Thứ sáu, 19/04/2024 11:14 (GMT+7)

Tuần hoàn kém ở bàn chân: Cách nhận biết và phòng ngừa

MTĐT -  Thứ năm, 22/06/2017 10:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Triệu chứng thường gặp của tuần hoàn kém ở bàn chân (THKOBC) là đau và tê bàn chân. Bệnh sẽ không nguy hiểm nếu không có yếu tố bên ngoài tác động vào như làm việc...

Triệu chứng thường gặp của tuần hoàn kém ở bàn chân (THKOBC) là đau và tê bàn chân. Bệnh sẽ không nguy hiểm nếu không có yếu tố bên ngoài tác động vào như làm việc, ngồi sai tư thế hoặc đứng nguyên một vị trí trong thời gian quá lâu. Đau và tê bàn chân có thể làm cản trở phân phối máu và ôxy đến chân và bàn chân, dự báo cho các bệnh lý tim mạch hoặc các bệnh nguy hiểm khác.

Biểu hiện của THKOBC

Người bệnh có triệu chứng: đau cách hồi khi đi lại hoặc đau cơ bắp ở hông, đùi, bắp chân hoặc đau sau khi hoạt động; tê/yếu của chân; lạnh da của bàn chân hoặc cẳng chân; lâu lành vết thương/loét ở cẳng chân, bàn chân hoặc ngón chân; thay đổi về màu da; da cẳng chân sáng bóng; lông mọc chậm hơn hoặc rụng lông cẳng chân và bàn chân; phản xạ yếu ở cẳng chân hoặc bàn chân; tăng trưởng chậm của móng chân; rối loạn chức năng cương dương ở nam giới.

Nguyên nhân gây tuần hoàn kém ở bàn chân

Bệnh động mạch ngoại vi: Được đặc trưng bởi sự hạn chế lưu lượng máu bình thường do hẹp các mạch máu và động mạch. Khi các tĩnh mạch bị ảnh hưởng gây suy tĩnh mạch, làm giảm lưu lượng máu trở về tim từ chân, gây giãn tĩnh mạch, sưng chân nặng và thay đổi màu da. Ngoài ra, xơ vữa động mạch gây hẹp và cứng động mạch do sự tích tụ mảng bám trong lòng động mạch. Theo thời gian, giảm lưu lượng máu ở chân có thể gây ngứa ran, tê, tổn thương thần kinh và mô. Nếu không được điều trị, có thể gây biến chứng đột quỵ và nhồi máu cơ tim.

Đau và tê bàn chân là một triệu chứng của tuần hoàn kém ở bàn chân.

Các cục máu đông: Cục máu đông bất thường bên trong các mạch máu một phần hoặc hoàn toàn có thể gây cản trở lưu lượng máu đến chân, làm tăng nguy cơ biến chứng, đe dọa tính mạng như thuyên tắc phổi, khi một cục máu đông ở chân vỡ ra và đi vào mạch phổi làm tắc mạch phổi.

Suy tĩnh mạch: Tĩnh mạch chân phình to do các van trong tĩnh mạch bị tổn hại dẫn đến lưu thông máu kém, có thể hình thành cục máu đông. Phụ nữ và những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao giãn tĩnh mạch chân.

Bệnh đái tháo đường: Một trong những biến chứng của bệnh đái tháo đường là xơ vữa động mạch và tuần hoàn kém, có thể dẫn đến chứng chuột rút ở chân. Đồng thời có thể dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường, trong đó các dây thần kinh bị hư hỏng làm giảm cảm giác ở chân và bàn chân.

Béo phì: Cân nặng quá mức đặt thêm gánh nặng lên đôi chân. Người béo phì và ngồi lâu hoặc đứng liên tục cũng có thể gặp các vấn đề lưu thông máu kém do giãn tĩnh mạch và xơ vữa động mạch.

Bệnh Raynaud: Đặc trưng bởi dấu hiệu lạnh bàn tay và bàn chân do co thắt các động mạch nhỏ trong các khu vực cần cung cấp máu, dẫn đến lưu thông máu kém và làm lạnh các chi, đặc biệt là khi bạn đang gặp stress hoặc khi tiếp xúc với thời tiết lạnh.

Làm thế nào để phòng ngừa THKOBC?

Không ngồi hoặc đứng quá lâu: Tránh ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, nên di chuyển xung quanh nhà hoặc văn phòng nhiều lần trong ngày. Nghỉ giải lao thường xuyên để vận động cơ bắp chân cải thiện lưu thông máu. Tốt nhất nên đi lại 5 phút sau 30 phút ngồi yên một chỗ.

Tập thể dục: Tập thể dục 30 phút hằng ngày để thúc đẩy lưu thông máu ở chân. Lý tưởng nhất là đi bộ, đi xe đạp, chạy, bơi lội, đi bộ đường dài và các bài tập chân khác. Tập yoga, thiền, thái cực quyền cũng giúp cải thiện lưu thông máu ở chân.

Mang giày thoải mái: Tránh mang giày cao gót, giày bó sát quá có thể cản trở lưu lượng máu. Nên mang giày thoải mái với đôi giày có gót thấp và lót đệm thích hợp.

Ngưng hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh động mạch ngoại biên. Bỏ thuốc lá ngay, lưu thông máu sẽ được cải thiện trong một vài tuần.

Bổ sung gingko: Một số bằng chứng cho thấy gingko có khả năng cải thiện lưu thông do có tác dụng giãn mạch máu. Liều khuyến cáo ginkgo 120-240mg/ngày, chia làm 2-3 lần.

Ăn ít muối: Ăn quá nhiều muối có thể gây giữ nước và sưng chân, gây áp lực lên tĩnh mạch, dẫn đến lưu thông kém. Nên ăn ít muối, tránh các loại thực phẩm chế biến, thức ăn nhanh và thức ăn vặt. Uống đủ 6-8 ly nước lọc mỗi ngày để cải thiện lưu thông máu.

Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh: Nếu bạn bị béo phì hoặc thừa cân, nên cố gắng giảm trọng lượng dư thừa bằng cách ăn uống cân bằng, lành mạnh, tăng cường vận động. Một trọng lượng cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp giữ cho hệ thống tuần hoàn của bạn làm việc hiệu quả hơn.

BS. Hải Châu

Bạn đang đọc bài viết Tuần hoàn kém ở bàn chân: Cách nhận biết và phòng ngừa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Suy gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?