Thứ năm, 25/04/2024 03:47 (GMT+7)

Gia lai: Nhà máy tinh bột mỳ Mang Yang cố tình xả thải trái phép

MTĐT -  Thứ sáu, 12/10/2018 11:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không chỉ gây “bão tuyết” mà nhà máy mì Mang Yang (tỉnh Gia Lai) còn xả thải “tiêu diệt môi trường”!

Phát hiện động trời!

Sau khi Môi trường & Đô thị điện tử phản ánh liên tục trong các bài viết Gia Lai:Nhà máy mì gây “bão tuyết” ngày 20/9/2018 và Clip ngày 25/9/2018 vừa qua, lãnh đạo nhà máy mì Mang Yang (tỉnh Gia Lai) vẫn không có ý kiến phản hồi, không có động thái khắc phục mặc dù các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đã có ý kiến “Đề nghị nhà máy tinh bột sắn Gia Lai khắc phục kịp thời việc ô nhiễm môi trường để không ảnh hưởng đến các hộ dân”.

Van điều tiết xả thải của Nhà máy tinh bột mì Gia Lai.

Bụi vẫn bay ra từ nhà máy đọng lại trên lá cây cà phê non.

Tiếp tục, ngày 11/10/2018, nhóm PV Môi trường & đô thị điện tử phát hiện đơn vị này lén lút chôn đường ống ngầm Φ50 dẫn từ hồ chứa xả thải trực tiếp xuống suối gây ô nhiễm môi trường…

Là đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (đứng chân trên địa bàn xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), thời gian qua nhà máy mỳ liên tục gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn dân cư.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng xả thải  gây ô nhiễm dòng sông Đak Ayung. Nhóm PV đã trực tiếp đến nhà máy để gặp lãnh đạo làm rõ về thông tin phản ánh của người dân. Ông Trần Như Thọ - Phó Giám đốc - tỏ thái độ không hợp tác, thách thức dư luận và cho rằng “Đề nghị phóng viên viết đúng thực tế hoạt động của nhà máy…”.

Bể chứa nước thải có cửa xả thải.

Để làm rõ sự thật, nhóm PV đã buộc phải đi đường mòn vòng sau nhà máy, băng qua những vườn cây của người dân, leo lên sườn đồi dựng đứng. Dọc đường đi, nhóm PV nhận thấy tình trạng khói bụi nhà máy vẫn còn bay ra tràn ngập vườn tiêu và vườn cà phê.

Sau khi đi ngược sườn đồi, men theo các rặng cây tràm chúng tôi mới đến được các hồ chứa nước thải. Điều dễ nhận thấy là nước trong các hồ chứa được xử lý sơ sài chảy lòng vòng qua nhiều hồ bốc mùi hôi thối. Vượt qua nhiều vũng lầy, luồn qua những bụi cây, nhóm PV cũng đến được hồ chứa cuối cùng nơi lắp đặt đường ống xả thải ra suối. Lần theo ống xả và tiếng nước chảy, men theo những bụi tre đầy gai góc ở độ dốc gần như dựng đứng theo triền đồi…

Ngụy trang bằng ống nước xả thải sạch ra môi trường.

Cách không xa nước thải có màu đen được xả thải thẳng ra môi trường

Sau một hồi lần mò chúng tôi cũng tìm được một lối mòn nhỏ khác nơi dẫn ra trạm xử lý hóa chất của nhà máy. Với sự giúp đỡ của người dân, nhóm PV đã xác định được miệng ống xả thải trực tiếp ra suối gây ô nhiễm môi trường. Đường ống này bằng nhựa (còn mới) có đường kính Φ 50 được chôn ngầm dọc sườn đồi, bắt đầu từ bể chứa chất thải của nhà máy (hồ số 3) và đổ xuống sông Đak Ayung.

Theo tìm hiểu và quan sát của PVthì: Trước đây nhà máy đã từng lắp đặt một đường ống Φ50 xả thải trái phép ra sông. Tuy nhiên hiện nay đường ống xả thải này đã không còn được sử dụng và thay vào đó là đường ống Φ 50 mới và được đưa vào sử dụng khoảng 20 ngày kể từ khi niên vụ sản xuất 2018 bắt đầu. Thế nhưng có lẽ do những đợt mưa lớn vừa qua ở Tây Nguyên đã làm xói lớp đất trên mặt vì vậy nhóm PV không khó để xác định được phần ống lộ thiên ước chừng 20 mét tính từ miệng xả ra suối…

“Bức tử” dòng Đak Ayung

Chứng kiến nước thải từ Nhà máy tinh bột mỳ Gia Lai cơ sở 1 xả ra dòng suối Đăk Ayung một dòng nước đen như hắc ín, bốc mùi. Ông N. làng Ch’Rong 2 xã Đăk Ta Ley huyện Mang Yang cho biết: “Nước xả màu đen xì, hôi và xả suốt ngày, mình đi đánh lươn cũng bị ngứa ngáy”.

Ngoài thông tin của người dân làng Ch’Rong 2, một người làm vườn tại đây cũng chia sẻ: “Nhà máy mới hoạt động trở lại hơn tháng nay, vừa rồi bị sự cố “mưa bụi” gây ô nhiễm môi trường mà báo chí nêu… Thì mới đây, nhà máy đã lắp đường ống ngầm mới chìm dưới đất. Đường ống này xả thải nguồn nước đen ngòm suốt ngày đêm xuống lòng sông Đak Ayung, nhất là vào những ngày mưa thì lượng nước thải xả ra sông càng nhiều và liên tục…”.

Để khách quan hơn, nhóm PV đã mời cán bộ chuyên môn về môi trường của huyện Mang Yang đến trực tiếp kiểm tra đường ống xả thải gây ô nhiễm dòng sông Đăk Ayung. Ngay khi chứng kiến cán bộ này khá bất ngờ về sự tinh vi trong việc lắp đặt đường ống xả thải để đối phó với cơ quan chức năng.

Ống ngầm được chôn nhằm dẫn nước ra thẳng suối.

Được biết nhà máy chế biến tinh bột mỳ Gia Lai cơ sở 1 được khánh thành và đưa vào vận hành khai thác từ tháng 1/2007 với tổng mức đầu tư 43 tỷ đồng và có công suất 120 tấn/ ngày, trên diện tích 6.000m2 với 8 hồ chứa xử lý nước thải dung tích 20.000m3

PV lội suối tìm đường ống.

Như vậy, với công suất 120 tấn /ngày thì khối lượng chất thải của nhà máy là vô cùng lớn. Với khối lượng chất thải này nếu chưa qua xử lý một cách triệt để theo đúng quy trình thì lượng nước thải xuống dòng sông Đăk Ayung sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của khu vực hạ lưu sông và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quanh vùng là không tránh khỏi.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay người dân ở quanh khu vực nhà máy tinh bột mỳ Gia Lai cơ sở 1 đã phản ánh nhiều lần đến các cơ quan chức năng… Một người dân làm vườn ngay sau hông nhà máy cho biết: “Ở đây bà con đã gửi đơn nhiều lần nhưng chưa thấy có cơ quan chức năng nào đến tìm hiểu và xử lý hoạt động gây ô nhiễm này…”

Với việc xả thải gây ô nhiễm và bức tử dòng sông Đăk Ayung nếu như không được các cơ quan ở địa phương này kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời thì trong tương lai sông Đak Ayung sẽ biến thành thành dòng sông chết.

Video Nhà máy tinh bột mì xả thải bức tử môi trường:

Bạn đang đọc bài viết Gia lai: Nhà máy tinh bột mỳ Mang Yang cố tình xả thải trái phép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Nhóm PV

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành