Thứ năm, 18/04/2024 12:33 (GMT+7)

Ma túy gây nguy hại tới sức khỏe con người như thế nào?

MTĐT -  Thứ bảy, 22/09/2018 10:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những ngày gần đây, vụ việc 7 thanh niên tử vong sau khi dự lễ hội âm nhạc tại công viên nước Hồ Tây, Hà Nội, khiến dư luận hết sức quan ngại.

Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy 7 người tử vong và những người đang cấp cứu trong Bệnh viện đều dương tính với ma túy… Qua nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, các loại ma túy đều gây nguy hại tới sức khỏe con người.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 để làm rõ những tác hại của ma túy với con người.

Ma túy đá có tác dụng kích thần mạnh

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Huy: Ma túy đá (tiếng Anh ICE) gồm Meth-Amphetamin và MDMA (Ecstasy). Cả 2 chất này đều là dẫn xuất của Amphetamin và đều có tác dụng kích thần rất mạnh. Xét tổng thể thì MDMA gây ảo giác và hoang tưởng (loạn thần) mạnh hơn nhiều so với Meth-Amphetamin.

Sau khi uống, ma túy đá nhanh chóng được hấp thu và đạt nồng độ đỉnh trong máu sau 3-6 giờ. Ma túy đá được chuyển hóa trong vòng 10- 24 giờ. Chất này cũng được hấp thu dễ dàng qua đường hút và hít. Sau khi hấp thu, ma túy đá được phân bố ở hầu hết các bộ phận của cơ thể. Do ma túy đá dễ tan trong mỡ nên chúng dễ dàng đi qua hàng rào máu não và qua nhau thai.

Khi một người dùng ma túy sẽ phát sinh các tác hại đến cơ thể: Chán ăn, tăng hoạt động, giãn đồng tử, đỏ mặt, mất thư giãn, khô miệng, đau đầu, đánh trống ngực, thở nhanh, tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp, tăng thân nhiệt, đái nhiều, ỉa chảy hoặc táo bón, hoa mắt, chóng mặt, rung giật nhãn cầu, mất ngủ, tê, đổ mồ hôi, loạn nhịp tim, run, khô da, chứng cá, tái mặt. Nếu dùng ma túy đá liều cao hoặc dùng kéo dài có thể gây co giật, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và tử vong.

Khi sử dụng ma túy đá, con người có cảm giác khoan khoái, giảm lo âu, tăng ham muốn tình dục, tăng tập trung, tăng năng lượng, tăng tự tin, dễ kích thích, kích động, rối loạn, kích động tâm thần vận động, tự cao, cho rằng có quyền lực vô biên, hành vi lặp đi lặp lại và hành vi ám ảnh, đa nghi. Khi dùng lùng liều cao hoặc kéo dài, người dùng có thể bị loạn thần như hoang tưởng và ảo giác.

Ngộ độc thần cấp do ma túy đá

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Huy nêu rõ: Người sử dụng ma túy đá có thể bị ngộ độc thần cấp. Khi đó họ sẽ có biểu hiện hưng phấn quá mức về ngôn ngữ, vận động. Bệnh nhân có thể hò hét, nhảy nhót suốt đêm không ngừng mà không biết mệt mỏi. Bên cạnh đó, bệnh nhân sẽ bị tăng thân nhiệt, có thể lên đến (40-41 độ C), nguyên nhân là do tăng chuyển hóa và hoạt động quá nhiều gây tích nhiệt.

Một số khác có thể bị co giật kiểu động kinh. Bệnh nhân có cơn co giật toàn thân, xuất hiện đột ngột, kéo dài vài phút rồi kết thúc (hoặc chết). Cơn co giật là hậu quả trực tiếp của ma túy đá trên não, hậu quả của tăng thân nhiệt và tổn thương gan, phổi, gây rối loạn chuyển hóa.

Biểu hiện khác khi người dùng bị ngộ độc do ma túy đá là bị phù phổi cấp. Bệnh nhân hoảng hốt, sợ hãi, khó thở, trào bọt màu hồng ra miệng và dễ dàng tử vong.  Bệnh nhân bị tổn thương ở nhiều cơ quan (suy đa tạng).Tình trạng này có thể đòi hỏi phải siêu lọc để cứu sống bệnh nhân.

Người bệnh sử dụng ma túy đá liều cao, kéo dài, sẽ tăng nguy cơ bị trầm cảm loạn thần, lo âu, hành vi bạo lực và tự sát, cũng như bị các bệnh tim, mạch nặng.

Lễ hội âm nhạc tại công viên nước Hồ Tây. Ảnh: PV. 

Hơn 20% số người nghiện ma túy đá sẽ có các triệu chứng hoang tưởng và ảo giác giống với tâm thần phân liệt. Các triệu chứng này sẽ tồn tại ít nhất 6 tháng sau khi người nghiện đã ngừng sử dụng ma túy đá và thường khó điều trị.

Việc sử dụng ma túy đá qua đường tiêm tĩnh mạch có thể gây ra nhồi máu phổi do tắc động mạch phổi và nhiễm trùng vị trí tiêm. Hút ma túy đá được coi là độc hại hơn các đường sử dụng khác vì hút lâu ngày gây ra tổn thương phổi.

Nếu dùng dạng hít thì khi bị hít vào, ma túy đá đi xuống họng và bám vào răng gây hỏng răng.Với dạng thuốc đặt, ma túy đá được hấp thu trực tiếp vào máu nên tác dụng của chất này xuất hiện sớm hơn so với dạng hít.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Quang Huy: Ngay sau khi phát hiện người ngộ độc ma túy đá, cần chuyển ngay đến khoa hồi sức, cấp cứu của bệnh viện. Bệnh nhân sẽ được theo dõi và duy trì các chức năng sống như nhịp tim, huyết áp, hô hấp, tiết niệu. Các trường hợp nặng, bệnh nhân cần được thở máy, truyền dịch và lợi tiểu để tăng đào thải ma túy đá qua nước tiểu…

Hiện nay, chưa có thuốc đối kháng ma túy đá để điều trị củng cố, vì thế tỷ lệ tái nghiện ma túy đá là rất cao.

Bóng cười là bước đầu dẫn đến dùng ma túy

Bóng cười có công thức hóa học là N20 (oxide nitro), đây là thuốc gây mê, dùng trong y học (gây mê để mổ). Khi được hít vào phổ, N2O nhanh chóng được hấp thu vào máu, kích thích lên não gây ra các cơn cười cho người hít. N2O được đóng vào các túi nhỏ và có tiếng lóng là “bóng cười”.

Thực chất, bóng cười không phải là ma túy và không độc hại như Heroin hoặc ma túy đá. Tuy nhiên, bóng cười không vô hại. Về tính chất hóa học, vật lý, N2O tuy không có tác dụng độc hại cho cơ thể người sử dụng (vì thế nó mới được dùng để gây mê), nhưng chúng gây ra các tác động về mặt tâm thần.

Người sử dụng thử bóng cười 1 lần sẽ cảm thấy nhớ và thèm được trải nghiệm một lần nữa, dẫn đến sử dụng lần sau. Quá trình này lặp đi, lặp lại khiến người dùng phụ thuộc vào nó về mặt tâm lý. Điều này có nghĩa là nếu lâu không được dùng bóng cười, người ta sẽ thấy nhớ và tìm cách sử dụng lại.

Như vậy, bóng cười cũng giống ma túy, giúp người dùng trốn chạy cuộc sống thực tại, sa vào cuộc sống ảo. Người dùng sẽ giảm quan tâm đến các vấn đề của cuộc sống thực tại, thu hẹp dần các mối quan hệ xã hội của mình.

Một điều đáng lo ngại là bóng cười luôn là bước đầu của quá trình dẫn người dùng đến nghiện ma túy. Họ sử dụng bóng cười là để được trải nghiệm cảm giác mới, lạ.Vì vậy những người này có thể sẽ muốn được trải nghiệm các cảm giác mới lạ hơn - các cảm giác mà ma túy nhóm kích thần (cần sa hay còn gọi là cỏ Mỹ, Khat (cỏ Ả rập) và ma túy đá (Ecstasy) mang lại.

Ma túy nhóm kích thần mang lại cảm giác khoan khoái, tăng tự tin ở cấp độ cao hơn của bóng cười. Nói như thế để chúng ta hiểu rằng: Hít bóng cười là bước đầu tiên đi vào thế giới nghiện chất kích thần. Đó là nguyên nhân khiến bóng cười bị cấm bán, cấm sử dụng.

Theo TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Ma túy gây nguy hại tới sức khỏe con người như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Suy gan do uống thuốc không rõ nguồn gốc
Ngày 17/4, thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.
Khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3
Tối 17-4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ ba - năm 2024.