-19 mới, khiến tổng số ca tăng 10,4% lên 59.138, trong đó 7.024 người đã bình phục.

Số người chết vì Covid-19 tăng 651 ca, tức 13,4%, lên 5.476. Trước đó một ngày, Italy ghi nhận thêm 793 ca tử vong, mức tăng kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát.

Tỷ lệ tử vong ở Italy khoảng 9,2%, cao gấp đôi trung bình toàn cầu. Dân số già và bệnh viện quá tải là hai trong số các nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở nước này đặc biệt cao.

Viện Y tế Quốc gia (ISS) cho biết độ tuổi trung bình của người tử vong là 78,5, với nạn nhân trẻ nhất 31 tuổi và già nhất 103 tuổi. Khoảng 41% số người chết ở nhóm tuổi 80-89 trong khi nhóm tuổi 70-79 chiếm 35%.

Italy đã có nhiều biện pháp mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn Covid-19 như ban lệnh cấm đi lại trong nước từ tối 22/3. Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza và Bộ trưởng Nội vụ Luciana Lamorgese đề nghị người dân không di chuyển từ khu vực này tới khu vực khác nếu không cần thiết.

Quân đội Italy cũng triển khai binh sĩ hỗ trợ thực thi lệnh phong tỏa tại vùng Lombardy. Các chuyên gia y tế Trung Quốc được cử đến Italy giúp đối phó Covid-19 cho rằng tình hình hiện nay ở nước này tương tự Vũ Hán, nơi dịch khởi phát cách đây hai tháng, nhưng các biện pháp phong tỏa của chính quyền Italy chưa đủ quyết liệt.

Tây Ban Nha cũng ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục tính theo ngày, với 375 trường hợp mới, nâng tổng số ca tử vong vì dịch Covid-19 tại quốc gia này lên con số 1.756 người.

Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng xác nhận 28.603 ca mắc Covid-19, nhiều thứ hai châu Âu. Chính phủ Tây Ban Nha đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày từ 14/3, trong đó có biện pháp cấm người dân rời khỏi nhà trừ các trường hợp bất khả kháng.

Tại Pháp, các con số cũng đang ở mức báo động. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.559 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và thêm 112 trường hợp tử vong. Như vậy đến thời điểm hiện tại, Pháp đã có 16.018 ca nhiễm và 674 ca tử vong. Thượng viện Pháp ngày 22/3 đã "bật đèn xanh" cho luật chống dịch Covid-19, theo đó Paris sẽ thiết lập tình trạng y tế khẩn cấp trong thời gian 2 tháng.

Đức xác nhận 2.488 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 24.852 trường hợp, trong đó có 94 trường hợp tử vong, tăng thêm 10 ca so với một ngày trước đó.

Anh cũng chứng kiến số ca tử vong vì Covid-19 tăng mạnh, với 48 ca mới, nâng tổng số người thiệt mạng tới thời điểm này lên 281. Trong khi số ca mắc bệnh cũng ghi nhận thêm 665 và tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 là 5.683. Tại Anh đang xuất hiện lo ngại trở thành một "Italy thứ hai" về số ca tử vong do Covid-19 trong những ngày tới. Chính phủ Anh đã thông báo một số biện pháp phong tỏa có giới hạn để đối phó với dịch bệnh.

Mỹ: số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ 3 thế giới

Tính tới đầu giờ chiều 22/03 (theo giờ Mỹ) tổng số ca nhiễm SARS-CoV2 ở Mỹ đã tăng lên hơn 32.000, nhiều thứ 3 thế giới.

Số người nhiễm SARS-CoV2 ở Mỹ đã tăng lên hơn 32.000 và khoảng 430 người đã tử vong. Số người nhiễm vi rút tại Mỹ tăng đột biến trong mấy ngày qua là do người dân được xét nghiệm nhiều hơn tại cả các trung tâm y tế địa phương và các phòng xét nghiệm trên cả nước.

Khoảng một nửa số ca nhiễm SARS-CoV2 ở Mỹ được ghi nhận tại bang New York, nhiều hơn thậm chí cả Pháp hoặc Hàn Quốc. New York đã có 114 người tử vong và ít nhất 61.000 người đã được xét nghiệm Covid-19.

New York hiện đang chuẩn bị biến một số tòa nhà thành bệnh viện tạm thời và kêu gọi Chính phủ cung cấp thêm các thiết bị bảo hộ y tế do tình hình thiếu hụt hiện nay cho các y, bác sỹ ở bệnh viện. 

Tại châu Á, Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc đại lục với 21.638 ca nhiễm và 1.685 ca tử vong. Đây cũng là một trong những nước có tỷ lệ tử vong cao với 7,7%, một phần nguyên nhân do hệ thống y tế đang hứng chịu nhiều ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt. Lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei nhấn mạnh Iran có đủ năng lực chống Covid-19 và sẽ chiến thắng dịch bệnh. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố Washington sẵn sàng hỗ trợ Tehran dập dịch với điều kiện Tehran phải "đưa ra yêu cầu chính thức".

Tại Trung Quốc, ghi nhận ca nhiễm virus corona nội địa đầu tiên trong 4 ngày. Giới chức y tế Trung Quốc sáng 23/3 cho hay có 46 ca nhiễm virus corona được báo cáo tại đại lục tính đến hết ngày 22/3, bao gồm 1 ca phát sinh trong nước - ca đầu tiên như vậy trong 4 ngày.

45 ca còn lại đều là người từ các nơi nhập cảnh Trung Quốc và con số này cũng cao hơn những ngày trước.

Ca nhiễm trong nước được ghi nhận tại thành phố Quảng Châu, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Đông ở phía nam Trung Quốc. Tỉnh này cũng báo cáo hai trường hợp người nhập cảnh dương tính - một từ Philippines và một từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tính đến 22/3, tổng số ca nhiễm được thống kê tại Trung Quốc đại lục là 81.054, trong đó 72.244 người đã được xuất viện.

Hàn Quốc ghi nhận số ca tử vong mới đã giảm xuống chỉ còn 1 con số. Trong 24h qua, nước này ghi nhận 98 ca mắc mới và 2 ca tử vong. Như vậy Hàn Quốc có tổng cộng 8.897 ca mắc và 104 ca tử vong tính đến thời điểm hiện tại.

Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 1.306 người nhiễm và 10 người chết. Indonesia là nước báo cáo số ca tử vong cao nhất khu vực, 48 ca trong 514 người nhiễm.

Chuyên gia WHO: Chỉ phong toả thôi là chưa đủ

Hiện ngày càng nhiều nước phong tỏa, hạn chế đi lại để cản đà lây lan của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp thuộc tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Michael Ryan cảnh báo việc chỉ ban hành lệnh phong tỏa thôi là chưa đủ.

Theo ông, nếu không đi kèm với các biện pháp tăng cường y tế cộng đồng mạnh mẽ để dập dịch, dịch có nguy cơ bùng phát trở lại khi gỡ bỏ phong tỏa.

"Điều chúng ta cần tập trung là tìm người bị bệnh, người mang virus và cách ly họ, tìm và cách ly những người tiếp xúc với họ. Nếu bây giờ chúng ta không áp dụng các biện pháp y tế cộng đồng mạnh mẽ, khi những biện pháp hạn chế đi lại và phong tỏa được gỡ bỏ, bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại ", ông Ryan phát biểu với đài BBC ngày 22-3 (giờ địa phương).

Chuyên gia này cũng chỉ ra các nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc đang kết hợp việc phong tỏa cùng với các biện pháp mạnh khác như xét nghiệm hàng loạt. Đây là hình mẫu cho các nước châu Âu, hiện đang là điểm nóng của dịch COVID-19.

"Một khi trấn áp được việc lây lan, chúng ta phải truy theo virus và chống lại nó", đại diện WHO chia sẻ.

Về vaccine ngừa COVID-19, ông Michael Ryian cho biết nhiều loại đang được phát triển nhưng chỉ mới có một loại bắt đầu thử nghiệm ở Mỹ. Dù vậy, để đảm bảo an toàn, có thể mất đến một năm nữa để đưa vào sử dụng.

Nhật Hạ (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức trong ngày dịch Covid-19 mới nhất, nóng nhất ngày 23/3/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất