Thứ ba, 16/04/2024 14:26 (GMT+7)

Xử lý hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư như thế nào?

Luật sư Đồng Xuân Thụ -  Thứ tư, 24/06/2020 10:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tại Mục 2.1 Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường là bao nhiêu?

Luật sư chuyên mục tư vấn của Môi trường và Đô thị Việt Nam xin được tư vấn về quy định của pháp luật về cách xử phạt hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư và các vấn đè pháp lý liên quan.

Câu hỏi:

Tại Mục 2.1 Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường là bao nhiêu?
Nếu hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép thì có bị xử phạt không? và mức phạt là bao nhiêu?

Không chỉ còn là chuyện gây phiền, tiếng ồn cũng là một “sát thủ” đối với sức khỏe con người. Ảnh minh hoạ: nguồn internet


Luật sư trả lời:


1.Căn cứ pháp lý

-Bộ luật dân sự 2015
-Luật Bảo vệ môi trường 2014
-Nghị định 155/2016/NĐ-CP
-Thông tư 39/2010/TT-BTNMT

2. Trả lời

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Nghị định của Chính phủ về việc quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và phải chịu xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định này và bạn hoàn toàn có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp để xử lý vi phạm trên và khắc phục hậu quả của vi phạm này.

Tại Mục 2.1 Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là: 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h).

Nếu hành vi sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép trên thì có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, cụ thể:

"Điều 17. Vi phạm các quy định về tiếng ồn

1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA.2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA.

6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA.

7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA.

8. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA.

9. Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA.

10. Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.

11. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại các khoản 8, 9 và 10 Điều này.

12. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm quy định tại Điều này gây ra;

b) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm quy định tại Điều này."

Như vậy, nếu xung quanh gia đình bạn có các cơ sở sản xuất, hộ gia đình có các hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn, Bạn có thể làm đơn khiếu nại đến Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường nơi bạn sống để yêu cầu họ chấm dứt hành vi gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của gia đình bạn. Cùng với đơn khiếu nại bạn có thể gửi kèm các chứng cứ chứng minh hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn kể trên, có thể là ý kiến của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn hoặc các hộ gia đình sống gần nhà bạn và người gây tiếng ồn để Ủy ban nhân dân cấp xã có cơ sở giải quyết.

Người vi phạm các quy định về việc gây ra tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép trong hoạt động sản xuất, kinh doanh có thể bị xử phạt hành chính với các mức phạt theo quy định kể trên.

Ngoài ra, bạn có thể làm đơn khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi bạn cư trú nếu mức độ gây ô nhiễm tiếng ồn nghiêm trọng và bạn có cơ sở yêu cầu người gây tiếng ồn bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự. Cụ thể:

"Điều 624. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi."

Như vậy đối với trường hợp của bạn thì bạn có thể khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền cụ thể là tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi quán karaoke đặt địa điểm và hồ sơ khởi kiện gồm những giấy tờ sau:

Hồ sơ khởi kiện gồm:

- Đơn khởi kiện

- Bản sao có chứng thực Hộ khẩu, CMND của người khởi kiện
- Bản sao có chứng thực Biên bản vi phạm, Quyết định xử phạt hành chính (nếu có)
- Giấy tờ, tài liệu về thiệt hại (sức khỏe, tinh thần…) của người khởi kiện.
- Các giấy tờ, tài liệu khác mà người khởi kiện thấy cần thiết để tòa án sử dụng làm căn cứ khi giải quyết vụ việc.

Xin cảm ơn bạn đọc đã quan tâm đặt câu hỏi. Bạn đọc có thắc mắc vui lòng gửi về email [email protected] 

Bạn đang đọc bài viết Xử lý hành vi gây tiếng ồn trong khu dân cư như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới