Thứ năm, 28/03/2024 23:25 (GMT+7)

Mỹ phẩm Trung Quốc: Lợi nhuận che mờ… độc tố!

MTĐT -  Thứ bảy, 26/01/2013 08:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Son LipIce Sheer Color giá 5.000đ, kem dưỡng da Pond giá 20.000đ… là những mức giá có thật khi chúng tôi nhập vai người buôn mỹ phẩm Trung Quốc tại chợ Đồng Xuân.

Trên thực tế, nhiều đường dây còn có thể cung cấp với mức giá thấp hơn 10-15%. Với kỹ nghệ làm giả, làm nhái tinh vi, những sản phẩm kém chất lượng này dễ dàng trà trộn vào thị trường với mức lãi gấp 5-10 lần giá gốc.

Những ngày qua, thông tin mỹ phẩm Trung Quốc chứa độc tố cao khiến không ít người dân lo lắng. Thông tin từ Viện Người tiêu dùng Hàn Quốc cho biết, kem làm trắng da VISION do Trung Quốc sản xuất có hàm lượng thủy ngân cao tới 15.698 ppm, vượt mức cho phép gần 16.000 lần; “Cao tẩy vết nám” vượt từ 120 đến 5.212 lần; mỹ phẩm melanin treatment không rõ nguồn gốc vượt hơn 500 lần.

Điều đáng nói là ở Việt Nam, mỹ phẩm Trung Quốc trôi nổi trên thị trường không chỉ gắn tem nhãn “made in China” mà còn giả, làm nhái các thương hiệu lớn, nhỏ trên thế giới. Trong tháng Một vừa qua, cơ quan chức năng Hà Nội đã phát hiện hơn 2,5 tấn mỹ phẩm nhập lậu, nguồn gốc Trung Quốc nhưng mang nhãn mác sản phẩm cao cấp của nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Đức, Ý và cả Việt Nam.

Thực tế, không khó để có thể tìm thấy những loại mỹ phẩm này ở hầu hết các chợ đêm, chợ sinh viên và nhiều đại lý mỹ phẩm tại các thành phố lớn. Tại chợ đêm Hàng Ngang - Hàng Đào (Hà Nội), chúng tôi được nhân viên đon đả chào mời đủ loại sản phẩm với màu sắc, mẫu mã bắt mắt. Cầm trên tay thỏi son gắn nhãn LipIce Sheer Color, chúng tôi không khỏi giật mình khi giá bán chỉ 35.000đ. Trong khi đó, giá niêm yết của mặt hàng này trên website chính hãng là 49.500đ. Tương tự, các thương hiệu khá phổ biến với người tiêu dùng Việt như kem dưỡng da Pond, Hazeline, Nivea hay sữa rửa mặt Biore, Acnes… cũng chỉ có giá bằng 2/3 so với hàng chính hãng.

Các nhãn hàng mỹ phẩm cao cấp khác như Lancôme, M.A.C, Chanel, CK, Shiseido… cũng dễ dàng tìm thấy ở những cửa hàng bán rong như thế với mức giá… trên dưới 100.000đ. Điều lạ là, hầu hết các mặt hàng này đều ghi địa chỉ sản xuất, số điện thoại liên lạc, mã vạch và tem bảo hành trùng khớp với sản phẩm chính hãng.

Để tìm hiểu nguồn gốc của mỹ phẩm “hàng hiệu giá bèo”, thông qua trung gian, chúng tôi tiếp cận được với M., một chủ sạp tại chợ đêm sinh viên (P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội). Trong vai một tay “chân ướt, chân ráo” muốn mở cửa hàng ở quê, tôi được M. mách nước: “Nếu chịu khó thì lên chợ Đông Kinh - Lạng Sơn nhập hàng, còn không thì tới ngay chợ Đồng Xuân cho gần”.

Theo M., hầu hết mỹ phẩm ở các chợ đêm, thậm chí trong các cửa hàng lớn tại Hà Nội hiện nay đều là hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống những năm trước, mặt hàng này thường có màu sắc dại hoặc in chữ lỗi, hiện nay, hàng Trung Quốc được làm rất tinh vi nên với nhiều sản phẩm, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được thật, giả. M. bật mí, trước đây cô thường xuyên nhập hàng tại chợ Đồng Xuân nhưng giờ đã kiếm được mối hàng rẻ hơn khoảng 10 - 15%. Chúng tôi gạn hỏi song M. khéo léo chối từ: “Đây là mối riêng. Tốt nhất các chị lên chợ Đồng Xuân nhập hàng vì vẫn có thể bán giá gấp năm, gấp 10 lần giá gốc”.


Hầu hết mỹ phẩm ở các chợ đêm, thậm chí trong các cửa hàng lớn tại Hà Nội hiện nay đều là hàng Trung Quốc

Theo chỉ dẫn, chúng tôi có mặt tại khu vực tầng một, chợ Đồng Xuân, nơi có gần chục ki-ốt mỹ phẩm xếp cạnh nhau san sát. Được M. dắt mối nên khi ngỏ ý muốn nhập hàng với giá buôn, chúng tôi được bà H., một chủ hàng nồng nhiệt tiếp đón. “Bọn em mới bán thì nhập những mặt hàng cơ bản như kem dưỡng da, phấn nền, phấn má, phấn mắt, son môi trước.

Còn những loại kem lót, kem nền hay nước hoa thì thăm dò thị trường sau”, bà H. nói. Theo như lời bà H. giới thiệu, trong dòng son môi, LipIce và Maybelline là hai nhãn bán chạy nhất. Giá của loại son này đổ đồng các loại màu cam, hồng, đỏ với giá… 5.000đ! Không chỉ giật mình với mức giá rẻ ngoài sức tưởng tượng, hình thức của hai loại son này so với sản phẩm chính hãng gần như không khác biệt.

Sản phẩm Maybelline “dỏm” được dán tem xuất xứ từ Thái Lan với đầy đủ thông tin của nhà phân phối là Công ty TNHH L'Oreal Việt Nam. Trong khi đó, son LipIce “made in Trung Quốc” còn khiến người tiêu dùng không mảy may nghi ngờ khi có cả tem… trúng thưởng!

Những loại son môi khác cũng có giá rất bèo, từ 8.000-10.000đ/thỏi. Trong dòng phấn má, sản phẩm nhái của nhãn hiệu Us*Star-C2 (Thái Lan) có mức giá rẻ nhất là 18.000đ. Loại “cao cấp” hơn như Lancôme, M.A.C, L'Oreal cũng chỉ có giá từ 20.000 - 22.000đ. Chênh lệch nhau không nhiều nên trên thị trường, hầu hết các loại phấn má giả, nhái được bán với mức phổ biến là 45.000đ.

 

Khi chúng tôi hỏi tới mặt hàng kem dưỡng da, bà H. đưa ra một lọ kem Pond kèm theo lời lý giải: “Loại này “xịn”, giá 45.000đ. Loại thường thì rẻ hơn, chỉ 20.000đ thôi”. Đề nghị xem mặt hàng thấp cấp, bà H. gạt phăng: “Khỏi phải xem làm gì vì hai loại này giống nhau tới từng… milimét”. Cũng giống Pond, nhiều loại mỹ phẩm bình dân tại cửa hàng bà H. đều có hai loại thật và giả với mức giá chênh lệch gấp hai, ba lần. Bà H. còn hứa hẹn với chúng tôi, nếu hàng bán chạy và nhập số lượng lớn, giá cả sẽ còn “mềm” hơn so với lần đầu tiên “hợp tác”.

(Phụ nữ online)

Bạn đang đọc bài viết Mỹ phẩm Trung Quốc: Lợi nhuận che mờ… độc tố!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.