Thứ năm, 18/04/2024 08:49 (GMT+7)

Tin tức sức khoẻ mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/9/2018

MTĐT -  Thứ năm, 13/09/2018 14:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức sức khoẻ mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/9/2018, cập nhật tin tức sức khoẻ nóng nhất hôm nay do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Vụ thai phụ suýt mất con vì bác sĩ nhầm: Giám đốc bệnh viện nói gì?

Tin tức trên báo Dân Việt, về vụ thai phụ suýt mất con vì bác sĩ chẩn đoán nhầm thai chết lưu xảy ra tại Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế), sáng nay (13.9), PV Dân Việt đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Vỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy.

Theo ông Vỹ, kết quả siêu âm thai nhi chỉ là yếu tố để tham khảo, việc đi đến kết luận thai lưu đối với trường hợp thai phụ Huỳnh Thị N (trú xã Vinh Phú, huyện Phú Vang) phải thực hiện theo quy trình chặt chẽ.

Ông Nguyễn Văn Vỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy (người đứng) tại buổi trao đổi với PV. Ảnh: Trần Hòe.

Ông Vỹ cho biết, sau khi có kết quả siêu âm, thai phụ N được cho nhập viện để theo dõi nhưng chị này không nhập viện. Nếu chị N nhập viện, sẽ được bác sĩ theo dõi ít nhất trong thời gian một tuần và được cho sử dụng thuốc dưỡng thai. Sau đó, nếu thai phụ có các triệu chứng của thai lưu, bệnh viện mới hội chẩn và có biện pháp xử lý.

Trên cơ sở đó, ông Vỹ cho rằng, mặc dù kết quả siêu âm nói chị N bị thai lưu nhưng nếu chị này nhập viện, vẫn không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. “Ví dụ, nếu thai phụ N được đưa lên bàn chuẩn bị nạo thai thì lỗi sai đó thuộc về chúng tôi”, ông Vỹ nói.

Về việc bác sĩ siêu âm chẩn đoán nhầm lẫn dẫn đến kết luận cái thai trong bụng chị N là “thai 6 tuần tử lưu”, ông Vỹ giải thích là do nhiều nguyên nhân. Có trường hợp thai 6 tuần tuổi nhưng tim thai chưa phát triển dẫn đến không nghe thấy tim thai hay máy đo tim thai có cái hoạt động tốt, có cái không...

Cũng theo ông Vỹ, trong trường hợp thai phụ N, bác sĩ siêu âm dùng từ chưa nhuần nhuyễn dẫn đến gia đình thai phụ lo lắng. Ông Vỹ nói, lẽ ra bác sĩ siêu âm phải ghi: “Không thấy tim thai” thay vì kết luận “thai 6 tuần tử lưu”, bởi việc kết luận thai lưu thuộc về bác sĩ lâm sàng và phải trải qua quá trình theo dõi nhiều ngày.

Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy cho hay, sau khi vụ việc xảy ra, ông đã kiểm điểm bác sĩ siêu âm và sắp tới sẽ mời phía gia đình thai phụ N đến để giải thích cụ thể.

Cứu sống nam bệnh nhân bị đâm thấu tim

Báo Công lý đưa tin, Bệnh nhân P.C.N. (17 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) nhập viện với một vết đâm thấu tim dẫn đến bị hôn mê, sốc mất máu… may mắn sau đó đã được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cứu sống.

Theo thông tin từ gia đình bệnh nhân, trong lúc xô xát do mẫu thuẫn, N. bị dao đâm vào vùng ngực, máu chảy nhiều. N. đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu trong tình trạng có một vết thương thủng thất phải, tràn máu trong màng tim, rất nguy kịch.

Bệnh nhân N. đang được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Qua chẩn đoán, các bác sĩ nhận định bệnh nhân sốc mất máu do chấn thương tim cần phải phẫu thuật gấp để đảm bảo tính mạng.

Bác sĩ Triệu Quốc Thường, BSCKI - Trưởng đơn vị phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, chỉ sau 15 phút sau khi vào viện, bệnh nhân đã được tiến hành các biện pháp hồi sức, chống sốc và phẫu thuật khâu lại vết thương thất phải, làm sạch máu tràn ở màng tim và phổi.

Sau hơn 3 giờ phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm và đang được theo dõi thêm tại bệnh viện để bảo đảm sức khỏe.

Bác sĩ Thường cho hay, với trường hợp bệnh nhân có vết thương ở thất phải và sốc mất máu nặng, vết thương tràn máu ra khoang màng tim gây ép tim cấp, tim không bóp được thì rất dễ dẫn đến ngừng tim và tử vong nhanh chóng nếu không được phẫu thuật kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo, đối với các bệnh nhân không may bị vết thương tại vùng ngực, mất máu nhiều, người nhà cần tìm cách cầm máu, làm kín miệng vết thương... rồi nhanh chóng chuyển bệnh nhân tới bệnh viện cấp cứu. “Những vết thương thấu ngực có thể gây tổn thương màng phổi, tổn thương tim, tổn thương các mạch máu lớn. Nặng hơn, các nạn nhân có thể bị đâm xuyên qua cơ hoành xuống các tạng ở ổ bụng, gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác”, bác sĩ Thường nhấn mạnh.

Đinh đâm xuyên thực quản và khí quản người đàn ông 41 tuổi

BVĐK Trung ương Cần Thơ vừa cứu sống thành công bệnh nhân nam 41 tuổi, ở Sóc Trăng vì không tái khám định kỳ đã bị đinh kirschner kết hợp xương đòn đâm xuyên thực quản và khí quản.

BS. Nguyễn Minh Nghiêm - Trưởng phòng KHTH, người phát ngôn BVĐK Trung ương Cần Thơ thông tin đến báo SK&ĐS cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công ca bệnh cực kỳ hiếm gặp.

Bệnh nhân từng được phẫu thuật kết hợp xương đòn phải do chấn thương trước đây khoảng 2 năm. Cách ngày nhập viện 10 ngày, bệnh nhân nuốt đau, ho khạc ra máu. Bệnh nhân đến khám tại BVĐK Trung ương Cần Thơ ngày 5/9/2018. Qua thăm khám và làm các cận lâm sàng: X quang ngực, CT scan, nội soi thực quản. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định: Dị vật vùng cổ do đinh kirschner kết hợp xương đòn đâm xuyên thực quản và khí quản.

Ê kíp phẫu thuật gồm ThS.BS. Liêu Vĩnh Đạt, ThS. Nguyễn Hữu Thuyết và BS. Thương đã phẫu thuật lấy đinh và khâu lại thực quản, khí quản. Hiện nay sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã căn được, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân đã được phẫu thuật kết hợp xương bằng các dụng cụ (đinh, vít...) nên đi tái khám đúng theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Tránh trường hợp không tái khám hoặc tái khám quá muộn (như trường hợp này). Các dụng cụ như đinh, vít nhỏ sẽ di chuyển nhiều nơi đâm xuyên các cơ quan gây nguy hiểm, nếu đâm xuyên các mạch máu lớn còn nguy hiểm tính mạng...

Hy hữu ca cắt u gan với yêu cầu “không được truyền máu”

Tin tức trên Sài Gòn Giải Phóng, các bác sĩ vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cắt bỏ khối u gan 10cm cho một bệnh nhi 11 tuổi tại TPHCM, với yêu cầu nghiêm ngặt của gia đình là "không được truyền máu của người khác, kể cả máu của người thân trong gia đình". 

6 tháng trước, bé Ng.G.B, (11 tuổi ở quận 6, TPHCM), nặng 28 ký, phát hiện có khối u gan. Gia đình đã đưa bé đi điều trị ở nhiều bệnh viện lớn tại TPHCM nhưng đều bị từ chối bởi yêu cầu của gia đình "không được truyền máu của người khác, kể cả máu của người thân trong gia đình". Yêu cầu này xuất phát từ việc gia đình bé G.B theo một giáo phái với quy định "không cho truyền máu của người khác".

Các bác sĩ đang phẫu thuật cắt bỏ khối u gan cho bệnh nhân.

“Nếu phẫu thuật gặp chấn thương vỡ gan, vỡ lách mà không cho truyền máu thì không thể có dịch truyền nào có thể thay thế máu được, gây nguy hiểm cho bệnh nhân nên các bác sĩ của bệnh viện đã tổ chức một buổi hội chẩn để tìm cách", bác sĩ Cường chia sẻ thêm.
Cuộc hội chẩn diễn ra với sự tham dự của gia đình bệnh nhân, cùng các bác sĩ giỏi của Bệnh viện Quốc tế City. Cuối cùng, các bác sĩ thống nhất phương án sử dụng máy truyền máu hoàn hồi khi phẫu thuật. Đây là phương pháp dùng chính máu của người bệnh truyền qua một hệ thống máy rồi truyền trả lại cho bệnh nhân. Điều này giúp hoàn hồi đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể, hạn chế tối đa nhu cầu truyền máu, tránh được biến chứng truyền máu đồng nhóm.
Ngày 5-9, trong khi trẻ em cả nước hân hoan bước vào năm học mới thì G.B. lại bước vào cuộc giải phẫu lớn – cắt bỏ khối u gan. Sau 2 giờ 10 phút phẫu thuật, ca mổ đã thành công tốt đẹp. Các bác sĩ đã cắt bỏ thành công khối u gan 10cm cho bệnh nhân.

Bác sĩ hiến máu cứu bệnh nhân trong ca cấp cứu

Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An cấp cứu trong tình trạng chấn thương vùng ngực, bụng, tràn dịch màng phổi, dập lách, mất máu cấp.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hường hiến máu cứu bệnh nhân.

Bác sĩ tiến hành mổ cấp cứu dẫn lưu màng phổi, cắt lách, truyền máu cho bệnh nhân. Tuy nhiên hồng cầu nhóm B của bệnh viện đã hết dự trữ. Ngay lập tức, bệnh viện huy động nguồn máu từ Câu lạc bộ ngân hàng máu sống của Đoàn thanh niên bệnh viện. Bác sĩ Phạm Thế Nhân, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu và điều dưỡng Nguyễn Thị Hường, Khoa Nội Tim mạch đã đến hiến máu.

Sau khi được tiếp máu, các bác sĩ phẫu thuật thành công cho bệnh nhân. Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang được tiếp tục theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

Cấp cứu bệnh nhi tan máu mắc thêm bệnh đái tháo đường

Bệnh nhi L.T.V (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) bị bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) khi mới 3 tháng tuổi. Từ đó đến nay, bé được theo dõi và điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Tuy nhiên, 2 tuần gần đây, bé có biểu hiện khó thở, tức ngực, tiểu nhiều, sụt cân nhanh. Kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết lên tới 30mmol/L.
Bệnh nhi được chuyển từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương về Bệnh viện Nội tiết Trung ương để điều trị. Nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nhịp tim đập nhanh 200 lần/phút (trong khi trẻ ở tuổi này ở mức 100 lần/phút), thiếu máu, thở nhanh 40 lần/phút.

Bệnh nhi tan máu mắc thêm bệnh đái tháo đường

Tại khoa Cấp cứu, bác sĩ đánh giá, bệnh nhân nhiễm toan ceton - đái tháo đường type 1; Kèm cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất; Suy tim; Viêm gan C mắc phải Beta thalasemia, cần được xử trí cấp cứu ngay lập tức. Theo bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, phức tạp, ý thức lơ mơ, nhiễm toan ceton, huyết áp tụt 85/50 do nhịp tim quá nhanh nên tim không thể bơm máu có hiệu quả. Hơn nữa, nhịp thở 40 lần/phút khiến cho tình trạng trở nên nặng hơn, nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào nếu như không được xử lý cấp cứu kịp thời.

Là bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân đái tháo đường nhưng theo nhận định của các bác sĩ, đây là trường hợp đặc biệt, ít gặp. Do bệnh nhân còn nhỏ lại mắc tan máu bẩm sinh, phải truyền máu liên tục hàng tháng trong 12 năm, vì vậy cơ thể nhiễm sắt nặng dẫn đến tổn thương tụy, gan, tim, mắc viêm gan C… đòi hỏi kíp trực không chỉ xử lý cấp cứu như các ca bệnh đái tháo đường nhiễm toan ceton thông thường mà cần xử trí nhanh chóng các bệnh lí phối hợp.

Sau khi hội chẩn, kíp trực đã xử trí cho trẻ thở oxy, thuốc cordarone đường tĩnh mạch nhằm kiểm soát tần số tim, insulin bơm tiêm điện liên tục điều chỉnh đường huyết, bù nước, điều chỉnh điện giải… đồng thời làm mắc monitor theo dõi liên tục. Sau thời gian điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi đã được cải thiện. Nhịp tim được khống chế, đường máu cũng đã giảm và giữ được các chỉ số trong cơ thể ổn định hơn. Cháu đã tỉnh táo, nói chuyện bình thường, có thể tự sinh hoạt. Khi ổn định, bệnh nhân đã được chuyển lại Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để tiếp tục điều trị.

Đà Nẵng phun hóa chất diệt muỗi vùng nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết

Bác sỹ Nguyễn Tam Lãm, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, số trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố đang có dấu hiệu gia tăng, trung bình mỗi tuần có trên 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Phun xịt thuốc diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Phương Vy/TTXVN.

Từ đầu năm đến nay, tại Đà Nẵng đã xuất hiện trên 100 ổ bệnh sốt xuất huyết, đến nay tất cả các ổ bệnh đều được phun hóa chất xử lý. Cùng với đó, Đội Y tế dự phòng các quận, huyện cũng tăng cường giám sát, tổ chức các đợt ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy tại các phường, xã có nguy cơ cao xuất hiện sốt xuất huyết. 

Ngoài nguyên nhân thời tiết diễn biến phức tạp, một nguyên nhân khác khiến sốt xuất huyết lan rộng ở Đà Nẵng là sự chủ quan của người dân, đặc biệt là sinh viên.

Hiện nay, số trường hợp mắc sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng, do đó cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả cộng đồng, nhất là nêu cao vai trò của bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, cộng tác viên dân số-sức khỏe trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. 

Ông Nguyễn Văn Quang, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, Đội đã phối hợp với các phường tổ chức tổng vệ sinh, khai thông cống rãnh, phát hoang bụi rậm, dọn đẹp vệ sinh thông thoáng nơi ở, nơi làm việc và trường học để loại bỏ nơi sinh sản của lăng quăng và nơi trú đậu của muỗi; đồng thời xử lý hóa chất tại các ổ bệnh nhỏ trên địa bàn quận.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức sức khoẻ mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Suy gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.

Tin mới

Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.