Thứ sáu, 29/03/2024 12:26 (GMT+7)

Lâm Đồng: Quỹ tín dụng biến “Thượng đế” từ tỷ phú thành thảm kịch!

Nhóm PV -  Thứ bảy, 07/07/2018 12:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thỏa thuận (tại hợp đồng tín dụng số 1452-FH/16/HĐTD), thời hạn vay là 24 tháng, tính từ ngày 26/04/2016 đến ngày 26/04/2018, lãi suất 0,85%/1 tháng.

Tháng 4/2016, do thiếu tiền đầu tư vào trang trại chăn nuôi (heo, bò), vợ chồng Đỗ Thị Thơm – Trần Quang Diệu (xóm 3, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) thế chấp 05 Giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình (rộng hơn 43.700m2) cho Quỹ tín dụng nhân dân phường II ( số 27 - Võ Thị Sáu, phường II, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) để vay 2,3 tỷ đồng. Theo thỏa thuận (tại hợp đồng tín dụng số 1452-FH/16/HĐTD), thời hạn vay là 24 tháng, tính từ ngày 26/04/2016 đến ngày 26/04/2018, lãi suất 0,85%/1 tháng.

Trong hợp đồng tín dụng có ghi kế hoạch trả nợ số tiền gốc được chia làm hai kỳ hạn như sau: Ngày 26/04/2017 trả số tiền là 800 triệu đồng (kỳ hạn 1); ngày 26/04/2018 trả số tiền là 1,5 tỷ đồng (kỳ hạn cuối). Tuy nhiên, đến đầu năm 2017 giá heo thịt trên thị trường bị rớt giá thê thảm, thậm chí bán heo không ai mua nên khi đến kỳ hạn phải trả tiền gốc (kỳ hạn 1), vợ chồng bà Thơm đã bị chậm 2 tháng. Lúc này, vợ chồng bà Thơm có đến Quỹ tín dụng nhân dân phường II để xin giảm lãi, khoanh nợ và muốn được kéo dài thời hạn trả gốc (kỳ hạn 1), nhưng đại diện Quỹ tín dụng phường II không đồng ý và ép vợ chồng bà phải ký vào biên bản xử lý nợ (3 lần liên tiếp), đồng thời đưa toàn bộ số tiền vay (kể cả chưa đến hạn phải thanh toán) trở thành nợ xấu và buộc gia đình bà Thơm phải giao 05 tài sản thế chấp cho ngân hàng (mà không xem xét việc giảm lãi, khoanh nợ theo quy định của Ngân hàng nhà nước quy định tại thời điểm) để “hành sự”.

Lấy lý do thu hồi nợ xấu (cho hết món nợ 2,3 tỷ đồng), Quỹ tín dụng nhân dân phường II đã tự ý đem 05 tài sản đang thế chấp nói trên bán cho ông Phạm Văn Lục (thôn 6, xã Đại Lào, TP bảo Lộc, Lâm Đồng) với giá bèo nhất – chỉ 1,9 tỷ đồng (chưa bằng 1/2 giá thị trường) để thu hồi tiền gốc vay mà không cần sự đồng ý của gia đình bà Thơm và không hề mảy may để ý đến những phản ứng gay gắt từ phía gia đình bà.

Sự thật trớ trêu nữa là, trước khi cho vay vốn, Quỹ tín dụng phường II đã định giá tổng tài sản đảm bảo vốn vay của 05 Giấy chứng nhận QSDĐ nói trên là 2,847 tỷ đồng, nhưng khi “bí mật” bán (chuyển nhượng) 05 Giấy chứng nhận QSDĐ nói trên cho ông Phạm Văn Lục để “tự thu” về cho Quỹ tín dụng chỉ là 1,9 tỷ đồng. Bà Thơm bức xúc: “Giá đất chuyển nhượng tại thời điểm đang dao động ở mức 1tỷ/ha (tương đương 4,37 tỷ đồng), thế nhưng Quỹ tín dụng “bàn tính” với giá 420 triệu/ha (chỉ thu về 1,9 tỷ đồng) để bán cho ông Lục. Gia đình tôi và mọi người dân biết rằng số tiền chênh lệch cao so với giá thị trường sẽ được Quỹ tín dụng và ông Lục “ngầm” chia nhau ?!. Số tiền bán tài sản này, gia đình tôi không hề hay biết và cũng không được tham gia bất cứ công đoạn nào, mặc dù trong thời gian này, gia đình tôi có phản ứng gay gắt và hứa sẽ tự tìm người khác về mua tài sản để thanh toán tiền cho Quỹ tín dụng !?... Đó tôi là chưa nói đến giá trị tài sản trên đất (vườn cây gồm cà phê, che, bơ… cũng bị bán luôn”.

Theo luật sư Vũ Đình Năm – Văn phòng Luật sư Hà Trung – Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai cho biết: “Có thể thấy rõ, hợp đồng chuyển nhượng 5 lô đất (43.700m2) của gia đình bà Thơm đang thế chấp tại Quỹ tín dụng phường II cho ông Lục là không khách quan, có sự mờ ám về giá, gây thiệt hại lớn về tài sản cho gia đình bà vì không thông qua đơn vị thẩm định, đấu giá độc lập. Chính vì thế, nếu chỉ tính riêng tổng số tiền chuyển nhượng 05 lô đất nói trên đã khiến cho gia đình bà Thơm bị thiệt hại khoảng hơn 2 tỷ đồng (tính theo giá thị trường tại thời điểm, 5 lô đất này trị giá hơn 4 tỷ đồng). Đặc biệt, tài sản trên 5 lô đất này không thế chấp (gồm hơn 3.500 cây cà phê; 10.000m2 chè; 2.400 cây bơ ghép Bincatol…) chưa được thẩm định, định giá, đang sinh trưởng mạnh, đang trong thời kỳ kinh doanh… nhưng cũng bị Quỹ tín dụng phường II bán luôn cho ông Lục là trái quy định của pháp luật.”

Bà Thơm bức xúc thêm: “Trên 5 lô đất hiện nay có hơn 3.500 cây cà phê là loại cà phê ghép giống cao sản (8 năm tuổi) đang trong thời kỳ kinh doanh rộ (thời kỳ cây cà phê có năng suất cho thu hoạch cao nhất) chưa được định giá cụ thể. Chỉ tính riêng, vườn cà phê này, hàng năm đang cho gia đình tôi thu về trung bình 25 tấn cà phê nhân khô, giá tại thời điểm là 40 triệu đồng/tấn (tương đương 1 tỷ đồng). Ngoài cây cà phê, còn có 10.000m2 chè kinh doanh đang cho thu hoạch đều đặn từ 47-50 triệu đồng/tua (1 tua = 1 tháng 10 ngày). Như vậy, trung bình vườn chè mỗi năm thu hoạch 10 tua - tương đương thu 500 triệu/năm. Và trong vườn còn có hơn 2.400 cây Bơ ghép Bilcatol trồng xen canh cà phê (trên diện tích 33.700m2 cây cà phê), nhưng vẫn bị Quỹ tín dụng phường II bán luôn cho ông Lục mà chưa được định giá.

Như vậy, ngoài việc tự ý chuyển nhượng trái phép 5 lô đất (DT 34.700m2) cho ông Lục, Quỹ tín dụng đã gây thiệt hại cho gia đình nhà tôi gần 2 tỷ đồng, Quỹ tín dụng này còn làm thiệt hại cho gia đình tôi là 3.500 cây cà phê (chưa định giá); 10.000m2 diện tích cây chè; 2.400 cây bơ… và ít nhất 1,5 tỷ đồng (thu hoạch vườn cây hàng năm). Tổng thiệt hại mà Quỹ tín dụng gây ra cho gia đình tôi là hơn 6 tỷ đồng…”

Qua tìm hiểu thực tế được biết, riêng diện tích vườn cà phê rộng 33.700m2, từ đầu niên vụ, gia đình bà Thơm đã phải đầu tư nhiều công sóc chăm sóc, tiền mua phân bón (khoảng 350 triệu đồng) nhưng khi thu hoạch (cũng là lúc chuyển nhượng tài sản cho ông Lục), Quỹ tín dụng đã “bảo kê” để cho ông Lục thu hái toàn bộ quả cà phê đang chín rộ khiến gia đình bà Thơm mất khoảng 25 tấn cà phê nhân quy khô (trị giá tại thời điểm là 40 triệu/tấn, tương đương 1 tỷ đồng).

Bà Đỗ Thị Yên – Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân phường II thì giải thích: “Theo quy định của ngân hàng nhà nước quy định khi đến hết kỳ hạn trả nợ phần gốc (kỳ hạn 1) mà phía gia đình bà Thơm không trả được thì Quỹ tín dụng sẽ chuyển toàn bộ tiền gốc (kể cả số nợ chưa đến kỳ hạn) thành nợ xấu để xử lý tài sản thu hồi toàn bộ vốn vay. Chính vì thế phía Quỹ tín dụng đã làm đúng. Riêng vấn đề xử lý tài sản trên đất (cây cà phê, cây chè, cây bơ…) tuy không được thế chấp, không thể hiện cụ thể trong hợp đồng, nhưng ngầm hiểu rằng những cây trồng đó đã được định giá chung với đất đai (vì cây trên đất) nên khi tính toán cho vay vốn đã tính luôn giá trị cây trồng, khi chuyển nhượng đất đai là bán luôn vườn cây để thu hồi vốn gốc?!...”

Từ những cách thu hồi nợ xấu theo kiểu “chẳng giống ai” của Quỹ tín dụng nhân dân phường II, khiến gia đình bà Thơm thiệt hại lớn về tài sản, gia đình bà đã gửi đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng giải quyết mong lấy lại sự công bằng cho gia đình, đề nghị Toà án hủy các hợp đồng “tự ý” chuyển nhượng 5 lô đất nói trên giữa Quỹ tín dụng với ông Lục vì lý do: giá bèo, không đúng quy trình, trình tự; tài sản trên đất là các loại cây trồng không thế chấp nhưng vẫn đem bán; hoa lợi từ vườn cây bị người khác (ông Lục) thu lợi trái pháp luật…

Luật sư Vũ Đình Năm cho rằng việc khởi kiện của gia đình bà Thơm để đòi lại tài như nói trên là đúng theo quy định của pháp luật, mong rằng Tòa án sẽ xem xét, tính toán chính xác, khách quan về giá trị tài sản (đất đai và tài sản trên đất, hoa lợi), xác định tính pháp lý về các giao dịch chuyển nhượng QSDĐ… để tuyên bản án có tính thuyết phục, tránh gây thiệt hại về cho gia đình bà Thơm”.

Được biết, đến nay ngoài 1,9 tỷ đồng mà Quỹ tín dụng nhân dân phường II bán 5 lô đất “tự thu” giúp cho “thượng đế”, gia đình bà Thơm đã phải vay thêm 900 triệu đồng để hoàn tất trả nợ gốc và lãi cho Quỹ tín dụng (theo đúng hợp đồng đã cam kết). Nhưng, hậu quả đau lòng nhất để lại cho gia đình bà đó là đúng vào ngày Quỹ tín dụng đưa lực lượng đến nhà cưỡng chế, đuổi gia đình bà ra ngoài đường để lấy nhà và đất giao cho ông Lục thì cũng là lúc đứa con trai (19 tuổi) của gia đình bà vì quá hoảng loạn, lo sợ mà đã bị chết vì một tai nạn giao thông thảm khốc… Còn chồng bà Thơm (ông Diệu) thì đang phải đưa đi điều trị tại bệnh viện tâm thần vì những biến cố lớn trong gia đình đã xảy ra!?.

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Quỹ tín dụng biến “Thượng đế” từ tỷ phú thành thảm kịch!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới