Thứ bảy, 20/04/2024 14:58 (GMT+7)

Liên Châu (Vĩnh Phúc): “Không bao che cho sai phạm...”

Nhóm PVĐT -  Thứ sáu, 08/06/2018 17:24 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngoài việc cho thuê và sử dụng tiền đất khẩu của người dân, lãnh đạo xã Liên Châu có biến đất nông nghiệp thành con “sông” nhân tạo?

Mới đây, người dân xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc đã đồng loạt trực tiếp đứng đơn tố cáo tình trạng “ăn cắp” trắng trợn tài nguyên cát, đất sét trắng xảy ra trên địa bàn gây thiệt hại cho nhà nước hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng trong suốt nhiều năm qua, xảy ra chủ yếu ở bãi nổi và đầm Sung.

Clip: Khai thác đất tại bãi nổi diễn ra năm 2017 một cách rầm rộ (Tư liệu do người dân cung cấp):

Đáng nói, theo người dân địa phương, sự việc có dấu hiệu tiếp tay, tham gia, thậm chí bao che và đang tìm cách “hợp thức hóa” của một số lãnh đạo xã (?)

Biến đất khẩu thành sông

Như chúng tôi đã đề cập ở nhiều bài trước, bãi “nổi” là tên gọi mang tính lịch sử, chỉ vùng bãi nằm ngoài đê bối của xã Liên Châu, mấy chục năm trước. Sau mùa lũ từ sông Hồng thì khu đất 120 hécta này “nổi” lên dù hơn hai chục năm nay các thủy điện lớn được hoàn thành và điều tiết rất tốt, không còn cảnh bị “chìm” vào mùa mưa, nhưng nhiều người vẫn quen gọi theo lối cũ là bãi “nổi”.

Ruộng bãi bị khai thác thành "sông" tại phần đất khẩu của Thụ Ích và Nhật Chiêu, 2 bờ sông cây cối xanh tốt (Ảnh chụp tháng 3/2018).

Theo đơn phản ánh, nhóm phón PV Môi trường và Đô thị đã trực tiếp mục sở thị hiện trường và “choáng ngợp” khi chứng kiến một dòng “sông” nhân tạo được hình thành từ sự năng nổ của xe tải và máy múc.

Theo đó, vào cuối 2016 - 2017 người dân tại thôn Nhật Chiêu 5 “giật mình” không hiểu đoàn xe ô tô, máy múc bỗng rầm rộ hoạt động rồi vận chuyện đất cát được moi múc ngay trước giải bãi cạnh thôn hướng ra sông “đem đi đâu không biết”?

Việc khai thác, vận chuyển đất cát này khiến đường làng mù mịt bụi và ồn ào vì hàng đoàn xe chạy rầm rập suốt cả ngày lẫn đêm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân. 

Ban đầu, không ai để ý nhưng vì thấy ruộng bãi bị moi múc rất sâu từ 6 - 7m, lại có một đường dẫn được đào rộng 2m sâu tương tự từ “hố phân” chứa xả thải trực tiếp từ trang trại lợn vào cách đó khoảng 300m. Người dân Nhật Chiêu mới nghi ngờ đây là hố đào để chứa thêm phân cho trang trại lợn nên bà con kéo vào chất vấn.

Giải đáp thắc mắc của người dân, lãnh đạo xã cho biết, xã chỉ nạo vét chứ không chứa phân, rồi cho máy gạt san 2 bên bờ đường dân xuống và cho chặn từ đầu hố chứa phân ngoài gần trang trại lại.

Tuy nhiên, do làm qua loa nên hiện giờ đường dẫn này vẫn còn sâu, nước bị đọng lại. Kỳ lạ, sự việc này vẫn đang diễn ra và có vẻ gấp rút hơn. 

Do quá bức xúc, nhiều người đã phản đối và nhiều lần yêu cầu lãnh đạo xã phải giải thích sự việc nhưng vẫn không được giải đáp thỏa đáng.

Vì vậy, nhiều người dân tại thôn Nhật Chiêu 5 trong đó có ông Đỗ Văn Phố đã phải liều mình ngồi vào gàu máy đang thi công thì hoạt động "moi múc" này mới được tạm dừng. 

Người dân cho biết việc múc đất diễn ra năm 2017.

Theo người dân, khoảng 3 ha đất cát bị "trộm". Thế nhưng do đất đai quá màu mỡ, cây cối xanh tốt nên chỉ vài tháng sau khung cảnh dường như quá “ăn khớp” và có lẽ không ai phát hiện nơi đây từng là ruộng bãi. 

Riêng tại địa điểm này ít nhất đã có khoảng 150.000 m3 đất cát không cánh mà bay. “Hiện trường” vẫn còn nguyên cho đến tận ngày PV Môi trường và Đô thị đến tác nghiệp mới đây.

Ai là người tư lợi?

Theo lời cụ Đỗ Văn Tâm (70 năm tuổi Đảng) là cán bộ lão thành cách mạng cho biết, trước những bức xúc của người dân, cụ và một số Đảng viên đã phải lên tiếng. 

Đơn của cụ Đỗ Văn Tâm (70 năm tuổi Đảng) người dân xã Liên Châu.

"Bí thư, Chủ tịch xã đã mời cụ và một số Đảng viên ra và “ở trụ sở làm việc của xã, họ cũng thừa nhận hoàn toàn hiện trạng bị khai thác như trên nhưng chỉ nói” vì chúng tôi thiếu sâu sát nên không biết. Đồng thời hứa sẽ buộc đối tượng khai thác phải đền bù lại cho nhà nước toàn bộ số tiền bán được từ “ăn cắp” tài nguyên này", – Trích đơn tố cáo của cụ Đỗ Văn Tâm.

Tuy nhiên theo cụ Tâm và nhiều người dân thì lãnh đạo xã Liên Châu nói sai sự thật và chỉ hứa mà không làm. “Họ cùng nhau bắt tay cho biến tướng từ một sự việc hợp đồng cho thi công một rãnh thoát nước, rộng gần 2m, sâu 1m trong khi bản thân rãnh này cũng không cần thiết” không phục vụ bất cứ việc gì, ngoài việc trắng trợn cướp tài nguyên.

Nhiều người dân thông tin, vị trí này hơn 1 năm về trước là một cái vạt khi mưa đọng nước vài giờ rồi lại tự tiêu, chỗ sâu nhất 30cm nên người dân vẫn tận dụng trồng thanh hao hoa vàng.

Theo mô tả, toàn bộ khu bãi nổi địa hình vốn bằng phẳng thoai thoải dân ra bờ sông chứ tuyệt nhiên không có một hố, hồ nước nào sẵn có đó chính là đặc tính tự nhiên của bồi đắp sông. Chỉ có sự tác động của con người thì mới tạo ra các hố và hồ, “sông” ngay trong bãi cạn.

 Cụ Nhàn, thôn Nhật Chiêu 7 một trong nhiều người trực tiếp chứng kiến tài nguyên bị moi múc.

Người dân cho biết, họ coi bản hợp đồng xã nói là “bịa chuyện” để lấy cớ khai thác tài nguyên.

Tại Hội nghị tập kết Đảng bộ xã năm 2017 ông Long (Bí thư xã Liên Châu) cho biết, việc moi đất cát trên là để khơi thông luồng lạch. Đồng thời thông tin, trước đây xã từng mượn một khối lượng cát của một người ngoài xã nên chỉ đem trả bớt và một phần là lấy cát để trả công cho bên thi công nên không chi tiêu vào ngân sách xã và việc làm này lại “rất có lợi vì tiết kiệm cho ngân sách”.

“Không bao che cho sai phạm...”

“Gian dối” và “tráo trở” là từ mà nhiều bà con nhất là thôn Nhật Chiêu 5 dùng khi tiếp xúc với nhóm PV cũng như ghi trong đơn khi mô tả về lãnh đạo xã Liên Châu. Theo đó “sự thật là cát bị bán và khai thác từ nhiều năm nay, chứ không riêng đợt đầu năm 2017".

Theo bà con, ngay từ đầu khi cho moi múc đất bãi, lãnh đạo xã không nói bất cứ điều gì với dân, đến khi bị phản ứng thì nói một kiểu, lúc buộc phải xác nhận tình hình thì lại hứa và nói kiểu khác để chối bỏ lời hứa. 

Nhiều người dân cũng bức xúc nói, làm gì có dòng chảy nào mà khơi thông, trong khi nói ngân sách xã không mất tiền như thể là đang làm được việc tốt…

Chính điều này khiến người dân không thể chấp nhận vì họ cho rằng “nhã ý” của mình đã bị chính lãnh đạo xã hất đi và coi thường. “Càng gian dối dân sẽ càng đấu tranh cho mà xem” – trích nguyên đơn.

Dòng "sông" nhân tạo đoạn rộng nhất là 70 m, dài hơn 400m (Ảnh chụp tháng 6).

Theo quan sát của NPV, con “sông” mới này làm mất diện tích đất đai rất lớn đúng như người dân phản ánh. Nó còn khiến diện tích đất màu mỡ xung quanh chắc chắn bị sạt lở theo thời gian. Sự xanh tốt của hàng hàng lớp lớp cây được trồng dọc 2 bên bờ “sông” càng chứng tỏ đất đai nơi đây thực tế rất màu mỡ và hoàn toàn có thể thích hợp để canh tác các loại cây đem lại hiệu quả kinh tế.

Đáng nói, con “sông” còn là đất khẩu của xã nên tính chất sự việc càng nghiêm trọng. Ngay đối với quỹ đất công ích giả sử để lại có đúng tỷ lệ theo Nghị định 64 năm 1993 đi nữa, cấp xã được quyền quản lý và sử dụng. Nhưng không và tuyệt đối không bao giờ đồng nghĩa rằng được quyền thay đổi hiện trạng, chuyển đổi công năng mà không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. UBND và lãnh đạo cấp xã không có quyền định đoạt quỹ đất đó.

Nhiều Đảng viên cho biết, phát biểu của ông Long ở Hội nghị là "tùy tiện, biện bạch và liều lĩnh", đã khiến người dân và Đảng viên buộc phải đề nghị lên cơ quan cấp trên để tiến hành điều tra để làm rõ ra sự việc thông đồng “ăn cắp” tài nguyên quốc gia ngay trên khu đất khẩu màu mỡ.

Câu hỏi đặt ra là, ai đã cho phép tự quyết cơ chế “đổi cát” lấy cơ sở hạ tầng này? Và việc làm này dù có khiến xã tiết kiệm được ngân sách nhưng động trạm tới tài nguyên quốc gia thì có đúng không? Và việc làm đã để lại hậu quả nặng như thế thì có đáng không? Gói thầu đáng bao nhiêu mà phải làm vậy.

Được biết, trên quỹ đất công ích của xã cũng xảy ra những việc tương tự với số lượng có thể lên tới hàng triệu m3 đất cát trong nhiều năm qua, gắn cả với việc hàng chục lò gạch lấy vật liệu tại chỗ hoạt động theo công nghệ nung cũ trong nhiều năm ở xã Liên Châu vốn rất nổi tiếng, gây ô nhiễm môi trường nặng nề vừa bị dỡ 3 năm nay do quy định của Nhà nước.

Nếu đúng như vậy thì việc “ăn cắp” tài nguyên quốc gia đã được thực hiện ngay trên cạn quá dễ dàng, múc lên bán ngay, múc tới đâu bán tới đó chứ không như nhiều chủ cát sỏi phải đầu tư rất nhiều tàu thuyền và nhân công, vất vả hút dưới sông lên mà thuê bãi mà tập kết. Với chi phí lớn về mặt bằng, trông coi và bảo quản.

Vụ việc xảy ra hoàn toàn nằm trên địa bàn xã Liên Châu quản lý chứ không liên quan gì tới diện tích bãi “nổi” huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội. Đáng nói, sự việc diễn ra trong nhiều năm nhưng không bị phát hiện.

Trong khi đó, người dân cho biết chỉ với một xe rùa, xe bò mà hộ nào “nhỡ” ra lấy mang về nhà thôi đã bị lực lượng chức năng xã phát hiện và xử phạt ngay.

Trên thị trường hiện nay, 1 m3 cát bán buôn ngay tại các “mổ”, địa điểm khai thác là từ 50.000 – 70.000 đồng, nhưng nếu được chuyển tới chân công trình thì giá tăng lên rất nhiều lần. Người dân nhẩm tính, chỗ “moi múc” trước thông Nhật Chiêu 5 là 150.000m3 cát bán tại chỗ thì số tiền ít nhất có thể lên tới cả chục tỷ đồng.

Qua tìm hiểu, hiện nay UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ mới cho phép khai thác cát đen tại các điểm mỏ thuộc địa bàn một số xã trong các giấy phép và quyết định đó không hề có tên Liên Châu, địa điểm khai thác cũng xa khu sản xuất thể hiện sự kỹ lưỡng và cẩn trọng của lãnh đạo tỉnh khi thông qua để bảo vệ đất sản xuất. Chứ không như ở Liên Châu lấy cát cả ngay trong khu đất khẩu, cách bờ sông hàng km.

Để có thêm thông tin, PV Môi trường và Đô thị đã đến làm việc với UBND huyện Yên Lạc.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc cho biết: “Sẽ không bao che cho sai phạm tại xã Liên Châu, sai đến đâu sẽ xử lý đó. Vừa rồi trên địa bàn huyện đã bắt 5 cán bộ tại xã Trung Nguyên, nhiều cán bộ ở Đại Tự, Đồng Cương, Đồng Văn bị kỷ luật…”.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về sự việc trên.

Bạn đang đọc bài viết Liên Châu (Vĩnh Phúc): “Không bao che cho sai phạm...”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

WHO phát hiện virus cúm H5N1 trong sữa bò
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 19/4 thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 trong sữa tươi nguyên liệu từ động vật bị nhiễm bệnh, tuy nhiên chưa rõ virus này có thể tồn tại trong sữa bao lâu.
Bài thơ: Nhớ Tháng Tư
Tháng Tư về mang theo nhiều kỷ niệm ////Đường Vườn Chuối (1) năm nào hai đứa cùng đi ///Có hàng me xanh cùng gió thầm thì///Loang loáng nước cơn mưa chiều đầu hạ