Thứ sáu, 19/04/2024 06:52 (GMT+7)

Hải Dương: Lãnh đạo địa phương nói về việc Nhôm Đông Á gây tiếng ồn

Phan Ngân - Dương Luyện -  Thứ ba, 19/06/2018 15:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

"UBND cấp xã không có nhiệm vụ phải giữ báo cáo quan trắc định kì của doanh nghiệp trên địa bàn". Đó là quan điểm của lãnh đạo UBND xã Tân Dân (thị xã Chí Linh) khi trả lời PV về sự việc.

UBND xã chưa từng có báo cáo quan trắc của doanh nghiệp

Vừa qua, tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được phản ánh của một số hộ dân tại xã Tân Dân, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương về Công ty TNHH Nhôm Đông Á gây tiếng ồn và mùi khó chịu.

Để làm rõ sự việc phản ánh, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã trực tiếp có mặt tại khu vực công ty mục sở thị và tìm hiểu vấn đề.

Liên hệ với ông Trần Trường (Chủ tịch UBND xã Tân Dân), PV đã có buổi làm việc và thu được những kết quả bất ngờ.

Công ty TNHH Nhôm Đông Á tại xã Tân Dân, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Trao đổi với Chủ tịch UBND xã Tân Dân được biết, Công ty TNHH Nhôm Đông Á trước đây có gây ô nhiễm, bị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đề xuất đưa vào danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường và đã được UBND tỉnh phê duyệt danh sách tại Quyết định số 3162/QĐ-UBND ngày 17/11/2011 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, từ 2015, công ty đã “thoát khỏi” danh sách nêu trên.

Về công ty trên, ông Trần Trường chia sẻ: “Đối với công ty nhôm Đông Á này thì hợp tác với nhân dân rất tốt, kể cả hai ông trưởng thôn hoặc chủ tịch mà cần thiết thì vào bình thường.

Thực ra, từ trước tới nay không có đơn gửi UBND xã nhưng chúng tôi đi tiếp xúc cử tri thì người dân phản ánh có tiếng ồn và mùi. Thứ hai là đối với việc người dân phản ảnh, người ta (công ty – PV) bảo hôm nay tắt lò, dùng củi đun có khói thì người ta cũng báo mình, nói chung là tốt không có gì.

Bây giờ hiện trường các em có thể xuống cùng anh, không có vấn đề gì. Người ta cũng khẳng định là thoát khỏi (thoái khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường – PV) rồi".

Trước mong muốn tiếp cận hồ sơ liên quan đến công ty TNHH Nhôm Đông Á của PV, ông Trường chỉ cung cấp được văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương năm 2016 trả lời phản ánh của ông Vũ Văn Hội (thôn Kỹ Sơn, xã Tân Dân, thị xã Chí Linh) mà không hề cung cấp được báo cáo quan trắc định kỳ.

Vị Chủ tịch xã nói rõ quan điểm: “Quan trắc thì các em phải xuống chỗ Sở Tài nguyên và Môi trường thì người ta mới giữ cái quan trắc, hoặc vào nhà máy người ra giữ. Mình là cơ quan trên địa bàn chỉ phối hợp với các đoàn kiểm tra thôi”.

Ông Trần Trường, Chủ tịch xã Tân Dân làm việc với PV.

Trước lời giải thích của PV về trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn trong công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trên địa bàn, quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì ông Trường phản ứng gay gắt.

Ông Trường cho rằng, UBND xã không có nhiệm vụ phải giữ báo cáo quan trắc định kì hàng quý của doanh nghiệp trên địa bàn mình quản lý.

Hàng quý ai quy định hàng quý, người ta năm nào cũng có đoàn kiểm tra về, nếu có đơn thư thì kiểm tra rồi người ta trả lời kết quả cho mình thôi. Không có cái luật nào quy định kiểu thế!

Trong địa bàn, anh thấy có vấn đề gì thì anh hợp tác, chứ lại bảo quy định này khác, ai quy định kiểu đấy. Nếu ô nhiễm người ta không bao giờ đóng trên địa bàn này được, nói thẳng!”. Ông Trường thông tin.

Bất ngờ trước quan điểm của lãnh đạo xã Tân Dân trong việc quản lý doanh nghiệp, PV đã chia sẻ sự việc trên với một vị cán bộ huyện Chí Linh, vị này cho rằng có thể là do chủ tịch xã Tân Dân hiểu chưa đúng.

Luật sư lên tiếng

Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc điều hành công ty luật INTECO).

Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc điều hành công ty luật INTECO)

PV:Thưa luật sư Hà Huy Phong, trước câu trả lời của ông Trần Trường (Chủ tịch UBND xã Tân Dân, thị xã Chí Linh) về trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc nắm giữ những hồ sơ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, ông có đánh giá như thế nào về quan điểm này?

Luật sư Hà Huy Phong:Về vấn đề trên, theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì UBND cấp xã có nhiệm vụ và quyền hạn đối với công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn gồm: Tham gia với tư cách là đơn vị được tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường;

Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp;

Chủ trì, phối hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tổ chức công khai thông tin về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với cộng đồng dân cư.

Như vậy, UBND cấp xã phải nắm được nội dung bản đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, định kỳ nắm được các báo cáo và thông tin về bảo vệ môi trường do doanh nghiệp cung cấp.

Bên cạnh đó, UBND cấp xã có trách nhiệm thực hiện việc giám sát và nắm các thông tin về tình hình bảo vệ môi trường, các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường để trực tiếp xử lý hoặc báo cáo lên cấp trên xử lý.

PV:Vậy phát biểu của vị Chủ tịch xã là đúng hay sai, thưa ông?

Luật sư Hà Huy Phong: Tôi cho rằng, phát biểu như vậy vừa không thể hiện tính hợp tác, thiếu tích cực, vừa không đúng pháp luật. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý tại địa phương, UBND xã phải nắm và có trách nhiệm nắm bắt thông tin về kế hoạch bảo vệ môi trường và các thông số quan trắc định kỳ.

PV:Vậy còn phía công ty, họcó trách nhiệm gì trong việc gửi báo cáo quan trắc định kỳ kèm các hồ sơ liên quan đến hoạtđộngcho UBND cấp xã, phường, thị trấn?

Luật sư Hà Huy Phong: Theo quy định thì doanh nghiệp phải công khai thông tin về bảo vệ môi trường tại UBND cấp xã tại địa bàn mà doanh nghiệp có cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Do đó, đối với các kết quả quan trắc định kỳ, doanh nghiệp cần gửi thông báo và thông qua UBND cấp xã để niêm yết công khai theo quy định.

Cảm ơn luật sư đã chia sẻ!

----------------

Tới đây thì độc giả hoàn toàn có thể nắm được đúng sai trong quan điểm quản lý nhà nước của chủ tịch UBND xã Tân Dân.

Qua đây, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử xin gửi tới lãnh đạo thị xã Chí Linh và lãnh đạo tỉnh Hải Dương dấu hỏi lớn về thực trạng trong quản lý nhà nước đang diễn ra tại xã Tân Dân.

Nếu quản lý như hiện nay thì liệu xã có nắm được hoạt động của doanh nghiệp hay không? Doanh nghiệp trên địa bàn nói chung và Công ty TNHH Nhôm Đông Á nói riêng sẽ tự tung tự tác mà không bị quản lý?

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên xem xét kỹ vấn đề trên và trả lời dư luận sao cho hợp lý.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới độc giả. 

Bạn đang đọc bài viết Hải Dương: Lãnh đạo địa phương nói về việc Nhôm Đông Á gây tiếng ồn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ninh Bình: Khai hội Hoa Lư 2024
Tối 17/4, tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Cố đô Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 1.100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2024.