Thứ sáu, 29/03/2024 14:25 (GMT+7)

Luật sư lên tiếng việc C.A Lâm Đồng “cản trở” hoạt động nghề nghiệp

Trần Quỳnh - Hòa Bình -  Thứ hai, 02/03/2020 08:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng, việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đề nghị luật sư cung cấp thông tin về nhân thân lý lịch,... là thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật.

"Cơ quan công an và cơ quan khác cần phải tiến hành chấn chỉnh đội ngũ của mình để thực hiện đúng pháp luật nhằm cải thiện, giảm bớt để tiến tới xóa bỏ thói “làm khó” luật sư và thực hiện cho đúng quy định của luật". Đó là lời khẳng định của Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

CQCSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng làm khó Luật sư hành nghề

Luật sư Hoàng Tùng cho rằng: Theo quy định tại Điều 58, 59, 60, của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã ghi nhận quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa của của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can. Việc các đối tượng trên sử dụng quyền nhờ người bào chữa là rất phổ biến. Luật sư, người đại diện, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý là các thành phần thực hiện việc bào chữa cho các đối tượng trên.
Chiếm số lượng đông đảo và điển hình nhất chính là Luật sư bào chữa. Việc tiến hành bào chữa cho các đối tượng nêu trên và cả bị cáo được tiến hành trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự. Điều này góp phần tìm ra sự thật của vụ án và bảo vệ quyền và lợi ích của các đối tượng.

Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa, Đoàn luật sư TP. Hà Nội.

Trong vụ việc này, hai Luật sư Lê Công Bằng và Võ Hớn thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa cho bị can Hoàng Thị Mỹ Hạnh và Hoàng Thị Mỹ Dung trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Lâm Đồng. Mặc dù đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, nhưng chính cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị luật sư cung cấp những thông tin, giấy tờ không được ghi nhận trong luật để thực hiện thủ tục đăng ký bào chữa.

Hành vi này là không đúng quy định của luật, gây ảnh hưởng đến luật sư thực hiện nghiệm vụ của mình và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bị can. Trước sự việc trên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có kiến nghị với Bộ Công an.

Không chỉ dừng lại ở đó, thực tế trong quá trình làm việc và tiếp xúc với các cơ quan chức năng, luật sư cũng gặp nhiều khó khăn khi các cơ quan chức năng, người có nhiệm vụ thực hiện công tác điều tra, xét xử chưa thật sự phối hợp và thực hiện đúng các quy định và tinh thần của pháp luật đã đặt ra.

Để hạn chế các tình trạng nêu trên thì Bộ Công an đã ban hành Thông tư 46/2019 có nhiều quy định mới về thông báo, tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa theo hướng luật sư có thể tiếp cận sớm nhất nhằm hỗ trợ pháp lý cho người bị buộc tội, đề cao trách nhiệm và thời hạn giải quyết các yêu cầu.

Cụ thể, Thông tư 46 đã khẳng định ngay từ khi tiếp nhận người bị bắt, bị tạm giam, giao nhận các quyết định tố tụng, điều tra viên (ĐTV) phải lập biên bản ghi rõ ý kiến của người bị buộc tội về việc có nhờ người bào chữa hay không, cách thức giải quyết yêu cầu nói trên để CQĐT thực hiện các quy định của BLTTHS 2015.

Việc tiếp nhận thủ tục, yêu cầu được quy định rõ tại nơi tổ chức trực ban hình sự của CQĐT hoặc nơi trực ban của nhà tạm giữ, trại tạm giam, đóng dấu tiếp nhận giờ, ngày, tháng vào sổ tiếp nhận và sổ đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền lợi.

Trường hợp người bị buộc tội từ chối yêu cầu nhờ luật sư của người thân thích, trong vòng 12 giờ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và 24 giờ đối với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, ĐTV hoặc cán bộ điều tra có trách nhiệm thống nhất về thời gian với người bào chữa để trực tiếp gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam, xác nhận việc từ chối và phải lập biên bản.

Như vậy, thông tư này quy định rất rõ về trình tự thủ tục cũng như trách nhiệm của cơ quan công an trong việc phối hợp với người bào chữa để thực hiện quyền bào chữa cho các đối tượng. Các cơ quan công an và cơ quan khác cần phải tiến hành chấn chỉnh đội ngũ của mình để thực hiện đúng pháp luật, cải thiện, giảm bớt để tiến tới xóa bỏ thói “làm khó” luật sư và thực hiện cho đúng quy định của luật.

Như Môi trường và Đô thị Việt Nam đã phản ánh, ngày 20/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Lâm Đồng có Thông báo về việc Luật sư Lê Công Bằng và Luật sư Võ Hớn thuộc Văn phòng luật sư Minh Hồng là người bào chữa cho bị can Hoàng Thị Mỹ Hạnh và Hoàng Thị Mỹ Dung trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng lại đề nghị Luật sư cung cấp thông tin khác về nhân thân lý lịch, ngoài các giấy tờ quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để tra cứu tại cơ quan hồ sơ nghiệp vụ nhằm kiểm tra để xác định Luật sư Lê Công Bằng và Luật sư Võ Hớn có thuộc trường hợp từ chối đang ký người bào chữa hay không.

Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng, việc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đề nghị luật sư cung cấp thông tin về nhân thân lý lịch,... là thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật.

Do vậy, ngày 07/01/2020, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có Văn bản số 112/C01- P2 gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho thấy, Bộ Công an đã yêu cầu chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng và chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định của Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Cũng liên quan đến việc Luật sư bị “cản trở” hành nghề, vụ việc gần đây nhất, ở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Trốn thuế” liên quan đến vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải diễn ra từ ngày 13-15/11/2019 tại TAND TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Luật sư Nguyễn Duy Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Duy Trinh, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh - người bào chữa cho bị cáo Ngô Tuyết Phương đã bị lực lượng cảnh sát tư pháp Công an tỉnh Khánh Hòa cưỡng chế đưa ra khỏi phiên tòa.

Vụ việc được dư luận, giới Luật sư Việt Nam đặc biệt quan tâm và lên án, ngay sau đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã có văn bản gửi các cơ quan tiến hành tố tụng TP. Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa, đề nghị thận trọng, khách quan và xem xét giải quyết vụ việc của Luật sư Nguyễn Duy Bình.

Văn bản của LĐLS Việt Nam gửi các cơ quan chức năng Nha Trang và Khánh Hòa.

Thực tế, từ trước đến nay khi luật sư tham gia hoạt động hành nghề, thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật về bào chữa cho bị cáo, bị can, người bị hại,... gặp rất nhiều khó khăn, cản trở bởi nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có cơ quan điều tra. Vì vậy, để công lý được thực thi, đảm bảo quyền của luật sư thì rất cần có sự hợp tác của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Bạn đang đọc bài viết Luật sư lên tiếng việc C.A Lâm Đồng “cản trở” hoạt động nghề nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Chút tương tư
Thả câu thơ đêm muộn màng///Ngọn đèn bên phố trôi ngang bềnh bồng //Đêm gầy uống cạn dòng sông//Buồn ơi! Xuân hết mà đông chưa tàn.