Thứ sáu, 29/03/2024 13:52 (GMT+7)

Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

MTĐT -  Thứ sáu, 03/04/2020 10:31 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hành vi lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác sẽ bị xử lý về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”

Tóm tắt: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) được xây dựng mới trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 186 BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 1999). Để hiểu và áp dụng đúng quy định của BLHS năm 2015 về tội phạm này, trong bài viết tác giả phân tích và bình luận về khái niệm, dấu hiệu pháp lý, tình tiết định khung tăng nặng và hình phạt của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Từ khóa: Bộ luật Hình sự; Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Hành vi lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác sẽ bị xử lý về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

1. Khái niệm Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

Trên cơ sở quy định tại Điều 240 BLHS năm 2015, tác giả rút ra khái niệm Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người như sau: Tội lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là hành vi cố ý đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người hoặc các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện.

Cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý của khái niệm này chính là khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự”.

2. Dấu hiệu pháp lý
2.1. Khách thể của tội phạm
Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người xâm phạm đến các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường, cụ thể đó là xâm phạm đến các quy định về phòng, chống dịch bệnh ở người được quy định trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra, Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
2.2.1. Hành vi khách quan
Hành vi khách quan của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được thực hiện thông qua hành động hoặc không hành động. Hành động phạm tội là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm, thông qua việc chủ thể làm một việc mà pháp luật cấm. Không hành động phạm tội là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm, thông qua việc chủ thể không làm một việc pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.
Hành vi khách quan trong Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người được chủ thể thực hiện thông qua một trong các hành vi sau:
- Thứ nhất, có hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng dịch bệnh động vật (như trâu, bò, gà, vịt,…), thực vật (như các loại cây ăn quả, cây giống, rau,…); sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người (như đưa các loại sản phẩm gia cầm: gà, vịt bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9,...)
- Thứ hai, có hành vi đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người.
- Thứ ba, có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người, như: không tiêu hủy động vật, thực vật bị nhiễm bệnh, không khoanh vùng tẩy uế khu vực bị dịch bệnh, không tiến hành cách ly người bị nhiễm bệnh,… tạo điều kiện thuận lợi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Đối với hành vi khác làm lây lan dịch nguy hiểm cho người, ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Văn bản số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có hướng dẫn xác định tội danh đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS năm 2015 như sau: “Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền bệnh dịch Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS năm 2015 và bị xử lý về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người: a) Trốn khỏi nơi cách ly; b) Không tuân thủ quy định về cách ly; c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khi báo gian dối.”
2.2.2. Hậu quả của tội phạm
Hậu quả của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là thiệt hại do hành vi khách quan gây ra cho khách thể của tội phạm. Chủ thể của tội phạm khi thực hiện các hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội phạm gây ra hậu quả là làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (ví dụ các dịch bệnh nguy hiểm cho người như: dịch tiêu chảy cấp, dịch tả, dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19),... Hậu quả làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành cơ bản của tội phạm. Ngoài ra, hậu quả của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người còn bao gồm cả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm nói chung và chủ thể của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người nói riêng phải là người có đủ điều kiện để có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Người có đủ điều kiện có lỗi, để trở thành chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự - năng lực nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi và năng lực điều khiển hành vi theo đòi hỏi tất yếu của xã hội. Để có năng lực này con người phải đạt độ tuổi nhất định, do vậy, độ tuổi cũng là điều kiện của chủ thể của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Theo quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015 thì tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự là tình trạng của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định cho thấy, một người được coi là trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn hai dấu hiệu: Dấu hiệu y học, mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm rối loạn hoạt động thần kinh; Dấu hiệu tâm lý, mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi. Người mắc bệnh trong trường hợp này: 1) Hoặc không còn năng lực hiểu biết những đòi hỏi của xã hội, không còn năng lực đánh giá hành vi đã thực hiện là đúng hay sai, được làm hay không được làm... Vì vậy, họ cũng không còn năng lực kiềm chế việc thực hiện hành vi nguy hiểm để thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hòi của xã hội; 2) hoặc tuy có năng lực nhận thức và năng lực đánh giá tính chất xã hội của hành vi nguy hiểm, nhưng do các xung động bệnh lý khiến họ không thể kiềm chế được hành vi của mình. Quy định trên cho thấy, người nào tuy mắc bệnh tâm thần, nhưng không mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì không được coi là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự. Đây thực chất là trường hợp năng lực trách nhiệm hình sự hạn chế - một tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Như vậy, căn cứ vào các quy định tại khoản 1 Điều 9, khoản 2 Điều 12 và Điều 240 BLHS năm 2015 thì chủ thể của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Lỗi của người phạm tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người là lỗi cố ý. Theo quy định tại Điều 10 BLHS năm 2015, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra; hoặc người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Nghiên cứu dấu hiệu lỗi không chỉ có ý nghĩa trong việc định tội danh mà còn có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt đối với Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

3. Tình tiết định khung của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

3.1. Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế (điểm a khoản 2 Điều 240).
Đây là trường hợp phạm tội để lại hậu quả đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế phải công bố dịch. Theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg, ngày 28/01/2026 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C thì điều kiện để công bố dịch khi: a) Một xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 03 năm gần nhất; b) Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên; c) Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.
- Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C.
Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 về phận loại bệnh truyền nhiễm thì:
+ Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota);
+ Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác.
- Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch.
+ Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 về phận loại bệnh truyền nhiễm thì: Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
+ Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) đang có diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, gây ra hậu quả to lớn về người, kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT, ngày 29/01/2020 về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV (Covid-19) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Các hoạt động phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCov (Covid-19) được thực hiện theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao (thuộc nhóm A theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007).

3.2. Làm chết người (điểm b khoản 2 Điều 240)

Đây là trường hợp do thực hiện hành vi phạm tội mà làm chết người, chứ không phải giết người. Làm chết người trong trường hợp này được hiểu là người phạm tội đã gây hậu quả chết người và lỗi của họ đối với hậu quả này là lỗi vô ý. Số lượng người chết là 01 người.

3.3. Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (điểm a khoản 3 Điều 240)
Đây là trường hợp phạm tội để lại hậu quả đó là Thủ tướng Chính phủ phải công bố dịch. Theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg, ngày 28/01/2026 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì điều kiện công bố dịch khi có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người. Các bệnh truyền nhiễm nhóm A được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, bao gồm: bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh; và bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (theo Quyết định số 219/QĐ-BYT, ngày 29/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Ví dụ: Ngày 01/4/2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, trong đó xác định dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu, Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
3.4. Làm chết 02 người trở lên (điểm b khoản 2 Điều 240)
Đây là trường hợp do thực hiện hành vi phạm tội mà làm chết người, chứ không phải giết người. Làm chết người trong trường hợp này được hiểu là người phạm tội đã gây hậu quả chết người và lỗi của họ đối với hậu quả này là lỗi vô ý. Số lượng người chết là từ 02 người trở lên.

4. Hình phạt đối với Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
4.1. Hình phạt chính:
- Hình phạt chính quy định tại khoản 1 Điều 240: Tại khoản 1 Điều 240 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
- Hình phạt chính quy định tại khoản 2 Điều 240: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với chủ thể phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người.
- Hình phạt chính quy định tại khoản 3 Điều 240: Phạt tù từ 10 năm đến 12 năm đối với chủ thể phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; b) Làm chết 02 người trở lên.
4.2. Hình phạt bổ sung
Khoản 4 Điều 240 BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Điều 240: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;
c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;
b) Làm chết người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:
a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
b) Làm chết 02 người trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
2. Quốc hội, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
3. Quốc hội, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
4. Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Văn bản số 45/TANDTC-PC, ngày 30/3/2020 về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
5. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg, ngày 28/01/2026 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
6. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 173/QĐ-TTg, ngày 01/4/2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
7. Bộ trưởng Bộ Y tế, Quyết định số 219/QĐ-BYT, ngày 29/01/2020 về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona(nCov) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Đại úy, Ths Ngọ Duy Thi
Khoa Luật - Học viện Cảnh sát nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới