Thứ sáu, 19/04/2024 15:09 (GMT+7)

Gia Lai: Dân bức xúc vì khai thác cát băm nát dòng sông Ayun

Trần Quỳnh -  Thứ sáu, 30/03/2018 14:15 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lợi dụng việc được cấp phép khai thác cát, các đơn vị thi nhau ‘băm nát’ dòng sông, hủy hoại môi trường, khiến cho người dân hai bên bờ sông Ayun - Gia Lai đang vô cùng bức xúc.

Theo người dân địa phương, tình trạng khai thác cát trên sông Ayun xuất hiện từ nhiều năm qua. Các đơn vị khai thác theo kiểu “bức tử” khiến lòng sông biến dạng, thay đổi dòng chảy. Về mùa khô nước cạn, lượng cát về ít dần, các đơn vị này găm vòi rồng sâu xuống lòng sông để hút. Hết cát lại đào bới những bãi bồi sát ruộng vườn của người dân khiến bờ bị rỗng, đất sụp xuống và kéo theo nương rẫy, ruộng vườn của người dân.

Anh Huỳnh Tấn Toàn, trú thôn 3, xã Ayun bức xúc: Nhà có 2 ha rẫy bị sạt lở chỉ còn lại vài sào. Nhiều chỗ bị sạt lở rộng hơn 100 mét tạo những hố sâu đến 6 - 7 mét. Mấy năm trước chỉ có dân trong xã lén lút khai thác, giờ mấy ông doanh nghiệp lợi dụng được cấp phép mua sắm máy móc đặt dày dưới lòng sông. Dân kiến nghị thì chính quyền giải quyết không đến nơi đến chốn, còn đơn vị khai thác thì cho rằng đã được cấp phép.

Từ địa phận cầu treo nối xã Ayun và Đắk Jơ Ta chỉ hơn 1 km, nhưng có đến 2 đơn vị khai thác với hơn 20 cái máy hút cát nằm dày dưới sông. Cứ cách 15 – 20 mét lại có một vòi rồng trực chờ cát về rồi tranh thủ bơm lên bờ. Để có nguồn cát sạch, chủ khai thác còn dựng cả những tấm phên ngay đầu vòi tạo nên những ụ cát cặn bã ngay bên bờ sông. Trên tuyến đường chính các đường nhánh được chủ mỏ mở xuống sông để xe ô tô lên xuống vận chuyển cát.

Ông Bùi Ngọc Thúc – Chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp Quyết Tiến Ayun (thôn 2, xã Ayun) thừa nhận, riêng đơn vị ông đã có 19 cái máy đang nằm dưới sông với độ dài dòng sông khoảng 700 mét, còn Cty Xuân Thành thì khoảng 3 máy. Khi được hỏi mật độ đặt máy dày như thế thì cát ở đâu mà hút? Ông Thúc cho biết, mùa khô cát ít thì hút cầm chừng, mưa xuống cát về mới khai thác rầm rộ.
Chưa kể, đoạn sông chảy qua khu vực thôn 5, xã Ayun còn xuất hiện tình trạng người dân lén lút khai thác trộm. Chủ tịch xã Ayun Lê Văn Lắm cho biết, khúc sông này tỉnh chưa cấp quyền khai thác cho bất cứ đơn vị nào. Và ông Lắm cũng thừa nhận có tình trạng người dân khai thác trộm, xã ít người nên khó quản lí, giám sát. Việc các đơn vị đang lợi dụng được cấp phép để khai thác kiểu bức tử, gây sạt lở, mất đất sản xuất xã cũng nghe có phản ánh nhưng xã cũng chỉ có thẩm quyền ở việc kiểm tra, giám sát mức độ nào đó.

Được biết, đoạn sông Ayun chảy qua địa phận xã Ayun và Đắk Jơ Ta được UBND tỉnh Gia Lai cấp quyền khai thác cho Công ty TNHH MTV Trang Đức (Lê Hồng Phong, phường Diên Hồng, TP Pleiku, Gia Lai) từ năm 2014 với thời hạn 7,5 năm, công suất khai thác 15.000 m3/năm. Cty Trang Đức có tổ chức khai thác không thì chưa rõ nhưng thực tế tại khu vực 5,7 ha mà tỉnh Gia Lai cấp phép, lại do Công ty TNHH MTV Xuân Thành (421 Lê Duẩn, TP Pleiku, Gia Lai) tổ chức khai thác. Và đến ngày 27/8/2016, Cty này lại thỏa thuận làm “Hợp đồng kinh tế” số 01/2016 về việc giao khoán quyền khai thác cho HTX Nông lâm nghiệp Quyết Tiến Ayun (gọi là HTX Quyết Tiến Ayun) với giá 800 triệu đồng, thời hạn khai thác 6 năm. Để có tiền, HTX phải huy động 16 cổ đông (mỗi cổ đông 50 triệu đồng) giao cho Cty Xuân Thành. Cầm hợp đồng trong tay và được Cty Xuân Thành giao chỉ tiêu khai thác năm 2016 là 2.500 m3, HTX này nhanh chóng đầu tư mua 20 máy hút cát (60 triệu đồng/máy) và 1 máy xúc cát, tổ chức nhân lực khai thác. Phía Cty Xuân Thành cam kết bàn giao mặt bằng mỏ, vị trí khai thác và cung cấp phiếu xuất kho, hóa đơn GTGT cho HTX Quyết Tiến Ayun để có thể giao dịch bán cát.

Tuy nhiên theo ông Bùi Ngọc Thúc – Chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp Quyết Tiến Ayun, đến ngày 30/12/2016, Cty Xuân Thành giao thêm 1.000 m3 nữa để HTX khai thác, nhưng với điều kiện ngoài 10% thuế GTGT lại đòi thêm 3% chi phí khác…

Để làm rõ thông tin, chúng tôi liên lạc với lãnh đạo Cty Trang Đức, ông Dũng đại diện công ty khẳng định: “Chúng tôi vẫn đang tổ chức khai thác, không chuyển nhượng cho bất cứ đơn vị nào. Họ (HTX Quyết Tiến Ayun – PV) mua bán, nhận khai thác khoán với ai thì không biết. Cty Trang Đức vẫn xuất hóa đơn GTGT bình thường”.

Đại diện Thanh tra Sở TN- MT tỉnh Gia Lai cho biết, khu vực sông Ayun, xã Ayun được UBND tỉnh Gia Lai cấp phép khai thác cho Cty TNHH MTV Trang Đức năm 2014. Sở sẽ làm việc với Cty, bởi nếu chủ mỏ được cấp phép có chuyển nhượng thì cũng phải qua các ngành chức năng làm thủ tục.

Các đơn vị khai thác theo kiểu “bức tử” khiến lòng sông biến dạng
Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Dân bức xúc vì khai thác cát băm nát dòng sông Ayun. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Hội Sách Hải Phòng năm 2024
Năm 2024, là năm thứ ba thành phố Hải Phòng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, đồng thời cũng là năm thứ 10 hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách trên địa bàn thành phố.