Thứ sáu, 26/04/2024 04:51 (GMT+7)

Kỳ lạ bức tường rào cao 4m: Xây trên đất nông nghiệp?

Xuân Hòa -  Thứ ba, 19/11/2019 14:06 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngoài việc xây dựng một bức tường rào cao 4m bịt nhà hàng xóm, ông Huy còn bị phản ánh xây một bức tường rào khác cao 2m trên đất nông nghiệp san lấp.

Như Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã thông tin trong bài viết: "Sông Lô - Vĩnh Phúc: Kỳ lạ bức tường rào cao 4m bịt nhà hàng xóm" đề cập đến câu chuyện gia đình ông Nguyễn Quang Huy (trú tại tổ dân phố Lạc Kiều, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) có hành vi xây dựng một bức tường hình chữ L cao 4m, dài 5,3m bịt phần thoáng phía sau nhà của ông Trần Hùng Thắng.

Ngoài ra, gia đình này còn bị phản ánh xây một bức tường rào trên đất không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ - PV).

Bức tường rào cao 4m bịt kín logia phía sau nhà hàng xóm của ông Huy.

Theo quan sát của PV, cạnh bên vuông góc với bức tường chắn nhà ông Thắng  của ông Huy có một bức tường rào xây bằng gạch xi măng, trụ bê tông cốt thép kiên cố và một bên là ruộng lúa nước.

Trong công văn số 21 ngày 18/7/2019 của UBND thị trấn Tam Sơn trả lời tố cáo của ông Thắng có thể hiện: “Tại thời điểm xác minh hộ ông Huy có xây dựng tường rào bao quanh san, lấp khu đất nông nghiệp do hộ sử dụng có chiều cao 2.3m (...) có láng xi măng 8.6m x 12m trên đất nông nghiệp” và kết luận: “Việc hộ ông Huy đã xây dựng tường rào và tự ý chuyển mục đích sử dụng đất UBND thị trấn Tam Sơn sẽ sử lý theo quy định của nhà nước”.

Khu đất ban đầu trước khi bị đổ đất và bị làm thay đổi hiện trạng sử dụng (ảnh bạn đọc cung cấp).

Trong Biên bản làm việc ngày 24/9/2019 của phòng TN&MT cũng thể hiện: “Theo kết quả đo đạc và kiểm tra thực tế cho thấy: Phần diện tích hộ ông Thắng ý kiến có diện tích là 119m2. Hiện nay hộ ông Huy đã đổ đất san nền, đổ bê tông và xây tường rào một phần (ở phía sau nhà hộ ông Thắng) có chiều cao 2,4m, dài 8m.”

Trong công văn số 72 ngày 29/9/2019 của phòng TN&MT Sông Lô trả lời tố cáo của công dân do ông Hoàng Đức Dũng, Trưởng phòng TN&MT, kí xác minh “Hộ ông Nguyễn Quang Huy đang sử dụng 119 m2, giáp với thửa đất ở của hộ ông Huy. Nguồn gốc thửa đất này do UBND xã Tam Sơn (nay là thị trấn Tam Sơn) giao cho hộ ông Huy từ năm 1994, có biên bản giao đất ngày 13/3/1994. Tuy nhiên đến nay ông Huy vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất tại vị trí nêu trên.

Hiện tại, UBND thị trấn Tam Sơn đang xem xét làm thủ tục liên quan đến đất đai, cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo đề nghị của ông Huy. Hiện trạng trên đất, ông Huy đã đổ đất, san nền láng nền bê tông tại diện tích nêu trên.”

Sau đó, bị gia đình ông Huy đổ đất tôn cao và láng xi măng (ảnh bạn đọc cung cấp).

Như vậy diện tích 119m2 mà hộ “ông Huy đã đổ đất, san nền láng nền bê tông” có bờ tường rào cao 2,4m ấy có nguồn gốc từ biên bản giao đất năm 1994 mà đến nay vẫn chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Theo thông tin mà PV có được, trong đó có 36m2 liền kề sau hộ ông Thắng là đất lúa nước được chuyển quyền sử dụng từ hộ khác năm 2014.

Khoản 3 và 9 Điều 12 của Luật đất đai 2013 nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong đó cấm như “sử dụng đất không đúng mục đích”; “Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo qui định của pháp luật”.

Khoản 1, 5 Điều 170 của Luật này thể hiện nghĩa vụ chung của người sử dụng đất là “Sử dụng đất đúng mục đích”, “không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan”.

Điểm a khoản 1 Điều 12 Thông tư 33/2017 của Bộ TN&MT sửa đổi bổ sung Thông tư số 02/2015 cũng qui định: “Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng kí biến động”. Và theo điểm b khoản 2 điều 11 Thông tư 02/2015 của Bộ TN&MT qui định người muốn đăng kí biến động phải có Đơn đăng kí và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đồng thời cũng tại điểm a khoản 1 điều 4 Nghị định 35/2015 của Chính phủ, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa có qui định “Điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm hoặc cây trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản” phải không làm mất đi các điều kiện phụ hợp để trồng lúa trở lại như không làm biến dạng mặt bằng, gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa…

Vậy việc ông Huy đổ đất tôn nền trên đất lúa cao đến 2m, rồi xây bức tường cao 4m trên đất đó bịt 2 tầng nhà hàng xóm khi chưa đăng kí biến động trên đất được giao từ năm 1994 (?) đến giờ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Phòng TN&MT cho rằng:“Nội dung tố cáo ông Huy vi phạm trong lĩnh vực đất đai là không có cơ sở” liệu đã đúng luật định?

Từ những nội dung phản ánh trên, đề nghị UBND huyện Sông Lô, UBND tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc làm rõ.   

Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Kỳ lạ bức tường rào cao 4m: Xây trên đất nông nghiệp?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.