Thứ tư, 24/04/2024 00:40 (GMT+7)

Như Thanh (Thanh Hoá): Bất thường trong công tác đấu thầu xây dựng

MTĐT -  Thứ năm, 21/05/2020 16:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử nhận được nhiều thông tin về các dự án của Huyện ủy – UBND huyện Như Thanh, Thanh Hóa đấu thầu có nhiều biểu hiện bất thường.

Bất thường trong các gói thầu

Theo thông tin chúng tôi nhận được, các gói thầu do Huyện uỷ, UBND huyện Như Thanh tổ chức trong năm 2019 với tổng dự toán chi ngân sách cho 29 gói thầu trên là khoảng 74 tỉ đồng nhưng chỉ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 93 triệu đồng. Điều đáng nói là chỉ có vài đơn vị “thay nhau trúng thầu”. Tất cả đều có giá trúng thầu rất sát so với giá dự toán công trình, lý do trượt thầu của các nhà thầu “thay nhau trúng thầu” này cũng rất giống nhau.

Thời gian gần đây, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam luôn nhận được phản ánh của bạn đọc về những bất thường trong các gói thầu do UBND huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Như Thanh (BQLDA huyện Như Thanh) tổ chức.

Cụ thể, khi rà soát 29 gói thầu có dấu hiệu nghi ngờ trong năm 2019, do Huyện uỷ- UBND huyện Như Thanh tổ chức, tất cả đều có giá trúng thầu rất sát so với giá dự toán công trình. Tổng dự toán chi ngân sách cho 29 gói thầu trên là: 74,743,047,000 (Bảy mươi bốn tỷ bảy trăm bốn mươi ba triệu không trăm bốn mươi bảy nghìn đồng). Sau tiến hành đấu thầu, ngân sách thực chi là: 74,649,065,739 (Bảy mươi bốn tỷ sáu trăm bốn mươi chín triệu không trăm sáu mươi lăm nghìn bảy trăm ba mươi chín đồng). Như vậy UBND huyện Như Thanh chỉ tiết kiệm cho ngân sách vẻn vẹn là: 93,981,261 (Chín mươi ba triệu chín trăm tám mươi mốt nghìn hai trăm sáu mươi mốt đồng). Tỷ lệ thấp đến mức khó tin.

Nhà thầu thân quen

Trong 29 gói thầu của năm 2019 đã đề cập, chỉ có vài đơn vị “thay nhau trúng thầu”. Nổi cộm nhất là Công ty TNHH Một thành viên 172 với 6 gói trúng; Công ty CP xây dựng LKT trúng 4 gói; Công ty TNHH Dũng Tuấn trúng 5 gói; Công ty TNHH Chinh Nga trúng 3 gói; Công ty TNHH Nam Dương trúng 5 gói. Tổng số ngân sách trúng thầu của 5 đơn vị trên đã là hơn 60 tỷ đồng nhưng tỷ lệ bỏ thầu của các đơn vị này cực kỳ chính xác. Đơn cử, 6 gói thầu mà Công ty TNHH Một thành viên 172 đã trúng, chỉ chênh lệch khoảng 26 triệu đồng so với tổng giá gói thầu hơn 22 tỷ đồng. Lần lượt, sự chênh lệch ở các đơn vị sau cũng chỉ xoay quanh con số vài chục triệu đồng cho các gói thầu “khủng”.

Ngày 2/5/2019, ông Đỗ Thanh Minh, Giám đốc BQLDA huyện ký thông báo số 17/TB-QLDA về kết quả lựa chọn nhà thầu tại Gói thầu số 3 “Thi công xây dựng công trình: Đền bù GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng thực hiện di dời, tái định cư Khu dân cư Bái Giềng về thôn 5, xã Phúc Đường, huyện Như Thanh; Hạng mục: Xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính Công ty TNHH Dũng Tuấn đã trúng gói thầu trên với giá bỏ thầu: 2.080.174.000 thấp hơn giá dự toán ban đầu chỉ khoảng 1,3 triệu đồng. Nhà thầu trượt là Công ty TNHH Một thành viên 172; Công ty TNHH Nam Dương. Lý do trượt: năng lực kinh nghiệm và tài chính.

Ngay sau đó, tại gói thầu “Cải tạo, nâng cấp hệ thống rãnh thoát nước từ đền Phủ Sung ra sông Khe Rồng”, được mở ngày 16/5/2019. Công ty CP xây dựng LKT trúng thầu với giá là 3.372.661.000 đồng. Lần này, danh sách nhà thầu trượt lại là: Công ty TNHH Dũng Tuấn và Công ty TNHH Nam Dương với lý do: “Không đáp ứng được yêu cầu về nhân sự chủ chốt và máy móc, thiết bị.”

Tiếp đó, tại gói thầu “Cải tạo, nâng cấp hồ Cây Thị, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh”, Công ty TNHH Một Thành Viên 172 trúng với giá gần 4,5 tỷ đồng, danh sách trượt thầu lại xuất hiện hai cái tên quen thuộc. Cũng trượt thầu vì không đáp ứng được: năng lực kinh nghiệm.

Đáng chú ý hơn gói thầu “Xây dựng nhà làm việc Huyện uỷ Như Thanh”, được mở ngày 2/4/2019. Công ty TNHH Một thành viên 172 trúng với giá là 10.524.683.000 thấp hơn giá dự toán ban đầu chỉ khoảng 8,4 triệu đồng. Lần này, danh sách nhà thầu trượt lại là: Công ty TNHH Nam Dương và Công ty CP xây dựng Văn Gia.

Cái vòng luẩn quẩn trúng- trượt; trượt- trúng đó cứ liên tục lặp đi lặp lại trong các gói thầu trên địa bàn huyện miền Núi.

Đến đây, dư luận đặt câu hỏi: có hay không hiện tượng “quân xanh” để chia chác các gói thầu do UBND, BQLDA huyện tổ chức? Bởi các lý do trượt thầu của các đơn vị hết sức vô lý. Năng lực kinh nghiệm hay năng lực nhân sự được hình thành trong cả một quá trình hoạt động của doanh nghiệp chứ không phải một sớm một chiều.

Liệu rằng chính quyền có ưu ái và sắp đặt để một số doanh nghiệp thay nhau trúng thầu hay không?

Cán bộ đã làm đúng!?

Phóng viên đã liên hệ với một UBND huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để tìm hiểu rõ hơn thì được giới thiệu sang BQLDA huyện trao đổi.

Tại buổi tiếp xúc, ông Đỗ Thanh Minh - Giám đốc BQLDA huyện cho biết: “Các gói thầu đều thực hiện đúng. Nhưng để lấy các hồ sơ thì PV cần thông qua các xã còn chúng tôi không quản lý hồ sơ đó. Vì vậy PV muốn tiếp cận giấy tờ thì PV tự đi tìm hiểu các xã.”

Khi PV có hỏi đến gói thầu “Xây dựng nhà làm việc Huyện uỷ Như Thanh” có được đăng công khai trên mạng hay không, ông Minh có trả lời, hồ sơ được đăng công khai, nhưng trên thực tế khi PV truy cập https://dauthau.info/plans/?id=275856  không có một thông tin nào về danh sách các đơn vị tham gia gói thầu cũng như đơn vị trúng thầu.

Chính vì điều này càng khiến dư luận đặt ra nghi vấn. Tại sao BQLDA huyện Như Thanh không để PV tiếp cận giấy tờ của các đơn vị liên quan đến dự án cũng như hồ sơ năng lực dự thầu của một số đơn vị khi mà những tài liệu đó đáng nhẽ ra được đăng công khai trên trang thông tin của huyện?

Cũng theo ông Minh “ tất cả các gói thầu trên vẫn chưa được thanh tra, kiểm tra và ra kết luận”.

Thực trạng hiện nay, những gói thầu xây lắp có giá trị cao thường yêu cầu rất nghiêm khắc về năng lực của nhà thầu tham dự, trong đó có các yêu cầu về năng lực tài chính, thiết bị máy móc và nhân công…có trình độ tương ứng. Nhưng rất ít đơn vị có thể đáp ứng được các điều kiện này, thông qua các mối quan hệ, chính doanh nghiệp đã đi đêm với chủ đầu tư để làm khống, làm giả hồ sơ tham dự đấu và trúng thầu. Bên cạnh đó “hệ thống liên minh” này  có những thủ đoạn cũng hết sức tinh vi nhằm qua mặt các cơ quan quản lý như: nâng khống giá trị gói thầu, bố trí một nhà thầu có năng lực thực sự sau đó rút, bán cái lại cho sân sau, thường đơn vị này sẽ xếp thứ hai trong kết quả mở thầu. Như vậy họ đã hợp thức hoá được tư cách trúng thầu. Đây là hình vi mua bán thầu, bị nghiêm cấm theo Điều 89 Luật đấu thầu 2013, chế tài xử phạt đến mức xử lý hình sự theo điều 122, Bộ Luật hình sự 2015.

Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá, cần vào cuộc nhanh chóng để thanh tra, kiểm tra theo luật quy định tại thông tư liên tịch 18/2005/TTLT-BXD-TTCP của Thủ tướng Chính phủ.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ thông tin trong các bài viết sau.

Bạn đang đọc bài viết Như Thanh (Thanh Hoá): Bất thường trong công tác đấu thầu xây dựng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới