Thứ sáu, 29/03/2024 21:20 (GMT+7)

Yêu cầu Chủ đầu tư bàn giao 2% kinh phí bảo trì nhà chung cư

MTĐT -  Thứ bảy, 20/07/2019 09:11 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Căn cứ vào quy định tại Điều 108 Luật Nhà ở năm 2014 thì người mua căn hộ chung cư phải đóng 2% giá trị căn hộ

Câu hỏi: Cho tôi hỏi, số tiền 2% trên tổng số tiền tôi bỏ ra mua căn hộ chung cư thì sẽ được sử dụng như thế nào, tôi là thành viên trong Ban quản trị của tòa nhà chung cư CT1, ở HN (xin giấu đia chỉ). Tôi mới vào ban quản trị nên chưa nắm rõ về việc số tiền này của toàn bộ cư dân đóng cho chủ đầu tư, và hiện nay ban quan trị chúng tôi đang muốn đòi lại số tiền này từ chủ đầu tư. Xin hãy trả lời cho tôi biết các quy định liên quan tới số tiền 2% nay, đê chúng tôi có hướng đòi lai từ chủ đầu tư, đặc biệt là cả phần lãi suất phát sinh từ số tền này.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chuyên mục hỏi đáp Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:

Căn cứ vào quy định tại Điều 108 Luật Nhà ở năm 2014 thì người mua căn hộ chung cư phải đóng 2% giá trị căn hộ, khoản tiền này được tính vào tiền bán mà người mua phải đóng khi nhận bàn giao căn hộ và được quy định rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ. Số tiền này được xác định là kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này).

 Trong trường hợp của bạn, việc chủ đầu tư xây dựng chiếm giữ, không bàn giao số tiền này cho Ban quản trị tòa nhà chung cư thì sẽ thuộc hành vi nghiêm cấm tại khoản 1 Điều 35 Nghị định số: 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở: “Sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định của Luật Nhà ở, Nghị định này và Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành”.

Do đó, Đại diện Ban quản trị chung cư có thể căn cứ vào Điều 36 Nghị định số: 99/2015/NĐ-CP quy định về bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Cụ thể như sau:

Điều 36. Bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu

  1. Người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 108 của Luật Nhà ở; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này). Chủ đầu tư phải mở một tài khoản thanh toán tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư nộp; khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn.
  2. Chủ đầu tư phải ghi thống nhất tài khoản đã mở theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư ký với khách hàng (bao gồm số tài khoản, tên tài khoản và tên tổ chức tín dụng nơi mở tài khoản này); người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì theo quy định vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng này hoặc nộp cho chủ đầu tư để chuyển vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng; nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này.
  3. Đối với phần diện tích nhà mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua tính đến thời điểm nghiệm thu đưa toàn bộ nhà chung cư vào sử dụng mà thuộc diện phải nộp kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị nhà chung cư (sau đây gọi chung là Ban quản trị) theo quy định của Luật Nhà ở thì chủ đầu tư phải chuyển số kinh phí này vào tài khoản đã lập quy định tại Khoản 1 Điều này.
  4. Sau khi Ban quản trị được thành lập và có văn bản yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đang tạm quản lý thì chủ đầu tư và Ban quản trị thống nhất lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì; căn cứ vào số liệu quyết toán do hai bên thống nhất, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển kinh phí bảo trì thuộc diện phải chuyển giao theo quy định của pháp luật về nhà ở sang cho Ban quản trị quản lý thông qua hình thức chuyển khoản. Cách thức lập tài khoản quản lý kinh phí bảo trì của Ban quản trị và thủ tục bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư sang cho Ban quản trị được thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ Xây dựng ban hành.

Sau khi bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư, chủ đầu tư phải có văn bản báo cáo cho Sở Xây dựng nơi có nhà chung cư biết để theo dõi.”

Như vậy, theo quy định nêu trên thì chủ đầu tư phải mở một tài khoản thanh toán tại một Ngân hàng để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư nộp. Khi mở tài khoản, chủ đầu tư phải ghi rõ tên tài khoản là tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư dưới hình thức có kỳ hạn.

Tiếp đó, sau khi Ban quản trị được thành lập và có văn bản yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đang tạm quản lý thì chủ đầu tư và Ban quản trị thống nhất lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì; căn cứ vào số liệu quyết toán do hai bên thống nhất, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển kinh phí bảo trì (cả lãi nếu có) thuộc diện phải chuyển giao sang cho Ban quản trị quản lý thông qua hình thức chuyển khoản. Sau khi bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị nhà chung cư xong, chủ đầu tư phải có văn bản báo cáo cho Sở Xây dựng Hà Nội biết để theo dõi.

Đối với trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì hoặc bàn giao không đầy đủ thì Ban quản trị có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư (Điều 37 Nghị định số: 99/2015/NĐ-CP).

Nếu cần có sự hỗ trợ, tư vấn thêm bạn đọc có thể liên hệ theo địa chỉ phía dưới đây.

Luật gia: Lê Minh
Địa chỉ: Tòa nhà New Skyline, KĐT Văn Quán, Văn Quán, Hà Đông, TP.Hà Nội
Hotline: 0961.272.396
Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Yêu cầu Chủ đầu tư bàn giao 2% kinh phí bảo trì nhà chung cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới