Thứ sáu, 29/03/2024 00:05 (GMT+7)

Nhiều góp ý 'nóng' vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi

VĂN BÌNH -  Thứ sáu, 15/05/2020 15:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong quá trình thảo luận có nhiều vấn đề đã được các đại biểu, chuyên gia quan tâm đóng góp và cho ý kiến thẳng thắn, khoa học để hoàn thiện cho Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường.

Sáng 15/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Hội thảo do Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV Nghiêm Vũ Khải; Phó Chủ nhiệm với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam Trần Văn Minh và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân làm chủ trì.

Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV Nghiêm Vũ Khải, rất mong muốn các đại biểu, chuyên gia góp ý để cho luật có hiệu lực kéo dài hơn, khả thi, phù hợp vơi cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã giới thiệu một số điểm mới trong dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi để các đại biểu, chuyên gia cùng đưa ra ý kiến. 

Ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại hội thảo.

Dự án sửa đổi Luật bảo vệ môi trường (BVMT) gồm có 16 chương, 192 Điều, trong đó bãi bỏ nhiều quy định, giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo được công tác quản lý, bảo vệ môi trường như: thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược so với Luật BVMT 2014.

Theo đó, các chiến lược, kế hoạch không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược. Dự thảo Luật chỉ quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược là các quy hoạch theo quy định trong Luật quy hoạch.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, “Bảo vệ môi trường phải được đặt ở vị trí trung tâm, môi trường là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, xã hội. Làm sao để Luật Bảo vệ môi trường mang tính phòng ngừa là chính, khắc phục chồng chéo và phát triển theo hướng bền vững”.

Trong quá trình thảo luận có nhiều vấn đề đã được các đại biểu, chuyên gia quan tâm đóng góp và cho ý kiến thẳng thắn, khoa học để hoàn thiện cho Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường.

Tại Hội thảo, TS. Hoàng Dương Tùng – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường cho ý kiến: “Luật Bảo vệ Môi trường 2020 nếu được thông qua sẽ thể hiện được tính cách mạng. Thứ nhất, chưa bao giờ giấy phép môi trường được đưa vào, mà chỉ có giấy phép xả thải,.. mặc dù đã qua bao nhiêu lần sửa dổi những vẫn chưa đưa giấy phép môi trường vào.

Thứ hai, áp dụng kinh tế vào bảo vệ môi trường, làm thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới, trong dự thảo này đã thể hiện được điều đó”.

TS. Hoàng Dương Tùng – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Cũng theo TS. Hoàng Dương Tùng, việc giảm được các thủ tục hành chính đã được thể hiện trong bản Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường này. Cùng với đó là thanh tra xử phạt thật nặng, môi trường sẽ tốt hơn nhiều.

Đặc biệt, TS. Hoàng Dương Tùng - Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường nhấn mạnh những bất cập trong quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM): “Nói đến môi trường là nói đến ĐTM, nhưng vẫn còn rất nhiều nội dung khác và ĐTM chỉ là công cụ phân tích, dự báo.

Đến khi thực hiện ĐTM lại như một thủ tục hành chính kể cả xử phạt cũng đều dựa vào ĐTM. Ở nước ngoài họ không dùng ĐTM để quản lý hay xử phạt hành chính. Hơn nữa, đối tượng ĐTM rất rộng, nhưng trỉnh độ của hội đồng thẩm định ở địa phương vẫn còn yếu kém, thường là cho qua”.

Do đó, theo TS. Hoàng Dương Tùng, không thể dựa vào ĐTM để làm công cụ quản lý được, mà nó là công cụ để dự báo, kế hoạch. Đồng thời cần thu hẹp đối tượng ĐTM vì hiện nay đối tượng còn quá rộng.

Liên quan đến vấn đề này, ThS. Đặng Huy Đông – Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển (PDI) cũng bày tỏ sự đồng tình: "Hiện nay, nhiều dự án về cơ bản giống nhau như vậy cần tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và tôi đồng tình với quan điểm của TS. Hoàng Dương Tùng về vấn đề ĐTM". 

ThS. Đặng Huy Đông cũng đánh giá cao Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường: "Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị rất bản bản, chuyên nghiệp và thận trọng, nội dung thể hiện được tiếng nói của các đối tượng chịu tác động trực tiếp".

Phát biểu tại Hội thảo, ThS. Ngụy Thị Khanh – Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh cũng ủng hộ và đánh giá cao những điểm tích cực, đột phá của Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường. ThS. Ngụy Thị Khanh cũng đặc biệt coi trọng đến phần dự thảo luật về việc sử dụng năng lượng xanh, cải thiện không khí vì chất lượng cộng đồng.

Tại Hội thảo các đại biểu, chuyên gia cũng đưa ra ý kiến về một số vấn đề liên quan đến các lĩnh vực như bảo vệ môi trường, lĩnh vực khí tưởng thủy văn và ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng xanh,...

Hội thảo tiếp tục trao đổi đóng góp ý kiến trên tình thần từ thực tiễn thi hành Luật và để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước về BVMT, xây dựng hệ thống chính sách BVMT đồng bộ, thống nhất, sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế, cần thiết phải triển khai nghiên cứu, sửa đổi Luật BVMT hiện hành.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều góp ý 'nóng' vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.