Thứ sáu, 29/03/2024 06:56 (GMT+7)

Cận cảnh “đặc khu biệt thự” giữa rừng phòng hộ Sóc Sơn

Tiêu Diệp - Duy Dương -  Thứ năm, 20/09/2018 16:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàng chục ha đất rừng phòng hộ tại hồ Đồng Đò, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn bị lấn chiếm bỗng được “hô biến” thành biệt thự, lâu đài, khu vui chơi lộng lẫy suốt nhiều năm nhưng chính quyền không xử lý…

Chỉ cách Hà Nội chừng 30km, hồ Đồng Đò, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) tọa lạc tại vị trí vô cùng đắc địa. Nơi đây, không chỉ sở hữu một cánh rừng thông hoang sơ, mặt hồ trong xanh, không khí trong lành mà còn được đầu tư đồng bộ cùng hệ thống đường ăn sâu vào phía chân hồ.

Đi sâu vào rừng phòng hộ, mất khoảng 15 phút xe máy, chúng tôi đã nghe thấy tiếng gầm của máy xúc, tiếng hô hoán của công nhân… Đi qua cung đường mòn khúc khuỷu phát lộ trước mặt hàng chục xe chở đất, san đồi đang ủi phẳng mặt bằng, công nhân tất tưởi dọn dẹp, thu gom để xây dựng.

Công việc thi công diễn ra nhộn nhịp, công khai giữa “thanh thiên bạch nhật”, vậy mà, hơn 4 tiếng đồng hồ chúng tôi ghi nhận thực tế tại đây không thấy một bóng dáng lực lượng chức năng nào của BQL rừng phòng hộ, hay Chi Cục kiểm lâm huyện Sóc Sơn, phòng TNMT huyện, Công an... có mặt xử lý.

Hồ Đồng Đò biến thành đại công trường với loạt công trình xây dựng “vô phép” bất chấp pháp luật.

Phải chăng sự tắc trách của các cơ quan chức năng đang biến mặt hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) thơ mộng một thời mà người dân gìn giữ bao đời nay đang dần tan biến trong tâm trí trước “đại công trường” với loạt công trình xây dựng nơi đây.

Để nắm rõ được thông tin về loạt công trình này do ai đầu tư và quản lý, phóng viên vào vai công nhân phụ việc nhằm hỏi dò thông tin “đại gia” nào có quyền năng “che trời”, “lấp luật” xây dựng nhà trên đất rừng phòng hộ.

Mọi nỗ lực của chúng tôi dường như đi vào ngõ cụt, bởi khi trao đổi hàng chục công nhân được hỏi đều lắc đầu: “Chúng tôi chỉ biết làm thôi, chứ chủ thật sự của các ngôi nhà quanh đây không ai biết được”.

Vậy hàng loạt công trình trên của những ai? Tại sao không lộ diện? Người nào có đủ năng lực “che trời”, “lấp luật” khiến xã, huyện không giám “sờ gáy”?

Nhìn loạt biệt thự xây dựng cao cấp ai nấy cũng suýt xoa vì mức độ “chịu chơi” của các đại gia này. Thoạt nhìn như lâu đài trong chuyện cổ tích “ngự trị” giữa vị trí "đất vàng", thậm chí mọc “vô lối” theo hướng “xin, cho” xung quanh hồ Đồng Đò khiến ai thấy cũng vô cùng xót xa.

Các công trình được xây sát mép hồ, có công trình nổi lên giữa hồ như thể chứng tỏ quyền năng “độc tôn” khiến người dân nơi đây trầm trồ ao ước.

Tại đây, rất nhiều công trình đang làm móng, hoàn thiện, công nhân thi công rầm rộ cả ngày lẫn đêm. Có những lô đất chưa được xây dựng thì bao tường, quây tôn giữ đất chiếm dụng đất rừng phòng hộ…

Để có thông tin cụ thể, phóng viên tiếp tục đi sâu bên trong hỏi thầm người dân. Tại đây, chúng tôi tưởng rằng người dân không nắm luật nên cũng chẳng hỏi sâu, thế nhưng vừa đặt vấn đề, ông Huân (Một người dân địa phương- Tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết: “Toàn đại gia Hà Nội mới xây được biệt thự to tướng trên đất rừng phòng hộ này thôi, dân đen chúng tôi làm gì có tiền mà mua”.

Tổ hợp khuôn viên lâu đài Hoàng Lê Gia Garden lộng lẫy giữa rừng phòng hộ Sóc Sơn.

Càng đi sâu vào rừng phòng hộ, men theo biển chỉ dẫn vào trong hồ Đồng Đò, chúng tôi càng ngạc nhiên bởi quy mô và diện tích xây dựng có phần “khủng khiếp” và mạnh tay hơn. Nổi bật nhất là tổ hợp khuôn viên lâu đài Hoàng Lê Gia Garden.

Không khó để chúng tôi có thể hỏi được thời gian xây dựng tổ hợp khuôn viên Hoàng Lê Gia Garden. Theo một số công nhân nơi đây khẳng định, tổ hợp khuôn viên được xây dựng từ năm 2016, hiện tại đang trong quá trình mở rộng thêm và hoàn thiện 2 tòa nhà theo lối kiến trúc phương Tây. Cuối năm nay, dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Chúng tôi bất ngờ bởi cách chọn vị trí khu đất “vàng” của Hoàng Lê Gia Garden rất đẹp, nằm ở điểm đầu và tiếp giáp trực tiếp với hồ Đồng Đò. Nếu khách đứng ở Hoàng Lê Gia Garden có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ khu vực.

Khu nhà Chay Trúc Lâm chiếm diện tích khá lớn.

Điểm thú vị nằm ở chỗ Hoàng Lê Gia Garden sở hữu vị trí đẹp, diện tích rộng gần 4ha được xây dựng nhiều năm nhưng những người công nhân này khẳng định, chưa thấy cơ quan nào vào kiểm tra, xử lý vi phạm.

Chúng tôi đem câu chuyện này kể lại cho người dân để nắm bắt thông tin, tại đây, người dân tỏ ra bức xúc: “Chúng tôi kiến nghị nhiều năm lên các cấp chính quyền xem ai xây dựng? Việc xây dựng có quyết định hay không? Thế nhưng, nhiều năm nay chính quyền lảng tránh không phản hồi cho người dân đâu”.

Chính vì vậy việc cầu cứu chính quyền cũng rơi vào bế tắc. Nhiều người dân khẳng định, để có thể xây dựng như vậy trước “thanh thiên bạch nhật” trong khi dân tình kiến nghị, khiếu kiện mà vẫn ung dung thì chỉ có hạng “tầm cỡ”, “máu mặt” nhất nhì Hà thành, có quyền, có chức mới làm được.

Phóng viên tiếp tục tiếp cận với nhiều nguồn tin từ dân bản địa, tại đây, người dân khẳng định, xã Minh Trí hiện nay có không ít trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Sóc Sơn. Hiện trạng này diễn ra ồ ạt nhiều năm nay. Tình trạng san núi, gọt đồi xây nhà cao tầng cũng rầm rộ vào khoảng đầu năm 2016.

Theo người dân, các thửa đất khi chưa được các cơ quan chức năng đo đạc bản đồ địa chính bỗng dưng được “hô biến” sang tên và chuyển nhượng cho các “đại gia” vô tư khoét núi phá đồi biến thành “đặc khu biệt thự” giữa rừng phòng hộ.

Trước cảnh phá rừng phòng hộ, lặng lẽ nhìn từ trên cao, chúng tôi giật mình bởi trong toàn bộ diện tích rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Sóc Sơn có khoảng hơn 30 công trình mới được xây dựng, 01 nhà xưởng lợp tôn, 01 khu chế tác và trưng bày mẫu vật di sản văn hóa (tên Dược Bảo Yên) cùng với khuôn viên rộng khoảng 3ha bao gồm 04 nhà mái tôn và 1 nhà bát giác Chay Trúc Lâm chiếm đi một phần diện tích lớn trong khu vực. Cảnh tượng hoang tàn, xơ xác của rừng phòng hộ được lộ rõ, cảnh đất trắng đồi trọc được phơi bày...

Công trình xây dựng kiên cố theo lối kiến trúc hiện đại, sở hữa ba tầng với mái che bằng kính vô cùng bắt mắt.

Thêm nữa, tình trạng rao bán đất rừng Sóc Sơn ngày một “manh động” hơn. Chỉ cần một cú click chuột, hàng loạt thông tin bán, cho thuê đất rừng phòng hộ Sóc Sơn từ 2,5 triệu/m2 đến vài chục tỷ đồng nhan nhản trên mạng internet.

Hàng trăm ha rừng phòng hộ bảo vệ môi trường Sóc Sơn có nguy cơ bị “xóa sổ” từ cách quản lý yếu kém của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, khiến tình trạng “giữa lòng Thủ đô rừng phòng hộ bị “xẻ thịt” hàng ngày, biến rừng phòng hộ thành “đặc khu biệt thự” mà chính quyền bất lực.

Dư luận đang đặt câu hỏi có hay không sự tiếp tay, bao che “có hệ thống” của chính quyền trong câu chuyện này?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: “Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có Văn bản chỉ đạo Sở TN&MT chủ trì cùng UBND huyện Sóc Sơn kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.

Gần đây nhất, ngày 05/6/2018 UBND huyện Sóc Sơn ban hành Quyết định số 1375/QĐ-UBND Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của 25 hộ gia đình, cá nhân tại thôn Minh Tân. Mọi việc vẫn đang chờ hướng xử lý”.

Bạn đang đọc bài viết Cận cảnh “đặc khu biệt thự” giữa rừng phòng hộ Sóc Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.