Thứ sáu, 29/03/2024 12:25 (GMT+7)

Xả khí thải độc hại vào nguồn nước sẽ bị phạt từ 250-500 triệu đồng

MTĐT -  Thứ năm, 26/03/2020 09:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nghị định 36 quy định mức phạt vi phạm hành chính tối đa là 250 triệu đồng với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tập thể khi vi phạm quy định về tài nguyên nước và khoáng sản.

Chính phủ vừa ban hành nghị định 36/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản với mức phạt vi phạm hành chính tối đa là 250 triệu đồng với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tập thể. 

Các mức phạt tiền với cá nhân và với hộ kinh doanh được áp dụng như nhau. Riêng với tổ chức, mức phạt tiền tăng gấp 2 lần.

Cụ thể, mức phạt tiền cao nhất là từ 200 - 250 triệu đồng với các hành vi bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước. Cá nhân/tổ chức không thực hiện các biện pháp hạn chế, khắc phục sau khi thực hiện hành vi trên cũng sẽ phải chịu mức phạt tương tự.

Những đơn vị để rò rỉ, thất thoát dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước và các hoạt động sản xuất khác sử dụng hoá chất độc hại; không thực hiện chống thấm, chống tràn ở khu chứa nước thải có chất thải nguy hại sẽ bị phạt 50-70 triệu đồng.

Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không có phương án phòng, chống ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các khu kinh tế..

Phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các loại hoá chất khác trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm nguồn nước.

Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và là 2 tỷ đồng đối với tổ chức; tước quyền sử dụng Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 24 tháng.

Đình chỉ hoạt động lập, thực hiện đề án, dự án về tài nguyên nước; đình chỉ hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên nước, thăm dò, khai thác khoáng sản từ 01 tháng đến 12 tháng. Tịch thu tang vật, mẫu vật là khoáng sản, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/5/2020.

Bạn đang đọc bài viết Xả khí thải độc hại vào nguồn nước sẽ bị phạt từ 250-500 triệu đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới