Thứ bảy, 20/04/2024 02:11 (GMT+7)

Vietcombank Lạng Sơn: Dự án xây dựng trụ sở gây mất ATLĐ

Nhóm PV -  Thứ sáu, 27/12/2019 10:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được phản ánh của người dân về Dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở Vietcombank (VCB) Chi nhánh Lạng Sơn có dấu hiệu vi phạm về an toàn lao động (ATLĐ).

Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình trụ sở VCB Chi nhánh Lạng Sơn

Để tìm hiểu thêm thông tin phản ánh, PV đã có buổi tìm hiểu thực tế và được biết, Dự án có chủ đầu tư là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank, Công ty CP Phòng cháy chữa cháy Việt Nam (Km10 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) là đơn vị tư vấn giám sát và Công ty TNHH Toàn cầu Khải Minh (247 đường Đà Nẵng, Ngô Quyền, Hải Phòng) chịu trách nhiệm thi công.

Ghi nhận ban đầu, mặc dù có đầy đủ các đơn vị thi công, giám sát theo quy định nhưng công tác bảo hộ lao động không được thực hiện. Cụ thể, những người lao động tại công trình này không hề sử dụng bất cứ một phương tiện bảo hộ lao động nào trong quá trình làm việc như: găng tay, giày (ủng), quần áo bảo hộ, mũ bảo hiểm...

Công trình đang thi công của VCB Lạng Sơn mất ATLĐ

Theo quy định về ATLĐ, phương tiện bảo hộ lao động là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang bị để sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ để bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động, khi các giải pháp công nghệ, thiết bị, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết. Việc không sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động sẽ rất dễ xảy ra tai nạn trong quá trình làm việc.

Theo quy định, khi sử dụng lao động thì đơn vị thi công phải kí kết hợp đồng với người lao động, trong đó người sử dụng lao động phải thực hiện việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Vậy công ty TNHH Toàn cầu Khải Minh đã vi phạm hợp đồng khi không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong việc đảm bảo an toàn cho người lao động. Với tư cách là người sử dụng lao động, việc thờ ơ không tuân thủ, thiếu trách nhiệm và không thực hiện đúng quy định này là điều không thể chấp nhận được. Phải chăng đơn vị thi công đang coi thường luật pháp, chạy theo lợi nhuận và thuê nhân công giá rẻ, thiếu hiểu biết về ATLĐ.

Về phía Công ty CP Phòng cháy chữa cháy Việt Nam là đơn vị giám sát nhưng lại thiếu kiểm tra giám sát, quản lý lỏng lẻo vấn đề an toàn lao động, dửng dưng trước sai phạm của đơn vị thi công. Vậy quyền hạn của đơn vị giám sát này là gì và trách nhiệm nằm ở đâu? Sự thờ ơ không tuân thủ, thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng quy định, coi thường tính mạng con người của hai đơn vị này đã gây nên sự bức xúc không nhỏ, nếu tai nạn xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm và như thế nào?

Trao đổi với Luật sư Nguyễn Loan (Công ty Luật Nguyễn Loan), Luật sự Loan cho biết: Theo Luật An toàn vệ sinh, Lao động năm 2015 có quy định rõ: Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Luật cũng quy định “Phải tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.”

Những người lao động đang thi công không sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động

Đồng thời, không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động. Bởi người lao động có quyền được bảo vệ sức khỏe, tính mạng. Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật. Có rất nhiều nơi làm việc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra thì có đầy đủ nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, nhưng trong qua trình làm việc thì việc thực hiện không được giám sát chặt chẽ, dẫn đến nhiều thiệt hại đáng tiếc.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Loan: Đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Việc phân công như trên giúp cho việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp an toàn vệ sinh lao động có hiệu quả cao nhất. Mỗi người chịu trách nhiệm một khâu, một nội dung nên chất lượng sẽ được chú trọng hơn và tránh việc chồng chéo...

Việc hai đơn vị thi công và giám sát của Dự án Đầu tư xây dựng công trình trụ sở Vietcombank (VCB) Chi nhánh Lạng Sơn không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát, quản lý lỏng lẻo vấn đề ATLĐ, coi thường tính mạng người lao động là quá rõ ràng.

Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn như Thanh tra Sở xây dựng Lạng Sơn, UBND thành phố Lạng Sơn sớm vào cuộc, thực hiện các công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo an toàn cho người lao động tại công trình này.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Vietcombank Lạng Sơn: Dự án xây dựng trụ sở gây mất ATLĐ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân"
Huyền thoại tuổi thanh xuân là một chương trình sống động để chúng ta hiểu hơn về lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm của người phụ nữ Việt Nam
Chăm lo đời sống công nhân vệ sinh môi trường
Góp phần không nhỏ vào việc làm cho môi trường thành phố xanh, sạch, đẹp, nhưng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân vệ sinh gặp không ít khó khăn và rủi ro, như môi trường làm việc độc hại, dễ xảy ra tai nạn lao động, thu nhập thấp,...