Thứ sáu, 19/04/2024 12:19 (GMT+7)

Vụ thu hồi sổ đỏ ở Bình Thuận: Đường đi hay tối, nói dối hay cùng

Thế Bôn -  Thứ ba, 02/01/2018 10:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đó là câu chuyện kéo dài trên 30 năm, đã xảy ra giữa Chính quyền với người dân tại vùng đất duyên hải miền Trung

Kỳ 1: Đường đi hay tối, nói dối hay cùng

Đó là câu chuyện kéo dài trên 30 năm, đã xảy ra giữa Chính quyền với người dân tại vùng đất duyên hải miền Trung liên quan đến các Quyết định ban hành trái pháp luật của cựu Chủ tịch huyện Tuy Phong Trần Văn Nhựt và cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Huỳnh Tấn Thành, có sự tiếp tay “đắc lực” của cựu Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Thành Tâm…với cụ Lê Thị Phi, cựu cán bộ phụ nữ thị trấn Liên Hương, người bị thu hồi sổ đỏ và đất một cách trắng trợn…Câu chuyện có thật mà như đùa! Để quý độc giả có cái nhìn bao quát, kể từ số báo này Ban biên tập (BBT) xin trân trọng trích đăng giới thiệu phóng sự điều tra nhiều kỳ của tác giả (nhà báo Thế Bôn), người đã phanh phui tìm ra sự thật vụ việc này trong suốt 15 năm qua, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bản chất của sự việc…

Tóm tắt vụ việc…

Cụ Lê Thị Phi, 88 tuổi, số nhà 118 đường 17/4, khu phố 3 (KP3), thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận có đơn tố cáo, kêu oan gửi đến Ban biên tập Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử . Sau một thời gian điều tra, xác minh BBT nhận thấy đây là vụ việc khá bức xúc của người dân về những việc làm không đúng đạo lý vừa vi phạm pháp luật của hàng chục cán bộ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh ở Bình Thuận có sự “bao che ” của một số “quan chức Cục III” thuộc Thanh tra Chính phủ… Chính quyền nơi đây cho rằng sổ đỏ có 3 thửa đất của cụ Lê Thị Phi (KP3), đang giữ và quản lý là cấp cho bà Lê Thị Phi (KP5), nhưng do trùng họ tên nên cán bộ địa chính ở đây đã giao nhầm cho cụ Phi (KP3) nên phải thu hồi, hủy bỏ để cấp lại sổ đỏ và số đất đó cho bà Phi (KP5)…

Cụ Lê Thị Phi, 88 tuổi đã trên 30 năm vác đơn khiếu nại, tố cáo và kêu oan.

Tuy nhiên gia đình bà Phi KP5 từ xưa đến nay chỉ có duy nhất 01 thửa đất diện tích 2.700m2 bà mua lại của người quen. Trong khi đó, sổ đỏ của cụ Phi KP3 có đến 3 thửa với tổng diện tích lên tới 11.230m2. Sau khi bị báo chí phát giác về sự “vênh váo” vô lí này thì Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong Trần Văn Nhựt khi đó lại “vẽ ra” nhầm thêm với ông Lê Thi 2 thửa, nhưng trớ trêu thay ông Lê Thi không hề có một m2 đất nào thì làm sao mà nhầm? Các nhà báo tiếp tục phanh phui thì họ tìm cách chống chế… rồi cấp trên (Chủ tịch tỉnh Huỳnh Tấn Thành) ra tay “ khiển trách” cấp dưới (là ông Nguyễn Thành Tâm, Chánh Thanh tra tỉnh) làm ăn thiếu thận trọng để tham mưu không đúng…Vậy mà sau đó Thanh tra tỉnh này vẫn tiếp tục dựng lên nhiều kịch bản sai sự thật khác, như: “hồ sơ cấp đất cho ông Lê Thi bị mất”… “2 thửa đất số 54 và 55 bà Lê Thị Ty (con gái ông Lê Thi) đang sử dụng chưa cấp lại GCN-QSDĐ”, và trên thực tế bà Lê Thị Ty cũng không có 2 thửa đất nói trên… Vậy mà Thanh tra Chính phủ dựa vào sự “ngụy biện” gian dối đó để bảo kê cho UBND tỉnh Bình Thuận có bảo bối ban hành Thông báo số 196/TB-UBND ngày 11/8/2015 chấm dứt thụ lý giải quyết vụ việc khiếu nại của cụ Phi (KP3), để cho vụ việc chìm xuồng… Đây cũng là một trong những vụ việc được coi là hy hữu, điển hình, tốn kém không ít công sức, giấy bút và tiền bạc của nhiều nhà báo và các cơ quan ngôn luận!

Khu đất (đang tranh chấp), có ngôi mộ của chồng cụ Phi là Võ Văn Thảo xây cất từ năm 1974 và ngôi mộ đất của cháu nội cụ vẫn còn nằm nguyên ở đó.

Nguồn gốc đất quá rõ ràng…

Cụ Lê Thị Phi, có trên 4 ha đất do vợ chồng cụ khai phá từ những năm 50 thế kỷ trước và đã được chính quyền chế độ cũ cấp sổ bộ. Năm 1974, chồng cụ là ông Võ Văn Thảo qua đời, được chôn cất và lập mộ ngay trên diện tích đất này. Sau năm 1975 gia đình cụ vẫn canh tác và nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước (có biên lai thuế đến năm 2002). Năm 1986, bỗng dưng UBND huyện Tuy Phong đưa phương tiện tới cày ủi cây cối, hoa màu, ao cá trên đất của cụ để san lấp mặt bằng phân lô cấp cho một số cán bộ của huyện mỗi người 800m2 mà không nói gì với gia đình cụ Phi (trong số đó có ông Hương, Nguyên Bí thư huyện Tuy Phong, ông Khiêu Sinh, Chánh Thanh tra huyện, ông Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch huyện Tuy Phong khi đó - sau này là Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, hiện nay đã nghỉ)… để làm nhà ở, nhưng họ đều đã có nhà và mang bán ngay sau đó nên bị cụ Phi tố cáo các cán bộ này và cụ làm đơn thưa kiện nhiều nơi vì bị chính quyền địa phương chiếm mất khoảng 3ha đất một cách trắng trợn... Đến năm 1992, UBND tỉnh Bình Thuận có cử cán bộ về làm việc và nói là để cấp lại chỗ đất khác cho cụ. Nhưng cụ Phi không đồng ý lấy đất chỗ khác, vì phần đất còn lại trên 1ha này có phần mộ của chồng và cháu nội cụ chôn cất từ trước giải phóng... Thời gian sau địa phương có chủ trương làm sổ đỏ cho các hộ dân địa phương có đất và gia đình cụ Phi được cán bộ địa chính đến hướng dẫn làm thủ tục đo đạc rồi ngày 09/12/1996, cụ được UBND huyện Tuy Phong cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) 11.230m2 ngay trên diện tích hơn 4 ha đất cũ của mình (cũng chính là phần đất có mộ chồng và cháu nội cụ). Tuy so với diện tích đất cũ, chỉ còn được 1/4, nhưng cụ Phi cũng chấp nhận và đến năm 2002 cụ đã lập giấy phân chia diện tích đất kể trên cho 7 người con, sơ đồ phân chia đất được Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Trung Đàng ký tên, đóng dấu chứng thực. Vậy mà sau 8 năm được cấp sổ đỏ, ngày 15/5/2003, UBND thị trấn Liên Hương lại “mời” cụ đến trụ sở yêu cầu trả lại đất, trả lại sổ đỏ…nhưng cụ Phi thấy vô lí nên không đồng ý trả...

Sơ đồ thửa đất duy nhất của chị Lê Thị Ty (ảnh lớn) cũng đã được cấp sổ đỏ từ ngày 22-4-2004. Còn (2 ảnh nhỏ) thì thửa đất của bà Phi (KP5), được cấp sổ đỏ là hình thang. Trong khi đó sơ đồ thửa đất số 32 trong sổ đỏ 515473 của cụ Lê Thị Phi (KP3) là hình chữ nhật.

Quyết định ban hành đầy mâu thuẫn và trái luật!
Ngày 03/11/2003, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, Trần Văn Nhựt ký Quyết định số 1646/2003/QĐ/CT.UB-TP, về việc thu hồi hủy bỏ GCNQSDĐ 03 thửa đất số 32, 54, 55 với diện tích 11.230m2 của cụ Lê Thị Phi (KP3)… Và tại Điều 2, Quyết định 1646 nêu: “ Giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND thị trấn Liên Hương tổ chức bàn giao Quyết định hủy bỏ GCNQSDĐ của hộ cụ Lê Thị Phi (KP3)…Phối hợp cùng Phòng địa chính huyện hướng dẫn làm thủ tục cấp GCNQSDĐ 03 thửa đất đó cho hộ bà Lê Thị Phi (KP5) ”.
Bất bình trước Quyết định ban hành nhiều mâu thuẫn, không khách quan, cụ Phi (KP3) có đơn kêu cứu gửi đến nhiều cơ quan báo chí. Các nhà báo KTNTCT về điều tra rồi đăng (02 kỳ) “Chủ tịch huyện ký bừa”, nội dung bài báo đã chỉ ra những sai trái trong Quyết định thu hồi sổ đỏ số 1646...

Ngày 03-6-2004, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, Trần Văn Nhựt có Công văn số 528/UB-TP về việc phản hồi 2 bài báo này hết 07 trang A4, với lời lẽ rất gay gắt…và yêu cầu Tổng biên tập Báo KTNTCT cử người có trách nhiệm về xác minh để làm rõ… Điều đáng nói là trong Công văn phản hồi 528 của Chủ tịch huyện Trần Văn Nhựt, có nhiều nội dung mâu thuẫn, sai sự thật. Cụ thể, từ dòng 01 đến dòng 04, trang 4 nêu: “Ngày 30-9-2003, Công an huyện có báo cáo gửi Chủ tịch UBND huyện (báo cáo số 136 BC/CAH kết quả xác minh) xác định GCNQSDĐ số 515473 không phải của bà Lê Thị Phi (KP3) và cũng không phải của bà Lê Thị Phi (KP5)”. Như vậy, lãnh đạo huyện đã biết rõ sổ đỏ đó không phải của bà Phi nào… vậy mà Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Nhựt lại đi ban hành Quyết định số 1646 để thu hồi sổ đỏ của bà Phi KP3 rồi chỉ đạo cấp dưới làm đầy đủ thủ tục cấp sổ đỏ số đất đó cho bà Phi KP5? Sau đó, bí thế quá và không làm sao giải thích nổi sự “vênh váo” khi bị báo chí phanh phui, ông Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong giải trình từ dòng thứ 9 đến dòng 23, trang 03, (mục 2) Công văn phản hồi số 528, như sau: “ Nguyên nhân việc cấp tăng thêm diện tích trong sổ đỏ cho bà Lê Thị Phi (KP5) là: Trong tờ bản đồ số 2, vẽ chung 2 khu vực đất nông nghiệp khu rẫy Cây Me và khu Bầu Sen Miễu có đất của bà Lê Thị Ty và bà Lê Thị Phi (KP5). Bà Lê Thị Ty, con gái ông Lê Thi (mù mắt), có sử dụng đất sản xuất tại khu Bầu Sen Miễu, hai thửa số 54 và 55, diện tích 8.968m2 (tại biên bản ngày 06-4-2004 của Phòng Tài nguyên-Môi trường kiểm tra thực địa và xác minh các nhân chứng, biên bản ngày 18-5-2004 của Phòng Tài nguyên-Môi trường xác minh làm việc với ông Lê Thi). Do trong quá trình đo đạc thực địa quy chủ sử dụng đất, cán bộ đo đạc và cán bộ địa chính đã đưa 2 thửa đất số 54 và 55 của bà Ty đang sử dụng để cấp cho bà Phi (KP5). Do đó, từ chỗ bà Phi (KP5) chỉ đang sử dụng 01 thửa đất số 32, lại được cấp thêm 2 thửa số 54 và 55 nên diện tích tăng lên 11.230m2. Nguyên nhân là do cấp lộn diện tích và quy chủ không đúng (thay vì Lê Thị Ty lại ghi cấp cho bà Lê Thị Phi (KP5)”. (Xin nói thêm, Quyết định thu hồi sổ đỏ số 1646 nêu trên chỉ liên quan đến 2 bà Phi…Sau bài “Chủ tịch huyện ký bừa”, họ lại phải “vẽ ra” thêm người thứ 3 là ông Lê Thi và con gái ông là Lê Thị Ty – PV).

Cựu Chủ tịch huyện Tuy Phong Trần Văn Nhựt, người đã ra Quyết định có nhiều mâu thuẫn, trái pháp luật để thu hồi sổ đỏ và đất của cụ Lê Thị Phi (KP3).

Trong quá trình điều tra, phóng viên đã tìm gặp ông Lê Thi và chị Lê Thị Ty con gái ông cùng những người có đất ở khu vực này ra hiện trường thì mọi việc đã rõ và được đăng tải trên Báo PLVN ngày 13-7-2005, với tựa bài: “Bình Thuận: Chủ tịch tỉnh chỉ đạo cấp sổ đỏ cho đất…không có thật”. Nội dung bài báo đã chỉ ra ông Lê Thi không hề có đất, chỉ có con gái ông là chị Lê Thị Ty có duy nhất 1 thửa đất số 53 và cũng đã được cấp sổ đỏ số 623739 từ ngày 22-4-2004 với diện tích 9.472m2 chứ không phải là 2 thửa 54 và 55 với diện tích chỉ có 8.968m2 như nội dung phản hồi của ông Trần Văn Nhựt Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong lý giải “sai sự thật” ở công văn phản hồi 528 nêu trên...

Chị Lê Thị Ty (con gái ông Lê Thi) cho phóng viên biết gia đình chị không hề có 2 thửa đất 54 và 55… nhưng chính quyền nơi đây cố tình “gán ghép” chị đang sử dụng 2 thửa đất “ảo” hiện nay chưa được cấp sổ đỏ?

Sổ đỏ của 3 chủ sở hữu, thể hiện rất rõ các thửa đất của mỗi nhà là rất khác nhau về hình dáng và diện tích…làm sao có sự nhầm lẫn được?!

Điều tra của Thế Bôn

Kỳ 2: UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết vòng vo…

Bạn đang đọc bài viết Vụ thu hồi sổ đỏ ở Bình Thuận: Đường đi hay tối, nói dối hay cùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Ếch
Con ếch ngồi ở đáy giếng///Vì sao nó kêu rất to,///và huyênh hoang quá đỗi?///Giương đôi mắt lồi, nó đang chứng tỏ điều chi?