Thứ tư, 17/04/2024 00:23 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/5/2019

MTĐT -  Chủ nhật, 05/05/2019 10:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/5/2019. Cập nhật tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất trên cả nước ngày 5/5/2019.

Hà Nội: Triệt phá đường dây làm giả bằng tốt nghiệp của các trường đại học với quy mô lớn

Ngày 4/5, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết vừa triệt phá đường dây chuyên làm giả bằng tốt nghiệp của các trường đại học với quy mô lớn và khởi tố 3 bị can.
Ba bị can bị khởi tố gồm: Lê Văn Hoàng (34 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận) - đối tượng cầm đầu, Lê Hoàng Phi (23 tuổi, em trai Hoàng, cùng quê Bình Thuận) và Tạ Quang Minh (sinh năm 1994, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) để điều tra về hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức", quy định tại Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015. Lực lượng chức năng đang mở rộng điều tra vụ án, trong đó có nội dung điều tra các đối tượng mua và sử dụng bằng là cán bộ, quan chức.

Lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm đánh giá, đây là đường dây làm giả con dấu, văn bằng có quy mô lớn với hàng nghìn con dấu của các trường đại học, cao đẳng và tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Trước đó, qua công tác nắm bắt tình hình, Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện đường dây chuyên làm giả bằng tốt nghiệp của các trường đại học chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội tiêu thụ với số lượng lớn.

Quá trình điều tra, đầu tháng 4/2019, tổ công tác Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện Tạ Quang Minh đang vận chuyển văn bằng giả của Trường Đại học Thăng Long để giao cho khách tại khu vực cổng ký túc xá Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Lực lượng chức năng đã kiểm tra, lập biên bản và đưa đối tượng về trụ sở Cơ quan công an để làm rõ.

Tại Cơ quan công an, Minh khai nhận vận chuyển, tiêu thụ bằng giả ở Hà Nội cho Lê Văn Hoàng cùng em trai của Hoàng là Lê Hoàng Phi. Ngay sau đó, Tổ công tác thuộc Công an quận Nam Từ Liêm vào Thành phố Hồ Chí Minh để phối hợp làm rõ. Khám xét tại nơi ở của Hoàng, Cơ quan công an phát hiện, thu giữ hơn 1 tấn phôi bằng, 1.200 con dấu của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cùng nhiều máy móc, thiết bị. Sau đó, cả hai đối tượng này được di lý về Hà Nội để mở rộng điều tra.

Tại Cơ quan công an, bước đầu Hoàng khai nhận, qua tìm hiểu trên mạng xã hội biết nhiều người có nhu cầu mua bằng, chứng chỉ giả nên nảy sinh ý định sản xuất và cung cấp số lượng lớn. Hoàng đầu tư khoảng 100 triệu đồng tìm mua phôi, con dấu cùng các loại công cụ, máy móc để sản xuất bằng giả. Hoàng thuê người lập trang web: lambangdaihoc.com.vn để quảng cáo, tư vấn và nhận đơn đặt hàng; đồng thời huy động em trai là Lê Hoàng Phi phụ trách đóng dấu, ký các văn bằng, chứng chỉ giả và hỗ trợ vận chuyển văn bằng giả giao cho khách hàng.

Với mỗi tấm bằng giả bán trót lọt, hai đối tượng thu về từ 3-5 triệu đồng. Các đối tượng cũng khai các văn bằng, chứng chỉ giả đều được làm ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó thuê người chuyển đi các tỉnh, thành trên cả nước theo đơn đặt hàng. Trong đó, Hà Nội là thị trường tiêu thụ số lượng bằng giả nhiều nhất.

Xử lý nghiêm cán bộ công an nếu liên quan bê bối gian lận điểm thi

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vào chiều nay (4/5), phóng viên báo Tiền Phong đặt câu hỏi: "Thời gian qua báo chí có phản ánh về việc một số thí sinh được nâng điểm có phụ huynh trong ngành công an. Nhiều ý kiến cho rằng những trường hợp như thế thì có thể tạm thời đình chỉ việc điều hành các phụ huynh có con em gian lận thi cử để phục vụ công tác điều tra. Quan điểm của Bộ Công an thế nào về ý kiến này?".

Trả lời câu hỏi này, Thượng tướng Bùi Văn Nam cho biết vừa qua Bộ Công an và công an các địa phương đã khởi tố 3 vụ án liên quan gian lận thi cử của 3 tỉnh Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang. Cơ quan công an cũng đã khởi tố 16 bị can, đến nay đã xác định 222 thí sinh được nâng điểm.

Bộ Công an đã chuyển kết quả này đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng phối hợp với các trường đại học cũng như các địa phương để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, cũng như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cũng trong quá trình đó, Thứ trưởng Bùi Văn Nam cho biết công an đang tiếp tục điều tra vi phạm của các cá nhân khác theo đúng quy định của pháp luật. Nếu có kết quả sẽ báo cáo trước dư luận.

Với những sai phạm liên quan đến cán bộ ngành công an, quan điểm của Bộ Công an là bất cứ cán bộ công an nào mà có sai phạm về mặt pháp luật như sai phạm kỷ luật của ngành, nếu mà phát hiện đủ chứng cứ sẽ nghiêm khắc xử lý theo quy định của pháp luật cũng như quy định của ngành công an.

Cũng trong buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng đã trả lời về vấn đề chung cư báo Công an nhân dân tại xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội chậm tiến độ trong nhiều năm.

Theo Thứ trưởng, việc triển khai dự án hiện gặp nhiều khó khăn, có nhiều vấn đề phức tạp. Bộ Công an đang giao thanh tra của Bộ tiến hành thanh tra. Khi có kết quả sẽ thông báo với báo chí.

Hà Nội: Tăng cường kiểm tra việc sử dụng, kinh doanh “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản 1650/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan sử dụng, kinh doanh “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”.

UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo 138 thành phố và UBND các huyện, quận, thị xã tiếp tục thực hiện kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 26-5-2017 của UBND thành phố về tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm liên quan đến “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, ‘‘tem giấy”; sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện, phân tích nguyên nhân tồn tại, đề xuất, kiến nghị giải pháp khắc phục.

Sở Thông tin và Truyền thông nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền của các cơ quan báo, đài thành phố; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tội phạm nói chung, về hậu quả, tác hại của việc sử dụng chất kích thích, gây nghiện nói riêng; tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán và tổ chức sử dụng “bóng cười”, “shisha”, “cỏ Mỹ”, “tem giấy”.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành chỉ thị của UBND thành phố về việc tăng cường quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng khí N2O trên địa bàn thành.

Công an thành phố có nhiệm vụ chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường phòng ngừa, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động kinh doanh khí N2O “bóng cười”; phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền, cảnh báo tác hại về ma túy và các chất gây nghiện khác; nắm tình hình trên mạng internet, mạng xã hội...

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học tuyên truyền đến học sinh và phụ huynh học sinh tác hại của việc sử dụng “bóng cười” và các chất gây nghiện “núp bóng” dưới hình thức như "tem giấy", "bùa lưỡi", "trà sữa", "bánh quy" và nghiêm cấm học sinh sử dụng các sản phẩm này; phối hợp với công an cơ sở không để tình trạng hàng quán tại vỉa hè khu vực cổng trường.

UBND các quận, huyện, thị xã đổi mới hình thức hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy; nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến về tác hại việc sử dụng “bóng cười”, các chất gây nghiện; chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán khí N2O “bóng cười” trên địa bàn quản lý và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm; chú trọng rà soát việc lợi dụng các sự kiện, lễ hội, hội chợ, điểm vui chơi công cộng tập trung đông người, các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí (quán bar, nhà hàng...) để tổ chức sử dụng, chứa chấp, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy, “bóng cười” trên địa bàn.

Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc để xảy ra các vụ việc lợi dụng các sự kiện, lễ hội, hội chợ, điểm vui chơi công cộng tập trung đông người, các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí để tổ chức sử dụng, chứa chấp, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy, “bóng cười”, hoạt động công khai, gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong dư luận nhân dân.

Bắt giữ khối lượng lớn thực phẩm và phụ gia thực phẩm nhập lậu

Trưa 4/5, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ 1 xe ôtô chở khối lượng lớn các loại thực phẩm và phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hơn nửa tấn hàng hóa bị thu giữ chủ yếu là thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong khi làm nhiệm vụ tại quốc lộ 1A (đoạn qua xã Vân Thủy, Chi Lăng) lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn phát hiện xe ôtô BKS: 12C- 075.01 có nhiều nghi vấn. Dừng xe kiểm tra, phát hiện trên xe chở hơn nửa tấn thực phẩm các loại gồm củ cải sơ chế, lương khô, đạm tương, hơn 1.100 chai xì dầu, gia vị cùng nhiều loại phụ gia thực phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Lái xe Lô Văn Chứ (SN 1971, trú tại thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) không xuất trình được bất kỳ loại giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa này.

Bắt nhiều đối tượng giả danh công an để cướp tài sản

Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp vừa bắt 6 đối tượng có độ tuổi từ 17 - 22 giả danh cảnh sát hình sự để cướp tài sản.

Các đối tượng khai nhận đã dùng súng pháo, còng số tám đột nhập vào các tụ điểm tệ nạn xã hội, tự xưng là cảnh sát hình sự tỉnh để cướp 4 con gà và 7 triệu đồng tiền mặt.

Lực lượng Công an tỉnh Đồng Tháp đã thu giữ các tang vật và truy tìm khẩu súng để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.