Thứ sáu, 29/03/2024 17:56 (GMT+7)

Chất thải Nhà máy Alumin Nhân Cơ nguy hiểm như thế nào?

MTĐT -  Thứ ba, 20/08/2019 14:20 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc Công ty Đức Thành đổ trộm chất thải tro bay có nguồn gốc từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ ra môi trường khiến nhiều người bức xúc. Theo các chuyên gia, tro xỉ chứa nhiều kim loại nặng nên rất nguy hiểm.

Trước đó, hồi đầu tháng 8, sau khi nhận được tin báo của người dân, UBND xã Đắk Nia đã mật phục bắt quả tang nhiều đoàn xe chở chất “lạ” đổ trộm vào khu vực mỏ đá 4A  - khu vực giáp ranh xã Đắk Nia và xã Quảng Khê (huyện Đắk G’long).

Tại hiện trường, chính quyền xã Đắk Nia phát hiện đoàn xe này đều của Cty Đức Thành quản lý. Nguồn gốc chất thải mà Cty Đức Thành đổ ra môi trường là các tro bay, xỉ đáy nhà máy nhiệt điện và xỉ lò nhà máy khí hóa than trong nhà máy Alumin Nhân Cơ vận chuyển ra.

Chất thải từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ bị đổ trộm ra môi trường. Ảnh: Internet.

Mới đây, trao đổi với VTCNews, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra, xử lý việc hàng chục tấn bùn thải của Nhà máy Alumin Nhân Cơ đổ trộm ra môi trường ở Đắk Nia (thị xã Gia Nghĩa), xã Quảng Khê (huyện Đắk G’long).

Trước đó, UBND thị xã Gia Nghĩa đã có văn bản báo cáo về việc Công ty Đức Thành (đóng tại TP.HCM) có hành vi đổ chất thải tro bay tại khu vực mỏ đá 4A (Đắk Nia) và Quốc lộ 20 (xã Quảng Khê).

"Cơ quan chức năng phát hiện Công ty Đức Thành đổ 2.200m3 tro bay, chất thải này xuất phát từ Nhà máy nhiệt điện Alumin Nhân Cơ. Công ty Đức Thành đổ chất thải tro bay ra ngoài môi trường là vi phạm pháp luật", văn bản của UBND thị xã Gia Nghĩa nêu.

Ông Nguyễn Kim Tiệp, Chánh Văn phòng Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV cho biết, đơn vị ký hợp đồng với Công ty Đức Thành về việc thu gom, vận chuyển tro bay, xỉ đáy… từ nhà máy đi xử lý (thời hạn từ ngày 1/6 đến 31/12).

Cụ thể, Công ty Đức Thành phải bố trí phương tiện thực hiện 3 ca/ngày liên tục, đảm bảo thu gom toàn bộ khối lượng xỉ tro bay, xỉ đáy nhà máy nhiệt điện và xỉ lò nhà máy khí hóa than phát sinh trong Nhà máy Alumin. Theo hợp đồng, Công ty Đức Thành sẽ tiếp nhận bằng cách xả từ các silo của nhà máy xuống xe vận chuyển.

Ông Tiệp nói thêm, trong hợp đồng nêu rõ, việc Công ty Đức Thành thu gom, xử lý tro bay ở nhà máy nhiệt điện hơn 120 tấn/ngày và hơn 102 tấn/ngày xỉ đáy; thu gom, xử lý xỉ lò ở nhà máy khí hóa than hơn 20 tấn/ngày.

Đồng thời, trong quá trình xử lý, công ty Đức Thành phải đảm bảo quy định về an toàn môi trường.

Như vậy, đến nay đã hơn 2 tháng Cty Đức Thành đã thu gom một khối lượng rất lớn chất thải từ nhà máy Alumin Nhân Cơ.

Dư luận đặt ra câu hỏi, ngoài 2 địa điểm (xã Quảng Khê và xã Đắk Nia), thì không biết công ty này còn đổ chất thải ở những địa điểm nào?

Hợp đồng với nhà máy Alumin Nhân Cơ. Ảnh: Báo Tiền Phong.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Đất Việt, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên Giám đốc BQL các dự án than Đồng bằng sông Hồng (TKV) cho rằng,  phải xem lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án quy định như thế nào, yêu cầu xử lý xỉ than, tro bay đến mức độ nào và đổ đi đâu, bảo quản thế nào... Liệu công ty xử lý có làm đúng như báo cáo đánh giá tác động môi trường nêu ra hay không, nếu không làm đúng thì công ty xử lý đã vi phạm luật.

TS Nguyễn Thành Sơn khẳng định, việc đổ xỉ than, tro bay ra môi trường chắc chắn có gây hại. Thông thường, để tránh tác hại của xỉ than, tro bay, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải đưa ra các giải pháp kỹ thuật, ví dụ làm các bãi thải như thế nào, chôn lấp ra sao... Phải xem công ty xử lý có làm đúng theo các giải pháp đề ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường không?

"Thường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đánh giá rất hay để dự án được phê duyệt và triển khai xây dựng, nhưng lúc xây dựng xong thì xảy ra 2 trường hợp: một là làm đúng nhưng hết chỗ; hai là để tiết kiệm chi phí cho sản xuất, nhà máy thuê công ty môi trường ở bên ngoài xử lý, nhưng công ty mang đi đâu thì không biết, lúc này không phải trách nhiệm của nhà máy mà là trách nhiệm của công ty môi trường", TS Nguyễn Thành Sơn chỉ rõ.

Bày tỏ sự nuối tiếc khi tro bay của nhà máy nhiệt điện đã không được tận dụng, nguyên Giám đốc BQL các dự án than Đồng bằng sông Hồng của TKV cho biết, trong tro bay thường còn lẫn các thành phần carbon không cháy hết, gọi là unburned carbon, nếu thu hồi được thì rất tốt vì đó là than.

Các thành phần còn lại của tro than bị lẫn vào trong đó và bay ra, chủ yếu gồm oxit nhôm, oxit sắt, oxit silic và tùy theo nguồn gốc của than thì có thể chứa các kim loại nặng.

Chính vì thế, về nguyên tắc phải có chỗ xử lý, bảo quản tro xỉ, không phải chỗ nào cũng đổ được, hoặc đổ ra mà không xử lý, không thiết lập thành kho bãi, không lu lèn hay trải vải địa kỹ thuật trước khi đổ.

"Tro xỉ chứa nhiều kim loại nặng, sau này ngấm vào đất, nguồn nước rất nguy hiểm. Đặc biệt, chỗ nào đổ xỉ than, tro bay thì không thể trồng cấy được bởi thành phần của nó như đã nói, đủ các loại oxit kim loại, đặc biệt là kim loại nặng, tùy theo nguồn gốc than nhập mà tỷ lệ các thành phần đó có sự khác nhau", TS Nguyễn Thành Sơn giải thích thêm.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Phổ, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Địa chất và Khoáng sản cũng cho hay, xỉ than, tro bay đổ chỗ nào thì chỗ ấy không trồng cấy được. Chúng có thể sinh ra khí độc cũng như chứa nguyên tố độc hại khác, tùy theo loại than.

"Không thể chấp nhận lý do đổ ra ngoài môi trường để san lấp mặt bằng, bởi đổ như vậy thì còn đâu đất để trồng. Cao lanh đổ ra còn làm hỏng hết đất, huống chi đây lại là xỉ than", PGS.TS Nguyễn Văn Phổ nói.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Chất thải Nhà máy Alumin Nhân Cơ nguy hiểm như thế nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới