Thứ năm, 28/03/2024 17:27 (GMT+7)

Tăng chế tài xử lý vi phạm tài nguyên nước và khoáng sản

MTĐT -  Thứ năm, 14/05/2020 15:44 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trên cơ sở đó, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục tham mưu, đề xuất thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành tài nguyên nước để nâng cao hiệu quả, hiệu lực cơ quan quản lý tài nguyên nước.

Nghị định số 36/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/5/2020 thay thế cho Nghị định số 33/2017/NĐ-CP góp phần bảo đảm tính răn đe, ngăn chặn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản, xả nước thải vào nguồn nước, từ đó, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Xử đúng người, đúng tội


Từ sau khi Luật Tài nguyên nước được ban hành, đặc biệt, sau khi Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản có hiệu lực, đã có 17 văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực tài nguyên nước được ban hành, trong đó, bao gồm 2 Nghị định và 15 Thông tư, dẫn đến một số quy định mới vẫn chưa có chế tài xử lý vi phạm hành chính; một số quy định tại Nghị định 33/2017/NĐ-CP đã trở nên không còn phù hợp.

Ông Ngô Chí Hướng, Trưởng Phòng Pháp chế (Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT) cho biết, qua 2 năm áp dụng Nghị định số 33/2017/NĐ-CP vào công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tài nguyên nước cũng đã ghi nhận được một số bất cập, vướng mắc khi một số hành vi trái quy định pháp luật chưa có chế tài xử phạt, một số chế tài quy định tại Nghị định số 33 chưa mang tính khả thi cao. Ngoài ra, các địa phương đã phản ánh những khó khăn trong quá trình áp dụng Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, đề nghị hướng dẫn và sửa đổi một số quy định cho phù hợp, tăng sức răn đe và tính khả thi của quy định.

“Việc sửa đổi, bổ sung nội dung tài nguyên nước tại Nghị định số 33/2017/NĐ-CP để phù hợp với những quy định pháp luật mới lĩnh vực tài nguyên nước, để có thể xử lý đúng người, đúng tội, không bỏ sót vi phạm là điều vô cùng cần thiết”, ông Ngô Chí Hướng nói.

Khắc phục hành vi bị xử phạt hai lần


Theo ông Ngô Chí Hướng, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở kế thừa, giữ lại những quy định còn phù hợp, khắc phục những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những vấn đề vướng mắc phát sinh về mặt pháp lý trong thực tiễn áp dụng các quy định của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, đồng thời, tăng cường xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, nhất là hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông nhằm ngăn chặn có hiệu quả đối với hoạt động này, tăng cường trách nhiệm trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Nghị định số 36 đã quy định rõ thêm các hành vi cần xử phạt để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân có ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản, về tài nguyên nước.

Tăng cường xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước. Ảnh: MH

Ông Ngô Chí Hướng nhấn mạnh: So với Nghị định số 33/2017/NĐ-CP, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP đã mang tính khả thi hơn, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan và lực lượng thực thi pháp luật trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật. Một số quy định không còn phù hợp với pháp luật hiện hành hoặc không có hành vi vi phạm trong thực tế đã được bãi bỏ; các hành vi vi phạm quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị định số 33 có hiệu lực đã được bổ sung; một số nội dung tại Nghị định số 33 còn vướng mắc, khó áp dụng cũng đã được sửa đổi hoặc hướng dẫn cụ thể như: Đã có hướng dẫn về việc xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính, việc áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung cũng được quy định cụ thể hơn. Ngoài ra, nhằm tránh những chồng chéo, mâu thuẫn, có thể dẫn đến việc một hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt hai lần, tại Nghị định số 36 đã quy định những hành vi vi phạm quy định về quan trắc, giám sát việc xả nước thải vào nguồn nước xử phạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Khẩn trương tuyên truyền đưa Nghị định vào cuộc sống


Ngay sau khi Nghị định được ban hành, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tham mưu trình Bộ TN&MT có Văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo nghiên cứu, quán triệt và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Nghị định, tập trung giải quyết những vấn đề vướng mắc, mang tính thời sự hiện nay như: cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước và kê khai, nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, tại Văn bản này Bộ cũng đề nghị các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, trường hợp phát hiện có vi phạm thì thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các công trình đã khai thác, sử dụng tài nguyên nước nhưng chưa có giấy phép cần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về tài nguyên nước, tránh tình trạng bị xử phạt vi phạm hành chính kèm theo biện pháp truy thu số lợi bất hợp pháp do thiếu thông tin, hiểu biết về chính sách, pháp luật.

Ông Ngô Chí Hướng cho biết: Thời gian tới, Cục sẽ tập trung tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước nói chung và công tác xử lý vi phạm hành chính về tài nguyên nước nói riêng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm hành chính về tài nguyên nước. Đồng thời, hoàn thiện các quy định pháp luật về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.

Trên cơ sở đó, Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục tham mưu, đề xuất thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành tài nguyên nước để nâng cao hiệu quả, hiệu lực cơ quan quản lý tài nguyên nước. Đồng thời, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước đã xuất hiện trên hầu khắp các địa phương, trong các lĩnh vực, từng ngành kinh tế, thậm chí, đã trở nên nghiêm trọng gây hậu quả khôn lường bởi tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Theo Thúy Hằng/Báo TNMT

Bạn đang đọc bài viết Tăng chế tài xử lý vi phạm tài nguyên nước và khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.