Thứ bảy, 20/04/2024 19:11 (GMT+7)

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/4/2019

MTĐT -  Thứ hai, 22/04/2019 09:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/4/2019. Cập nhật tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất trên cả nước ngày 22/4/2019.

Trà Vinh: Siết quản lý hoạt động khai thác cát sông

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, tình trạng khai thác cát trộm tại các khu vực giáp ranh giữa tỉnh Trà Vinh với các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long ngày càng gia tăng.

Các đối tượng thường khai thác vào ban đêm, ngày nghỉ, tổ chức thành nhóm để theo dõi lực lượng chức năng, vừa di chuyển vừa hút cát, sử dụng thiết bị giảm âm thanh để tránh sự phát hiện của người dân, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý.

Năm 2018, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh đã tổ chức 12 đợt kiểm tra khai thác cát sông, phát hiện một tổ chức và 13 cá nhân vi phạm khai thác cát trái phép, không có giấy phép; xử phạt tổng số tiền hơn 206 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Trà Vinh đã tuần tra phát hiện 140 vụ khai thác cát trái phép và không phép, xử lý vi phạm hành chính tổng số tiền 1,3 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh, để chấn chỉnh tình trạng trên, đơn vị kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật về khoáng sản, gắn với xây dựng và phát triển phòng trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động quần chúng tích cực tham gia bảo vệ khoáng sản, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc tuyên truyền nhằm giúp người dân thấy được hậu quả, tác hại của hoạt động khai thác trái phép khoáng sản, phát hiện và tố giác kịp thời các hành vi vi phạm.

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay do nhu cầu sử dụng cát để xây dựng, san lấp mặt bằng khá cao, tỉnh vẫn cấp phép cho một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản cát sông, cát biển. Hiện toàn tỉnh có 9 giấy phép khai thác khoáng sản cát sông, cát biển.

Để quản lý chặt các hoạt động khai thác cát, UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các “điểm đen” như khu vực sông Cổ Chiên, cồn Hô (Càng Long), cồn Long Trị (thành phố Trà Vinh), cồn An Lộc (Cầu Kè)… Các địa phương cần xây dựng lực lượng tự quản để khi phát hiện hành vi vi phạm khai thác cát thông báo kịp thời cho lực lượng chức năng xử lý. Đối với các vi phạm bị phát hiện, UBND tỉnh Trà Vinh chỉ đạo lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính với mức cao nhất, đồng thời xem xét hình phạt bổ sung để răn đe.

Phát hiện nhiều vụ hành khách đi máy bay bằng giấy tờ giả

Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã phát hiện tới 13 vụ dùng giấy tờ giả đi máy bay, tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, trong số này có tới 10 vụ việc hành khách sử dụng giấy chứng minh nhân dân người khác để làm thủ tục check in.

Mới đây tại điểm kiểm tra an ninh soi chiếu sảnh C nhà ga hành khách T1 (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài), nhân viên an ninh trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của hành khách mang tên Nguyễn K. L. (chuyến bay VJ167, chặng bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh), đã phát hiện có nhiều điểm bất thường. Đặc điểm nhân dạng, dấu vân tay trên giấy chứng minh nhân dân không trùng khớp với đặc điểm của hành khách, ảnh nhân dạng không có dấu giáp lai.

Tại thời điểm kiểm tra, hành khách đã khai nhận tên thật của mình là Doãn T.H., do nhặt được chứng minh nhân dân của người khác nên tự dán ảnh của mình vào và sử dụng để mua vé, hoàn thành thủ tục hàng không. Hành khách này đã bị lập biên bản từ chối bay, đồng thời bàn giao cho Cảng vụ hàng không miền Bắc xử lý theo quy định.

Điều đáng nói, không phải chỉ có người dân vi phạm, mà ngay cả đơn vị làm du lịch, được coi là am hiểu các quy định trong ngành hàng không còn xúi khách hàng vi phạm.

Cụ thể, vào ngày 11 tháng 3 năm 2019, tại điểm kiểm tra an ninh soi chiếu sảnh C, tầng 2, nhà ga hành khách T1, trong khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ tùy thân của hành khách đi tàu bay, nhân viên an ninh Ngô Văn Thanh nhận thấy giấy xác nhận nhân thân của 2 hành khách Nguyễn T.S.  (SN 1991, quê Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá) và Lương X.K. ( SN 1958, cũng ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa), là hành khách đi chuyến bay VN7231, chặng bay HAN-PQC, dự định cất cánh lúc 06h50 cùng ngày, có biểu hiện nghi vấn, nhân viên Thanh đã tiến hành kiểm tra trực quan hành lý xách tay của hành khách, phát hiện 1 giấy xác nhận nhân thân Lương X.K. có 1 giấy phép lái xe mang tên Đinh V.Q., còn trong hành lý xách tay của hành khách mang giấy xác nhận Nguyễn T.S. có hộ chiếu mang tên Lê T.T. Nhân viên Ngô Văn Thanh đã báo cáo sự việc tới cán bộ trực Đội An ninh soi chiếu quốc nội thông báo cho Đội An ninh cơ động và Cảng vụ hàng không miền Bắc phối hợp và đưa hành khách nêu trên về phòng trực xử lý vụ việc nhằm xác minh làm rõ.

Tại phòng trực xử lý vụ việc, hành khách Đinh V.Q. khai nhận: Anh Q. đã được anh Lương X.K. cho vé máy bay mang tên Lương X.K. để đi du lịch, anh Q. được Công ty du lịch quốc tế EAGLE hướng dẫn làm giấy xác nhận nhân thân mang tên Lương X.K. (sinh năm 1958, ở Cẩm Tân, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) để hoàn thành thủ tục hàng không.

An Giang: Nguyên thủ quỹ, kế toán trường học cấu kết chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng

Ngày 19/4, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang  đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với các bị cáo Nguyễn Thị Hoa, sinh năm 1983; Phạm Thị Tuyết Hoa, sinh năm 1983, cùng về tội  "Tham ô tài sản" và  Lê Trọng  Quát, sinh năm 1963 về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".  Các bị cáo nguyên là hiệu trưởng, thủ quỹ và kế toán Trường trung học cơ sở Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Theo cáo trạng, năm 2012, Hoa (kế toán) chơi hụi và vay tiền của Tuyết Hoa (thủ quỹ), để có tiền đóng hụi, trả vốn lẫn lãi, Hoa đã bàn bạc, thỏa thuận với Tuyết Hoa giữ lại số tiền nộp bảo hiểm xã hội trích từ tiền lương giáo viên, nhân viên của trường.

Hoa sẽ chuyển khoản từ nguồn kinh phí được cấp nộp cho Bảo hiểm xã hội huyện An Phú để bù đắp số tiền trên; đồng thời sẽ nâng khống cột tổng hệ số tiền lương trong bảng lương hàng tháng, bảng tổng hợp các khoản chi phụ cấp, trợ cấp theo Nghị định 61 và Nghị định 116 cao hơn số tiền thực nhận, để Tuyết Hoa đến Agribank chi nhánh huyện An Phú rút tiền chi, quyết toán theo quy định.

Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 1/2013 đến tháng 10/2016, lợi dụng sự thiếu kiểm tra, quản lý trong điều hành hoạt động tài chính của Hiệu trưởng Lê Trọng Quát, Hoa đã cấu kết với Tuyết Hoa chiếm đoạt số tiền hơn 934 triệu đồng.

Số tiền này Hoa chia cho Tuyết Hoa trên 467 triệu, còn lại Hoa trả tiền hụi, vốn và lãi cho Tuyết Hoa trên 433 triệu đồng, còn hơn 33 triệu đồng tiêu xài cá nhân.

Ngày 9/11/2016, Kho bạc Nhà nước tỉnh An Giang kiểm tra phát hiện sự việc trên và thông báo UBND huyện An Phú.

Đến ngày 19/4/2018 và 25/10/2018, Hoa cùng Tuyết Hoa và Quát bị khởi tố điều tra. Trong quá trình điều tra, Tuyết Hoa đã giao nộp trên 567 triệu đồng, còn Hoa và gia đình  đã giao nộp 24 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Hoa, 12 năm tù; Nguyễn Thị Tuyết Hoa, 10 năm tù cùng về tội "Tham ô tài sản"; Lê Trọng Quát, 02 năm tù  về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" nhưng cho hưởng án treo.

Xét xử phúc thẩm đại án Ngân hàng Đông Á

Hôm nay 22/4, TAND Cấp cao tại TPHCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (viết tắt là DAB) - còn gọi là đại án Ngân hàng Đông Á.

Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2007 đến năm 2014, để có tiền mua cổ phần DAB, bị cáo Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB) chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng Giám đốc DAB) và các nhân viên cấp dưới thực hiện nhiều hành vi phạm tội trong việc lập phiếu thu tiền khống đứng tên Trần Phương Bình và người thân mua cổ phần DAB. Để bù đắp số tiền thu khống, bị cáo Bình chỉ đạo bị cáo Xuyến và các bị cáo khác xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán tiền mua cổ phần. Bằng hành vi này, bị cáo Xuyến đã tiếp tay cho bị cáo Bình chiếm đoạt của DAB hơn 1.160 tỷ đồng.Ngoài ra, bị cáo Trần Phương Bình và bị cáo Phan Văn Anh Vũ (thường được gọi là Vũ “nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của DAB hơn 203 tỷ đồng.

Kết thúc phiên xử sơ thẩm, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình mức án tù chung thân; Nguyễn Thị Kim Xuyến 30 năm tù cùng về hai tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Phan Văn Anh Vũ lãnh 17 năm tù, tổng hợp với bản án 8 năm tù do TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên trước đó đối với bị cáo về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” (án đã có hiệu lực pháp luật) thành 25 năm tù. 23 bị cáo đồng phạm khác trong vụ án bị tuyên từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 16 năm tù.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức pháp luật 24h mới nhất, nóng nhất ngày 22/4/2019. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đời...
Ừ khó đấy! Đừng buông xuôi phó mặc///Bởi trên đời ai chẳng gặp khó khăn///Như đóa hoa mọc giữa vách đá ngăn///Mà vươn mình thành bông hoa đẹp nhất