Thứ sáu, 29/03/2024 21:23 (GMT+7)

Vì bát tiết canh, 9 trường hợp dính liên cầu lợn trong 2 tháng qua

MTĐT -  Thứ hai, 05/03/2018 22:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

2 tháng qua, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 9 trường hợp mắc liên cầu lợn vào điều trị.Tuy không có trường hợp nào tử vong nhưng thời gian điều trị kéo dài và mỗi ca bệnh tốn kém...

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 9 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn; trong đó, tháng 1 có 5 ca, tháng 2 có 4 ca. Tuy không có trường hợp nào tử vong nhưng thời gian điều trị kéo dài và mỗi ca bệnh tốn kém hàng trăm triệu đồng.

Cũng như nhiều năm trước, từ gần Tết nguyên đán đến nay, số ca mắc bệnh liên cầu lợn có xu hướng gia tăng. Bởi trong thời gian này, nhiều gia đình mổ lợn để đón Tết, lễ hội và nhiều nơi vẫn có tập tục ăn tiết canh cho may mắn hoặc coi đó là món ăn bổ dưỡng. Trong 2 tháng qua, có 9 bệnh nhân liên cầu lợn phải cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chủ yếu là do ăn tiết canh, có bệnh nhân chuyển từ Lai Châu xuống trong đúng dịp tết chỉ vì ăn bát tiết canh chiều 30 tết để lấy may mắn.

Điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhiễm vi khuẩn liên cầu trong quá trình giết mổ lợn. Theo thông tin anh Nguyễn Đình Phường đang chăm sóc bố vợ là ông Vũ Đức Bổng (ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) bị liên cầu lợn cho biết:“Hỏi ông thì ông bảo không ăn tiết canh. Ông chỉ đi giúp mổ lợn cho nhà hàng xóm có đám cưới. Tay của ông trước đó có nhiều vết xước, do ông làm xây dựng bị dị ứng xi măng, ngứa, gãi gây vết xước. Có lẽ đây là lý do khiến ông bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn”.

Theo các bác sĩ, bệnh liên cầu lợn có thể điều trị bằng kháng sinh, nhưng thời gian điều trị kéo dài với những loại kháng sinh đặc trị liều cao và thường phải lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Nếu bệnh nhân ở giai đoạn viêm màng não mủ có thể phải nằm viện ít nhất 1 tháng và khi bị nhiễm khuẩn huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn thì phải điều trị đến 2 tháng, với chi phí hàng trăm triệu đồng.

BS Vũ Minh Điền, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, cùng một gia đình, cùng ăn trong một mâm cơm, cùng nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn nhưng không phải ai cũng bị bệnh. 

Vì sao có chuyện này, theo BS Điền, trước hết là do bản thân con vi khuẩn, độc lực của nó có mạnh không.

Tiếp đến là sức đề kháng của mỗi người có sự khác nhau. Người nào có sức đề kháng tốt thì cùng nhiễm một lượng vi khuẩn nhưng có thể không bị bệnh. "Nhưng với những người có sức đề kháng kém như bị xơ gan, tiểu đường, nghiện rượu hoặc bị suy giảm miễn dịch mắc phải hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài thì dễ bị vi khuẩn xâm nhập vào vào máu và gây bệnh"- BS Điền nói.

Nam bệnh nhân bị liên cầu lợn đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Cuối cùng theo BS Điền là số lượng vi khuẩn ăn vào cơ thể mỗi người khác nhau cũng có nguy cơ mắc bệnh khác nhau

Trên thực tế nhiều con lợn mang vi khuẩn liên cầu nhưng lại không có biểu hiện bệnh và vẫn là nguồn lây bệnh cho con người.

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn.

Năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó 14 người tử vong

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, điều tra các ca bệnh nhiễm liên cầu lợn trên người cho thấy khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, do tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.
Khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Người nhiễm bệnh liên cầu lợn bao gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng.
Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn trên người có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường. 
Người bệnh cũng có biểu hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Trường hợp nặng người bệnh có các biểu hiện: Sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng… hôn mê và tử vong.
Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% (thường là điếc không hồi phục).
Một điểm cần lưu ý là sau khi nhiễm liên cầu lợn người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau do bệnh không để lại miễn dịch lâu dài trong cơ thể người, vì vậy cần duy trì thường xuyên thói quen ăn chín, uống sôi trong mọi thời điểm.

Theo SK&ĐS

Bạn đang đọc bài viết Vì bát tiết canh, 9 trường hợp dính liên cầu lợn trong 2 tháng qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới