Thứ sáu, 29/03/2024 13:01 (GMT+7)

Lâm Đồng: Một chủ rừng...bị hành (Kỳ 2)

Minh Yến - Thế Bôn -  Thứ năm, 03/05/2018 10:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có bài viết về một chủ rừng tâm huyết, đổ bao nhiêu mồ hôi công sức, huy động nguồn vốn gia đình phủ xanh trên diện tích 50ha rừng

Để phục vụ cho việc trồng, chăm sóc, bảo vệ, chủ rừng có làm một số công trình hạ tầng trong diện tích 50 ha đất rừng, theo Quyết định 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì chính quyền địa phương cho rằng xây dựng không phép, bị xử phạt và khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Liệu có vấn đề gì ẩn chứa đằng sau vụ việc này !?

Bia tưởng niệm liệt sĩ là công trình... tín ngưỡng!?

Kết luận của Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đức Trọng đã liệt kê các công trình xây dựng vi phạm của ông Trịnh Lương Hy sau thời điểm thuê đất, diện tích công trình có mái che là 704,98m2, gồm: Chòi canh 50,4m2, chòi nghỉ chân 34,2m2, nhà kho chứa vật dụng 7,5m2, chuồng trại 6 cái, diện tích khoảng 200m2, nhà điều hành diện tích 240m2, nhà để xe 46.9m2, nhà để máy phát điện 7,28m2, công trình tín ngưỡng (Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ) 48,75m2, nhà vệ sinh 12m2...toàn bộ các công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp.

Đối với các công trình và vật kiến trúc xây dựng năm 2009, như: Chòi canh, nhà nghỉ chân, nhà kho chứa vật dụng, chuồng trại, căn cứ quy định pháp luật thì đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, do đó yêu cầu ông Trịnh Lương Hy thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Còn các công trình xây dựng năm 2011, 2012: Nhà nghỉ chân phục vụ công trình tín ngưỡng, nhà điều hành, nhà để xe, nhà để máy phát điện, nhà vệ sinh đang trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.

Để tưởng nhớ, tri ân và là tình cảm, là đạo lý uống nước nhớ nguồn, gia đình ông Hy có xây dựng Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ, có nội dung: Bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã công tác, chiến đấu, hy sinh tại núi Voi và vùng phụ cận trong cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của dân tộc. Nước mắt máu đào khắp mọi miền Tổ quốc. Tưới Đà Lạt cùng đất nước nở vạn hoa. Gia đình Trung tướng Trịnh Lương Hy...Thế mà không hiểu sao, UBND huyện Đức Trọng xác định đây là công trình tín ngưỡng, do đó việc xây dựng phải xin phép theo quy định. Như vậy, Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ lại bị quy kết là công trình...tín ngưỡng, thật không thể hiểu nổi !?

 Quyết định mang tính áp đặt của UBND huyện Đức Trọng

Ông Trịnh Lương Hy khi trao đổi với phóng viên, rất bức xúc cho biết, căn cứ Điều 14 mục 3 Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ: Cho phép chủ rừng được sử dụng tối đa 30% diện tích đất được giao nhưng chưa có rừng để đầu tư phục vụ cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó diện tích đất dành cho xây dựng hạ tầng (đường giao thông, công trình kiên cố, nhà máy) tối đa là 20%... Thực tế, ông Hy sử dụng chưa đến 1ha để làm nhà ở và công trình phụ, kho, trại cho 7 công nhân thường xuyên ở trông coi rừng, 2.000m2 hồ tưới, xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ... Hơn nữa, trong Biên bản kiểm tra ghi nhận là đất rừng sản xuất nhưng UBND huyện Đức Trọng không áp dụng Luật bảo vệ và phát triển rừng, Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007- 2015 để xem xét, đánh giá vụ việc mà lại áp dụng theo quy định của Luật Đất đai là không phù hợp với thực tế.

Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngày 5/9/2015, UBND huyện Đức Trọng ban hành Quyết định số 440/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với ông Trịnh Lương Hy, đã thực hiện hành vi mở đường đấu nối trái phép vào đường chính, cụ thể: mở đường đất dài 20m, rộng 4,5m nối từ đường gom dân sinh vào đường cao tốc, đoạn đường tự mở năm 2012, vi phạm quy định Khoản 3 Điều 1 Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Hình thức phạt chính số tiền 25.000.000 đồng. buộc dỡ bỏ công trình xây dựng, khôi phục lại tình trạng ban đầu bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra. Cùng ngày, UBND huyện Đức Trọng tiếp tục có Quyết định số 441/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyêt định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai do ông Trịnh Lương Hy, đã sử dụng đất để xây dựng công trình nhà điều hành diện tích 240m2, kết cấu móng bê tông cốt thép, nền lát đá grannit, công trình được xây dựng năm 2011 trên đất rừng sản xuất, thuộc khoảnh 13, tiểu khu 268, xã Hiệp An. Lý do không ra quyết định xử phạt đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Biện pháp khắc phục hậu quả buộc ông Hy khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm, quy định tại Khoản 6 Điều 8 Nghị định 105/2009/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian thực hiện trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

Vấn đề mà dư luận quan tâm là, cả 2 Quyết định nói trên đều căn cứ Biên bản vi phạm hành chính số 41/BB-VPHC do UBND xã Hiệp An lập ngày 27/8/2013 tại khoảnh 13, tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Đáng tiếc là Biên bản được lập lại căn cứ Công văn chỉ đạo số 1034/UBND ngày 4/5/2013 của UBND huyện Đức Trọng, chứ hoàn toàn không phải do người có thẩm quyền đang thi hành công vụ kịp thời lập biên bản khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, được quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính !? Khi tiến hành lập biên bản không có sự chứng kiến và không có chữ ký của chủ rừng, không có chữ ký của nhân chứng, phần cuối biên bản không ghi rõ biên bản được lập xong hồi mấy giờ, không ghi ngày tháng, gồm mấy trang...phần này đều bỏ trống. Đáng chú ý là Đoàn công tác liên ngành đến lập biên bản gồm 10 người, thuộc các ban ngành của huyện Đức Trọng, như: Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng TNMT, Phòng Tư pháp, Thanh tra huyện, Thanh tra Xây dựng, Hạt Kiểm lâm và UBND xã Hiệp An, do Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thị Hà phụ trách. Như vậy, việc lập biên bản vi phạm hành chính trường hợp của ông Trịnh Lương Hy có đúng nguyên tắc mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính hay là cố tình lập biên bản theo sự chỉ đạo, để làm căn cứ xử phạt cho bằng được !?

Qua vụ việc trên cho thấy, chính quyền địa phương đã có cách hành xử mang tính áp đặt, gán ghép, gây phiền hà cho chủ rừng, như: mời làm việc nhiều lần, khi kiểm tra diện tích rừng của ông Trịnh Lương Hy, còn mang theo cả máy định vị và công cụ hỗ trợ, ảnh hưởng rất lớn đến công việc trồng và bảo vệ rừng, đến uy tín, danh dự của một chủ rừng chân chính. Kết luận kiểm tra không khách quan, không thấu tình đạt lý, gây bức xúc cho công dân. Phải chăng đằng sau vụ việc này có dấu hiệu của việc cạnh tranh không lành mạnh hay do hiềm khích cá nhân !?

Ông Trịnh Lương Hy là một chủ rừng, Trung tướng an ninh - Bộ Công an mà còn bị hành, bị o ép đến như vậy thì người dân còn biết tin ai, biết kêu ai. Chính vì vậy, ông Trịnh Lương Hy phải làm đơn kêu cứu gửi Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, sớm xem xét, chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ vụ việc và công khai cho người dân được biết!

Bạn đang đọc bài viết Lâm Đồng: Một chủ rừng...bị hành (Kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới