Thứ ba, 16/04/2024 14:38 (GMT+7)

Hà Nội: Lối ra nào cho doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời? (Bài 3)

Đăng Khôi -  Thứ năm, 13/09/2018 08:00 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Sau khi đăng 2 bài phản ánh những bất cập của Dự thảo triển khai quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại Hà Nội, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả không đồng tình với bản Dự thảo này.

Được biết, ngày 17/8/2018 UBND TP.Hà Nội đã xin ý kiến của các Sở, Ngành về dự thảo lần 2 về kế hoạch triển khai thực hiện quyết định số 1997/QĐ-UBND, qua đó lại có chủ trương thu hồi đối với các vị trí quảng cáo được kế thừa, điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định 348/QĐ-UBND để đấu thầu. Việc thu hồi về đấu thầu đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến các hợp đồng đang thực hiện của hàng chục doanh nghiệp quảng cáo, thiệt hại về kinh tế là rất lớn và khiến các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản cũng như ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng nghìn người lao động.

Đứng trước thực trạng đó, ngày 20/8/2018, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội đã gửi đơn Kêu cứu khẩn cấp lên Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các cơ quan Bộ, Ngành, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng về việc đề nghị xem xét sửa đổi và điều chỉnh bản Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1997/QĐ-UBND để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp đang kinh doanh trong hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội.

Nhiều độc giả không đồng tình với dự thảo triển khai quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại TP. Hà Nội.

Sau khi thông tin được đăng tải trên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, Tòa soạn nhận được nhiều ý kiến không đồng tình với quyết định này, dư luận đặt câu hỏi vì sao bản dự thảo lần 2 khác về cơ bản so với bản dự thảo lần 1? Bên cạnh đó vì sao UBND thành phố và Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội lại cố tình bỏ qua quy trình xin ý kiến đóng góp, đề nghị được đối thoại của các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời? khiến các doanh nghiệp lo lắng, bất an vì chủ trương, chính sách của thành phố.

Ngày 12/9/2018, Trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí khi được hỏi ý kiến của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam về những bức xúc của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cho rằng: Vấn đề thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời không chỉ “nóng” ở Hà Nội mà còn trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, Hà Nội chậm công bố công khai quy hoạch chi tiết quảng cáo ngoài trời, không duy trì một cách liên tục, bình thường, theo lộ trình hợp lý, phù hợp với giấy phép xây dựng, quảng cáo làm cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. UBND thành phố cần sớm có quy chế cụ thể về việc đấu thầu để các doanh nghiệp tham gia góp ý kiến, đảm bảo tính minh bạch của các cơ quan quản lý. Đồng thời trong quá trình triển khai xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời cần lưu ý đến việc ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp với quy hoạch đã có trước theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 37 Luật Quảng cáo 2012, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.

Khi được hỏi về việc, theo bản dự thảo lần 2, liên quan đến công tác đấu thầu các vị trí quảng cáo đã tồn tại nhiều năm nay, thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp liệu có hợp lý và đúng với quy định của nhà nước, Luật sư Nguyễn Ngọc Đạt, Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận xét: Chúng tôi cho rằng chủ trương tại Quyết định số 1997/QĐ-UBND và bản Dự thảo kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện Quyết định này có nhiều điểm bất hợp lý, không tuân thủ trình tự thủ tục ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời theo quy định pháp luật, tồn tại nhiều bất cập, hạn chế có nguy cơ gây ảnh hưởng đến quyền – lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo ngoài trời. Vấn đề này đã được quy định rõ trong khoản 2, Điều 37 Luật Quảng cáo 2012 thì việc xây dựng quy hoạch quảng cáo phải bảo đảm tính ổn định, công khai, minh bạch và khả thi, ưu tiên kế thừa các vị trí quảng cáo phù hợp với quy hoạch có trước theo Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 13/1/2012 của UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời việc đấu thầu vị trí quảng cáo nhiều bất cập. Việc thực hiện đấu thầu theo quy định của Chính Phủ là đúng nhưng phải xem xét từng trường hợp cụ thể, không thể đấu thầu vị trí quảng cáo trên đất thuộc quyền quản lý của nhiều doanh nghiệp khác nhau vì thực tế việc quảng cáo ngoài trời có đặc thù riêng, không thể áp dụng đấu thầu tất cả các vị trí như nhau được. Nếu điều này xảy ra, thiệt hại về tài sản của doanh nghiệp là vô cùng lớn.

Theo ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc điều hành Công ty CP ĐTXD quảng cáo Hà Việt, nếu UBND TP.Hà Nội thu hồi toàn bộ 435 bảng quảng cáo để đấu thầu lại, tổng thiệt hại lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Phần lớn các vị trí xây dựng bảng đều nằm trên đất thuộc quyền sử dụng của tư nhân, đã được các DN thuê hoặc mua dài hạn và tự bỏ vốn đầu tư, kinh doanh bảng quảng cáo hợp lệ từ nhiều năm, được cơ quan nhà nước thừa nhận qua việc cấp phép xây dựng, quảng cáo. Với bản dự thảo này, các doanh nghiệp đang làm ăn ổn định có nguy cơ bị phá sản vì nợ nần. Bởi lẽ, chi phí xây dựng một biển quảng cáo đã khoảng 1,2 đến 1,5 tỷ đồng, tiền thuê đất vào khoảng 100 đến 200 triệu đồng/năm. Trong khí đó, các biển quảng cáo này đã ký hợp đồng với khách hàng từ 1 đến 3 năm, khi bị phá dỡ để đấu thầu lại là vi phạm hợp đồng, số tiền bị phạt hợp đồng, phải trả lại cho khách hàng là rất lớn, thực tế nhiều doanh nghiệp phải vay ngân hàng để đầu tư sẽ không có nguồn trả. Nguy cơ các doanh nghiệp rơi vào khó khăn, hàng nghìn nhân viên mất việc làm là rất lớn.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng với bản dự thảo này, các doanh nghiệp đang làm ăn ổn định có nguy cơ bị phá sản vì nợ nần.

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 40% GDP; thu hút 85% số lực lượng lao động cả nước, trong đó có nhiều sự đóng góp của các doanh nghiệp quảng cáo. Ðảng, Nhà nước và Chính phủ hết sức coi trọng, và quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp. Nghị quyết T.Ư 5 (khóa XII) của Ðảng về kinh tế tư nhân đã được ban hành, trong đó xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo thuận lợi để khối DNTN phát triển lành mạnh và đúng hướng. Chính phủ và các cơ quan quản lý chuyên ngành cần có những cam kết, mối liên kết và chương trình hành động cụ thể hơn nữa, giúp DNTN năng động sáng tạo hơn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực tế, ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều rào cản pháp lý, quy định chồng chéo, thiếu rõ ràng, khiến DNTN tốn kém về chi phí, thời gian. Vì vậy, trong quá trình xây dựng các chủ trương, chính sách mới cần bám sát vào thực tiễn, xem xét và tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp cần các cơ quan quản lý công tâm nhìn nhận sự đóng góp tích cực vào nền kinh tế, đồng thời tạo ra một “lối thoát” cho các doanh nghiệp để phát triển trên tinh thần Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của Chính Phủ.

Trao đổi về vấn đề nay, ngày 11/9/2018 cán bộ Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho các cơ quan báo chí biết, Sở đã nhận được văn bản kiến nghị của các DN quảng cáo.

Vị này cho biết: Việc đấu thầu biển quảng cáo ngoài trời là tuân thủ theo Nghị định 181 của Chính phủ, bởi nghị định yêu cầu hoạt động quảng cáo ngoài trời phải đảm bảo công khai, bình đẳng trước pháp luật của tất cả các DN. Trong các văn bản hướng dẫn cũng yêu cầu đấu thầu các vị trí quảng cáo, chứ không phải thu hồi các biển quảng cáo đó.

“Văn bản của các DN quảng cáo tựu chung lại có mấy ý. Một là công khai quy hoạch, việc này thì là đương nhiên rồi. Thứ hai là đề nghị tổ chức đấu thầu theo quy định của Chính phủ, việc này hoàn toàn đúng, vì căn cứ nghị định 181 thì phải đấu thầu. Ba là muốn thành phố đối thoại với DN. Thực tế thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với DN, vừa rồi cũng tổ chức xong”.

Tuy nhiên, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội Đồng chuyên môn của Hiệp hội cho biết thêm, thực tế chưa bao giờ UBND thành phố cũng như Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi công khai với các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời để tháo gỡ những khó khăn. Chính vì vậy, Hiệp hội đã có công văn đề nghị được đối thoại, tìm ra hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp và sự phát triển của thành phố.

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Lối ra nào cho doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời? (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới