Thứ sáu, 29/03/2024 18:31 (GMT+7)

Nhiều khuất tất về quản lý đất đai tại Đông La, Hoài Đức

Nhóm PV -  Thứ ba, 04/06/2019 09:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cho đến nay sau 4 tháng liên hệ, đặt lịch làm việc nhưng chính quyền xã Đông La vẫn chưa trả lời những vấn đề sai phạm tại địa phương. Phải chăng lãnh đạo xã có có liên quan đến sự việc?

Phớt lờ chỉ đạo của cấp trên

Để làm rõ hơn những sai phạm trong việc quản lý đất đai tại xã Đông La, huyện Hoài Đức, Nhóm PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã nhiều lần liên hệ nhưng đến nay vẫn chỉ là sự im lặng đến khó hiểu của những người đứng đầu địa phương.

Trụ sở UBND xã Đông La.

Kể cả khi PV liên hệ với UBND huyện Hoài Đức đề nghị chỉ đạo xã phối hợp làm rõ những nội dung công luận quan tâm thế nhưng chính quyền xã vẫn phớt lờ chỉ đạo của huyện.

Trước đó, ông Nguyễn Xuân Lý, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức cũng đã cung cấp cho PV hàng loạt chỉ đạo bằng văn bản về công tác quản lý đất đai tại xã Đông La.

Cụ thể trong năm 2017-2018 đã có hàng chục công văn yêu cầu trực tiếp xã Đông La tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ triệt để các công trình vi phạm trả lại hiện trạng ban đầu; Hoàn thiện hồ sơ xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm…. thường xuyên báo cáo UBND huyện. Đối với những vi phạm phát sinh không xử lý triệt để, UBND huyện xem xét trách nhiệm đối với chủ tịch, cán bộ địa chính xã.

Tiếp tục san lấp đất chuyên trồng lúa nước làm nhà, xưởng với hàng chục ha.

Thế nhưng, từ đó đến nay lãnh đạo xã Đông La vẫn im lặng, theo nguồn tin của PV thì Đông La chưa một lần tổ chức kiểm tra, đình chỉ, cưỡng chế hàng trăm trường hợp sai phạm. Như vậy, lãnh đạo xã Đông La có phớt lờ chỉ đạo của cấp trên hay UBND huyện Hoài Đức ra văn bản chỉ đạo để cho có?

Tiếp đó, PV có liên hệ với ông Nguyễn Tiến Phương, Bí thư Đảng uỷ xã Đông La, ông Phương cho rằng: "Vấn đề đất đai thuộc bên uỷ ban nên các anh liên hệ với Chủ tịch"

Chính quyền không thể vô can

Để làm rõ những nội dung trên đề nghị Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra làm rõ tình trạng vi phạm quy định pháp luật trong quản lý đất đai tại xã Đông La.

Cụ thể làm rõ quy trình thẩm định xét, cấp GCNQSD đất tại khu Đống Tranh, có bao nhiêu hộ đã xây nhà, xưởng từ những năm trước đó vẫn tiếp tục được đăng ký biến động đất đai, chuyển nhượng, sang tên và được cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSD đất. Cụ thể cần làm rõ thời gian từ năm 2017-2019 có bao nhiêu trường hợp đăng ký biến động chuyển nhượng, sang tên đất nông nghiệp và hiện trạng xây dựng nhà xưởng tại cánh đồng trên.

Không lâu nữa toàn bộ cánh đồng Đống Tranh sẽ biến thành nhà, xưởng.

Ngoài ra, cũng cần thanh kiểm tra lại quy trình xét, cấp GCNQSD đất của các đơn vị, cơ quan có thẩm quyền, liệu có tiếp tay cho tình trạng vi phạm Pháp luật nghiêm trọng diễn ra trong thời gian dài và đang có những diễn biến phức tạp tại địa phương này.

Theo quan sát của Nhóm PV tại khu cánh đồng Đống Tranh trường hợp vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến. Nếu không quyết liệt thì chẳng mấy chốc khu vực này là đất chuyên trồng lúa nước sẽ bị san lấp trồng lan, rồi dần biến thành nhà xưởng như thực tế đang diễn ra hiện nay.

Ông Trần Văn Quý lên làm Chủ tịch UBND xã, trong thời gian từ năm 2017 đến nay, ngoài khu vực ngoài bãi thì tình trạng sử dụng đất sai mục đích xảy ra nghiêm trọng tại các vùng ven thôn, xóm.

Đặc biệt là khu vực cánh đồng Đống Tranh. Dưới danh nghĩa là làng nghề trồng lan, cánh đồng khu vực này đã được UBND xã bật đèn xanh, cho san lấp, cải tạo thành nền sau đó quây lưới để trồng lan, rồi được hợp thức hoá thành nhà xưởng.

Ông Trần Văn Quý, Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm của người đứng đầu luôn né tránh công luận.

Có thể thấy Chính quyền xã Đông La không chỉ phớt lờ chỉ đạo của cấp trên mà còn né công luận. Câu hỏi đặt ra vậy sai phạm này đến bao giờ mới được xử lý, xin được nhường lời lại cho Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền thanh, kiểm tra lại toàn bộ sai phạm trong quản lý đất đai tại đây để đảm bảo pháp luật được thực thi nghiêm minh.

Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, Hoài Đức sẽ lên quận vào năm 2020, với diện tích đất nông nghiệp lên tới hàng trăm nghìn mét vuông đất sau khi vi phạm pháp luật sử dụng sai mục đích biến thành nhà, xưởng cho tồn tại. Chính quyền địa phương không thể vô can.

Môi trường và đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Điều 21, Quy định 102/2017 của Ban chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật Đảng viên  Vi phạm quy định về đất đai, nhà ở:

1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:

a) Thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định trong quản lý và sử dụng nhà ở; vi phạm các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng công trình và quản lý nhà ở.

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, các thủ tục, quy định, quyết định của Nhà nước về chuyển quyền sử dụng đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

c) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):

a) Làm trái quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, thay đổi mục đích và quyền sử dụng đất; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

b) Cản trở, chống lại hoặc kích động, xúi giục, ép buộc người khác chống lại quyết định đúng pháp luật của cấp có thẩm quyền về thu hồi đất, giao đất, thực hiện các dự án quốc gia và về giải phóng mặt bằng.

c) Vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho tổ chức, cá nhân, phải bồi thường mà không bồi thường theo quy định.

d) Có trách nhiệm nhưng không phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai thuộc phạm vi theo dõi hoặc phụ trách.

đ) Làm trái quy định trong việc quản lý nhà, trụ sở làm việc của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, doanh trại đơn vị quân đội, công an hoặc trong sở hữu, xây dựng, sử dụng, sửa chữa nhà ở của tổ chức được giao quản lý.

3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, hủy hoại đất.

b) Giả mạo, gian lận giấy tờ, làm sai lệch hồ sơ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu đối với nhà ở.

c) Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản trái quy định của pháp luật.

d) Vì lợi ích cục bộ mà ban hành các văn bản hoặc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, thu hồi đất trái pháp luật.

Bạn đang đọc bài viết Nhiều khuất tất về quản lý đất đai tại Đông La, Hoài Đức. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới