Thứ sáu, 29/03/2024 11:46 (GMT+7)

Dự án Luật BVMT chưa quy định trách nhiệm của hội đồng thẩm định ĐTM

Khánh An -  Thứ ba, 12/05/2020 14:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện MT Đô thị và Công nghiệp Việt Nam: Trong Dự thảo Luật không nêu rõ trách nhiệm của hội đồng tham vấn các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược như thế nào?

Liên quan đến Dự thảo Luật BVMT sửa đổi, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi trao đổi cùng với GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam. 

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: "Hiệp hội Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm môi trường và chúng tôi có trách nhiệm về tư vấn phản biện xã hội.

Cho nên chúng tôi nghĩ rằng cũng cần thiết phải có những đóng góp ý kiến trước khi Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) này được đưa lên trình Quốc hội để thông qua và ban hành.

Chúng tôi đánh giá rất cao Dự thảo Luật lần này, là bộ luật tương đối hoàn chỉnh và bao gồm đầy đủ các quy định hướng dẫn yêu cầu của các nội dung hoạt động trong lĩnh vực môi trường của đất nước.

Nhưng chúng tôi cũng rất muốn đóng góp những ý kiến về một số mục điều khoản làm sao cho nó cụ thể, chi tiết hơn".

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam. 

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam đã đóng góp 07 ý kiến cụ thể về Dự thảo Luật BVMT sửa đổi như sau:

1, Ý kiến thứ nhất, liên quan đến những quy định về hành vi bị cấm trong Dự thảo luật BVMT sửa đổi, trong đó có một số điểm như: “Thải chất thải rắn chưa được phân loại xử lý theo quy định của pháp luật là 1 hành vi bị cấm”.

Tuy nhiên, phải xem lại với hiện trạng hiện nay việc phân loại rác chúng ta chưa thực hiện được, và trách nhiệm phân loại rác này tại ai, khi đưa ra hành vi bị cấm này nhưng thực tế có áp dụng được không?

Hành vi bị cấm thứ hai là các dự án chỉ được thực hiện khi đã có Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), nhưng có một vấn đề là trong luật cũng chưa thấy nêu rõ, thực tế có một số dự án mặc dù đã có báo cáo ĐTM, đã tổ chức thẩm định ĐTM nhưng vẫn gây ô nhiễm việc quy định trách nhiệm này như thế nào?

2, Ý kiến thứ 2: “Tại Chương 2, liên quan đến vấn đề bảo vệ các thành phần môi trường, trong nội dung của Dự thảo luật BVMT (sửa đổi) đã chi tiết hơn so với luật BVMT năm 2014, nhưng tôi thấy một điểm trong phạm vi áp dụng và đối tượng áp dụng là các bộ luật chỉ có thể đưa vào cuộc sống và thực hiện trong thực tế của cuộc sống khi các đối tượng, vật áp dụng bộ luật phải đều được tham gia.

Tuy nhiên, trong các điểm thuộc Chương 2 về các thành phần bảo vệ môi trường thuộc Dự thảo Luật BVMT sửa đổi thì chỉ đưa ra các quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là bộ TN&MT và UBND các địa phương.

Thế thì trách nhiệm của các tổ chức, các đơn vị, các cộng đồng, hộ gia đình,… trong bảo vệ các thành phần môi trường này như thế nào, Dự thảo luật BVMT sửa đổi này không ghi rõ”.

3, Ý kiến thứ 3: Tại điều 34 về đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong bộ Luật BVMT năm 2005, 2014 đều đã đề cập đến, chúng tôi nghĩ rằng trong bộ luật 2020 này không nhắc lại những vấn đề mang tính chất hướng dẫn, nguyên lý.

Ở đây cần quy định những điều khoản để thực hiện công tác đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá ĐTM như thế nào, để có chế tài buộc các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác tham gia hoạt động phải thực hiện.

Hiện nay trong công tác đánh giá môi trường chiến lược có quy định, sau khi tổ chức thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược thì Bộ TNMT có ý kiến bằng văn bản về nội dung đánh giá môi trường chiến lược đối với các dự án.

Tuy nhiên, tôi chưa thấy rõ trong Dự thảo Luật quy định về phê duyệt, khâu tổ chức phê duyệt các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược như thế nào và trách nhiệm của hội đồng tham vấn các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược như thế nào?

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong Dự thảo Luật BVMT sửa đổi chưa nêu rõ trách nhiệm của hội đồng tham vấn các báo cáo đánh giá môi trường chiến lược như thế nào.

Cũng trong vấn đề này, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: “Trong bộ luật quy định về việc lập quy hoạch về BVMT và phân vùng môi trường, đây là những hoạt động cần thiết, nhưng để tránh việc hiện nay thực hiện các công việc dự án đầu tư quá nhiều yêu cầu đối với các chủ đầu tư, chủ dự án, thì tôi cho rằng cần có các quy định về lồng ghép. Ví dụ đối với công tác quy hoạch môi trường và phân vùng môi trường nên lồng ghép trong tổ chức đánh giá môi trường chiến lược, đặc biệt đối với các đồ án quy hoạch: tổng thể quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng,… để tránh việc bây giờ lại phải xây dựng một quy hoạch BVMT riêng và phân vùng môi trường riêng.

Trong các điều khoản quy định của luật BVMT thì hiện nay còn các quy định mang tính chất khung, vẫn có những điều khoản mà phải có Chính phủ, có Bộ TN&MT sẽ có quy định chi tiết về việc này,… thế thì làm sao có thể thực hiện được”.

4, Ý kiến thứ 4: Về công tác đánh giá ĐTM, báo cáo ĐTM và thẩm định ĐTM trong Dự thảo Luật có quy định rõ hơn so với Luật BVMT năm 2014. Tuy nhiên khi để quy định về tổ chức lập báo cáo và thẩm định ĐTM chúng tôi cho rằng Bộ TN&MT với trách nhiệm quản lý nhà nước cần tổ chức hướng dẫn các cấu trúc báo cáo và thực hiện giúp Chính phủ trong công tác tổ chức thẩm định ĐTM với các dự án như trong Dự thảo Luật đã đề cập.

Đối với các dự án đầu tư hiện nay trong luật về xây dựng đã ban hành, trong đó những nghị định hướng dẫn về các dự án đầu tư xây dựng a,b,c đã rất rõ ràng, theo tôi việc lập ĐTM và tổ chức thẩm định là cần thiết nên phân cấp cho các bộ có xây dựng chuyên ngành và các địa phương mà có dự án đầu tư nằm trên địa bàn của mình, đặc biệt đối với các dự án nằm ở 2 tỉnh, 2 thành phố, 2 huyện, 2 xã,... nên phân cấp cho các bộ quản lý và địa phương.

Bên cạnh đó, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng cũng cho ý kiến: “Chưa thấy quy định trong Dự thảo Luật về trách nhiệm của những người tham gia, hoặc những người làm công tác tham vấn trong báo cáo ĐTM.

Bởi vì thực tế hiện nay rất nhiều dự án có báo cáo ĐTM đều được thẩm định, nhưng khi đưa vào vận hành thì vẫn gây ô nhiễm. Cho nên tôi cho rằng, phải có quy định trách nhiệm của những thành viên này, và đồng thời có quy định tất cả những dự án nào được xây dựng thì đều phải có ĐTM, kể cả những khu nhà ở đô thị. Bởi vì rất nhiều dự án tại các khu đô thị mới hiện nay cũng gây ra nhiều vấn đề về môi trường.

Cũng liên quan đến Đánh giá tác động môi trường (ĐTM), trong dự án nói là cần thiết phải lập ĐTM trong giai đoạn nghiên cứu khả thi và trước khi thực hiện dự án. 

Tuy nhiên, hiện nay trong giai đoạn thi công dự án và quá trình vận hành nhiều khi còn nảy sinh các vấn đề mà trong giai đoạn nghiên cứu khả thi chưa đề cập được. Cần có những quy định cụ thể hơn như theo dõi về quá trình triển khai thực hiện và vận hành dự án”.

5, Ý kiến thứ 5: Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, trong Điều 59 về bảo vệ môi trường trong các khu đô thị và khu dân cư tập trung, nông thôn, tôi cho rằng việc hiện nay các khu đô thị chúng ta phải tiến tới khắc phục các vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị, các thành phần môi trường, đồng thời tiến tới xây dựng các đô thị thân thiện vs môi trường, đô thị xanh, tham gia các đô thị thông minh.

Trong Dự thảo Luật quy định rằng Bộ TM&NT ban hành quy định tiêu chí chứng nhận các khu đô thị sinh thái. Nhưng theo tôi nếu Bộ TN&MT ban hành tiêu chí cần phải có sự phối hợp với các bộ quản lý nhà nước về phát triển đô thị và nông thôn, nên trong Dự thảo Luật cần sửa lại là Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Xây Dựng ban hành các tiêu chí về khu đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thông minh. Vì hiện nay Bộ Xây Dựng cũng được Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý về phát triển đô thị và quản lý hệ thống hạ tầng đô thị.

Bên cạnh đó, về quy hoạch khu dân cư tập trung, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nêu quan điểm: “Theo tôi khu dân cư tập trung đô thị có những đặc trưng khác với khu dân cư tập trung nông thôn do vậy Dự thảo Luật cần có những quy định về BVMT cho các khu dân cư nông thôn.

Vì họ có những mô hình tập trung dân cư làng, xã, quần thể nhà ở… khác với khu dân cư tập trung ở đô thị. Không thể coi khu dân cư tập trung này bao gồm cả đô thị và nông thôn được”.

6, Ý kiến thứ 6: Trong quy định về báo cáo ĐTM là đánh giá phải phù hợp với quy hoạch BVMT, phân vùng môi trường và các quy hoạch khác. Tôi cho rằng nếu phải đưa ra báo cáo ĐTM phù hợp của quy hoạch bảo vệ môi trường, thì hiện nay rất nhiều địa phương trong cả nước chúng tôi theo dõi chưa có quy hoạch BVMT và phân vùng môi trường, việc đưa ra quy định trong Dự thảo Luật như thế này liệu có tính khả thi không?

GS.TS Nguyễn Hữu Dũng: Cần cụ thể hơn và tránh áp dụng luật khung đối với Dự thảo Luật BVMT sửa đổi.

7, Ý kiến thứ 7: Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt. Trong Điều 81 Dự thảo Luật có quy định là các đơn vị thu gom rác có quyền từ chối, không nhận rác thải không được phân loại và xử lý theo quy định. Nhưng hiện nay chúng tôi theo dõi tình hình phân loại rác thải tại nguồn gần như ở các địa phương trong cả nước thực hiện đều chưa có hiệu quả và chưa thực hiện được.

Đầu tiên là quy định phân loại rác tại nguồn ai sẽ chịu trách nhiệm, theo tôi phân loại rác tại nguồn phải là một đề án tổng thể mà Bộ TN&MT và các địa phương phải chủ trì, sau khi thực hiện xong phân loại chúng ta mới quy định việc từ chối nhận rác thải chưa được phân loại.

Bên cạnh đó việc nói Bộ TN&MT sẽ lo trong việc thẩm định các công nghệ xử lý chất thải rắn.

Hiện nay vấn đề rác thải đang là vấn đề nan giải tại các đô thị và nông thôn, và đặc biệt công nghệ thu gom vận chuyển xử lý rác chúng ta còn nhiều vướng mắc. Tôi nghĩ vấn đề xử lý rác thải là một vấn đề mang tính chất liên ngành không nên quan niệm một việc nhiều người lo thì nhiều đầu mối, sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý.

Cho nên trong việc tìm thẩm định công nghệ xử lý rác có hiệu quả, cũng nên phân cấp cho Bộ TNMT làm đơn vị chủ trì đầu mối nhưng mà phải có sự tham gia đóng góp của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Xây Dựng và đặc biệt là lãnh đạo UBND các địa phương, vì trách nhiệm quản lý môi trường tại các địa phương là trách nhiệm của chính quyền đô thị. Công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại mỗi vùng miền cũng có các yêu cầu đặc trưng khác nhau.

Bạn đang đọc bài viết Dự án Luật BVMT chưa quy định trách nhiệm của hội đồng thẩm định ĐTM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Hiện đã có 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình. Từ nay đến hết năm 2024, yêu cầu bắt buộc các địa phương phải ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có công tác phân loại.

Tin mới

Bài thơ: Khúc giao mùa tháng Ba
Mộc miên thắp lửa đỏ trời///Lúa chiêm trong nắng xanh ngời chân mây///Giấc mơ lả cánh cò bay///Cố hương ơi! Những mê say cuối chiều.