Thứ sáu, 26/04/2024 00:17 (GMT+7)

Lương Sơn: Dân khốn khổ vì mỏ đất núp bóng ‘đại công trình'?

Văn Chương- Ngọc Ly -  Thứ tư, 20/05/2020 17:22 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Người dân xã Hòa Sơn sống trong cảnh khốn khổ vì mỏ đất của ông Cao Văn Thuận đang khai thác. Bụi, ồn, xe trọng tải lớn cày nát đường. Ngoài ra, người dân còn tố mỏ đất này khai thác vượt diện tích?

Chính quyền bất lực?

Vừa mở đầu câu chuyện, ông Bùi Đức Quyên – Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) cho biết, đời sống người dân thôn Suối Nẩy, xã Hòa Sơn đã và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì hoạt động của mỏ đất trong địa bàn xã.
“Đã từng xảy ra việc người dân chặn xe tải, không cho đi vào thôn vì ảnh hưởng tới môi trường, hạ tầng”, ông Quyên nói.

Xe quá khổ quá tải cày xới đường làng.

Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn cho biết thêm, tình trạng xe quá khổ, quá tải chở đất không che bịt đã diễn ra trong thời gian dài, địa phương cũng đã nhiều lần kiểm tra, trong đó bao gồm cả UBND xã Hòa Sơn và phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện Lương Sơn. Tuy nhiên tình trạng nêu trên không thuyên giảm.

Cụ thể hơn, ông Quyên cho hay, khu mỏ khai thác đất là tại thôn Suối Nẩy, của hộ gia đình ông Cao Văn Thuận dưới dạng Giấy phép khai thác đất san, lấp (Công trình cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp). Vào cuối năm 2019, khu mỏ đã bị đình chỉ hoạt động vì có vi phạm.

Cận cảnh "đại công trường".

Theo tìm hiểu của phóng viên, Giấy phép số 77/GP-UBND ngày 30/10/2019, do UBND tỉnh Hòa Bình cấp cho hộ gia đình ông Cao Văn Thuận khai thác đất san, lấp khi thực hiện cải tạo mặt bằng đất nông nghiệp tại địa chỉ thôn Suối Nẩy xã Hòa Sơn bao gồm nội dung: vị trí thửa số 199 tại tờ bản đồ số 01 thông Suối Nẩy, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Diện tích khai thác là 11.919m2, khối lượng là 93.482,5m3, thời gian khai thác là 10 tháng.

Người dân phản ánh diện tích hơn 11.000m2 được cấp phép đã bị vượt quá.

Giấy phép nêu rõ, yêu cầu gia đình ông Thuận có trách nhiệm khai thác đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng quy định. Trước khi thi công, phải cắm mốc ranh giới phạm vị được khai thác và thông báo cho UBND xã Hòa Sơn để giám sát việc khai thác theo quy định.

Khi thi công khai thác phải đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho đất đai và các công trình liền kề, thực hiện đúng quy trình khai thác và áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường theo phương án đã được thẩm định. Trường hợp có dấu hiện không đảm bảo an toàn, phải dừng ngay hoạt động khai thác, đồng thời có biện pháp khắc phục kịp thơi và báo cáo ngay bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại gây ra (nếu có).

Phải thường xuyên thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực khai thác. Thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện khai thác, cải tạo mặt bằng.

Điều 3 của giấy phép ghi rõ, “trường hợp gia đình ông Cao Văn Thuận vi phạm quy định pháp luật có liên quan hoặc không thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Giấy phép này, Giấy phép sẽ bị thu hồi”.

Người dân kêu cứu

Các quy định nêu rõ là vậy, nhưng theo ghi nhận thực tế của PV, hoạt động ở mỏ đất gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến đời sống người dân xã Hòa Sơn. Ngày 19/5, nghĩa là sau thời gian khu mỏ bị đình chỉ (theo thông tin của Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn), hoạt động tại đây vẫn vô cùng rầm rộ.

Người dân xã Hòa Sơn khốn khổ vì bụi, ồn, mất toàn giao thông do xe "siêu khủng" gây ra.

Lối Hòa Sơn vào vốn đã khúc khuỷu đã càng khó đi hơn khi bị hàng chục chiếc xe hạng nặng quần thảo mỗi ngày. Mặt đường ngoằn ngoèo vệt bánh xe tải hằn lõm, những chiếc xe nhỏ gầm thấp phải vô cùng vất vả để vượt qua, nếu di chuyển bằng xe gắn máy, người dân cũng gặp khó vì những vũng sình lầy trơn trượt.

Càng tiến gần khu mỏ, những tấm biển “Khu dân cư” hay “Cấm xe tải” do người dân tự cắm mọc lên nhan nhản, PV cũng tận mắt thấy một hộ gia đình hò nhau khiêng đá hộc, gốc cây lớn làm barie ngăn các xe lấn sát vào tường nhà, chỉ những rung chấn thôi cũng đủ để bức tường ọp ẹp thôn nghèo sụp đổ.

Những quả đồi nham nhở.

Trong khi đó, hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường gần như bị bỏ lơ, chỉ có 2 chiếc xe téc loại nhỏ được đưa vào sử dụng với mục đích tưới đường. So sánh với quy mô mỏ, số lượng xe ra vào mỗi ngày, 2 chiếc xe téc này chỉ như “muối bỏ bể”. Theo thông tin mà Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn thì liên tục có các đoàn thuộc nhiều đơn vị đã thực hiện công tác kiểm tra nhưng không hiểu sao mỏ đất này vẫn ung dung tồn tại.

Đây là câu trả lời mà chính quyền tỉnh Hòa Bình; UBND huyện Lương Sơn cần giải đáp một cách rõ ràng, để lòng tin của cử tri không bị lung lay trước kỳ Đại hội Đảng sắp tới.

Trách nhiệm của UBND tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Lương Sơn, xã Hòa Sơn ở đâu, Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin ở bài tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết Lương Sơn: Dân khốn khổ vì mỏ đất núp bóng ‘đại công trình'?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.