Thứ sáu, 29/03/2024 07:37 (GMT+7)

Bắt giữ cặp vợ chồng vận chuyển 8 sừng tê giác cất giấu rất tinh vi

MTĐT -  Thứ hai, 19/06/2017 10:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Thời gian gần đây, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, nhất là các loài đặc biệt quý hiếm có tên trong sách đỏ từ nước ngoài về Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp.

Các đối tượng tội phạm ngày càng áp dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, táo tợn hơn, gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng, đòi hỏi phải có sự nỗ lực cao, phối hợp tác chiến nhuần nhuyễn mới có thể phát hiện và trấn áp. Trung tuần tháng 6 vừa qua, lực lượng cảnh sát môi trường C49 Bộ Công an và Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã lập một chiến công lớn trong lĩnh vực này.

Được sự cung cấp thông tin của lực lượng Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, ngay khi chuyến bay EK392 từ Dubai về TP Hồ Chí Minh vừa hạ cánh, các chiến sỹ cảnh sát của phòng Phòng chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học (Phòng 3/C49 Bộ Công an) đã kiểm tra hành lý xách tay của cặp vợ chồng Lê Văn Ngọc (sinh năm 1981, hộ chiếu số B9731629 và vợ là Lã Thị Loan, sinh năm 1985, hộ chiếu số B9681633, trú tại Mê Linh – Hà Nội). Tang vật thu giữ là 8 khúc sừng động vật, tổng trọng lượng 3,8kg được cuộn trong giấy bạc, cất giấu rất tinh vi vào trong đồ mỹ phẩm, bánh kẹo, ấm sắc thuốc bắc…

Hai đối tượng Lê Văn Ngọc và Lã Thị Loan đang khai nhận hành vi buôn lậu.

Qua giám định sơ bộ cho thấy, đây là sừng tê giác trắng thuộc phụ lục 1 Thông tư quy định các loài vật nguy cấp quý hiếm theo Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites). Loài tê giác này cực kỳ quý hiếm, chỉ còn rất ít cá thể trên trái đất, bởi khả năng sinh sản vô cùng khó khăn của chúng, và bởi nạn săn bắn trái phép của con người. Tất cả các quốc gia, các tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới đều đặc biệt ưu tiên, dùng mọi biện pháp để bảo tồn loài tê giác này. Do vậy, việc phát hiện và trấn áp hành vi vận chuyển, buôn bán sừng tê giác trắng nói trên không chỉ có ý nghĩa với an ninh môi trường nước ta, mà còn khẳng định nỗ lực, cam kết của Việt Nam trong việc chung tay giữ gìn hệ sinh thái chung trên hành tinh.

Tang vật vụ án

Chiến công này là kết quả của việc thực hiện Quy chế cung cấp, trao đổi thông tin giữa Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và Cục Cảnh sát môi trường. Tuy đã dốc hết tâm lực cho việc trấn áp loại tội phạm này nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định mà các chiến sỹ phải vượt qua. Đó là đa số các vụ vận chuyển trái phép đều được thực hiện qua đường hàng không với thủ đoạn hết sức tinh vi, chia nhỏ mẫu vật, cất giấu trong hành lý xách tay để tránh soi chiếu. Khi bị phát hiện, đối tượng thường chỉ khai nhận là người vận chuyển thuê, ra sân bay sẽ có người liên hệ nhận hàng. Vì vậy, để tìm ra chủ mưu cầm đầu, đòi hỏi lực lượng chức năng phải đấu tranh khai thác rất vất vả. Đối tượng đầu nậu thường gom hàng từ nhiều nơi, nhiều nguồn khác nhau, lợi dụng việc mở trang trại gây nuôi để hợp thức hóa các nguồn hàng bất hợp pháp.

Trong đó có cả hiện tượng một số kiểm lâm bảo kê, xác nhận nguồn gốc động vật gây nuôi, được phép mua bán để giúp các đối tượng đưa động vật hoang dã nhập lậu đi tiêu thụ. Chủng loại động vật bị giết hại, buôn bán trái phép chủ yếu là những loài quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới như ngà voi, sừng tê giác, răng nanh hổ…

Vì giá trị từ việc buôn bán bất hợp pháp này rất lớn nên tội phạm thường manh động, có vũ khí và sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện. Ngoài ra, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh, loại tội phạm này cũng thường xuyên dùng mạng internet để rao bán các mẫu vật hoặc động vật hoang dã quý hiếm, nhưng yêu cầu người mua đặt cọc tiền, liên hệ nhiều số điện thoại khác nhau, dùng địa chỉ “ma” để qua mắt lực lượng chức năng… nên rất khó khăn để xác minh, phát hiện.

Phòng 3/C49 Bộ Công an cùng cán bộ Viện Sinh thái Nhiệt đới mở niêm phong và kiểm tra tang vật..

Trước những thử thách đó, lực lượng Cảnh sát Môi trường và Hải quan luôn phải có cơ chế phối hợp rất chặt chẽ. Các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã cũng quan tâm hỗ trợ cung cấp thông tin và thường xuyên tập huấn, tổ chức các hội nghị bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, phát hiện hành vi buôn bán trái phép.

Lực lượng cảnh sát bảo vệ môi trường luôn kiên quyết đấu tranh, phát hiện  xử lý nghiêm các vụ vi phạm, không có vùng cấm. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao nhất, cần có sự chung tay của toàn xã hội trong việc đấu tranh tố giác tội phạm cũng như tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Bởi thực tế khoa học đã chứng minh, sừng tê giác không phải là thần dược, nó cũng chỉ như móng tay chân con người mà thôi. Và các loài động vật quý hiếm khác như hổ, voi, gấu, tê tê… đều đang trên bờ vực của sự tuyệt chủng, nếu như con người không bảo vệ chúng. Sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã – Đó chính là hành vi tiếp tay cho sự hủy diệt môi trường tự nhiên trên hành tinh của chúng ta.

Theo TN&MT

Bạn đang đọc bài viết Bắt giữ cặp vợ chồng vận chuyển 8 sừng tê giác cất giấu rất tinh vi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Michelin Guide vinh danh khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc
Michelin Guide vừa giới thiệu danh sách 11 khách sạn giữa thiên nhiên ấn tượng nhất châu Á. Khu nghỉ dưỡng Regent Phu Quoc thuộc khu phức hợp nghỉ dưỡng – giải trí Phu Quoc Marina vinh dự là đại diện Việt Nam duy nhất góp mặt trong danh sách này.
Ông Nguyễn Văn Minh làm Tổng Biên tập Báo Công Thương
Ngày 28/3, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Minh - Phó Tổng Biên tập phụ trách giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Công Thương.