Thứ năm, 25/04/2024 00:02 (GMT+7)

Kỳ 2: UBND huyện Mỹ Đức đang “làm ngơ” cho các sai phạm?

PV -  Thứ bảy, 29/06/2019 07:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tự ý lấy đất ven đê để làm vật liệu sản xuất gạch, lấn chiếm hành lang đê, vi phạm nghiêm trọng Luật đê điều, gây ô nhiễm môi trường nặng nề khiến bà con nhân dân ở huyện Mỹ Đức hết sức bức xúc.

Liên quan đến vấn đề Môi trường và Đô thị Việt Nam đăng tải về các lò gạch trên địa bàn huyện Mỹ Đức nhiều năm qua hoạt động gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân. Bên cạnh việc gây ô nhiễm, một số doanh nghiệp sản xuất gạch ở đây ngang nhiên vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi, tự ý khai thác thải nguyên khi không được phép.

Theo phán ánh của người dân, lò gạch của ông Nguyễn Bá Khẩn, tại thôn Vạn Thắng, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức đã có nhiều vi phạm trong hoạt động. Anh D, một người dân xã An Tiến cho biết: xã tôi là một xã thuần nông, cây lương thực chính được nhân dân trong xã trồng 2 vụ trong một năm. Tuy nhiên khói từ lò gạch đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân, năng suất cây trồng kém hiệu quả và còn ảnh hưởng đến sức khỏe.

Các lò gạch hoạt động ngày đêm "tra tấn" người dân tại huyện Mỹ Đức.

Không chỉ người dân ở xã An Tiến, người dân ở xung quanh (xã An Phú) mặc dù không có lò gạch nhưng cũng bị ảnh hưởng vì khoảng cách gần. Nhiều nhà có con nhỏ, ông bà già bị ốm suốt, đặc biệt là mắc phải các bệnh về đường hô hấp, khó thở. Theo tìm hiểu của PV, hiện lò gạch của ông Nguyễn Bá Khẩn không đảm bảo về khoảng cách với khu dân cư. Trong khi đó theo quy định khoản cách giữa lò gạch và khu dân cư phải cách xa ít nhất 1000m tính mốc từ nguồn phát thải trong nhà, xưởng sản xuất tới khu dân cư…

Theo quan sát của PV, bên cạnh việc ô nhiễm về khí thải, chủ lò gạch này còn tự ý đào đất ngay ven đê để làm gạch…các khu vực bị đào sâu và rộng hàng nghìn m2. Điều này khiến PV tự đặt câu hỏi, vậy nguyên liệu này có được cấp phép theo đúng quy định của pháp luật, khu vực được nạo vét có được chấp thuận của cơ quan chức năng hay không?

Công nhân tại lò gạch của ông Nguyễn Bá Khẩn không trang bị các bảo hộ lao động trong quá trình làm việc.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã An Tiến cho biết: việc người ta đã được cấp phép, cái này xã không đủ thẩm quyền cấp, các anh có thể lên đó yêu cầu đơn vị kinh doanh cung cấp. Ông Hoàng còn chia sẻ: “Lò gạch có cột khỏi xây rất cao, còn các đợt gió hay trời lạnh thì không tránh được, cái đó là do thiên nhiên tác động”. Khi được hỏi về việc sử dụng nguyên liệu, vị chủ tịch xã cho hay: “Lò sử dụng than đã qua sử dụng rồi về trộn lẫn với đất để đun trực tiếp”.

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã An Tiến, một cán bộ phụ trách đất đai xây dựng của xã đã dẫn chúng tôi đến lò gạch ông Nguyễn Bá Khẩn để trao đổi về các nội dung liên quan đến phản ánh của người dân. Tuy nhiên, khi được hỏi về một số căn cứ pháp lý, thủ tục hoạt động của lò này thì ông Khẩn cho rằng “chúng tôi không phải trình bày với các anh…giám đốc sở thành lập đoàn kiểm tra thì chúng tôi mới trình bày”.

Để rộng đường dư luận và có thông tin khách quan đa chiều, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Triều, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức thì ông này cho rằng: “Những lò gạch này thường xuyên có sự kiểm tra về lao động, vệ sinh môi trường, khí độc khí thải,… về vấn đề môi trường Sở TN&MT vẫn kiểm tra liên tục…môi trường của nó là đảm bảo”.

Chủ lò gạch ở huyện Mỹ Đức tự ý ngăn sông làm đường chuyên chở gạch, vật liệu xây dựng.

Như vậy, một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trên địa bàn huyện Mỹ Đức lại có dấu hiệu bưng bít che giấu thông tin. Điều này khiến người dân và dư luận thêm hoài nghi! Phải chăng, doanh nghiệp này đang được “bảo kê” để ngang nhiên vi phạm các quy định pháp luật? Hay các cơ quan chức năng của huyện Mỹ Đức đang cố tình “bật đèn xanh” cho các vi phạm các quy định về môi trường trên địa bàn?

Còn đối với lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức, phải chăng cơ quan này đang phớt lờ chỉ đạo của UBND thành phố. Khi mà đầu năm 2018 Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - Nguyễn Thế Hùng đã có văn bản số 340/UBND-ĐT. Yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã cần “chỉ đạo dừng ngay việc tiếp tục đầu tư, khai thác đất để sản xuất gạch đối với các lò vòng, lò đứng, lò cải tiến….kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm chủ trương chấm dứt hoạt động đối với lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nguyên liệu hóa thạch.”

Lò gạch của ông Nguyễn Bá Khẩn tự ý khoét đất công ngay tại chân đê để làm nguyên liệu sản xuất gạch.

Hay tại văn bản số 358/TB-UBND ngày 12/4/2018 thông báo về kết luật của tập thể lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, trong đó có nêu: đối với nhóm các lò gạch không phù hợp với quy hoạch, có khiếu nại, khiếu kiện…chấm dứt hoạt động trước tháng 6/2018. Cũng theo thông báo này, thành phố yêu cầu “nhóm không đúng quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường…xây dựng kế hoạch dừng hoạt động trong năm 2018” tuy nhiên đến nay đã hết 6 tháng của năm 2019 các lò gạch vẫn vô tư hoạt động.

Mặc dù chỉ đạo của thành phố đã rõ ràng như vậy, nhưng không hiểu vì lý do gì UBND huyện Mỹ Đức lại gửi nhiều báo cáo (báo cáo số 214/BC-UBND ngày 7/5/2018, 245/BC-UBND ngày 25/5/2018 và 250/BC-UBND ngày 29/5/2018 của UBND huyện) lên Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất cho "tồn tại" các lò gạch này vì “vị trí xa khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường”.

Những gì UBND huyện Mỹ Đức đang làm, phải chăng đã phớt lờ chỉ đạo của cấp trên, bỏ quên những bức xúc của người dân và liệu UBND huyện Mỹ Đức đang “làm ngơ” cho những vi phạm về luật môi trường, đê điều, công trình thủy lợi…Dư luận đang chờ đợi một quyết định và biện pháp xử lý nghiêm minh, công bằng, khách quan từ phía những người có trách nhiệm của thành phố Hà Nội.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin. 

Bạn đang đọc bài viết Kỳ 2: UBND huyện Mỹ Đức đang “làm ngơ” cho các sai phạm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồng Nai: Nhà hàng Purli xây dựng trái phép giữa rừng cao su
Theo phản ánh của nhiều người dân, Nhà hàng – hầm rượu Purli (ấp Trần Cao Vân, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm và đi vào hoạt động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không hay biết.

Tin mới

Bài thơ: Chuyện thế nhân
Bạn thân hỡi giữa thế giới bao la///Mình cứ sống cuộc đời mình là đủ///Màng làm chi lời khen - chê đủ thứ///Cứ an yên và hết mực chân thành