Thứ sáu, 29/03/2024 12:06 (GMT+7)

Yên Phong (Bắc Ninh): Bài 2: Chính quyền buông lỏng quản lý hay sợ “con ông giời”?

MTĐT -  Thứ năm, 29/06/2017 09:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù có hàng chục biên bản vi phạm hành chính cùng nhiều quyết định đình chỉ, cưỡng chế về việc khai thác đất trái phép và phá hoại đê điều nhưng dường như chính quyền xã Dũng Liệt và huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đang bất lực trước thực trạng đang nhức nhối trong lòng dân. Lý do thực sự là gì?

Mặc đình chỉ vẫn cứ trộm đất

Đó là trường hợp của Công ty TNHH Xuân Đóa do ông Nguyễn Xuân Đóa (Dũng Liệt, Yên Phong, Bắc Ninh) làm Giám đốc. Trong suốt từ năm 2014 đến nay mặc dù đã được chính quyền địa phương, Hạt Quản lý đê Yên Phong lập biên bản xử lý nhiều lần về tình trạng tự ý đào xẻ dốc lên đê, khai thác đất ngoài bãi sông trái phép tại vị trí Km 43+700 đê hữu Cầu, nhưng gia đình ông Đóa không có ý định dừng.

Nhiều tuyến đê vỡ toác do xe tải hạng nặng đè xuống

UBND xã Dũng Liệt đã lập biên bản hành chính (9/12/2014) và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (15/12/2014), yêu cầu san trả lại mặt bằng như hiện trạng ban đầu, tuy nhiên trong thời gian qua chủ hộ vi phạm vẫn tiếp tục tái phạm, đào khai thác đất trái phép với khối lượng lớn. Đồng thời, trong quá trình vận chuyển, doanh nghiệp này đã sử dụng xe trọng tải lớn cày nát mặt đê, phá hủy đê sông Cầu nghiêm trọng.

Được biết, ngày 19/12/2014, UBND xã Dũng Liệt cũng đã ra quyết định hủy bỏ hợp đồng khoán thầu đất sỏi ải bên sông của gia đình ông Nguyễn Xuân Đóa do chủ hộ này đã vi phạm nghiêm trọng về Luật đê điều và Luật đất đai.

Như vậy, từ khi hợp đồng của ông Nguyễn Xuân Đóa bị thanh lý, chính quyền xã Dũng Liệt và huyện Yên Phong đang ở đâu để doanh nghiệp này vẫn ‘hoành hành’ và coi thường luật pháp đến như vậy.

Dựa vào hợp đồng bất minh để làm càn

Ngày 26/4/2009, thôn Lương Cầm (Dũng Liệt, Yên Phong) có ký một bản hợp đồng ‘kỳ lạ’ với Công ty TNHH Xuân Đóa, để từ đó doanh nghiệp này sử dụng làm bình phong, khai thác, trộm tài nguyên khoáng sản quốc gia, phá hủy đê điều suốt một thời gian dài.

Bản hợp đồng được thôn Lương Cầm tự ý soạn thảo, do trưởng thôn và Chủ nhiệm HTX trực tiếp ký, đã đề ra các điều khoản với tổng giá trị trên 1,7 tỷ đồng. Qua đó cho phép Công ty TNHH Xuân Đóa khai thác 15 năm trên diện tích 36.000 m2 và 30 năm sử dụng mặt bằng khu vực cống sông để làm nền chứa vật liệu xây dựng. Cùng với đó, thôn Lương Cầm cũng ‘cho phép’ công ty của ông Đóa khai thác, vận chuyển đất đi nơi khác một cách thoải mái.

Để rộng đường dư luận, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Duy Viết, Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt (Yên Phong, Bắc Ninh). Trao đổi với phóng viên, ông Viết cũng khẳng định việc thôn Lương Cầm tự ý làm hợp đồng là trái quy định của pháp luật, và các văn bản thôn Lương Cầm đã ký là trái thẩm quyền. “Trước đó, ngày 19/12/2014 UBND xã Dũng Liệt cũng đã có quyết định hủy bỏ hợp đồng của thôn Lương Cầm với Công ty TNHH Xuân Đóa, ông có biết việc này…” – PV

Mặc dù đã đình chỉ và thanh lý hợp đồng nhưng doanh nghiệp Xuân Đóa vẫn ngang nhiên khai thác đất ven sông

Trước câu hỏi của PV, ông Nguyễn Duy Viết đã né không trả lời.

Khi được hỏi về việc thôn Lương Cầm sau khi ký hợp đồng 1,7 tỷ đồng với Công ty TNHH Xuân Đóa đã sử dụng nguồn tiền này như thế nào thì ông Viết ngập ngừng rồi cho biết thôn Lương Cầm với đại diện là Trưởng thôn Nghiêm Minh Hội, Chủ nhiệm HTX Phạm Tiến Quát và Trưởng kiểm soát HTX Đặng Công Sự đã trực tiếp ký kết hợp đồng và toàn quyền sử dụng nguồn tiền này cho các công trình và mục đích xã hội của thôn. Thế nhưng sau khi phóng viên yêu cầu cung cấp các chứng từ, hóa đơn cũng như đề án về việc sử dụng nguồn tiền 1,7 tỷ đồng do đấu thầu mang lại thì ông Viết không cung cấp được.

Như vậy, phải chăng vị Chủ tịch xã này đang lấp liếm đi những sai phạm nghiêm của bộ máy thôn, xã. Nếu không chứng minh được sự minh bạch trong việc sử dụng số tiền 1,7 tỷ thì chính quyền thôn, xã đang có dấu hiệu chiếm dụng và tham nhũng một số tiền không phải là nhỏ.

Ông Nguyễn Duy Viết, Chủ tịch UBND xã Dũng Liệt: “Thừa nhận bất lực trước nạn trộm đất trên địa bàn xã mình quản lý”

Phải chẳng việc thôn Lương Cầm “bỏ ngoài tai” văn bản hủy hợp đồng của Chủ tịch xã trước đó là không phải trách nhiệm của ông Viết ( Chủ tịch mới). Nếu không có sự “ăn chia” với xã liệu Công ty TNHH Xuân Đóa hoạt động ngày đêm để phá hoại đê điều mà không hề có biên bản xử lý?

Chính vì những sự mờ ám liên quan đến pháp luật nên mặc dù đã ra văn bản đình chỉ cũng như quyết định thanh lý hợp đồng nhưng chính quyền cấp thôn và xã vẫn “ngoảnh mặt” làm ngơ cho Công ty TNHH Xuân Đóa lén lút khai thác khiến sai phạm ngày càng chồng lên nhau.

Thực sự chính quyền nơi đây đang bất lực trước sai phạm hay ‘cố tình’ buông lỏng quản lý.

Theo ghi nhận của PV cho tới ngày 23/6/201, Công ty TNHH Xuân Đóa vẫn để lại 2 chiếc máy xúc và dùng xe nhỏ vận tải theo hướng đi thành phố Bắc Ninh.

Ở một diễn biến khác, trước đó một vị lãnh đạo huyện Yên Phong đã trao đổi với PV là đã cho cắt đường lên của đoàn xe. Tuy nhiên, theo kiểm tra thực tế của PV thì chưa hề có việc làm này. Thực tế Công ty TNHH Xuân Đóa vẫn ngang nhiên hoạt động ‘thách thức’ dư luận?

Trước những sai phạm trên không biết quan lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh cũng như huyện Yên Phong có biết và quan điểm xử lý sai phạm ra sao?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin!

Chính Quân - Đình Tuyến

Bạn đang đọc bài viết Yên Phong (Bắc Ninh): Bài 2: Chính quyền buông lỏng quản lý hay sợ “con ông giời”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới