Thứ năm, 28/03/2024 19:01 (GMT+7)

Bưng bít thông tin thủy ngân: Công ty Rạng Đông có bị xử lý hình sự?

MTĐT -  Thứ hai, 09/09/2019 10:18 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mới đây, Tổng cục Môi trường công bố thông tin, Công ty Rạng Đông thừa nhận gian dối, có sử dụng thủy ngân lỏng sản xuất bóng đèn.

Trước đó, theo báo cáo ngày 30/8, lãnh đạo công ty này không đề cập đến lượng thủy ngân phát tán, còn lấp liếm cho rằng, nguyên vật liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người kể cả khi cháy và khẳng định các khí thải không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Báo cáo của công ty cũng cho biết, từ năm 2016, công ty chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hống của Hg – Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với Lãnh đạo Công ty, Công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng.

Bộ TN&MT mới đây cho biết, lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg.

Thông tin không rõ ràng này khiến nhiều người nhầm tưởng việc sử dụng Amalgam là vật liệu khác không chứa thủy ngân, an toàn khi xảy ra cháy nổ.

Nói về việc bưng bít thông tin của Công ty Rạng Đông, trao đổi với VTCNews, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đơn vị này cung cấp thông tin thiếu trung thực, che giấu khối lượng, chủng loại thủy ngân trong vụ cháy có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và xử lý hình sự những người vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.

Theo Bộ TN-MT, lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg. 

Luật sư Lực cho hay, đây là một sự cố môi trường xảy ra trong quá trình hoạt động của con người, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công ty Rạng Đông quản lý chất gây ô nhiễm nên khi xảy ra sự cố môi trường phải cung cấp đầy đủ thông tin và có trách nhiệm ứng phó với sự cố môi trường.

Cụ thể, theo khoản 2, Điều 33 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, sau vụ cháy, Công ty Rạng Đông phải dừng hoạt động, thực hiện biện pháp khắc phục và báo ngay cho UBND cấp xã hoặc UBND cấp huyện nơi thực hiện dự án hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan có liên quan.

Về trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường của Công ty Rạng Đông, luật sư Lực cho biết: "Đơn vị gây ra sự cố môi trường phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; tổ chức cứu người, tài sản và kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường nơi xảy ra sự cố.

Sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố.

Ngoài ra, Công ty Rạng đông phải có trách nhiệm khắc phục sự cố môi trường theo quy định tại Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường cần thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong quá trình điều tra, xác định phạm vi, giới hạn, mức độ, nguyên nhân, biện pháp khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường.

Đồng thời thực hiện ngay biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế sự lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân trong vùng."

Công ty Rạng Đông gian dối trong báo cáo. 

Trong khi đó, trao đổi với báo Kiến thức, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, với hành vi trên của lãnh đạo công ty Rạng Đông, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ sai phạm có yêu tố cá nhân và làm rõ mối quan hệ nhân quả giữa sai phạm này đối với hậu quả gây ra thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân để có hình thức xử lý cho phù hợp.

Những cá nhân có trách nhiệm nhưng đã bưng bít thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật, không thực hiện trách nhiệm ứng phó với sự cố môi trường gây hậu quả thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của người dân đến mức nghiêm trọng thì cần phải xem xét trách nhiệm pháp lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cũng cần truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu kết quả điều tra, xác minh cho thấy có người đã thực hiện một trong các hành vi sau đây thì đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 237 bộ luật hình sự:

Vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường;

Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

Như vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa sự cố môi trường đồng thời làm rõ trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường. Trong trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và gây tổn hại sức khỏe cho người khác từ 61 % trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để xem xét trách nhiệm thì cần làm rõ mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và hậu quả vi phạm, làm rõ mức độ thiệt hại đối với tài sản và sức khỏe của người dân làm cơ sở để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, nguyên nhân vụ cháy cũng cần được làm rõ để xem xét trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy của tổ chức này, nếu vi phạm về phòng cháy chưa trái thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Nếu vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vụ việc này là một bài học đắt giá trong công tác bảo vệ môi trường, trong việc ứng phó, khắc phục sự cố môi trường. Kết quả giải quyết vụ việc này thế nào sẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra, xác minh của cơ quan chức năng. Tuy nhiên việc này đã để lại một bài học lớn cho các công ty có sử dụng hóa chất, chất cháy, chất nổ, chất độc hại.. trong khu dân cư. Nếu để sự cố xảy ra thì các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc hại, chất phóng xạ...(những nguồn nguy hiểm cao độ) phải bồi thường thiệt hại, nếu có lỗi thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Bưng bít thông tin thủy ngân: Công ty Rạng Đông có bị xử lý hình sự?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.