Thứ sáu, 29/03/2024 19:15 (GMT+7)

Lâm Đồng: Nỗi niềm của một chủ rừng - Kỳ 4

Minh Yến - Thế Bôn -  Thứ hai, 07/05/2018 09:13 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Môi trường Đô thị Việt Nam điện tử xin trích đăng tâm sự của một chủ rừng - Trung tướng An ninh - Bộ Công an Trinh Lương Hy.

Để có được cánh rừng xanh bạt ngàn, ngút tầm mắt với các loại cây thông, xoan đào, sưa, sao, mít, cà phê, ca cao, chuối... đạt trên 98% diện tích đất rừng được thuê, chủ rừng Trịnh Lương Hy đã phải đổ biết bao mồ hôi, công sức, vốn liếng phủ xanh đất trống, đồi trọc. Có thể nói, đây là một chủ rừng thực hiện đúng chủ trương, chính sách, trồng rừng có hiệu quả, lẽ ra phải được khen thưởng, động viên, giúp đỡ thì ngược lại, một số cán bộ địa phương gây khó khăn, thậm chí o ép, áp đặt một cách phi lý.

Lựa chọn.
Trong câu chuyện thân tình, cởi mở với chúng tôi, anh Trinh Lương Hy, kể lại: Xuân Mậu Thân 1968, anh xếp bút nghiên thoát ly theo Cách mạng. Trưởng thành từ Đại đội trưởng trinh sát bộ binh chiến trường miền Đông Nam Bộ, thuộc thế hệ con cháu của Bộ đội Cụ Hồ. Giải phóng dân tộc, đất nước độc lập, thống nhất, cấp trên yêu cầu anh sang nhận công tác trong lực lượng “chỉ biết còn Đảng thì còn mình”; dù địa phương, địa bàn chiến lược hay bất cứ lĩnh vực công tác an ninh, được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, anh cùng đồng chí, đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.


Được hưởng chính sách nghỉ hưu và để chọn cho mình lẽ sống có ý nghĩa “ích nước lợi nhà”, vui thú điền viên sau nhiều năm công tác, chiến đấu, anh tiếp tục đem tâm huyết chăm sóc, bảo vệ 50 ha rừng trồng từ năm 2006 của gia đình nhưng “ngoại lực bất tòng tâm”, tư tưởng cũng như hành động chân chính không hiểu sao vẫn bị hành hạ, o ép. Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất, tại Điều 14 Mục 3 quy định rõ: Cho phép chủ rừng thực hiện tối đa 30% đất được giao nhưng chưa có rừng để đầu tư cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó diện tích dành cho xây dựng hạ tầng (đường giao thông, công trình kiên cố, nhà máy...) tối đa là 20%. Trước khi gia đình anh nhận đất, Chi cục Kiểm lâm có biên bản thẩm định thực trạng rừng trên 50 ha, ghi nhận: Có trên 5 ha rừng nghèo kiệt (đa số cây giẻ, tre, bụi) chủ rừng đã trồng chủ yếu là thông ba lá, trên 40 ha đất trống, đồi trọc được phủ kín bằng cây thông, cây có chu kỳ trên 50 năm. Ngoài ra, chủ rừng có trồng xen khoảng 3ha xoan đào. Thực tế, chủ rừng chỉ sử dụng khoảng 4.000 m2 đất trống làm hồ chứa nước 1.800m2, nhà công nhân, kho dụng cụ sản xuất, chòi canh, nhà ở trông coi rừng... khoảng 500m2, công trình bia liệt sĩ, chuồng trại đều dưới tán rừng, trên diện tích 50 ha nằm trong DA đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt năn 2006.


Hành xử áp đặt.
Ngày 26/12/2012, UBND huyện Đức Trọng ra quyết định thành lập Đoàn liên ngành, khi kiểm tra không lập biên bản. Phải 4 tháng sau, ngày 26/4/2013, ông Phạm Thanh Quan - Chủ tịch UBND huyện ký kết luận, quy kết: Chủ rừng sử dụng đất không đúng mục đích, yêu cầu tháo gỡ một số công trình: Nhà ở trông coi rừng, nhà để xe, dàn chanh dây 250m2 trên mặt hồ, trả lại hiện trạng của đất trước khi vi phạm. Ngày 4/5/2013, chủ rừng gửi đơn đề nghị UBND tỉnh, xem xét kết luận của Chủ tịch UBND huyện. Đến ngày 20/5/2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên, ký văn bản trả lời số 2473/UBND-TD: Việc làm công trình trên đất lâm nghiệp được thuê: Nhà bia tưởng niệm 48m2, công trình có mái che diện tích 653m2, sân bê tông 69m2, đường vận xuất dài 330m, dàn trồng chanh dây 250m2 nhưng chưa được cơ quan chức năng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thuộc phạm vi dự án (DA) thuê đất lâm nghiệp. Do đó, UBND huyện Đức Trọng thành lập Đoàn thanh tra để kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất thuê đối với ông Trịnh Lương Hy và xử phạt các vi phạm là đúng quy định pháp luật.

Có thể nói 63 tỉnh thành trong cả nước thì duy nhất tỉnh Lâm Đồng, có chính sách cho chuyển đất lâm nghiệp cho thuê 50 năm trồng rừng sản xuất thành đất xây dựng, đất nông nghiệp nhưng chỉ áp dụng duy nhất đối với chủ rừng Trịnh Lương Hy !?

Ngày 15/4/2009, chủ rừng gửi đơn xin được làm căn nhà cấp 4 trên đất rừng được thuê. Ngày 28/4/2009, cơ quan chức năng của huyện hướng dẫn chuyển đổi mục đích và lập hồ sơ thiết kế căn nhà. Anh biết hướng dẫn này trái với Quyết định 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 02/TTLT nhưng do nhu cầu bức thiết, ngày 8/5/2009, chủ rừng tiếp tục gửi đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hồ sơ xin phép xây nhà cấp 4 đến UBND huyện, Phòng Tài nguyên Môi trường và Đội Xây dựng huyện Đức Trọng. Tuy nhiên, 2 năm sau vẫn chưa nhận được...trả lời. Tháng 10/2011, chủ rừng đã khởi công xây dựng nhà ở trông coi rừng, đến tháng 11/2009 khánh thành. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng một số ngành chức năng, bạn bè, xã Hiệp An đến dự đông đủ, chén chù chén anh, rất vui vẻ.

Tóm lại, từ 2006 đến 2013, khi thực hiện các công trình, chủ rừng đều báo cáo UBND xã Hiệp An, Ban quản lý rừng, chưa lần nào UBND xã, Hạt kiểm lâm nhắc nhở, khuyến cáo. Chủ rừng nhận thức, ngoài quy định pháp luật còn phải chấp hành những quy định, quy chế của chính quyền sở tại.

Thật bất ngờ, ngày 27/8/2013, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo Đoàn công tác liên ngành, do Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An Lê Thị Hà phụ trách, đến lập biên bản chủ rừng vi phạm hành chính về giao thông đường bộ và đất đai. Ngày 5/9/2013, UBND huyện ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc chủ rừng tháo dỡ căn nhà trông coi rừng, nhà để xe ô tô, trả lại nguyên trạng của đất trước khi vi phạm và phạt 25 triệu đồng vi phạm giao thông đường bộ.

Để vận chuyển vật tư xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ của gia đình, chủ rừng có xin phép Công ty 7.5 đang thi công đường cao tốc và UBND xã Hiệp An, được mở tạm 8m lưới rào để vận chuyển. Chủ rừng mở rào ngày 20/11/2012, đóng trả lại nguyên trạng cũ ngày 24/12/2012 thế nhưng 8 tháng sau, ngày 27/8/2013 lại bị lập biên bản ...vi phạm và xử phạt vi phạm giao thông đường bộ. Trong khi đó, hiện hữu 19 con đường ô tô đấu nối dọc 2 bên cao tốc lưu hành nhiều năm nay, không có trường hợp nào bị xem xét xử lý !?

Trong những cuộc họp về đất đai, huyện có nhắc đến sai phạm của chủ rừng Trịnh Lương Hy. Ngày 13/3/2014, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng Phạm Thanh Quan chủ trì cuộc họp nội dung quản lý, bảo vệ đường cao tốc, đã chỉ đạo phải kiên quyết xử lý những sai phạm của Trung tướng Trịnh Lương Hy. Như vậy, một số cán bộ đã có những hành xử không bình thường, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự của chủ rừng.

Chưa giải quyết dứt điểm!?
Sau 9 lần gửi đơn đề nghị cấp tỉnh không xem xét, ngày 9/9/2013, chủ rừng gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Ngày 30/9/2013, Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra vụ việc. Chủ rừng được mời 5 lần làm việc, cung cấp đầy đủ tài liệu nhưng không rõ lý do gì, sau 10 tháng không có kết luận !?

Sau đó, Thanh tra Chính phủ trả lời: Vụ việc nhỏ, đã có Báo cáo đề nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét giải quyết. Ngày 2/12/2014, Thủ tướng Chính phủ có Công văn giao UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét giải quyết. Từ đó đến nay, chủ rừng đã nhiều lần điện thoại trực tiếp gặp Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị xem xét. Ngày 10/11/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức một buổi đối thoại với chủ rừng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Liêm ghi nhận ý kiến của chủ rừng, giao Sở, ban, ngành của tỉnh xem xét và sớm tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết theo quy định.

50 ha đất được thuê địa hình đồi núi, chủ rừng trồng thông nay đã phủ tán, tạo cảnh quan rất hấp dẫn cho khai thác du lịch dã ngoại, nằm dọc theo đường cao tốc, cửa ngõ chính để vào TP. Đà Lạt. Đây là nguyên nhân chính của thói ganh ăn, ghét ở nên họ đã ngụy tạo chủ rừng vi phạm lấy cớ thu hồi DA, chuyển giao cho người khác. Họ là cán bộ, đảng viên cùng thế hệ thuộc lớp đàn em, không xa lạ, cách đây hơn 20 năm, chủ rừng nguyên là Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng. Họ là quan chức đầu tỉnh, đã chủ trương cho một nhóm cấp dưới cùng bè cánh, thực hiện những việc làm phi đạo lý. Trong họ, phẩm chất đạo đức đã bị bào mòn, lương tâm người cán bộ, đảng viên cạn kiệt, họ đã biến quyền lực của nhân dân thành quyền lực của họ nên có những lời nói, hành động trái ngược bản chất chính quyền dân chủ nhân dân, như nhà thơ Dương Hương Ly đã viết “Những người mang thẻ đỏ, tim đen”. Từ nhiều năm nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ rõ: Họ là những cán bộ, đảng viên ở trong một bộ phận không nhỏ trong Đảng ta, đã thoái hóa biến chất, là những những con sâu, là giặc nội xâm, đang gặm nhấm, phá hoại, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đưa Đảng ta dến chỗ suy yếu....

Một chủ rừng chân chính, phải chịu nhiều khó khăn, vất vả nhưng do sự áp đặt vô lý, đã tạo nên những bức xúc, phát sinh khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài. Nếu không có chính sách thông thoáng, cởi mở thì còn nhà đầu tư nào dám đến Lâm Đồng làm ăn, để rồi phải gánh chịu hậu quả. Đã đến lúc, chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, sớm vào cuộc một cách khách quan, công tâm, cầu thị, từ đó kết thúc vụ việc, góp phần an dân.

--

--

--

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Nỗi niềm của một chủ rừng - Kỳ 4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới