Thứ sáu, 19/04/2024 19:10 (GMT+7)

Tin tức sức khoẻ mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 10/9/2018

MTĐT -  Thứ hai, 10/09/2018 15:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức sức khoẻ mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 10/9/2018, cập nhật tin tức sức khoẻ nóng nhất hôm nay do Môi trường và Đô thị tổng hợp.

Diễn viên Mai Phương hồi phục không ngờ sau ung thư phổi di căn xương

Sáng nay, diễn viên Mai Phương đã được xuất viện sau 25 ngày điều trị tại Trung tâm chẩn đoán, điều trị ung bướu bệnh viện Quân y 175.

Bác sĩ Phạm Thành Luân -  người trực tiếp điều trị cho Mai Phương chia sẻ, hiện tại tình trạng sức khỏe nữ diễn viên đã cải thiện rất nhiều. Mai Phương đã có thể nói chuyện, tự đi lại và tự sinh hoạt cá nhân, so với trước đó lúc vào viện phải ngồi xe lăn.

Lãnh đạo BV Quân y 175 chúc mừng Mai Phương ngày xuất viện

Về việc Mai Phương bị ung thư phổi di căn sang xương, thời gian điều trị phải dùng thuốc chống hủy xương, BS Luân nói việc điều trị thuốc đặc hiệu “nhắm trúng đích” đã có thể khống chế được và hiện Mai Phương đã có thể tự đi lại.

Ngoài việc dùng thuốc đặc hiệu, Mai Phương còn được kết hợp xạ trị ở những điểm ung thư di căn vào xương để giảm đau.

Theo BS Luân, dù mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng Mai Phương là người nghị lực, luôn tuân thủ phác đồ điều trị, phối hợp với bác sĩ tốt nên kết quả chữa trị mang lại hiệu quả cao.

May mắn Mai Phương đã phù hợp với điều trị thuốc, nếu không sẽ phải hóa trị và các tác dụng phụ của phương pháp này rất nhiều, như thiếu máu, suy tủy xương, suy chức năng gan thận, rụng tóc…

“Phác đồ điều trị của nữ diễn viên này vẫn còn kéo dài, phụ thuộc vào đáp ứng thuốc nên hiện bệnh nhân vẫn được theo dõi, chăm sóc điều trị của y bác sĩ” – BS Luân nói và cho biết, sau khi ra viện 15 ngày, Mai Phương sẽ tái khám.

Trước lúc ra viện, diễn viên Mai Phương gửi lời cảm ơn tới y bác sĩ BV Quân y 175 cùng giới văn nghệ sĩ, các mạnh thường quân đã ủng hộ, giúp đỡ thời gian qua.

Cấp cứu bé 12 tuổi đái tháo đường type 1 nặng, hiếm gặp

Infonet đưa tin, cháu La Thị V., 12 tuổi (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nhịp tim đập nhanh 200 lần/phút, thiếu máu, thở nhanh 40 lần/phút.

Bác sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng rất nặng, phức tạp, ý thức lơ mơ, nhiễm toan ceton, tim đập nhanh tới 200 lần/phút (trẻ 12 tuổi cao nhất chỉ khoảng 100 lần/ phút), huyết áp tụt 85/50 do nhịp tim quá nhanh nên tim không thể bơm máu có hiệu quả, thở 40 lần/phút khiến cho tình trạng trở nên nặng hơn, nguy cơ tử vong bất kỳ lúc nào nếu như không được xử lý cấp cứu kịp thời.

Sau khi tìm hiểu tiền sử bệnh nhân và cho tiến hành làm thêm các xét nghiệm cần thiết phát hiện bệnh nhân V. có đường huyết cao lên tới 26 mmol/L, toan máu (pH máu: 7,21), men gan tăng cao gấp 4 lần so với bình thường, rối loạn nhịp tim, có kèm tổn thương gan, tim, mắt…. BS Tuấn cho hay.

Theo đánh giá của BS Tuấn, đây là ca bệnh ĐTĐ type 1 khá đặc biêt, ít gặp. Bệnh nhân còn nhỏ lại mắc tan máu bẩm sinh, phải truyền máu liên tục hàng tháng trong 12 năm, vì vậy cơ thể nhiễm sắt nặng dẫn đến tổn thương tụy, gan, tim, mắc viêm gan C do truyền máu nhiều lần … đòi hỏi kíp trực không chỉ xử lý cấp cứu như các ca bệnh ĐTĐ nhiễm toan ceton thông thường mà cần xử trí nhanh chóng các bệnh lí phối hợp.

Sau khi hội chẩn cùng các bác sĩ trong khoa và xin ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo, kíp trực đã xử trí cho trẻ thở oxy, thuốc cordarone đường tĩnh mạch nhằm kiểm soát tần số tim, insulin bơm tiêm điện liên tục điều chỉnh đường huyết, bù nước, điều chỉnh điện giải… đồng thời làm mắc monitor theo dõi liên tục. “Nhiều thời điểm gia đình bệnh nhân còn xin chúng tôi được đưa bé về vì khả năng qua khỏi của cháu là rất thấp, lúc này kíp trực vừa phải làm công tác tư tưởng cho bố mẹ cháu bé vừa phải cố gắng cứu cháu”, BS Tuấn chia sẻ.

Sau khi giải thích về cơ hội sống của cháu và động viên gia đình cùng với việc nỗ lực cấp cứu tình trạng cháu V. đã được cải thiện dần, nhịp tim đã được khống chế, đường máu cũng đã giảm và giữ được các chỉ số trong cơ thể ổn định hơn. Nhờ được điều trị kịp thời và tích cực, cháu đã tỉnh táo, nói chuyện bình thường, có thể tự sinh hoạt. Sau khi ổn định, bệnh nhân V đã được chuyển lại Trung tâm thalassemia, viện Huyết học truyền máu Trung ương để tiếp tục điều trị.

Người phụ nữ mang khối u khổng lồ ở cổ 30 năm

Cũng theo tin tức trên Infonet, bà Sua 70 tuổi sống tại bản Láy, xã Chiềng Xuân, Vân Hồ, Sơn La, người phụ nữ mang khối bướu cổ khổng lồ trong suốt 30 năm qua.

Cuối tuần qua, đoàn khám bệnh tình nguyện Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tới xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La thăm khám và cấp phát thuốc miễn phí cho 150 đối tượng thuộc gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn trong xã.

Qua thăm khám các bác sỹ đã phát hiện tỷ lệ lớn người dân mắc các bệnh lý về đường huyết, cao huyết áp, bệnh về mắt… trong đó tỷ lệ người dân mắc bướu cổ ở mức rất cao. Đặc biệt trong ngày khám bệnh tại đây, đoàn khám tình nguyện đã phát hiện trường hợp đặc biệt đó là bà Lầu Thị Sua mang trên cổ khối u khổng lồ mà theo tìm hiểu thì người phụ nữ này sống chung với nó suốt 30 năm qua.

Theo đánh giá của BS Nguyễn Giang Nam, Phó Trưởng Khoa Điều trị ban ngày, Bệnh viện Nội tiết Trung ương thì sau khi khám cho thấy khối u của bà Sua đã có dấu hiệu chèn ép lớn, tình trạng khó thở, ăn uống kém, người mệt mỏi tăng nhanh. Nếu không được phẫu thuật kịp thời sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe. Đây cũng là một trong số ít trường hợp khối bướu cổ khổng lồ mà bệnh viện gặp. BS Nguyễn Giang Nam cho biết.

Cũng theo tìm hiểu từ người con trai của bệnh nhân thì bà Sua mang khối u này từ khi còn nhỏ. Trải qua mỗi lần sinh con khối u lại lớn hơn một chút. Đến nay sau 30 năm, khối u trên cơ thể bà đã có kích thước lớn gấp nhiều lần so với khi nhỏ khiến mọi sinh hoạt hàng ngày của bà Sua đều trở nên bất tiện do khối u ngày càng chèn ép.

Dịch sốt xuất huyết hoành hành Đà Nẵng

Thanh Niên đưa tin, trong hai ngày 7 và 8/9, Sở Y tế TP.Đà Nẵng kiểm tra tình trạng dịch sốt xuất huyết tại một số địa bàn.
Trong đó, Q.Liên Chiểu là ổ dịch sốt xuất huyết lớn nhất TP hiện nay, và dịch bệnh sốt xuất huyết trên toàn TP đang diễn biến phức tạp.

Sở Y tế kiểm tra dịch sốt xuất huyết ở Q.Liên Chiểu, NGUYỄN TÚ.

Từ đầu năm đến nay, TP có 1.795 ca mắc với 132 ổ dịch, Q.Liên Chiểu có 489 ca mắc chiếm 27%.

Đáng chú ý, trong 4 tuần qua tại Q.Liên Chiểu ghi nhận nhiều ổ dịch có thể bùng phát thành dịch lớn. Nguyên nhân, thời tiết thất thường tạo điều kiện cho muỗi vằn phát triển, mật độ dân cư đông, nhiều khu đất trống làm điểm tập kết dụng cụ phế thải còn chứa đọng nước, tạo thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển.

Công nhân bị tấm kính rơi thẳng vào cánh tay khi đang thi công

Vừa qua, ngày 30/8, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận bệnh nhân N.H.L (sinh năm 1995 trú ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Thanh Hóa) nhập viện với vết thương lớn ở khuỷu tay, đứt động mạch cánh tay phải. Bệnh nhân lơ mơ, máu phun ra thành tia, da niêm mạc nhợt, mất rất nhiều máu do sơ cứu bạn đầu không đúng.

Qua thăm khám, các bác sĩ nhận định bệnh nhân có vết thương đứt động mạch cánh tay, đứt thần kinh giữa, trụ. Vết thương sâu gây tổn thương nghiêm trọng cánh tay, chỉ còn xương là không gãy. 

Bệnh nhân N.H.L chia sẻ trong khi đang lắp kính trong công trình bất ngờ tấm kính ở trên rơi xuống thẳng vào cánh tay, vết thương chảy rất nhiều máu nên được các đồng nghiệp sơ cứu rồi đưa đi viện.

Các bác sỹ khoa Ngoại tổng hợp và khoa Ngoại chấn thương bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân nối tân-tận động mạch, tĩnh mạch, thần kinh giữa, trụ và cơ cánh tay phải.

Các bác sĩ ưu tiên nối động mạch cánh tay và tĩnh mạch cánh tay vì vết thương sâu gây tổn thương hầu hết gân cơ cánh tay bệnh nhân. Rất may mắn cho bệnh nhân, nhóm máu của bệnh nhân bệnh viện có đủ để vừa phẫu thuật vừa truyền cho bệnh nhân. Sau khi nối thành công động mạch và tĩnh mạch, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khâu nối gân cơ.

Sau 3 giờ đồng hồ ca phẫu thuật đã diễn ra thành công.

Sau mổ bệnh nhân đã được hồi sức tích cực, hiện tại bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục điều trị, theo dõi vết thương và phục hồi chức năng – phục hồi dây thần kinh.

Bác sĩ cho biết: “Vết thương đứt động mạch mất máu rất nhanh nên khi xảy ra tai nạn bệnh nhân cần được sơ cứu băng bó đúng cách rồi đưa đi viện ngay tránh trường hợp sốc mất máu diễn ra”.

Bạn đang đọc bài viết Tin tức sức khoẻ mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 10/9/2018. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

T.Anh (TH)

Cùng chuyên mục

Suy gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Tin mới

Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...