Thứ sáu, 29/03/2024 02:12 (GMT+7)

Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: ĐTM có phải là 'công cụ vạn năng'?

MTĐT -  Thứ tư, 04/03/2020 09:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đưa ra nhiều cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là quy định về đánh giá tác động môi trường và giấy phép môi trường.

“Lâu nay, vẫn tồn tại một quan niệm sai lầm là coi quyết định phê duyệt và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là “công cụ vạn năng” để kiểm soát cả vòng đời của dự án. Cùng với đó, việc cùng lúc tồn tại nhiều văn bản có tính pháp lý sau ĐTM, nội dung quy định đôi khi không thống nhất cũng gây khó khăn đối với cơ quan quản lý và làm doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện” - TS. Mai Thế Toản, Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, Tổng cục Môi trường chia sẻ.

Vẫn để “lọt” nguy cơ ô nhiễm

Theo phân tích của TS. Mai Thế Toản, theo các quy định hiện hành, có quá nhiều loại hình dự án phải thực hiện ĐTM kèm theo mức độ yêu cầu về thủ tục bắt buộc thực hiện là như nhau giữa các đối tượng có những tính chất tác động đến môi trường khác nhau. Điều này gây tốn kém cho doanh nghiệp, đặc biệt, trong những trường hợp dự án có tác động môi trường không đáng kể nhưng vẫn phải thực hiện nhiều thủ tục về môi trường do thuộc nhóm quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ (chẳng hạn như dự án đầu tư về giáo dục, văn hóa, thể thao,...); thuộc nhóm dự án có sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, khu di tích lịch sử - văn hóa, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng (ví dụ như dự án cải tạo khu di tích lịch sử, công trình xây dựng đường đi, lán, trại tại khu dịch vụ hành chính hay các dự án xây dựng quy mô nhỏ tại vùng đệm các khu bảo tồn,...).

                       ĐTM được lập có khi mang tính hình thức, nguy cơ ô nhiễm vẫn tồn tại

Trong khi đó, một số dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vẫn được triển khai thực hiện tại các khu vực đông dân cư, sức chịu tải môi trường thấp, gây ra những vấn đề bức xúc về môi trường. Nhiều sự cố ô nhiễm, suy thoái môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, bùng phát các điểm nóng về môi trường do xả thải, chôn lấp chất thải gây ô nhiễm đã xảy ra ở nhiều nơi, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường cả trước mắt và lâu dài, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân, làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân. Quy định hiện hành cũng làm cho doanh nghiệp lẫn các cơ quan quản lý chưa có sự chủ động trong quá trình xem xét đầu tư, cho phép triển khai thực hiện dự án.

“Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta chưa xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia, chưa quy hoạch không gian thành các loại vùng: bảo vệ nghiệm ngặt; hạn chế phát thải; ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội”, TS. Mai Thế Toản chỉ rõ.

Cũng theo đại diện của Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, việc coi quyết định phê duyệt và báo cáo ĐTM là "công cụ vạn năng", là căn cứ để cơ quan quản lý giám sát, kiểm tra, thanh tra cơ sở trong giai đoạn vận hành hoạt động như thực tế diễn ra trong thời gian qua là không hợp lý. Bởi lẽ, trong giai đoạn vận hành, các vấn đề môi trường của cơ sở hoàn toàn có thể thay đổi so với những nội dung đã dự báo, đề xuất trong báo cáo ĐTM.

Thủ tục hành chính sau ĐTM còn chồng chéo

Đối với các thủ tục hành chính (TTHC) sau ĐTM, TS. Mai Thế Toản cho hay, theo hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, các thủ tục về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng không được liên kết chặt chẽ với hoạt động đánh giá tác động môi trường, cấp giấy xác nhận, giấy phép về môi trường, dẫn đến thực tế, có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào hoạt động nhưng không có thủ tục môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Chỉ rõ bộ TTHC này, TS. Mai Thế Toản nêu, theo quy định pháp luật hiện hành của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và một số luật liên quan như Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Thủy lợi 2017, sau giai đoạn ĐTM, phê duyệt dự án, trước khi dự án chính thức đi vào vận hành hoạt động, chủ dự án có thể phải thực hiện nhiều TTHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan, bao gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép xả khí thải; giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; giấy phép xử lý chất thải nguy hại; sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; phương án bảo vệ môi trường; kế hoạch quản lý môi trường...

“Chính việc cùng lúc tồn tại nhiều văn bản có tính pháp lý sau ĐTM, nội dung quy định đôi khi không thống nhất (do quy định trong những thời điểm khác nhau và các cơ quan cấp phép khác nhau) đã gây khó khăn đối với cơ quan quản lý trong công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về BVMT của tổ chức, cá nhân và cũng làm doanh nghiệp lúng túng trong quá trình thực hiện”, TS.Mai Thế Toản nhấn mạnh.

Đại diện Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra chỉ ra thực tế, có những trường hợp cùng một nội dung (như chương trình quan trắc, yêu cầu chất lượng nước thải sau xử lý), nhưng giữa quyết định phê duyệt ĐTM, giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước lại có quy định khác nhau. Thậm chí, có những trường hợp quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM cho Dự án cho phép chất lượng nước thải sau xử lý loại B, khi dự án thi công xây dựng và đi vào vận hành hoạt động, khi đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước lại bị cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu phải xử lý nước thải đạt loại A.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có 17 Chương, 176 Điều (tăng 6 Điều). Trong đó, giữ nguyên 30 Điều; bãi bỏ, lồng ghép nội dung vào các điều khác 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 78 Điều; bổ sung  mới 5 Điều. Theo dự kiến, dự thảo Luật sẽ được trình ra tại Kỳ họp thứ 9 tới đây và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

Hay trong quá trình thẩm định, phê duyệt ĐTM không yêu cầu xây dựng hồ ứng phó sự cố, tuy vậy, khi cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước lại yêu cầu xây dựng hồ ứng phó sự cố... Điều này gây rất nhiều khó khăn, tốn kém, vướng mắc cho doanh nghiệp, dẫn đến có những công trình trên thực tế đã được phê duyệt Báo cáo ĐTM, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, đã xây dựng, vận hành thử nghiệm và đi vào hoạt động, nhưng chưa được cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

“Trong nhiều trường hợp, việc chậm trễ trong hoàn thành các giấy phép do các mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh từ các văn bản của các cơ quan quản lý Nhà nước nêu trên gây ra những phí tổn lớn do chậm thầu của các nhà thầu, khiến chủ đầu tư rủi ro vì bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước”, TS. Mai Thế Toản nói.

Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, TS. Mai Thế Toản thông tin, hiện có 2 phương thức chính trong cấp phép môi trường, đó là giấy phép môi trường tổng hợp và nhiều giấy phép môi trường đơn lẻ (tức là mỗi vấn đề môi trường có một giấy phép riêng). Việc áp dụng phương thức giấy phép tổng hợp hay đơn lẻ tùy thuộc vào hệ thống pháp luật và tình hình thực tế của từng quốc gia, tuy vậy, đều bảo đảm nguyên tắc không chồng chéo, một đối tượng cụ thể không bị áp dụng cả 2 phương thức cấp phép.

Theo xu thế hiện nay, một số quốc gia, ví dụ Hàn Quốc, đang chuyển đổi từ phương thức giấy phép riêng lẻ sang giấy phép tổng hợp, đặc biệt, đối với các dự án quy mô lớn, có tác động lớn đến môi trường. Tại một số nước EU như Đức, giấy phép môi trường không chỉ quy định, cho phép đối với vấn đề môi trường, mà còn mở rộng quy định các yêu cầu, điều kiện về xây dựng....

So với các nước trên thế giới, Việt Nam hiện nay đã tồn tại một số loại giấy phép môi trường theo cả 2 phương thức cấp phép này. Cụ thể, Luật Tài nguyên nước quy định về giấy phép xả thải vào nguồn nước (là hình thức giấy phép đơn lẻ), trong khi đó Luật Bảo vệ môi trường quy định về giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (có tính chất như một kiểu giấy phép tổng hợp).

Theo đại diện Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra, việc tồn tại cả 2 phương thức cấp phép dẫn đến sự chồng lấn, mâu thuẫn trong nội dung cấp phép, phát sinh thủ tục, gây phiền toái cho các doanh nghiệp. Đơn cử như việc xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường tại Khoản 2 Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường đã bao gồm kiểm tra, xác nhận hiệu quả xử lý hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, Điều 38 Luật Tài nguyên nước cũng quy định về việc lập hồ sơ xin phép xả thải vào nguồn nước của chủ dự án (cũng bao gồm kiểm tra, đánh giá hiệu quả xử lý hệ thống xử lý nước thải).

Tháo gỡ những bất cập đó, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đưa ra chủ trương, sẽ giảm thiểu những thủ tục hành chính liên quan đến ĐTM và các giấy phép cấp sau ĐTM. 

Theo báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn đang đọc bài viết Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường: ĐTM có phải là 'công cụ vạn năng'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.