Thứ sáu, 29/03/2024 19:52 (GMT+7)

Nhiều khuất tất trong xử lý đất nhiễm dioxin ở phường Bửu Long

MTĐT -  Thứ ba, 23/06/2020 15:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Nỗi bức xúc của gần 100 hộ dân tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai kéo dài đã hơn 1 năm nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Khu vực 75 hộ dân được khoanh tròn màu đỏ (PV) và khu vực đang xét nghiệm phơi nhiễm dioxin (vùng vàng) - căn cứ theo hồ sơ báo cáo đánh giá môi trường của USAID.

Dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học - môi trường thực hiện (dự án đã chính thức làm lễ khởi công vào ngày 5/12/2019). Liên quan đến dự án này, báo Pháp luật Việt Nam đã nhận được đơn thư của bạn đọc phản ánh về khá nhiều bất cập trong công tác phổ biến thông tin di dời một số hộ gia đình ở phường Bửu Long, TP Biên Hòa.

Theo nội dung ghi nhận, ngày 16/01/2019, bà Lê Thị Thu Tâm - chủ tịch UBND phường Bửu Long ký thư mời các hộ dân lên thông báo về việc xử lý đất nhiễm dioxin. Nhận được thông tin này, tập thể 75 hộ dân thuộc khu phố 5, phường Bửu Long, TP Biên Hòa rất bất ngờ và hoang mang vì trên thực tế, những hộ dân này sinh sống ở đây đã nhiều năm, nhiều thế hệ nhưng chưa một ai có dấu hiệu nào của việc nhiễm dioxin, sức khỏe mọi người vẫn hoàn toàn bình thường, cây trái, hoa màu vẫn tươi tốt, đạt năng suất và chất lượng cao.

Theo chủ trương của TP Biên Hòa mà UBND phường Bửu Long đưa ra, nhà đất của 75 hộ dân trên sẽ bị thu hồi để xử lý nhiễm hóa chất. Theo bà Tâm, quy hoạch này nằm trong dự án xử lý dioxin từ sân bay Biên Hòa nói trên. Tuy nhiên, tính xác thực của thông tin này thì chưa được kiểm chứng vì bà Tâm không đưa ra bất cứ bản vẽ sơ đồ cũng như vị trí quy hoạch cho người dân. Tại UBND phường Bửu Long, 16 người/75 hộ dân/300 nhân khẩu tham dự đều phản đối chủ trương này.

Tuy nhiên, khi các hộ dân yêu cầu cán bộ công khai cung cấp các thông tin liên quan đến dự án, căn cứ khoa học khẳng định đất bị nhiễm độc dioxin, diện tích, tọa độ chi tiết vùng đất bị ô nhiễm chất độc trên thì tất cả đều chỉ nhận được câu trả lời hết sức mơ hồ. Mặt khác, theo ý kiến của người dân, trên bản đồ triển khai dự án mới nhất trong hồ sơ này, trong số 75 hộ dân khu phố 5, phường Bửu Long chỉ có duy nhất 1-2 hộ nằm trong khu vực được khoanh vùng màu vàng - nghi nhiễm và đang lấy mẫu xét nghiệm phơi nhiễm”. Như vậy, không hiểu tại sao cả 75 hộ dân lại phải đồng loạt di dời trong khi đời sống của họ đang hoàn toàn ổn định?

Một hộ dân bức xúc vì thông tin bị bưng bít.

Ngoài những tình tiết trên, xuyên suốt vụ việc, có nhiều yếu tố khiến cho việc nghi ngờ của người dân trở nên hoàn toàn có cơ sở. Thứ nhất, trong việc thu hồi đất của người dân Khu phố 5, Phường Bửu Long, tại sao không bàn giao việc thu hồi đất cho Ban Quản lý dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin, mà lại giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất đứng ra thu hồi?

Tại sao chính quyền không cung cấp công khai bản đồ bị phơi nhiễm chất độc dioxin để người dân biết, trong khi đó chính người dân địa phương cũng có 1 bộ bản đồ ghi khá chi tiết, đánh dấu từng vị trí, mốc tiêu, khu vực bị phơi nhiễm cụ thế, và trên thực tế những khu vực bị thu hồi hoàn toàn an toàn, căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người dân cũng như động thực vật quanh vùng.

Ngoài ra, trong vấn đề này, người dân đang dồn nghi vấn vào sự tham gia của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc, được cho là đứng ra thu gom, đền bù đất với giá rẻ sau đó đầu tư xây dựng mặt bằng, phân lô bán nền. Nói cách khác, là một hình thức mượn tay chính quyền để cướp đất người dân. Và tất nhiên, phía sau doanh nghiệp này phải có một bàn tay chống lưng đủ lớn.

Bản đồ ghi phạm vi ảnh hưởng dioxin mà người dân không thể hiểu cũng không được giải thích.

Theo ghi nhận từ người dân về tình hình môi trường cũng như sức khỏe con người trong khu vực có thông báo di dời, thu hồi đất, 75 hộ dân trong khu vực này không hề có bất cứ người nào là nạn nhân của chất độc dioxin. Có những hộ gia đình sinh sống bằng nghề sông nước, quanh năm tiếp xúc với nước ao, hồ ở những khu vực chiêm trũng - là vị trí dễ tồn đọng độc chất, tuy nhiên tới nay sức khỏe của họ vẫn hoàn toàn ổn định, sinh hoạt bình thường từ 5 đến 7 đời.

Thế nhưng, trong buổi họp ngày 28/02/2020 vừa qua, ông Trần Trung Khởi, người dân duy nhất phát biểu ý kiến ủng hộ chính sách di dời của phường Bửu Long tự nhận mình là nạn nhân của chất độc dioxin, bày tỏ nguyện vọng sớm được di dời.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Trần Trung Khởi là người mới chuyển về sinh sống tại địa phương hơn 10 năm nay, sức khỏe của ông Khởi vẫn hoàn toàn bình thường, hiện đang công tác trong một cơ quan hành chính của phường Bửu Long. Vậy, vai trò của ông Trần Trung Khởi trong câu chuyện này là gì khi ông này cố tình nói sai sự thật?

Được biết, ông Nguyễn Văn Tấc - Chi hội trưởng Chi hội Chữ Thập Đỏ Khu phố 5, phường Bửu Long đã từng phát biểu tuyên bố toàn bộ 75 hộ dân này không có bất cứ ai nhiễm chất độc dioxin trong nhiều năm nay.

Một số hộ dân bày tỏ nguyện vọng với phóng viên.

Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN), hầu hết nguyện vọng của người dân trong vụ việc này đều hi vọng mình có thể tiếp tục được cư trú trên mảnh đất gia tiên để lại. Là một chương trình nhân đạo, việc dồn người dân rơi vào cảnh mất nhà cửa - nơi họ đã gắn bó nhiều đời nay là hoàn toàn trái với tôn chỉ mà chương trình đã đề ra, đặc biệt là khi mà những người nắm quyền lực lợi dụng vỏ bọc “nhân đạo” để trục lợi. Không chỉ vậy, những người cán bộ đáng lẽ là phải nhẹ nhàng giải thích, thông tin cho người dân thì lại có thái độ hết sức trịch thượng, thiếu kiên nhẫn.

Ghi nhận trong buổi đối thoại ngày 28/5/2020 vừa qua, khi người dân nhận được thư mời có ý kiến về việc văn bản không có dấu mộc đỏ chính thức của cơ quan chức năng, bà Thảo - cán bộ địa chính phường Bửu Long đã phát biểu đầy mỉa mai: “Dân rảnh quá, mộc đen bày đặt không chịu đi họp.” Đây có thật sự là một lời mà cán bộ nhà nước nên nói ra"?

Càng đáng suy nghĩ hơn, buổi họp trên, bà Lê Thị Thu Tâm - Chủ tịch UBND phường đã có ý kiến đại diện cho UBND như sau: “Đối với các hộ dân không tham dự thì phần lớn đã đồng ý với chủ trương di dời, trường hợp hộ dân nào còn thắc mắc, UBND phường sẽ chủ động giải thích”. Điều này hoàn toàn là bịa đặt! Bởi lẽ, những hộ dân không có mặt không phải vì họ đã đồng ý với chủ trương, mà vì họ bức xúc với những mập mờ trong cung cách làm việc của UBND phường cũng như hình thức thiếu thỏa đáng của các văn bản giấy mời.

Liên hệ phỏng vấn với bà Lê Thị Thu Tâm - chủ tịch UBND phường Bửu Long, khi được hỏi về phương án giải quyết sau khi đất đã được xử lý dioxin, bà này trả lời một cách hết sức vô trách nhiệm: Đó là chuyện của nhà nước lớn, gặp ông Chánh phó chủ tịch tỉnh mà hỏi"!

Xuyên suốt vụ việc, trách nhiệm của UBND phường Bửu Long và người đứng đầu là bà Lê Thị Thu Tâm - chủ tịch UBND đối với người dân là hết sức mờ nhạt thậm chí còn có nhiều điểm nghi vấn, hoàn toàn chưa xứng đáng với trách nhiệm cũng như vai trò lãnh đạo của mình. Trong khi đó, 75 hộ dân với hơn 300 con người đang ngày đêm hoang mang về tương lai của mình. Rất mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc, cho họ một câu trả lời rõ ràng./.

Theo phapluatplus.vn

Bạn đang đọc bài viết Nhiều khuất tất trong xử lý đất nhiễm dioxin ở phường Bửu Long. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

MTĐT

Cùng chuyên mục

Tin mới