Thứ sáu, 29/03/2024 00:40 (GMT+7)

Viêm đường tiết niệu

MTĐT -  Thứ hai, 26/06/2017 08:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Viêm đường tiết niệu không đặc hiệu hay gọi nhiễm khuẩn tiết niệu là hiện tượng vi khuẩn xâm nhập vào hệ tiết niệu của người gây ra phản ứng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn đó. Nhiễm khuẩn tiết niệu có thể có hoặc không có triệu chứng.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân thường gặp nhất là do vi khuẩn Gram âm (chủ yếu là các vi khuẩn đường ruột do E. coli ), ngoài ra còn có các cầu  khuẩn Gram dương hoặc các trực khuẩn Gram dương. Vệ sinh không sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập từ hậu môn sang bộ phận sinh dục, gây viêm đường tiết niệu (VĐTN).

Ở nam giới, vệ sinh bao quy đầu không sạch sẽ cũng là nguyên nhân gây VĐTN.

Ở phụ nữ mang thai: Do thay đổi nội tiết tố của cơ thể và bàng quang của thai phụ bị thai nhi chèn ép, không kiểm soát được việc tiểu tiện dẫn đến ứ đọng nước tiểu, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển, gây VĐTN. Bệnh thường xuất hiện vào đầu tháng thứ tư của thai kỳ. Do triệu chứng khởi phát không rõ ràng nên dễ nhầm với những dấu hiệu của người mang thai thời kỳ đầu.

Ở trẻ em:

+ Bé gái: Do cấu tạo sinh lý nên lỗ niệu đạo ngắn, lỗ tiểu lại rất gần với hậu môn nên rất dễ bị viêm nhiễm.

+ Bé trai: Do có một số dị dạng ở đường tiểu như hiện tượng hẹp, dài bao quy đầu, làm cho nước tiểu đọng lại gây VĐTN ngược dòng.

+ Việc sử dụng bỉm không đúng cách nhất là mỗi khi cả phân lẫn với nước tiểu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.

Các nguyên nhân khác: Quan hệ tình dục không an toàn dễ mắc bệnh lậu, giang mai... Thay đổi thời tiết cũng dễ gây ra VĐTN.

Đóng bỉm không đúng cách khiến cho vi khuẩn phát triển gây viêm đường tiết niệu.

Cách nhận biết viêmđường tiết niệu

Ở người lớn: Tiểu khó, tiểu rắt, bụng ậm ạch khó chịu; thường xuyên đi tiểu hoặc muốn đi tiểu, muốn đi vệ sinh liên tục, nhưng lượng nước tiểu rất ít; tiểu buốt, hoặc tiểu ra máu; đau và nóng rát hạ vị, mỏi vùng thắt lưng; sốt nóng, sốt rét, buồn nôn và nôn.

Ở trẻ em: VĐTN ở trẻ có thể bắt đầu chỉ là sốt nhẹ, hoặc sốt kéo dài, có khi sốt cao, cũng có khoảng 10-15 % bé không sốt mà thân nhiệt lại giảm; trẻ khuấy khóc nhiều, kém chơi, biếng ăn, nôn hoặc tiêu chảy bất thường, kéo dài không rõ nguyên nhân; đau khi đi tiểu, có thể tiểu dắt, tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần trong khoảng một thời gian ngắn. Trẻ càng lớn thì hiện tượng này càng rõ nét hơn do trẻ nhận thức được; nước tiểu có thể bị đục hoặc có thể có máu, khai nồng khi trẻ bị viêm đường tiểu.

Muốn chẩn đoán chính xác có phải bệnh VĐTN hay không thì cần phải làm xét nghiệm nước tiểu.

Cáchphòngbệnh

Trẻ em: Cha mẹ cần có phương pháp vệ sinh đúng cách vùng âm hộ, đáy chậu và hậu môn, nên vệ sinh từ trước ra sau để tránh vi khuẩn vào lỗ tiểu, nhất là các bé gái. Lưu ý khi đóng bỉm cho trẻ mỗi khi thay bỉm, cần xem có cặn trắng ở bỉm hay không. Cần để ý thay bỉm ngay khi trẻ tiểu tiện, đại tiện... tránh làm vi khuẩn lây lan. Cho trẻ uống đủ nước hàng ngày, ăn uống đảm bảo vệ sinh với các loại rau quả để tăng lượng nước làm cho hệ bài tiết nước tiểu của trẻ tốt hơn. Quan sát khi trẻ nam đi tiểu mà bị phồng hay viêm đỏ ở bao quy đầu và tiểu khó thì cần cho trẻ đi khám ngay, vì có thể bị dài hoặc hẹp bao quy đầu.

Người lớn: Uống nhiều nước, nên uống ít nhất 1,5 đến khoảng 2 lít nước mỗi ngày (nước lọc, nước râu ngô, bông mã đề...) để giúp làm loãng nước tiểu và góp phần loại bỏ vi khuẩn.

Trước và sau khi quan hệ tình dục cần vệ sinh sạch sẽ; lau, rửa vùng sinh dục từ trước ra sau; tắm dưới vòi hoa sen; đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục để loại bỏ vi khuẩn; trong những ngày “đèn đỏ” cần thay băng vệ sinh thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ.

Chung thủy một vợ một chồng; dùng bao cao su khi quan hệ để phòng tránh các bệnh viêm nhiễm đường sinh dục; không được nhịn tiểu; không nên mặc quần áo, đồ lót quá chật hay làm bằng các chất liệu khó thoát mồ hôi.

Điều trịthế nào?

Cần uống nhiều nước trên 2 lít một ngày. Nếu chỉ bị VĐTN nhẹ (đái buốt nhẹ, đái rát) có thể tự khỏi nếu uống nhiều nước.

Sử dụng kháng sinh theo sự phổ biến của vi khuẩn hoặc kháng sinh đồ, đủ liều lượng và thời gian. Dùng thuốc giãn cơ, giảm đau, hạ sốt… Nên uống các thuốc trên lúc đói để thuốc được hấp thu tốt hơn, uống trong vòng 5 –7 ngày. Đối với trẻ em, việc chữa trị VĐTN phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Khi đã xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh thì mới điều trị dứt điểm được bệnh. Vì vậy, các bậc phụ huynh khi thấy trẻ có biểu hiện của bệnh VĐTN tuyệt đối không được tự dùng thuốc kháng sinh cho trẻ mà cần cho trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và làm các xét nghiệm để biết được nguyên nhân gây bệnh, từ đó tùy vào tình trạng viêm nhiễm, sức khỏe của trẻ mà bác sĩ sẽ điều trị bằng phác đồ phù hợp.

ThS. BS. Vũ Ngọc Thắng

Bạn đang đọc bài viết Viêm đường tiết niệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.