Thứ sáu, 19/04/2024 21:13 (GMT+7)

Luật BVMT: Cần nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan chức năng

Khánh An -  Thứ hai, 11/05/2020 11:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

GreenID đề xuất cần có biện pháp nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường trong Dự luật BVMT mới.

Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) là một tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam được thành lập dưới Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). GreenID hoạt động để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam và khu vực Mê Công.

Chính vì vậy, để có cái nhìn đa chiều và rộng đường dư luận, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam đã gửi đến Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh một số nội dung phỏng vấn, xin ý kiến liên quan đến Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) trên.

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID).

Quan điểm của GreenID cho rằng, với thực trạng môi trường hiện nay, việc sửa Luật Bảo vệ Môi trường là vô cùng cần thiết và cấp bách trong bối cảnh phát triển mới của đất nước, nhất là sau đại dịch Covid-19.

Việc sửa đổi toàn diện Luật này vừa nhằm cụ thể hóa các chủ trương và quyết sách mới về phát triển bền vững, không hy sinh, đánh đổi môi trường bằng mọi giá để phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước, cũng như đáp ứng mong đợi của người dân về môi trường sống trong lành, vì sức khỏe.

Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng dẫn đường cho việc ban hành các văn băn dưới Luật và công tác thực thi bảo vệ môi trường, nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho sự sống và nền kinh tế.

Liên quan đến nội dung và điều khoản trong Dự án Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, theo Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh nhận thấy, dự thảo hiện tại đã cố gắng đưa vào trong các điều luật những quy định hướng tới giải quyết các vấn đề môi trường nổi cộm, cũng như đưa ra các công cụ kinh tế theo hướng “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Đây là một nỗ lực rất lớn của cơ quan soạn thảo.

"Và theo ý kiến của chúng tôi, Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tích cực trong công tác bảo vệ môi trường so với Luật BVMT năm 2014.

Dự Luật mới bao gồm 192 điều, trong đó 07 điều giữ nguyên, 100 điều quy định mới và có 85 điều chỉnh sửa, bổ sung. Trong đó có thể kể tới là trách nhiệm quản lý môi trường của các địa phương được tăng lên, kế hoạch quản lý chất lượng không khí được coi là bắt buộc ở các địa phương, ở cấp bộ, có thêm thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường để công tác thanh tra hiệu quả hơn.

Quy định thêm mới liên quan về giấy phép môi trường trở thành công cụ quản lý mới. Dự án Luật cũng tập trung nhiều về các công cụ kinh tế môi trường, kinh tế tuần hoàn và đưa ra các quy định chi tiết về quản lý rác thải".

Dự luật cũng cần làm rõ hơn vai trò tham gia, giám sát của cộng đồng và các tổ chức khoa học, xã hội độc lập trong việc quản lý chất lượng môi trường.

Tuy nhiên, đại diện GreenID cũng nêu quan điểm rằng: "Dự thảo Luật vẫn còn nhiều vấn đề cần được xem xét và phân tích kĩ càng hơn để đảm bảo tinh thần đột phá, tính hiệu quả và khả thi cao trên thực tế.

Thứ nhất, Dự thảo Luật đã bỏ điều 43 trong Luật cũ về Năng lượng tái tạo thay vào đó các quy định nằm rải rác ở một số điều khác và trách nhiệm đang để ở Bộ Công thương. Chúng tôi nhận thấy phát triển năng lượng tái tạo hiện nay đang là xu thế Xanh vì vậy vẫn cần có điều luật quy định riêng để thể hiện rõ tư tưởng đột phá của Đảng và Nhà nước trong phát triển Xanh.

Ngoài ra, dự luật cũng cần làm rõ hơn vai trò tham gia, giám sát của cộng đồng và các tổ chức khoa học, xã hội độc lập trong việc quản lý chất lượng môi trường".

Vào tháng 2/2020 GreenID có gửi một thư kiến nghị lần 1 đến ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổng cục Môi trường; Vụ Chính sách, Pháp chế và Thanh tra; Cơ quan soạn thảo dự thảo Luật BVMT sửa đổi liên quan đến các nội dung: Quản lý chất lượng Không khí, sự tham gia của người dân trong Đánh giá, giám sát tác động Môi trường và Quản lý Chất thải rắn cho Dự Luật tới Bộ TNMT...

Đến đầu tháng 4/2020, GreenID đã nhận được báo cáo giải trình của Bộ và Dự luật sửa đổi mới nhất, và rất vui khi một số kiến nghị đóng góp của chúng tôi đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu đặc biệt là những kiến nghị liên quan tới quản lý chất lượng không khí như hướng tiếp cận quản lý theo vùng hay tải lượng ô nhiễm.

Để đóng góp cho việc đảm bảo tính khả thi và hiệu quả bảo vệ môi trường, chúng tôi sẽ tiếp tục có những ý kiến đóng góp cho Dự luật trong thời gian tới để gửi tới cơ quan soạn thảo và thẩm tra, phê duyệt.

Các hoạt động về môi trường của GreenID.

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề có nhiều ý kiến cho rằng, một số các hình phạt pháp chế, xử lý vi phạm trong Dự thảo Luật BVMT sửa đổi chưa tương xứng với tác hại mà nó gây ra cho môi trường, theo quan điểm của GreenID, mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ được quy định cụ thể, chi tiết trong các văn bản dưới Luật như Nghị định.

"Từ kinh nghiệm của một số nước trên thế giới việc tăng mức xử phạt lớn hơn nhiều đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường so với các quy định cũ là cần thiết và chúng tôi ủng hộ điều này.

Trường hợp điển hình ở Trung quốc, nước này đã chọn cách phạt ô nhiễm nghiêm khắc hơn rất nhiều so với Luật cũ, thậm chí phạt hàng ngày liên tục cho đến khi hoàn thành việc khắc phục ô nhiễm.

Ngoài ra những cá nhân vi phạm hành chính về môi trường cũng có thể bị tạm giam tối đa 15 ngày. Các cơ quan có thẩm quyền và tổ chức có liên quan có thể khởi tố vụ án ô nhiễm môi trường tại Toà án nhân dân.

Những kinh nghiệm trên hoàn toàn có thể được xem xét áp dụng để xây dựng các mức xử phạt mang lại hiệu quả thay đổi hành vi, hướng tới cải thiện và bảo vệ môi trường tại Việt Nam trong thời gian tới"- GreenID nêu ý kiến.

Để trả lời cho câu hỏi “quy định về bảo vệ môi trường của Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới như thế nào?” một cách toàn diện, GreenID cần nhiều thời gian để nghiên cứu để đưa ra so sánh.

Nhưng đối với vấn đề chúng tôi quan tâm như Quản lý chất lượng Không khí thì có thể nói rằng những Tiêu chuẩn phát thải của Việt Nam đối với một số ngành công nghiệp gây phát thải lớn như nhiệt điện than, xi măng…dường như vẫn còn nới lỏng hơn so với các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc láng giềng Trung Quốc, đặc biệt các tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ áp dụng và giới hạn phát thải.

Ngoài ra các Quy chuẩn về chất lượng không khí xung quanh đối với một số chất ô nhiễm cũng đang dừng lại ở mức Mục tiêu tạm thời số 2 (theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới).

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng khuyến nghị cần đưa ra được lộ trình thắt chặt các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn trên để góp phần cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dân.

Mặt khác, đối với nhận định rằng khi Việt Nam áp dụng Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) mới thì liệu tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam có giảm thiểu, quan điểm của chúng tôi là: “Một bộ Luật đạt hiệu quả không chỉ nằm ở các quy định trên giấy tờ mà còn thể hiện ở việc thực thi trong thực tế. Tình trạng ô nhiễm môi trường có thể được cải thiện bằng cách nâng cao hiệu quả của việc thực thi các quy định trong các văn bản Luật.

Để làm được điều này, GreenID chúng tôi đề xuất cần có biện pháp nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng, ví dụ như hoàn thành các mục tiêu bảo vệ môi trường sẽ được coi là một yếu tố đánh giá kết quả công tác của các cán bộ quản lý môi trường, và kết quả đánh giá sẽ được công khai. Các cán bộ quản lý môi trường sẽ phải chịu hình phạt nặng nếu họ không thực hiện đúng chức trách của mình”.

Bạn đang đọc bài viết Luật BVMT: Cần nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan chức năng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...