Thứ tư, 24/04/2024 20:06 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/5/2019

MTĐT -  Thứ sáu, 24/05/2019 09:08 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/5/2019. Cập nhật tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất trên cả nước ngày 24/5/2019.

Triệt phá đường dây đánh bạc 3.000 tỉ đồng qua internet

Ngày 23/5, đại tá Phạm Thế Tùng, Phó giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên, cho biết lực lượng chức năng tỉnh này vừa triệt phá đường dây đánh bạc qua mạng internet với quy mô cực lớn, bắt giữ 23 bị can về hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc, thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Trước đó, cuối tháng 1/2019, Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện, bắt giữ ổ nhóm gồm 19 người do Nguyễn Văn Toán (27 tuổi, trú tại H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội) cầm đầu. Từ tháng 7/2018, Toán và đồng bọn đã vào TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) thuê nhà để tổ chức, điều hành đường dây đánh bạc qua mạng internet với khoảng 15 tụ điểm tại tỉnh Hưng Yên và nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Phương thức hoạt động của ổ nhóm này là làm đại lý cấp 2 cho các trang đánh bạc trực tuyến ở nước ngoài qua việc mở các tài khoản và thực hiện chuyển đổi tiền thật thành tiền ảo cho các con bạc tham gia đánh bạc trên mạng. Công an Hưng Yên xác định chỉ trong vòng 5 tháng, ổ nhóm này đã tổ chức giao dịch khoản tiền đánh bạc lên tới 1.000 tỉ đồng.

Tiếp tục mở rộng điều tra, đến nay Công an tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt, khám xét khẩn cấp 4 bị can ở tỉnh Thái Bình, để điều tra về hành vi tổ chức đánh bạc. Trong số này có Phạm Công Bằng (29 tuổi, ngụ ở H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) được xác định cầm đầu đường dây.

Theo đại tá Phạm Thế Tùng, kết quả điều tra bước đầu xác định, tổng số tiền các bị can giao dịch, đánh bạc là khoảng 3.000 tỉ đồng và liên quan đến 113 đại lý của đường dây đánh bạc này ở Hưng Yên và nhiều tỉnh, thành.

Quản lý chặt chẽ chất lượng nước đóng chai

Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 500 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá dùng liền. Để bảo đảm an toàn thực phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, hằng năm, các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã đều tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất. Bên cạnh những thương hiệu lớn, những cơ sở bảo đảm chất lượng, còn có tình trạng các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình nhỏ lẻ, giá rẻ chưa được cấp phép, sản xuất trong điều kiện, môi trường không an toàn…

Trước nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng đối với sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình và nước đá dùng liền vào mùa hè nóng bức, trong tháng 4 và tháng 5/2019, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã chủ động kiểm tra, giám sát hơn 50 cơ sở sản xuất và phát hiện 7 cơ sở không đạt chất lượng.

Các lỗi vi phạm chủ yếu, gồm: Mẫu nước uống đóng chai, nước đá dùng liền không đạt chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, nhãn sản phẩm không đúng quy định, quy trình sản xuất không tuân thủ đầy đủ các điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, người lao động không có giấy khám sức khỏe hoặc có, nhưng hết hạn… Sau khi xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã giao cho chính quyền địa phương theo dõi, giám sát.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, qua kiểm tra thực tế, Chi cục đã phát hiện một số cơ sở sản xuất nước đóng bình, đóng chai chưa bảo đảm an toàn và việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm chưa nghiêm túc, trong đó có cả cơ sở hoạt động tự phát, không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sản phẩm chưa được cấp giấy xác nhận công bố phù hợp tiêu chuẩn an toàn thực phẩm... Thậm chí, nhiều nơi có nguồn nước bảo đảm tiêu chuẩn, nhưng do vệ sinh bình, chai đóng nước không sạch, dẫn đến sản phẩm không bảo đảm chất lượng.

Chẳng hạn, cùng một cơ sở sản xuất nước uống, khi xét nghiệm nguồn nước ở những chai đóng nhỏ với dung tích 300ml hoặc 500ml (không tái sử dụng vỏ), thì nước bảo đảm an toàn, nhưng xét nghiệm ở các bình dung tích lớn (tỷ lệ tái sử dụng vỏ 15%), lại không bảo đảm chất lượng. Nguyên nhân là việc rửa nắp bình và vòi không sạch. Ngoài ra, thiết bị diệt khuẩn không bảo đảm, chỉ diệt được 30% vi khuẩn trong nước...

Cũng theo ông Trần Ngọc Tụ, công tác quản lý an toàn thực phẩm nước uống đóng bình, đóng chai, nước đá dùng liền hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi, địa bàn rộng, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng nước uống đóng chai, đóng bình nhiều, trong khi lực lượng giám sát, kiểm tra không đáp ứng đủ. Hơn nữa, một số đối tượng kinh doanh, sản xuất hoạt động lén lút, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Ở một số địa bàn, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm nói chung và kiểm soát an toàn thực phẩm nước uống đóng chai, đóng bình, nước đá dùng liền nói riêng.

Lạng Sơn: Bắt quả tang xe ô tô chở 3 tạ mỡ lợn nhập lậu hôi thối

Ngày 23/5 Công an Lạng Sơn cho biết, tổ công tác Công an huyện Cao Lộc vừa kiểm tra và bắt giữ 1 xe 16 chỗ chở 300kg mỡ lợn đang có dấu hiệu hỏng, bốc mùi ôi thiu. Qua kiểm tra, chủ của số hàng trên không xuất trình được hóa đơn nguồn gốc xuất xứ số mỡ lợn này.

Cụ thể, tại Quốc lộ 1A thuộc khối 1, thị trấn Cao Lộc, tổ công tác Công an huyện Cao Lộc đã kiểm tra và bắt quả tang xe ô tô 16 chỗ nhãn hiệu Ford, BKS 29B-101.07 do Nguyễn Viết Tuấn (SN 1981, trú tại đường Phùng Hưng, phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) điều khiển chở 04 bao tải dứa màu trắng. Bên trong các bao tải dứa có chứa 300kg mỡ lợn không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc và giấy kiểm định.

Đáng chú ý là tất cả các bao mỡ lợn đều đã bị bốc mùi hôi thối. Lái xe cho biết số mỡ lợn trên được nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam để tiêu thụ.

Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển lén lút lợn giống, lợn thịt vào địa bàn tỉnh tiêu thụ. Điều quan ngại là số lợn này sau khi lấy mẫu kiểm tra đều dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ở một số khu vực có dịch trên địa bàn tỉnh khác, người chăn nuôi bán tháo, bán chạy lợn giống, lợn thịt. Đồng thời các thương lái hám lợi (mua vào với giá rẻ) đã cố tình dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn tránh không qua các chốt kiểm dịch, chở lợn trên các phương tiện vận tải bịt kín lẫn với một số nông sản khác và hầu hết đều vận chuyển vào ban đêm nên các chốt kiểm dịch tại các địa bàn giáp ranh vẫn để lọt.

Bắt 3 đối tượng vận chuyển trái phép 100.000 viên ma túy

Ngày 23/5, lực lượng biên phòng Quảng Trị đã triệt phá thành công chuyên án 601L, thu giữ 100.000 viên ma túy tổng hợp.

Tại tỉnh Savanakhet (Lào), Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị chủ trì phối hợp với Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo, Đội Trinh sát Đặc nhiệm, Đồn Biên phòng Sen Bụt, Công an tỉnh Savannakhet- Lào bắt quả tang 3 đối tượng người Lào đang có hành vận chuyển ma túy trái phép.

Các đối tượng bị lực lượng chứ năng bắt giữ gồm: Poong Xa Vang Nhưn Nhông (46 tuổi); Xệc Xắn Xỉ Thoong (40 tuổi); May Khăm Xúp Phô Mi (40 tuổi) vận chuyển trái phép ma túy.

Tang vật thu giữ tại chỗ gồm 100.000 viên ma túy tổng hợp, 1 ôtô bán tải hiệu Nissan, BKS Lào 9886, 3 điện thoại di động, 3 hộ chiếu và một số giấy tờ, tang vật quan trọng khác.

Qua khai thác nhanh cả 3 đối tượng khai nhận, số ma túy được mua từ Lào, dùng ôtô vận chuyển đi xuyên đêm để tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng. Sau đó, ma túy được tập kết sát biên giới (cách Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo khoảng 1km), dự định xé nhỏ tìm cách đưa qua biên giới vào Việt Nam, thì bị bắt giữ.

Y án tù chung thân đối với kế toán trưởng công ty đường sắt lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Ngày 23/5, tại Nam Định, TAND cấp cao Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt, tham ô tài sản xảy ra tại Công ty CP đường sắt Hà Ninh (Nam Định).

Theo cáo trạng, do cần tiền tiêu xài cá nhân, tháng 8/2016, Ngô Trường Giang (nguyên là kế toán trưởng của Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh) đã giả danh Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh làm hồ sơ vay vốn gồm: giấy nhận nợ, giấy đề nghị lĩnh tiền mặt, danh sách lương, giấy ủy quyền, sau đó giả chữ ký của Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh (khi đó là ông Vũ Đình Tuân) để đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Chi nhánh tỉnh Nam Định nhận số tiền hơn 29 tỷ đồng.

Với phương thức, thủ đoạn như trên, Giang cũng giả danh công ty đến vay vốn của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Nam Định 2,3 tỷ đồng; chiếm đoạt 5,1 tỷ đồng của ông Nguyễn Đức Tín (ở đường Giải Phóng, thành phố Nam Định) và 1 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Minh Phụng (trụ sở ở phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định). Tổng số tiền Giang chiếm đoạt hơn 40 tỷ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15/11/2018, Tòa án nhân nhân tỉnh Nam Định đã tuyên phạt Ngô Trường Giang tù chung thân về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tham ô, tham nhũng; đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại. Bị cáo Vũ Đình Tuân, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh 3 năm tù về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và bị cáo Tạ Thị Thu Hằng, nguyên kế toán viên Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh 18 tháng tù về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau phiên xét xử sơ thẩm, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Chi nhánh tỉnh Nam Định, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Nam Định và cá nhân ông Nguyễn Đức Tín đã có đơn kháng cáo, không chấp nhận bản án.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Chi nhánh tỉnh Nam Định, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Nam Định và cá nhân ông Nguyễn Đức Tín cho rằng, tuy Giang là người làm giả chữ ký để vay tiền tiêu xài vào mục cá nhân nhưng phía Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh phải chịu trách nhiệm vì phía bị hại cho vay tiền với danh nghĩa Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh có con dấu hợp pháp chứ không phải cho cá nhân Giang vay. Vì vậy, Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh phải có trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền Giang đã chiếm đoạt.

Theo Hội đồng xét xử, khi Giang làm kế toán trưởng Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn và sự tin tưởng của Giám đốc để thực hiện các thủ tục chuyển tiền gửi của Công ty vào tài khoản cá nhân Giang. Vũ Đình Tuân, nguyên là Giám đốc công ty đã buông lỏng quản lý, không thực hiện việc kiểm tra, giám sát khi ký vào các chứng từ kế toán. Tạ Thị Thu Hằng là kế toán viên song không kiểm tra, xử lý thông tin trên cơ sở chứng từ là giấy nhận nợ trước khi trình ký.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/5/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Kon Tum quyết định huỷ gói thầu hơn 77 tỷ đồng
UBND tỉnh Kon Tum vừa đưa ra quyết định hủy thầu đối với Gói thầu số 03 trong Dự án Xác định ranh giới sử dụng đất, đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất...

Tin mới

Mỗi ngày nên đi bộ bao nhiêu bước để duy trì sức khỏe?
Cuộc sống ngày nay thường bận rộn và nhiều người dường như không có đủ thời gian để tập luyện hoặc tham gia các hoạt động thể thao phức tạp. Tuy nhiên, đi bộ lại là một hoạt động vận động đơn giản, dễ dàng tích hợp vào lịch trình hàng ngày.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.