Thứ sáu, 29/03/2024 01:39 (GMT+7)

Chợ An Đông: Ban Tiếp Công dân TƯ đề nghị UBND TP.HCM đối thoại

Minh Yến - Thế Bôn -  Thứ năm, 03/10/2019 16:34 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tiểu thương chợ An Đông quận 5, TP.Hồ Chí Minh đã gửi nhiều đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý chợ An Đông,

Trong những năm qua, tiểu thương chợ An Đông quận 5, TP.Hồ Chí Minh đã gửi nhiều đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại liên quan đến công tác quản lý chợ An Đông, như: Việc ký Hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh có thời hạn trước đây và hiện nay là Hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh, việc quản lý sử dụng số tiền 217 tỷ đồng thu của tiểu thương, việc cải tạo nâng cấp chợ, việc thu phí vệ sinh, thu phí bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn sinh hoạt...Tuy nhiên, vụ việc chưa được UBND quận 5 giải quyết theo quy định pháp luật, gây bức xúc trong tiểu thương.(Moitruongdothi.vn đã có bài phản ánh).

Nội dung khiếu nại

Căn cứ hồ sơ, tài liệu cho thấy, sau khi tiếp nhận đơn của tiểu thương, UBND quận 5 và Ban quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ (TTTMDV) An Đông, có buổi tiếp xúc với tiểu thương nhưng các buổi tiếp xúc mới chỉ ghi nhận các ý kiến của tiểu thương, hoặc trả lời rất chung chung trong đó nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Vì các nội dung kiến nghị, phản ánh, khiếu nại không được UBND quận 5 giải quyết theo quy định pháp luật nên tiểu thương phải gửi đơn lên lãnh đạo thành phố. Ngày 19/9/2017, Ban Tiếp công dân thành phố đã tiếp và ghi nhận ý kiến của tiểu thương chợ An Đông, như sau:
- Đề nghị UBND quận 5 ban hành quyết định bãi bỏ Hợp đồng cho thuê sạp có thời hạn do chợ truyền thống là không được thu tiền thuê quầy, sạp.
- Yêu cầu UBND quận 5 công nhận quyền sở hữu quầy, sạp của tiểu thương, vì nguồn gốc chợ truyền thống An Đông, là do tiểu thương đóng góp tiền để xây chợ.
- Yêu cầu UBND quận 5 phải gửi số tiền 217 tỷ đồng do tiểu thương An Đông đóng góp để sửa chữa chợ từ năm 2013, trả lại cho tiểu thương.
- Phản ánh UBND quận 5 chậm triển khai xây dựng, sửa chữa chợ để bà con ổn định kinh doanh buôn bán (phương án sửa chữa chợ đã có từ năm 2013).

Thế nhưng, từ đó đến nay, vụ việc của tiểu thương chợ An Đông không được giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại và Thông tư 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ. Vì quá bức xúc, ngày 26/8/2019, tiểu thương chợ An Đông tiếp tục có đơn khiếu nại tập thể, đề nghị UBND quận 5, HĐND quận 5 giải quyết các nội dung sau đây:

1-Việc tổ chức ký kết Hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh tại chợ An Đông của Ban Quản lý, phải được chấm dứt, đồng thời hủy bỏ và thu hồi các Hợp đồng đã được ký không đúng thẩm quyền, trái pháp luật trong thời gian qua.
2-Xác minh và công nhận khoản tiền, công sức đóng góp để đầu tư, cải tạo, nâng cấp chợ An Đông của tiểu thương qua các thời kỳ lịch sử phát triển chợ An Đông 3- Có cơ chế và thủ tục công nhận quyền sở hữu quầy, sạp cho tiểu thương đủ điều kiện, trên cơ sở không phải đóng tiền thuê, giá sử dụng hoặc bất kỳ khoản thu nào có tính chất tương tự như vậy theo mô hình chợ truyền thống, như các chợ trong thành phố đã thực hiện.

Quyết định số 784/QĐ-UB ngày 30/12/1991 của UBND TP.HCM

Tiểu thương đề nghị lãnh đạo quận 5, tổ chức đối thoại công khai, minh bạch với tiểu thương, để làm sáng tỏ các nội dung trình bày trong đơn và giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại. Tuy nhiên trong thông cáo báo chí ngày 26/9/2019, UBND quận 5, cho biết: Ngày 26, 27 và 30/8/2019, UBND quận 5 nhận được đơn KN của tiểu thương, trong đó có 4 đơn ghi KN về việc tổ chức ký kết hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh trái pháp luật do Ban quản lý TTTMDV An Đông thực hiện. UBND quận 5 đã chuyển 4 đơn đến Ban quản lý chợ An Đông để xem xét, trao đổi, trả lời tiểu thương theo đúng quy định pháp luật. Do đây không phải là trường hợp KN quyết định hành chính, hành vi hành chính trong hoạt động quản lý Nhà nước mà việc tổ chức thương thảo ký kết hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh giữa Ban quản lý chợ An Đông và tiểu thương là một giao dịch dân sự giữa 2 bên. Việc tiểu thương không đồng ý Ban quản lý tổ chức ký hợp đồng với tiểu thương là tình tiết phát sinh tranh chấp trong thực hiện giao dịch dân sự. Do đó, các ý kiến đề nghị của tiểu thương sẽ do Ban quản lý và tiểu thương cùng trao đổi, giải quyết hoặc nếu 2 bên không giải quyết thì có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết. Tuy nhiên đại diện UBND quận 5 lại cho rằng “Do đây không phải là trường hợp KN quyết định hành chính, hành vi hành chính trong hoạt động quản lý Nhà nước”, là chưa đúng với quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại: Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Như vậy, tiểu thương KN hành vi hành chính của Trưởng ban quản lý TTTMDV An Đông, là đúng với Điều 7 Luật KN. Trường hợp tiểu thương làm đơn chưa đạt, chưa đúng thì hướng dẫn làm đơn và gửi đơn đúng địa chỉ, để được giải quyết theo quy định pháp luật, chứ không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Chuyển UBND TP.HCM giải quyết theo thẩm quyền

Văn bản của Ban Tiếp công dân Trung ương gửi UBND TP.HCM. 

Do đơn KN không được giải quyết theo quy định pháp luật, tiểu thương đã trực tiếp ra Hà Nội gửi đơn và gõ cửa các cơ quan Trung ương. Ngày 2/10/2019, Ban Tiếp Công dân Trung ương đã có Văn bản số 3052/BTCDTW-TD1, gửi UBND TP.Hồ Chí Minh có nội dung : Theo công dân trình bày năm 1989 xây dựng TTTMDV An Đông, các tiểu thương đã góp vốn vào để xây dựng và đến năm 2021 mới hết hạn hợp đồng nhưng tháng 6/2019, Ban quản lý TTTMDV An Đông có Thông báo cho các hộ tiểu thương về việc thanh lý hợp đồng cũ để ký kết hợp đồng mới. Hiện nay, công dân đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tại Hà nội đề nghị:
- Cơ quan chức năng xem xét số tiền đóng góp của các tiểu thương trước đây để xác định quyền lợi của tiểu thương đối với các quầy, sạp kinh doanh tại Trung tâm.
- Cơ quan có thẩm quyền thanh tra việc quản lý, thu chi tài chính của Ban quản lý Trung tâm từ khi hoạt động liên quan đến số tiền 237 tỷ đồng tiểu thương đóng góp và số tiền thu phí chợ.
- Đề nghị xem xét tính pháp lý của các hợp đồng đã ký kết với các hộ tiểu thương từ năm 1991đến nay.
- Đề nghị thành lập lại Ban quản lý Trung tâm có sự tham gia của đại diện các tiểu thương.
-Đề nghị Lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các tiểu thương đang kinh doanh tại Trung tâm để giải quyết dứt điểm những nội dung KN, kiến nghị của công dân (có sự tham gia của Lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương).

Moitruongđothi.vn tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin đến bạn đọc.

Bạn đang đọc bài viết Chợ An Đông: Ban Tiếp Công dân TƯ đề nghị UBND TP.HCM đối thoại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.