Thứ sáu, 29/03/2024 01:16 (GMT+7)

Nỗ lực xóa biệt danh “làng ung thư” Thạch Sơn-Phú Thọ

MTĐT -  Thứ hai, 22/09/2014 14:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Do hậu quả của việc phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ồ ạt, nhưng chưa lường hết được vấn đề môi trường bị ô nhiễm.

Vì vậy từ năm 2005, cái tên “làng ung thư” đề cập về căn bệnh khủng khiếp này ở xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chỉ tính từ năm 1995 đến năm 2005, cả xã có tới 137 người chết vì mắc bệnh ung thư. Nhưng với sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, cùng với ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, biệt danh từng ám ảnh cộng đồng dân cư nơi đây trong một thời gian dài đã và đang từng bước được xóa bỏ.

Xây dựng môi trường trong lành từ người dân

Đây là phương châm chứa đựng các tiêu chí “xanh-sạch-đẹp-bình yên” mà HĐND huyện Lâm Thao đề ra trong nội dung Nghị quyết số 89 năm 2011 về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn trong giai đoạn 2011-2016. Qua “mục sở thị” trên địa bàn 14 xã và thị trấn, có thể nói rằng Nghị quyết này đã thực sự đi vào cuộc sống đối với từng gia đình, từng người dân từ già đến trẻ ở địa phương. 

Minh chứng sống động nhất là tại xã Thạch Sơn mang biệt danh “làng ung thư”. Ngày nay mọi đường làng, ngõ xóm của xã đều có rãnh thoát nước, mặt đường được bê tông hóa sạch bong. Ruộng lúa đang vào “thì con gái” mướt xanh, không còn bóng dáng túi ni lon, rác rưởi và các bình chứa, bao gói thuốc bảo vệ thực vật vứt vạ vật mọi góc vườn bờ ruộng như xưa kia nữa. 

Đặc biệt, bóng dáng 89 lò gạch thủ công xen kẽ trong các khu dân cư của Thạch Sơn, như những “hỏa diệm sơn” ngày đêm phun khói độc hại khỏa lấp mọi cảnh vật, hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống một thời. Là một trong những nguyên nhân chính gây ra căn bệnh ung thư cho người dân sở tại giờ đã chìm sâu vào dĩ vãng. Thay vào đó là 28 lò gạch liên hoàn áp dụng công nghệ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được di dời và quy hoạch cách biệt hẳn với xóm làng. 

Đề cập đến việc triển khai và thực hiện Nghị quyết số 89 của HĐND huyện Lâm Thao, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn Nguyễn Văn Thắng cho rằng: “Hậu quả tai hại của ô nhiễm môi trường ai cũng thấu hiểu. Nếu không làm theo Nghị quyết này thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả thế hệ mai sau. Nên từ cán bộ đảng viên đến người dân đều tự giác thực hiện”. Ngay từ năm 2008, các chủ lò gạch thủ công đã tự giác ngừng hoạt động chuyển đổi qua nghề khác, hoặc đầu tư áp dụng công nghệ sản xuất gạch tuy nen giảm thiểu ô nhiễm, nên môi trường được cải thiện rõ rệt. 

Ngoài nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ 30 tỷ đồng xây dựng Nhà máy nước và hệ thống cung cấp nước sạch đến từng hộ gia đình, người dân ở Thạch Sơn còn tự nguyện đóng góp xây dựng khép kín hệ thống thoát nước thải tập trung. Các khu dân cư mỗi tháng 2 lần tham gia vệ sinh môi trường và đều có tổ thu gom rác, được đưa về Khu chế biến xử lý chất thải tại thành phố Việt Trì. 

Doanh nghiệp cùng nhập cuộc 

Tìm hiểu về công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Cụm công nghiệp Lâm Thao hiện nay, Phó Chủ tịch huyện Trịnh Thế Truyền cho biết: Điểm khu biệt của huyện đó là các nhà máy công nghiệp hình thành từ những năm 60 của thế kỷ trước, do công nghệ lạc hậu nên không tránh khỏi tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Trong số 15 cơ sở gây ô nhiễm nặng nề nhất theo kết quả khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Vĩnh Phú nằm trên địa bàn xã Thạch Sơn. 

Tuy vậy, do áp lực của dự luận xã hội và sự tồn tại phát triển bền vững của chính mình, từ năm 2008 trở lại đây, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Lâm Thao đã chú trọng đầu tư công nghệ mới, góp phần giảm thiểu rõ rệt tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Điển hình là Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. 

Được thành lập từ năm 1962, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất phân bón, với công nghệ những năm 60 của thế kỷ trước của Nhà nước Liên Xô cũ đầu tư viện trợ cho Việt Nam lúc bấy giờ. Bởi vậy, vấn đề đầu tư cho công tác xử lý, bảo vệ môi trường hiện nay là nhiệm vụ bắt buộc Công ty phải thực hiện, cho dù kinh phí đầu tư cho các dự án, giải pháp xử lý môi trường rất lớn. 

Phó Tổng Giám đốc Văn Khắc Minh cho biết: Trong năm 2008, Công ty đã đầu tư 47 tỷ đồng thi công dự án cải tạo và xây dựng hệ thống cung cấp nước sản xuất và xử lý nước thải 1.900m3/giờ. Bao gồm 3 hạng mục là trạm xử lý nước thải sinh hoạt; trạm xử lý giải nhiệt cưỡng bức nước làm mát axit và trạm xử lý nước thải sản xuất supe phốt phát. Hiện 2/3 trạm đã đi vào vận hành đạt quy chuẩn môi trường cho phép (QCVN 40:2011/BTNMT). 

Về xử lý khí thải, đối với 3 dây chuyền sản xuất axit số 1, số 2 và số 3 là hệ thống xử lý khí thải chứa SO2 và SO3, gắn liền với công nghệ sản xuất tiên tiến tiếp xúc kép hấp thụ 2 lần. Còn dây chuyền sản xuất supe số 1, số 2 xử lý khí thải chứa flo bằng hệ thống thiết bị bể hấp thụ và tháp hấp thụ. 

Riêng xỉ pyrit khá độc hại sinh ra do công nghệ sản xuất sunphuric từ quặng pyrit theo công nghệ của Liên Xô cũ trước đây để lại. Từ năm 1998 Công ty đã chuyển đổi dây chuyền axit 1, đến năm 2003 chuyển đổi nốt dây chuyền axit 2 công nghệ sản xuất axit sunphuarit từ đốt quặng pyrit sang đốt lưu huỳnh nguyên tố hóa lỏng, nên không còn phát sinh ra xỉ pyrit nữa. Đồng thời, Công ty cũng đã ký hợp đồng vận chuyển, xử lý tiêu hủy chất thải nguy hại với các đơn vị có chức năng chuyên trách lĩnh vực này. Chẳng hạn như Công ty Môi trường Phú Hà, địa chỉ tại 82, đường Cao Lỗ, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội... 

Kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ môi trường của Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao trong thời gian tới. Đó là hoàn thiện dự án xử lý nước thải của 2 dây chuyền sản xuất supe phốt phát. Đi đôi với việc đầu tư xây dựng dự án xử lý khí đuôi cho 3 dây chuyền sản xuất axit số 1, số 2 và số 3. Từng bước triển khai đầu tư xây dựng Dự án đầu tư dây chuyền sản xuất axit công suất 300.000 tấn/năm, theo công nghệ tiên tiến nhằm hiện đại hóa công nghệ sản xuất, giảm định mức tiêu hao nguyên vật liệu, điện nước để hạ giá thành sản phẩm. Đặc biệt là cải thiện thêm một bước về tiêu chuẩn đối với SO2, SO3 trong khí thải ra môi trường. 

Vẫn tiềm ẩn ô nhiễm 

Đánh giá về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở địa phương, Y sĩ Trạm Y tế xã Thạch Sơn Trần Thị Tâm cho rằng hiện nay môi trường của xã được cải thiện rõ rệt, tình hình dịch bệnh nói chung trong cộng đồng đều giảm hẳn, nhất là bệnh ung thư. Đơn cử năm 2013 cả xã có 44 người chết, trong đó chỉ có 4 người chết vì bệnh ung thư. “Nếu so với năm 2009, số người trong xã chết vì căn bệnh quái ác này giảm tới 3/4. Còn số ca mắc bệnh giảm tới 80%. Nên người dân bây giờ rất dị ứng với biệt danh “làng ung thư” đấy”-chị Tâm nói. 

Tuy vậy, theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Duy Bảo, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường Bộ Y tế: Việc sử dụng nhiều dung môi, hóa chất độc hại, cộng với tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, động vật bừa bãi trong trồng trọt và chăn nuôi kéo dài từ năm này qua năm khác ở xã Thạch Sơn nói riêng, huyện Lâm Thao nói chung, làm cho các loại hóa chất này thấm dần xuống lòng đất, gây nên ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất rất nặng nề, sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người dân địa phương. 

Mặc dù Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã xử lý được trên 70.000 tấn xỉ pyrit. Số xỉ còn lại được thu gom về một khu vực riêng để bảo quản, lưu giữ và xây đập kè, tường chắn bao quanh. Nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào nước ngấm xuống hồ đệm phía xã Thạch Sơn. Mà theo người dân ở khu 7 và khu 1 cạnh bãi xỉ Pyrit, mỗi lần mưa to là cá tôm ở các hồ ao gần đó vẫn chết. Những ngày trời âm u, mùi hôi tanh từ khói Nhà máy Supe và Công ty Cổ phần Pin Ắc quy Vĩnh Phú...vẫn bủa vây các khu dân cư nơi đây. 

Phó Chủ tịch UBND Trịnh Thế Truyền nhận định: Xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường ở xã Thạch Sơn cần có một lộ trình và những giải pháp khả thi, do kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn. Trong khi trên địa bàn còn có một số cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn đang duy trì công nghệ sản xuất lạc hậu. Qua kết quả thực hiện Nghị quyết số 27/2011 của HĐND huyện, từ năm nay UBND Lâm Thao giao chỉ tiêu thu phí vệ sinh cho các xã, thị trấn theo đúng Pháp lệnh phí và lệ phí, phấn đấu đến năm 2016 đạt 100% số xã, thị trấn có điểm thu gom rác tập trung vận chuyển về khu xử lý rác thải tại thành phố Việt Trì. 

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất, huyện sẽ kiến nghị tỉnh Phú Thọ kiên quyết đình chỉ hoạt động những cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục phát thải, xả thải gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời Lâm Thao chỉ chấp thuận những dự án đầu tư thân thiện với môi trường, có đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Báo Tài Nguyên & Môi trường

Văn Hào

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực xóa biệt danh “làng ung thư” Thạch Sơn-Phú Thọ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.