Thứ ba, 16/04/2024 20:15 (GMT+7)

Không tuân thủ các quy định về cách ly y tế bị xử phạt thế nào?

Cẩm Anh -  Thứ ba, 31/03/2020 15:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Cùng trao đổi với Luật sư Lê Ngọc Khánh về những quy định và chế tài liên quan đến việc khai báo và cách ly y tế trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID 19.

Câu chuyện về bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 178 là nữ, 44 tuổi, làm việc tại Công ty Trường Sinh – đơn vị cung cấp dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai, đang ở Thái Nguyên và được xét nghiệm dương tính với nCoV. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Đại Từ, Thái Nguyên.

Bệnh nhân này khai không đúng lịch sử đi lại và không khai mình từng làm việc ở “ổ dịch” Bệnh viện Bạch Mai về đã khiến dư luận và xã hội bất bình. 

Hành vi của bệnh nhân thứ 178 là rất nguy hiểm cho cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, không thể nói người phụ nữ này không biết gì về bệnh dịch Covid-19 do virus nCoV gây ra. Bà ta cũng biết về nguy cơ mình có thể nhiễm bệnh và có thể lây nhiễm cho người khác.

Do đó, theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, hành vi của bệnh nhân số 178 rõ ràng đã trốn tránh việc cách ly y tế, thậm chí còn vi phạm pháp luật.

Liên quan đến vấn đề trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh – Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội về những quy định và chế tài liên quan đến việc khai báo và cách ly y tế trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam đang phải dốc sức đối mặt với dịch bệnh COVID 19.

Hiện nay có một số người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly, khai báo y tế gian dối, không tuân thủ các quy định về cách ly. Vậy, theo Luật sư các hành vi đó sẽ bị xử lý như thế nào?

Ngay từ khi giai đoạn đầu của dịch bệnh việm phổi SARS-CoV-2, Đảng, Nhà nước đã có những giải pháp để cùng nhân dân ta phòng chống dịch rất hiệu quả.  

Với phương châm “Chống dịch như chống giặc” được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Chính phủ cùng các cơ quan đã tiến hành các biện pháp cách ly người mắc bệnh, người nghi mắc bệnh truyền nhiễm, đồng thời đưa ra những khuyến cáo để hạn chế dịch bệnh lây nan.

Tiến sỹ, Luật sư Lê Ngọc Khánh – Công ty Luật TNHH TGS – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội. 

Trong khi người dân cả nước hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành về phòng chống dịch bệnh SARS-CoV-2 thì đã có không ít những cá nhân coi thường sức khỏe, tính mạng của bản thân và của cả cộng đồng. không chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về phòng chống Dịch Covitd 19 của các ngành, các cấp.

Từ sự việc 3 người bị cách ly tại Lạng Sơn trốn khởi nơi cách ly đến nay cũng đã xảy ra nhiều trường hợp trốn cách ly, khai báo y tế gian dối, không tuân thủ các quy định về cách ly nhưng chưa bị xử lý. Những việc làm này là mối nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho nhiều người khác trong cộng đồng, ảnh hưởng rát lớn đến công cuộc phòng chống dịch COVID 19 mà Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân Việt nam.

Mỗi một hành vi của cá nhân đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người khác đều có những chế tài thích đáng để xử lý và cá nhân đó phải trả giá cho hành vi của mình.

Chế tài xử lý hành vi trốn khỏi nơi cách ly hiện nay gồm 2 hình thức là: xử phạt vi phạm hành chính và xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Lực lượng chức năng tiếp nhận công dân mới đến khu cách ly và tuyên truyền phổ biến nội quy tại khu cách ly Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn. 

Các quy định về phòng chống dịch bệnh được quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Nghị định 176/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Việc xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với người có hành vi chưa đến mức phải xử lý hình sự, đồng thời nhằm mục đích răn đe những người khác không có hành vi tương tự. mức xử phạt từ 5 đến 10tr; đồng thời buộc người vi phạm thực hiện việc cách ly y tế hoặc cưỡng chế cách ly y tế.

Cũng đã nhiều ý kiến, quan điểm của các chuyên gia pháp luật, Luật sư về việc cần thiết phải khởi tố một số trường hợp điển hình về trốn cách ly, từ chối cách ly. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay vẫn chưa có vụ việc nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự vè những hành vi nêu trên.

Lý do là Điều 240 Bộ luật Hình sự chỉ quy định về hậu quả của hành vi lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác mà chưa làm rõ các hành vi khách quan cụ thể để làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Rất may là ngày 30/3/2020, Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn chi tiết Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tại Công văn này đã quy định rất cụ thể về các hành vi khách quan sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự.

Như vậy, các hành vi sau áp dụng trong những trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Trốn khỏi nơi cách ly, phong tỏa; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế,khai báo y tế không đầy đủ hoặc gian dối.

Đối với những trường hợp trốn khỏi khu cách ly y tế mà mang mầm bệnh lây nhiễm cho người khác sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người trốn cách ly y tế mang trong mình mầm bệnh mà lây nan sang cho người khác nhưng chưa dẫn đến hậu quả làm chết người có thể xử lý theo điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự với mức phạt từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Việt Nam đang làm rất tốt công tác cách ly y tế. 

Trường hợp, người trốn cách ly khiến dịch bệnh lây nhiễm sang người khác làm chết người hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế phải công bố dịch bệnh thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.

Trường hợp lây nhiễm khiến 2 người chết trở lên và Thủ tướng Chính phủ phải công bố dịch bệnh thì bị phạt tù từ 10 đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề trong thời gian từ 1 đến 5 năm.

Theo Luật sư các quy định hiện hành về xử lý các vi phạm nêu trên đã đủ sức răn đe chưa? Có cần bổ sung gì về quy định này không?

Với sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID 19 gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội và thiệt hại kinh tế  không những của một quốc gia mà cả thế giới thì chế tài xử lý đối với những hành vi gây bệnh truyền nhiễm hoặc không chấp hành nghiêm các quy định về an toàn phòng, chống dịch bệnh cũng chưa thật đầy đủ, mặc dù vừa rồi Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn chi tiết Điều 240 Bộ luật Hình sự.  

Mọi người có thể cảm nhận được sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID 19 khi nó không chỉ gây ra những thiệt hại về kinh tế mà cả con người.

Việc phòng, chống dịch bệnh COVID 19 cần phải được tất cả mọi người dân chấp hành nghiêm chỉnh từ những hành vi nhỏ nhất. như yêu cầu của Bộ Y tế về việc vệ sinh thường xuyên, liên tục đến thực hiện Chỉ thị của Chính phủ về việc đeo khẩu trang nơi công cộng,  Tuy nhiên, hiện nay người dân do hạn chế về hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao nên việc phòng, chống dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn.

Việc khai báo sức khỏe y tế với người dân sẽ được triển khai từ ngày 10-3 để góp phần phòng, chống dịch bệnh. 

Đầu tiên, đối với chế tài xử phạt vi phạm hành chính, theo tôi thì mức phạt hiện nay vẫn còn quá thấp so với nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn từ những hành vi của một số cá nhân. Chính phủ nên quy định tăng mức xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạp về phòng dịch truyền nhiễm lên gấp nhiều lần hơn nữa khi căn cứ vào mức độ nguy hiểm có thể xảy ra, cũng như việc người dân cảm thấy sợ khi bị thiệt hại về kinh tế.

Tôi lấy ví dụ như khi Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ được áp dụng đã hạn chế được nhiều vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông.

Thứ hai, việc xử lý hình sự. Việc cá nhân làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng là hành vi hết sức nguy hiểm; nó thể hiện sự coi thường sức khỏe, tính mạng của chính bản thân người bệnh và coi thường cả cộng đồng. Nhưng Bộ luật hinh sự lại cho rằng hành vi đó là tội phạm ít nghiêm trọng khi có hình thức xử phạt bằng tiền từ 50 đến 200 triệu đồng. với sự phát triển của đất nước cũng như tầng lớp trung lưu hiện nay tăng nhanh chóng thì hình phạt trên chưa đủ sức răn đe.

Mỗi người chúng ta ai cũng biết được rằng dịch bệnh COVID 19 là rất nguy hiểm đến tính mạng con người, nó lây lan nhanh chóng. Thế nhưng, vẫn nhiều người coi thường và làm lây nhiễm ra cộng đồng; trong khi toàn Đảng, Chính phủ, các ngành, ác cấp liên tục vận động, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông như tivi, tin nhắn hoặc các ứng dụng các của mạng xã hội.

Vì thế, đối với những hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp làm dịch bệnh lây lan cần thiết phải có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn của cơ quan nhà nước trong việc dập tắt dịch bệnh; ổn định tình hình xã hội và quan trọng hơn là ổn định cuộc sống của người dân.

Cảm ơn những chia sẻ của Luật sư!

Bạn đang đọc bài viết Không tuân thủ các quy định về cách ly y tế bị xử phạt thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Nước lọc có hạn sử dụng không?
Nước uống đóng chai được nhiều người thường xuyên sử dụng vì tính tiện lợi, vệ sinh, dễ dàng mua được ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, nhiều người thường không chú ý đến cách bảo quản và hạn sử dụng của nước uống đóng chai.